Vai trò của điện tâm đồ trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nhồi máu cơ tim đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới hiện nay. Việc chẩn đoán nhồi máu cơ tim đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng điều trị và giảm thiểu tỷ lệ tử vong do bệnh. Trong đó, chẩn đoán dựa trên những thay đổi điện tim trong điện tâm đồ là một trong những tiêu chuẩn chính trong việc xác định nhồi máu cơ tim.

1. Điện tâm đồ là gì?

Điện tâm đồ (Electrocardiogram - ECG) là đồ thị ghi lại những thay đổi của dòng điện bên trong quả tim. Tim co bóp theo nhịp và được điều khiển bởi một hệ thống dẫn truyền trong cơ tim.

Những dòng điện của tim tuy rất nhỏ, chỉ khoảng một phần nghìn volt nhưng có thể dò thấy được từ các cực điện đặt trên tay, chân và ngực của bệnh nhân truyền đến máy ghi.

Máy ghi điện sẽ khuếch đại tín hiệu lên và ghi lại trên điện tâm đồ. Điện tâm đồ thường được sử dụng trong y học để phát hiện các bệnh lý về tim mạch như: rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim...

2. Chẩn đoán nhồi máu cơ tim bằng điện tâm đồ như thế nào?

Khi cơ tim bị thiếu máu và thiếu dưỡng khí, dẫn đến bị tổn thương hay hoại tử cơ tim, khả năng dẫn truyền điện của cơ tim từ đó sẽ thay đổi. Sự thay đổi này có thể được ghi nhận trên điện tâm đồ, đây là một trong những yếu tố tạo nên giá trị của phương pháp cận lâm sàng này.

Để chẩn đoán nhồi máu cơ tim, cần quan sát một chuỗi nhịp và 12 chuyển đạo trên điện tâm đồ. Chẩn đoán nhồi máu cơ tim khi hình ảnh điện tâm đồ có: đoạn ST chênh lên ≥ 1mm ở ≥ 2 chuyển đạo liền kề nhau. Thường kèm theo đoạn ST chênh xuống soi gương ở các chuyển đạo đối bên. Tại V2, V3 để chẩn đoán chính xác, cần có ST chênh lên 2mm ở nam và 1.5mm ở nữ. Như vậy, các biến đổi đặc trưng trong nhồi máu cơ tim thể hiện qua điện tâm đồ gồm:

  • Đoạn ST chênh lên ở vùng cơ tim bị tổn thương
  • Đoạn ST chênh xuống ở các chuyển đạo đối diện (soi gương)
  • Xuất hiện sóng Q bệnh lý
  • Sóng R bị giảm biên độ
  • Sóng T bị đảo chiều.

Tiêu chuẩn chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp trên điện tâm đồ:

  • Sóng Q bệnh lý: thời gian của sóng Q > 0,04 giây biên độ sóng Q > 25% sóng R cùng chuyển đạo
  • Đoạn ST chênh lên ở các chuyển đạo nhìn vào vùng nhồi máu và chênh xuống “soi gương” ở các chuyển đạo đối diện
  • Sóng T âm sâu và đối xứng ở các chuyển đạo liên quan đến vùng cơ tim bị nhồi máu
Vai trò của điện tâm đồ trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim
Chẩn đoán nhồi máu cơ tim bằng điện tâm đồ

3. Xác định giai đoạn nhồi máu cơ tim qua điện tâm đồ

Khi thiểu năng vành xảy ra đột ngột, có thể là do một stress (cảm xúc, gắng sức, bị lạnh...) tác động lên cơ thể thì có thể phát sinh nhồi máu cơ tim. Thông thường, vùng cơ tim bị nhồi máu sẽ có một vùng ở giữa bị hoại tử, rồi đến một vùng tổn thương bao quanh nó và ngoài cùng là một vùng thiếu máu bao quanh vùng tổn thương. Trên hình ảnh điện tâm đồ nhồi máu cơ tim sẽ thu được cả 3 loại dấu hiệu đó nhưng không phải cùng một lúc mà thường biến chuyển qua ba giai đoạn chính là các giai đoạn của nhồi máu cơ tim:

Giai đoạn 1 (cấp):

Xảy ra trong 1, 2 ngày đầu.

Sóng cong vòm: có thể đã xuất hiện sóng Q bệnh lý, đoạn QT dài ra.

Giai đoạn 2 (bán cấp):

Từ vài ngày đến vài tuần là giai đoạn hay gặp nhất: đoạn ST chênh lên thấp hơn, sóng T âm sâu, nhọn, đối xứng (gọi là sóng vành Pardee). Đồng thời thấy sóng Q bệnh lý rõ rệt và đoạn QT dài ra.

Giai đoạn 3 (mạn tính)

  • Từ vài tháng đến vài năm: đoạn ST đã đồng điện, sóng T có thể dương hay vẫn âm, còn sóng Q bệnh lý thì thường tồn tại vĩnh viễn.

4. Đánh giá cụ thể tình trạng nhồi máu cơ tim qua điện tâm đồ

Các dấu hiệu trên điện tâm đồ nói trên không phải là xuất hiện ở tất cả các chuyển đạo như nhau mà chỉ thấy rõ ở chuyển đạo có điện cực đặt trúng (chuyển đạo trực tiếp) lên trên vùng cơ tim bị nhồi máu. Vì thế người ta gọi các dấu hiệu đó là hình ảnh trực tiếp.

Trái lại, chuyển đạo nào có điện cực đặt ở vùng xuyên tâm đối của vùng bị nhồi máu sẽ thu được những dấu hiệu trái ngược của các dấu hiệu trên, còn gọi là “hình ảnh soi gương” hay “hình ảnh gián tiếp”.

Nhồi máu có thể xuất hiện ở nhiều vùng rộng hẹp khác nhau của thất trái (thất phải rất ít khi bị). Tùy theo vùng bị tổn thương, điện tâm đồ có thể phân thành nhiều loại nhồi máu với các dấu hiệu ở giai đoạn 2 (bán cấp) sau đây:

Nhồi máu trước vách – nhồi máu ở thành trước thất trái và phần trước vách liên thất:

  • Hình ảnh trực tiếp: sóng QS, ST chênh lên, sóng T âm ở V2, V3, V4.
  • Đôi khi sóng T thấp hay âm ở V5, V6, aVL, D1 (T1>T3) do vùng thiếu máu ăn lan sang thành bên (trái) của thất trái.

Nhồi máu trước – bên: nhồi máu ở phần ngoài thành trước và thành bên của thất trái:

Vai trò của điện tâm đồ trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim
Vai trò của điện tâm đồ trong chấn đoán nhồi máu cơ tim
  • Hình ảnh trực tiếp: sóng Q sâu và rộng, đoạn ST chênh lên, sóng T âm sâu ở V5, V6, D1, aVL.
  • Hình ảnh gián tiếp: đoạn ST chênh xuống, sóng T dương rất cao ở D3, đôi khi ở aVF.

Nhồi máu sau - dưới: nhồi máu ở thành sau và dưới của thất trái:

  • Hình ảnh trực tiếp: sóng Q sâu, rộng, đoạn ST chênh lên, sóng T âm sâu ở D3, aVF, có khi cả D2.
  • Hình ảnh gián tiếp: sóng T dương cao, có thể nhọn, đối xứng, đoạn ST có thể chênh xuống ở V1, V2, V3, V4.

Nhồi máu dưới nội tâm mạc (thất trái):

  • Chủ yếu là thành trước - bên: đoạn ST chênh xuống, đôi khi sóng T biến dạng ở V5, V6, D1, aVL.
  • Đôi khi là thành sau dưới: ST chênh xuống ở D3, D2, aVF.

Nhồi máu cơ tim có thêm blốc nhánh:

Có nhiều trường hợp, thiểu năng vành gây ra nhồi máu cơ tim cũng đồng thời làm một nhánh của bó His bị kém nuôi dưỡng, sinh ra blốc nhánh, các dấu hiệu của blốc nhánh sẽ phối hợp với các dấu hiệu cơ bản của nhồi máu máu cơ tim.

  • Blốc nhánh trái + nhồi máu trước - bên: Block nhánh trái.
  • Blốc nhánh phải + nhồi máu sau - dưới: sóng Q sâu ở D3, D2 + dạng rSR’ ở V1, V2.
  • Blốc nhánh phải + nhồi máu trước vách: Ở V1, V2, V3 (V4) có dạng QR với nhánh nội điện muộn.

Điện tâm đồ là kỹ thuật giúp chẩn đoán nhồi máu cơ tim hiệu quả, chính xác và rất sớm do những thay đổi trên điện tâm đồ thường xuất hiện ngay khi có tắc nghẽn động mạch vành (là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim). Tại hệ thống Vinmec, tất cả các bệnh nhân nghi ngờ nhồi máu cơ tim khi vào cấp cứu đều được thực hiện ECG trong vòng 5-10 phút sau khi nhập viện. Kỹ thuật này đang được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec ứng dụng thành công trong thăm khám, chẩn đoán nhiều loại bệnh tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng.

XEM THÊM

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan