Hội chứng tim ngày lễ - Holiday heart syndrome.

Bài viết được viết bởi TS.BS Vũ Hoàng Huy - Bác sĩ Cấp Cứu - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Năm 1978, Philip Ettinger đặt ra thuật ngữ Hội chứng tim ngày lễ (HHS) là "một rối loạn nhịp tim cấp tính và/hoặc rối loạn dẫn truyền của tim, liên quan đến việc uống nhiều rượu ở những người khoẻ mạnh không có bệnh tim trước đó".

1. Hội chứng tim ngày lễ là gì?

Hội chứng này bắt đầu được ghi nhận khi nghiên cứu 32 đợt rối loạn nhịp tim trên 24 bệnh nhân với đặc điểm chung là các bệnh nhân này uống nhiều rượu và thường xuyên ngay trước khi nhập viện. Đặc điểm chung của các bệnh nhân này đều đã tham gia vào một cuộc nhậu nhẹt vào cuối tuần hoặc ngày lễ ngay trước khi nhập viện. Rối loạn nhịp tim phổ biến nhất là loạn nhịp nhanh trên thất và rung nhĩ. Thông thường, rối loạn nhịp này được giải quyết nhanh chóng với sự phục hồi tự nhiên và kiêng rượu sau đó.

Trong thời kỳ hiện đại, thuật ngữ HHS chủ yếu được sử dụng để chỉ rối loạn nhịp tim cấp tính liên quan đến uống rượu cấp tính (tức là uống rượu quá độ), bất kể bệnh tim tiềm ẩn là gì. Điều này được hỗ trợ bởi thực tế là ảnh hưởng của rượu đến việc gây rối loạn nhịp tim phụ thuộc vào liều lượng và nó không phụ thuộc vào các bệnh tim mạch hoặc suy tim có từ trước. Ngay cả việc uống một lượng rượu vừa phải cũng có thể được xác định là nguyên nhân khởi phát ở một số bệnh nhân bị rung nhĩ kịch phát.

Rối loạn nhịp phổ biến nhất của HHS là rung nhĩ. HHS nên được coi là chẩn đoán ở những bệnh nhân không có bệnh tim cấu trúc và bị rung nhĩ mới khởi phát.

2. Hội chứng tim ngày lễ có phổ biến không?

Nghiên cứu tiền cứu lớn đầu tiên liên quan đến rối loạn nhịp tim và alcohol được thực hiện ở Munich vào tháng 10 năm 2015. Nghiên cứu này là duy nhất khi so sánh với các nghiên cứu trước đó ở chỗ đối tượng nghiên cứu là một nhóm bệnh nhân ngoại trú khỏe mạnh tại một lễ hội có uống rượu. Rối loạn nhịp tim thường gặp nhất là nhịp nhanh xoang (25,9%); rung nhĩ (và/hoặc cuồng nhĩ) gặp trong 0,8%. Khi tất cả các rối loạn nhịp tim được xem xét cùng nhau, nồng độ cồn trong máu tăng lên có liên quan đến tỷ lệ rối loạn nhịp tim tăng lên.

Tại Mỹ, tần suất mà rối loạn nhịp tim có thể do sử dụng rượu là không rõ ràng do dữ liệu khác nhau. Một nghiên cứu cho thấy rượu là tác nhân gây bệnh trong 35% trường hợp rung nhĩ mới khởi phát và trong 63% trường hợp ở bệnh nhân dưới 65 tuổi. Ngược lại, một nghiên cứu khác cho thấy 5% -10% tất cả các đợt rung nhĩ mới là do sử dụng rượu. Tần suất rối loạn liên quan đến rượu phụ thuộc vào dân số được nghiên cứu. Khi xem xét bệnh nhân nhập viện vì rối loạn nhịp liên quan đến rượu, rung nhĩ và cuồng nhĩ dường như là những rối loạn nhịp tim phổ biến nhất. Khi xem xét một quần thể bệnh nhân ngoại trú khỏe mạnh, không có triệu chứng, nhịp tim nhanh xoang dường như là rối loạn nhịp tim phổ biến nhất.

Rối loạn nhịp tim
Hội chứng tim ngày lễ chủ yếu là chỉ rối loạn nhịp tim cấp tính liên quan đến rượu

3. Hội chứng tim ngày lễ có nguy hiểm không?

Nhịp tim bất thường có thể nghiêm trọng. Nếu tình trạng đánh trống ngực tiếp tục kéo dài vài giờ thì bệnh nhân nên đi khám. Một số rối loạn nhịp tim bất thường liên quan đến hội chứng tim ngày lễ sau khi uống rượu say có thể dẫn đến đột tử, điều này có thể giải thích cho một số trường hợp đột tử đã được báo cáo ở người nghiện rượu.

Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim phổ biến nhất trong hội chứng tim ngày nghỉ. Các triệu chứng thường tự hết trong vòng 24 giờ. Lưu ý rằng mặc dù phần lớn (> 90%) các trường hợp rung nhĩ liên quan đến rượu tự chấm dứt, khoảng 20% ​​-30% sẽ tái phát trong vòng 12 tháng

Tiên lượng của hội chứng tim nghỉ (HHS) phụ thuộc vào sự hiện diện của bất kỳ bệnh tim tiềm ẩn nào. Sử dụng rượu lâu dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim và bệnh gan mãn tính.

Khi xem xét loại rung nhĩ, uống rượu từ trung bình đến nặng là yếu tố nguy cơ mạnh nhất để tiến triển từ rung nhĩ kịch phát thành rung nhĩ dai dẳng.

Rung nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác làm gia tăng nguy cơ tử vong và đột quỵ não hoặc huyết khối tắc mạch hệ thống.

4. Biểu hiện lâm sàng của Hội chứng tim ngày lễ - HHS là gì?

Bệnh nhân sau khi uống rượu có thể biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau: Đánh trống ngực, cảm giác nhịp tim nhanh, tức ngực, nhịp tim không đều. Bệnh nhân có đáp ứng thất nhanh có thể xuất hiện với các triệu chứng gần như ngất, chóng mặt, khó thở khi gắng sức, mệt mỏi, suy nhược hoặc đau thắt ngực, huyết áp giảm.

Bệnh nhân HHS thường có tiền sử tiếp xúc với rượu trước đây. Điều này thường xảy ra như những cuộc vui vào ngày cuối tuần, trong các kỳ nghỉ và tất nhiên vào các ngày lễ.

Khám lâm sàng người bệnh có hội chứng tim ngày lễ thấy người bệnh có biểu hiện của biểu hiện của uống rượu: Say rượu và hơi thở có mùi rượu, nhịp tim không đều, mạch không đều, huyết áp có thể giảm.

Điện tim thấy các rối loạn nhịp như: Rung nhĩ, cuồng nhĩ, ngoại tâm thu thất, nhịp nhanh thất.

Cân nhắc chẩn đoán Hội chứng tim ngày lễ khi các rối loạn nhịp tim xảy ra cấp tính hoặc tái phát sau khi tiếp xúc với rượu lần đầu hoặc tái phát nhiều lần.

Biểu hiện hội chứng tim ngày lễ
Đánh trống ngực, tức ngực sau khi uống rượu là biểu hiện của hội chứng tim ngày lễ

5. Lời khuyên của chuyên gia với người bệnh có Hội chứng tim ngày lễ?

Bệnh nhân đến khoa cấp cứu với rối loạn nhịp nhanh kéo dài thứ phát do ngộ độc rượu cấp tính thường có thể được quan sát bằng theo dõi điện tâm đồ (ECG). Ba nguyên lý của quản lý rung nhĩ là kiểm soát tần số, kiểm soát nhịp và ngăn ngừa đột quỵ. Do tính chất thoáng qua của rung nhĩ do rượu gây ra ở tim bình thường về mặt cấu trúc, việc kiểm soát nhịp tim và chăm sóc hỗ trợ đối với tình trạng say rượu nói chung là thích hợp. Để kiểm soát tần số tim có thể cần điều trị bằng thuốc ví dụ: thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi nếu nhịp thất nhanh. Nếu thời gian rung nhĩ kéo dài từ 24-48 giờ, có thể cân nhắc chuyển nhịp tim (dùng thuốc hoặc sốc điện) sau khi bệnh nhân được tối ưu hóa về mặt y tế và thời gian thải trừ rượu.

Hầu hết bệnh nhân bị bệnh tim cấu trúc đã biết nên được nhập viện để theo dõi và xử trí thêm nếu tình trạng rối loạn nhịp tim vẫn còn.

Chuyên gia tim mạch sẽ tư vấn và đưa ra lời khuyên sau khi đo điện sinh lý cơ tim và điều trị dự phòng tái phát và nguy cơ đột quỵ.

Việc sử dụng rượu nói chung không được khuyến khích, đặc biệt liên quan đến nguy cơ rung nhĩ. Không có liều lượng rượu "lành mạnh" nào để ngăn ngừa rung nhĩ.

Sau rối loạn nhịp tim liên quan đến rượu, bệnh nhân thường nên hạn chế gắng sức vì catecholamine quá mức có thể gây ra các đợt tái phát trong một số trường hợp. Hầu hết bệnh nhân không có bệnh tim tiềm ẩn sẽ có thể dần dần tiếp tục hoạt động thể chất đầy đủ trong vài ngày tới.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, được đào tạo chuyên môn sau trong và ngoài nước kết hợp với cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt:

GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Giám đốc trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, Là chuyên gia đầu tiên của Việt Nam về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI). Đi đầu trong việc triển khai các kỹ thuật tim mạch mới, chuyên sâu: TAVI, MitraClip, Stent Graft.

Bệnh viện được trang bị Phòng mổ Hybrid và Hệ thống DSA, 2 Hệ thống chụp mạch hiện đại Discovery IGS 730 của GE và Allura Xper FD20 của Philips cho tỷ lệ bít tiểu nhĩ trái bằng dụng cụ thành công trên 90%.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lawrence Rosenthal, MD, PhD, FACC, FHRS Professor of Medicine, Director, Section of Cardiac Pacing and Electrophysiology, University of Massachusetts Memorial Medical Center, Holiday heart syndrome, https://emedicine.medscape.com/article/155050-overview.
  2. Ettinger PO, Wu CF, De La Cruz C Jr, Weisse AB, Ahmed SS, Regan TJ. Arrhythmias and the "holiday heart": alcohol-associated cardiac rhythm disorders. Am Heart J. 1978 May. 95 (5):555-62.
  3. Voskoboinik A, Prabhu S, Ling LH, Kalman JM, Kistler PM. Alcohol and atrial fibrillation: a sobering review. J Am Coll Cardiol. 2016 Dec 13. 68 (23):2567-76
  4. Yan J, Thomson JK, Zhao W, et al. Role of stress kinase JNK in binge alcohol-evoked atrial arrhythmia. J Am Coll Cardiol. 2018 Apr 3. 71 (13):1459-70
  5. Aasebo W, Erikssen J, Jonsbu J, Stavem K. ECG changes in patients with acute ethanol intoxication. Scand Cardiovasc J. 2007 Apr. 41 (2):79-84.
  6. Lowenstein SR, Gabow PA, Cramer J, Oliva PB, Ratner K. The role of alcohol in new-onset atrial fibrillation. Arch Intern Med. 1983 Oct. 143 (10):1882-5.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

259 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan