Cảnh giác với rối loạn tiền đình do thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh nguy hiểm. nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong đó có rối loạn tiền đình.

1. Thoái hóa đốt sống cổ là gì?

Cột sống cổ bao gồm 7 đốt sống kí hiệu từ C1 cho đến C7. Giữa hai đốt sống từ C2 trở xuống có các đĩa đệm gian đốt sống. Mỗi đĩa đệm được cấu tạo bởi nhân nhầy, vòng sợi, mâm sụn, có chiều cao 3mm bằng 2/5 chiều cao thân đốt sống.

Xung quanh đốt sống có các dây chằng, gân cơ bám vào. Đĩa đệm cột sống cổ là bộ phận chính để liên kết các đốt sống. Mâm sụn gắn chặt vào tấm cùng của thân đốt sống bằng một lớp canxi có nhiều lỗ nhỏ có tác dụng dinh dưỡng cho đĩa đệm (theo kiểu khuếch tán) và bảo vệ xương khỏi bị nhân nhầy ép vào, bảo vệ đĩa đệm khỏi bị nhiễm khuẩn từ xương đi tới.

Rối loạn tiền đình
Thoái hóa cột sống cổ là một căn bệnh liên quan trực tiếp đến các đốt sống cổ

Nhân nhầy di chuyển khi cột sống cử động và có tác dụng làm giảm xóc khi có lực tác động vào đốt sống. Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng viêm dày và lắng đọng canxi ở các dây chằng dọc cổ, làm hẹp các lỗ ra của các rễ thần kinh thể hiện bằng các triệu chứng lâm sàng. Sự chèn ép rễ thần kinh và tủy sống còn có thể đưa đến sự thoát vị của các nhân đĩa đệm chèn vào tủy sống gây nên các biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm.

Thoái hóa cột sống cổ là một căn bệnh liên quan trực tiếp đến các đốt sống cổ với nhiều nguyên nhân khác nhau và thường xảy ra ở độ tuổi 55 trở lên.

2. Thoái hóa đốt sống cổ gây nên rối loạn tiền đình

Thoái hóa đốt sống cổ nếu không được chữa trị kịp thời và đúng phương pháp, dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó, rối loạn tiền đình là biến chứng xảy ra phổ biến nhất.

Tiền đình là một bộ phận nằm phía sau ốc tai, làm nhiệm vụ duy trì sự cân bằng các hoạt động của cơ thể. Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương khu vực tiền đình khiến cơ thể mất khả năng kiểm soát cân bằng. Vậy thoái hóa đốt sống cổ và rối loạn tiền đình có liên quan như thế nào?

Thoái hóa đốt sống cổ ở mức độ nặng làm chèn ép mạch máu và rễ thần kinh khiến não không được cung cấp đủ lượng máu, gây nên tình trạng thiếu máu não, dẫn đến rối loạn tiền đình. Người bệnh gặp phải các triệu chứng:

  • Đau cổ dữ dội
  • Đau đầu, chóng mặt kéo dài từ vài phút đến vài giờ
  • Ù tai, buồn nôn, nôn mỗi khi đứng lên hoặc ngồi xuống
  • Mất khả năng thăng bằng, mất định hướng về không gian khi thay đổi tư thế
Rối loạn tiền đình
Người bệnh sẽ mất khả năng thăng bằng, mất định hướng về không gian khi thay đổi tư thế khi thoái hóa đốt sống cổ ở mức độ nặng

  • Đi đứng không vững, dễ bị ngã
  • Mất tập trung khi làm việc
  • Mệt mỏi, ăn ngủ kém
  • Lo âu, trầm cảm

Các triệu chứng này thường xuyên tái phát, gây ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống người bệnh.

3. Điều trị và phòng ngừa ra sao?

Nguyên tắc điều trị thoái hóa đốt sống cổ, khi còn ở mức độ nhẹ, cần nghỉ ngơi, thư giãn, kết hợp vật lý trị liệu pháp an toàn (tránh vật lý trị liệu thô bạo làm cho bệnh thêm nặng). Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm đau, giãn cơ (uống, dán, thoa ngoài da), thuốc tăng cường thần kinh hoặc vitamin nhóm B hoặc châm cứu giảm đau (với bác sĩ có kinh nghiệm).

Việc điều trị bằng phương pháp gì, thuốc gì cần có ý kiến của bác sĩ khám bệnh, tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa thần kinh, chuyên khoa khớp, đặc biệt người bệnh không nên tự điều trị bằng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Không nên vặn, lắc, xoay cổ khi đốt sống cổ đã bị thoái hóa, đặc biệt là khi đã bị thoát vị đĩa đệm. Cần gối đầu với gối có độ cao vừa phải, thật thoải mái (không cao, không thấp quá. mềm mại). Để cho máu được lưu thông, cần thay đổi tư thế ngủ.

Trong cuộc sống hàng ngày tránh lao động nặng quá mức cần thiết, hạn chế đứng, ngồi quá lâu (giữa giờ nên có giải lao để vận động cơ thể). Khi nghi ngờ hoặc có dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để có hướng khắc phục và chữa trị kịp thời không nên chủ quan tránh để biến chứng xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, lao động, sức khỏe và tuổi thọ.

Rối loạn tiền đình
Trong cuộc sống hàng ngày tránh lao động nặng quá mức cần thiết, hạn chế đứng, ngồi quá lâu

Ngoài ra bạn cũng cần thực hiện chế độ ăn giàu canxi (tôm, cua, ốc, uống sữa có canxi...) để tránh loãng xương, tránh thoái hóa khớp và nên ăn nhiều rau, trái cây để bồi phụ các loại vi chất cần thiết, trong đó có các vitamin nhóm B. Nên vận động cơ thể nhẹ nhàng, đều đặn, đúng phương pháp để lưu thông khí huyết.

Đặc biệt khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường bạn nên đến các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh.

Khoa nội thần kinh - bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là một trong những cơ sở y tế chuyên khám và điều trị các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh trung ương uy tín, hiệu quả.

Đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm như PGS.TS Chu Hoàng Vân, Bác sĩ Vũ Dũng Kiên với chuyên môn trong việc khám và điều trị các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương (hộp sọ, màng não, não bộ, mạch máu não, các dây thần kinh trong sọ, tuyến yên, cột sống, đĩa đệm, màng tủy sống) và hệ thần kinh ngoại vi (các dây thần kinh và hạch thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan