Xì hơi nhiều là triệu chứng bệnh gì?

Xì hơi nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh và những người xung quanh. Vậy xì hơi nhiều là triệu chứng bệnh gì, có nguy hiểm không?

1. Xì hơi là gì?

Xì hơi còn gọi là trung tiện hoặc đánh rắm. Xì hơi là tình trạng tích tụ hơi quá mức ở phần thấp của ống tiêu hóa và thải bỏ ra ngoài. Đây là một vấn đề khá tế nhị và xấu hổ, đặc biệt là khi xì hơi nhiều và nặng mùi.

Trung bình, mỗi ngày con người sẽ thải khí ra ngoài khoảng 20 lần. Tình trạng xì hơi là do dạ dày và đường ruột có chứa nhiều không khí. Vì vậy, nếu lo ngại về việc hay bị xì hơi thì bạn hãy yên tâm, vì đây là tình trạng bình thường, những người khác cũng gặp vấn đề tương tự như vậy.

Nếu xì hơi chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra với tần suất ít thì không gây nhiều ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày. Ngược lại, nếu thường xuyên bị đầy bụng, xì hơi thì người bệnh có thể gặp những vấn đề về sức khỏe, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Đồng thời, tình trạng này gây khá nhiều bất tiện trong giao tiếp với mọi người xung quanh.

2. Nguyên nhân gây xì hơi nhiều

2.1 Nguyên nhân sinh hoạt

Có nhiều nguyên nhân gây xì hơi nhiều. Đó là:

  • Dinh dưỡng không lành mạnh: Ăn nhiều thực phẩm chứa chất đường oligosaccharides như hạt mít, khoai lang và các loại đậu cùng lúc dễ dẫn đến tình trạng đầy hơi, khó tiêu và xì hơi nhiều. Bên cạnh đó, việc ăn không đúng bữa, bỏ bữa, kén ăn,... khiến nhịp sinh học và nhịp tiêu hóa của cơ thể bị rối loạn, giảm hiệu suất tiêu hóa của ruột, gây xì hơi nhiều;
  • Ăn nhiều đồ cay nóng, uống nước ngọt có ga: Khi cơ thể dung nạp nhiều thực phẩm này sẽ khiến dạ dày bị rối loạn, tích tụ khí trong dạ dày, dẫn tới khó tiêu, xì hơi nhiều;
  • Ăn quá nhiều: Là một trong những nguyên nhân gây xì hơi nhiều. Việc ăn lượng thức ăn lớn khiến dạ dày phải làm việc quá tải để tiêu hóa hết. Khi khối lượng lớn thực phẩm này tràn xuống ruột non và ruột già thì hệ vi sinh phải hoạt động nhiều hơn để phân giải các chất dinh dưỡng, tạo ra nhiều loại khí trong ruột, gây xì hơi nhiều và nặng mùi;
  • Thiếu men tiêu hóa: Men tiêu hóa là các enzyme có trong ruột non, giúp phân giải tinh bột thành đường glucose, chất béo thành các chuỗi lipid ngắn, protein thành các chuỗi acid amin nhỏ để cơ thể hấp thụ. Thiếu men tiêu hóa khiến cơ thể hấp thụ kém các vi chất, làm các khối tồn đọng của thực phẩm trong ruột non gây nên, gây khó tiêu, xì hơi nhiều;
  • Căng thẳng thần kinh: Căng thẳng khiến cơ thể bị mất cân bằng nội môi, rối loạn nội tiết tố,... tăng nguy cơ tổn thương dạ dày, rối loạn tuyến tụy và nhu động ruột. Từ đó, bệnh nhân dễ bị chán ăn, đầy bụng, xì hơi nhiều;
  • Ít vận động: Người ít vận động thường có nhu động ruột yếu, hoạt động trao đổi chất bị chậm, khiến quá trình chuyển hóa thức ăn trong đường tiêu hóa diễn ra ì ạch hơn. Điều đó dẫn đến tình trạng đầy hơi, khó tiêu, xì hơi liên tục.

2.2 Nguyên nhân bệnh lý

Xì hơi nhiều là triệu chứng bệnh gì? Ngoài các nguyên nhân do ăn uống, sinh hoạt thì xì hơi nhiều cũng là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý ở đường tiêu hóa. Đó là:

  • Viêm dạ dày, đại tràng hoặc tuyến tụy: Nếu bạn bị xì hơi nhiều kết hợp sôi bụng và táo bón dù không có thói quen ăn uống bất thường thì có thể bạn đã mắc bệnh viêm dạ dày, đại tràng hoặc bệnh lý ở tuyến tụy;
  • Nhiễm khuẩn đường ruột: Xì hơi quá nhiều là bệnh gì? Nếu không ăn những thực phẩm gây nặng mùi mà vẫn xì hơi nhiều và có mùi khó chịu thì có thể là do bạn đang bị nhiễm khuẩn đường ruột - bệnh lỵ amip;
  • Xuất huyết tiêu hóa: Triệu chứng táo bón, xì hơi nhiều và nặng mùi, phân có màu đen là biểu hiện cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, viêm loét đại tràng,...;
  • Loét dạ dày - tá tràng: Là tình trạng niêm mạc dạ dày - tá tràng có vết loét sâu, khiến bụng đau âm ỉ, dễ ợ chua, ợ hơi hoặc xì hơi nhiều;
  • Hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt): Bệnh nhân bị đau quặn bụng, rối loạn tiêu hóa (đặc biệt liên quan tới tần suất đại tiện và màu sắc của phân, bao gồm cả tình trạng xì hơi nhiều).

3. Nên làm gì khi bị xì hơi nhiều?

Phần trên là thông tin giải đáp xì hơi nhiều là triệu chứng của bệnh gì. Để kiểm soát căn bệnh này, người bệnh cần xem xét lại các nguyên nhân và áp dụng biện pháp can thiệp phù hợp. Cụ thể:

  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng của bản thân: Bổ sung thêm những thực phẩm giàu enzyme tiêu hóa và các probiotic (lợi khuẩn) tốt cho đường ruột. Probiotic có nhiều trong những món ăn lên men như sữa chua, kim chi, dưa muối, trà lên men kombucha,... Người bệnh có thể cân nhắc sử dụng các loại thực phẩm lên men để cải thiện triệu chứng xì hơi nhiều;
  • Hạn chế căng thẳng: Bạn không nên làm việc quá căng thẳng, gây áp lực cho bản thân. Hãy cố gắng thư giãn mỗi khi cảm thấy bị mệt mỏi, căng thẳng để giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn;
  • Không cố nhịn đi ngoài: Khi có nhu cầu đại tiện, trung tiện (xì hơi), bệnh nhân không nên cố nhịn mà hãy để khí thoát ra ngoài từ từ, nhẹ nhàng nhất có thể;
  • Ăn gừng, uống trà gừng: Gừng có vị cay nồng, tính ấm, giúp hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa. 1 ly nước gừng tươi mỗi ngày giúp tránh tình trạng nén khí, giảm đầy hơi, chướng bụng, xì hơi nhiều. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể thêm gừng vào chế độ ăn của mình;
  • Uống thuốc nhuận tràng: Khi bị đầy hơi, xì hơi nhiều, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc nhuận tràng nhẹ được bác sĩ tư vấn. Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc hoặc thay đổi liều dùng để tránh gặp phải những tác dụng phụ nguy hiểm.

Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc, bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân về các bài tập vật lý trị liệu cho cơ sàn chậu hoặc những bài tập cải thiện nhu động ruột,... nhằm làm giảm triệu chứng xì hơi nhiều.

4. Cách ngăn ngừa tình trạng xì hơi nhiều

Để không còn băn khoăn với câu hỏi xì hơi nhiều là triệu chứng bệnh gì, người bệnh nên chủ động phòng ngừa tình trạng này bằng cách:

  • Chườm nóng: Khi bị đầy bụng, việc chườm nóng giúp thư giãn cơ bụng, loại bỏ các chất khí tích tụ trong dạ dày;
  • Ăn nhiều bữa: Người bị xì hơi nhiều nên tránh ăn quá no trong 1 bữa mà nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Bệnh nhân nên ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn dễ tiêu hóa hơn;
  • Bỏ thuốc lá, rượu bia: Hút thuốc lá và uống rượu bia làm tích tụ khí dư thừa trong dạ dày, gây đầy hơi, chướng bụng, xì hơi nhiều. Từ bỏ các chất kích thích này chính là biện pháp hữu hiệu để cải thiện sức khỏe và phòng ngừa tình trạng trung tiện liên tục;
  • Vận động nhiều hơn: Bạn hãy luyện tập các bài tập nhẹ như đi bộ, yoga, thể dục nhịp điệu, dưỡng sinh vừa sức,... để kích thích nhu động ruột và hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, giúp khí trong cơ thể lưu thông tốt hơn, thoát ra ngoài dễ dàng hơn.

Trường hợp bị xì hơi nhiều kèm táo bón thường xuyên, kết hợp với các triệu chứng sau thì bệnh nhân nên đi thăm khám ngay:

  • Chán ăn, ăn không ngon miệng;
  • Thay đổi thói quen đi đại tiện;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Tiểu tiện hoặc đại tiện ra máu;
  • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi.

Xì hơi nhiều là triệu chứng bệnh gì? Đây là dấu hiệu của một số bệnh lý ở đường tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích,... Khi có triệu chứng này, bệnh nhân nên đi khám ngay để được xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị tận gốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

183.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan