13 tác động của thức ăn nhanh đối với cơ thể

Thuật ngữ “thức ăn nhanh” thường đề cập đến thực phẩm mà mọi người mong muốn tiêu thụ nhanh chóng, tại chỗ, có giá rẻ, và tiện lợi. Tuy nhiên, đã có rất nhiều bằng chứng được nghiên cứu kỹ lưỡng cho thấy những tác động tiêu cực khác nhau đối với sức khỏe của việc ăn quá nhiều thức ăn nhanh. Bài viết sau sẽ đưa ra 13 tác động thường gặp của thức ăn nhanh đối với cơ thể.

1. Thức ăn nhanh và mức độ phổ biến của chúng

Thức ăn nhanh hay còn gọi là Fastfood, là tên gọi chung của các loại đồ ăn được chế biến tại chỗ và phục vụ cho người ăn một cách nhanh chóng. Thông thường, các món ăn này được chế biến với các thành phần được làm nóng trước hoặc đã được nấu từ trước và phục vụ khách hàng theo hình thức gói mang đi. Theo một vài nghiên cứu của những Tạp chí dinh dưỡng uy tín gần đây, thức ăn nhanh có xu hướng chứa nhiều chất khác nhau thường không có lợi cho sức khỏe. Thức ăn nhanh chứa nhiều đường, muối, và chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa, cũng như nhiều chất bảo quản và thành phần đã qua chế biến.

Đối tượng phục vụ chính của các loại thức ăn nhanh là nhóm thanh thiếu niên. Theo phân tích của Viện Thực phẩm về dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động,chỉ riêng thế hệ thanh thiếu niên đã chỉ 45% số tiền dành cho thực phẩm của họ vào thức ăn nhanh.

Thức ăn nhanh không nhất thiết là xấu, nhưng trong nhiều trường hợp, nó được chế biến kỹ lưỡng và chứa một lượng lớn carbohydrate, đường bổ sung, chất béo không lành mạnh và muối.

Những thực phẩm này thường có hàm lượng calo cao nhưng ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng. Khi thức ăn nhanh thường xuyên thay thế thức ăn bổ dưỡng trong chế độ ăn uống của bạn, nó có thể dẫn đến tình trạng kém dinh dưỡng, sức khỏe kém và tăng cân. Các thử nghiệm trên động vật thí nghiệm thậm chí còn cho thấy tác dụng tiêu cực trong chế độ ăn kiêng trong thời gian ngắn. Thừa cân là một yếu tố nguy cơ của một loạt các vấn đề sức khỏe mãn tính bao gồm bệnh tim, tiểu đườngđột quỵ.

Theo Robert Wood Johnson Foundation, hầu hết mọi người đều đánh giá thấp lượng calo mà họ đang ăn trong một nhà hàng thức ăn nhanh. Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên hấp thụ nhiều calo hơn trong thức ăn nhanh so với thức ăn được chế biến ở nhà. Ăn tại nhà hàng bổ sung từ 160 đến 310 calo mỗi ngày.

Đồ ăn nhanh
Thức ăn nhanh hay còn gọi là Fastfood, là tên gọi chung của các loại đồ ăn được chế biến tại chỗ và phục vụ cho người ăn một cách nhanh chóng

2. Lợi ích của thức ăn nhanh

Thức ăn nhanh không mất quá nhiều thời gian để chế biến, khá tiện lợi, có thể mang đi được nhiều nơi. Bạn có thể vừa ăn, vừa làm việc, vừa học. Nó khá phù hợp với lối sống hiện đại của thế hệ ngày nay.

Fastfood co hương vị thơm ngon, màu sắc bắt mắt, mùi thơm lôi cuốn, phù hợp khẩu vị của đông đảo giới trẻ.

Thêm nữa, các công ty kinh doanh mặt hàng thức ăn nhanh luôn chú ý đánh vào nhu cầu của giới trẻ, thường xuyên có các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, chế độ ưu đãi cho khách hàng.

3. Tác động của thức ăn nhanh đến sức khỏe

3.1. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Hầu hết thức ăn nhanh chứa nhiều carbohydrate và có ít hoặc không có chất xơ. Chế độ ăn ít chất xơ có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa như táo bón và bệnh viêm ruột thừa, cũng như giảm vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Khi hệ tiêu hóa của bạn tiêu thụ những thực phẩm này, carbs được giải phóng dưới dạng glucose (đường) và làm hàm lượng đường trong máu tăng lên.

Tuyến tụy sẽ phản ứng với sự gia tăng glucose bằng cách giải phóng insulin, để vận chuyển đường đến các tế bào cần nó để cung cấp năng lượng. Khi cơ thể bạn sử dụng hoặc lưu trữ đường, lượng đường trong máu sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ thức ăn nhanh thường xuyên (ăn nhiều carbs) sẽ dẫn đến lượng đường trong máu tăng trở lại. Theo thời gian, những đợt tăng đột biến insulin này có thể khiến làm tăng nguy cơ kháng insulin, gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 và tăng cân.

3.2. Đường và chất béo

Nhiều loại thức ăn nhanh có thêm đường. Nó đồng nghĩa với việc thừa calo mà lại ít dinh dưỡng. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đề nghị chỉ ăn 100 đến 150 calo đường bổ sung mỗi ngày tương đương khoảng 6 - 9 muỗng cà phê. Một lon soda 340 gam chứa 8 muỗng cà phê đường. Điều đó tương đương với 140 calo, 39 gam đường và không có gì khác.

Chất béo chuyển hóa là chất béo được tạo ra trong quá trình chế biến thực phẩm. Nó được tìm thấy trong:

  • Bánh nướng;
  • Bánh ngọt;
  • Bột bánh pizza;
  • Bánh quy giòn;
  • Bánh quy.

Không có loại chất béo chuyển hóa nào tốt cho cơ thể và lành mạnh. Ăn thực phẩm có chứa chất này có thể làm tăng LDL (cholesterol xấu), giảm HDL (cholesterol tốt) và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và các bệnh tim mạch chuyển hóa.

Bệnh nhân sau phẫu thuật không ăn đồ ăn nhanh
Hầu hết thức ăn nhanh chứa nhiều carbohydrate và có ít hoặc không có chất xơ

3.3. Natri

Thức ăn nhanh thường nhiều natri, do đó khi tiêu thụ natri nhiều có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi, chướng bụng hoặc sưng phù. Chế độ ăn nhiều natri cũng nguy hiểm đối với những người mắc bệnh huyết áp, bởi natri làm tăng huyết áp và gây tăng áp lực cho hệ thống tim mạch của bạn. Một nghiên cứu nhỏ trên Tạp chí Tăng huyết áp cho thấy tiêu thụ nhiều muối có thể có tác động tức thì đến hoạt động bình thường của mạch máu của một người.

3.4. Ảnh hưởng đến hệ hô hấp

Lượng calo dư thừa từ bữa ăn nhanh có thể gây tăng cân dẫn đến thừa cân, béo phì. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp, bao gồm hô hấp và khó thở. Ở trẻ em, nếu ăn thức ăn nhanh ít nhất ba lần một tuần có nhiều nguy cơ dẫn đến mắc bệnh hen suyễn.

3.5. Ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương

Thức ăn nhanh khiến bạn thỏa mãn cơn đói chỉ trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài thì thì không có lợi.

Những người ăn thức ăn nhanh và bánh ngọt chế biến sẵn có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn 51% so với những người không ăn những thực phẩm đó hoặc ăn rất ít chúng.

Thức ăn nhanh rất ngon miệng, đồng nghĩa với việc nó được tiêu thụ rất nhanh trong miệng, không cần nhai nhiều và kích hoạt các trung tâm khen thưởng trong não nhanh chóng.

Nghiên cứu từ năm 2018 và các nghiên cứu khác trước đó đã gợi ý mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thức ăn nhanh và tỷ lệ nghiện thực phẩm đối với những món ít chất dinh dưỡng này.

Một nghiên cứu trên tạp chí Appetite cũng cho thấy có mối liên hệ nhân quả giữa chế độ ăn giàu chất béo bão hòa và carbohydrate đơn, điển hình là việc tiêu thụ thức ăn nhanh nhiều với khả năng ghi nhớ và học tập thấp hơn. Chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimerbệnh Parkinson.

3.6. Ảnh hưởng đến hệ tim mạch

Food and Drug Administration (FDA) - Cơ quan giám sát và đánh giá chất lượng thực phẩm, dược phẩm tại Mỹ cho rằng một chế độ ăn nhiều muối thường gây tăng huyết áp ở những bệnh nhân cao huyết áp, có nghĩa là một người có nhiều khả năng bị cơn đau tim, đột quỵ , bệnh thận, hoặc bệnh tim .

FDA cũng lưu ý rằng một chế độ ăn chất béo trans làm tăng lượng lipoprotein tỷ trọng thấp, hay cholesterol “xấu” và làm giảm lượng lipoprotein mật độ cao, hay cholesterol “tốt”. Đồng nghĩa với việc tăng khả năng phát triển bệnh tim ở một người.

3.7. Ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản

Một nghiên cứu cho thấy thực ăn nhanh có chứa phthalates. Phthalates là hóa chất có thể làm gián đoạn cách hoạt động của hormone sinh dục và có thể dẫn đến các vấn đề sinh sản, bao gồm cả dị tật bẩm sinh.

3.8. Ảnh hưởng đến da - tóc - móng

Theo Mayo Clinic, socola và thực phẩm nhiều dầu mỡ như pizza là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá do chúng chứa nhiều carbohydrate. Thực phẩm giàu carb dẫn đến lượng đường trong máu tăng, đây là nguyên nhân có thể gây ra mụn trứng cá, cũng có nhiều khả năng mắc bệnh chàm.

3.9. Ảnh hưởng đến hệ xương

Carbs và đường trong thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng axit trong miệng làm hỏng men răng, tạo điều kiện vi khuẩn có thể bám vào và gây sâu răng.

Thừa cân, béo phì cũng có thể dẫn đến các biến chứng với mật độ xương và khối lượng cơ. Điều quan trọng là phải tiếp tục tập thể dục để xây dựng cơ bắp , hỗ trợ xương của bạn và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh để giảm thiểu mất xương

3.10. Ảnh hưởng đến quan niệm về thức ăn

Một hệ quả khác của việc những người trẻ tuổi thường xuyên ăn thức ăn nhanh là họ thiếu hiểu biết vô tình về cách chuẩn bị bữa ăn cơ bản, nấu ăn và ăn uống lành mạnh.

Theo thời gian, điều này kéo dài sự phụ thuộc vào thức ăn nhanh, và mọi người có thể không học cách chế biến thức ăn cân bằng và lành mạnh trong nhà. Thức ăn nhanh có xu hướng thêm nhiều muối và đường trong quá trình chế biến. Bản thân chúng chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, chất bảo quản và thành phần đã qua chế biến

Rất nhiều nghiên cứu được tiến hành đã chứng minh những tác động tiêu cực đến sức khỏe của việc tiêu thụ quá nhiều những loại thức ăn này.

3.11. Nguy cơ ung thư

Hơn 100 mẫu gà nướng thức ăn nhanh dường như có 2-Amino-1-methyl-6-phenylimidazo (4,5-b) pyridine hoặc PhIP, một chất hóa học khi thịt được làm nóng đến một nhiệt độ nhất định có thể dẫn đến ung thư vú, tuyến tiền liệt và ung thư ruột kết ở người.

Thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh sẽ làm gia tăng nguy cơ béo phì nhanh chóng
Carbs và đường trong thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng axit trong miệng làm hỏng men răng

3.12. Chức năng nhận thức

Thức ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt xông khói, một số đồ chiên và sữa lắc thường chứa nhiều chất béo bão hòa có thể tác động tiêu cực đến chức năng não và trí nhớ. Lượng axit béo bão hòa hấp thụ cao hơn có thể làm giảm tốc độ ghi nhớ và tính linh hoạt cũng như khả năng ghi nhớ của bạn.

3.13. Nguy cơ gây bệnh thận

Lượng natri dư thừa cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thậnbệnh viêm cầu thận hoặc thậm chí là nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tuy nhiên, không phải tất cả đồ ăn nhanh đều có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Để giữ gìn sức khỏe, chúng ta nên cố gắng xác định các loại thức ăn nhanh có chứa ít muối, chất béo, đường, tổng lượng carbohydrate và hạn chế việc ăn quá nhiều thức ăn nhanh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: salud-america.org, healthline.com, medicalnewstoday.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan