Các loại muối: Himalaya, Kosher, muối thường và muối biển

Muối được xem là một trong những thành phần nấu ăn quan trọng nhất trên toàn thế giới. Không có muối, các bữa ăn sẽ trở nên nhạt nhẽo và kém phần hấp dẫn. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại muối đề có cấu tạo giống nhau. Bạn có thể lựa chọn muối tùy thuộc vào nhu cầu hoặc sở thích của mình.

1. Muối là gì?

Muối là một loại khoáng chất tinh thể, bao gồm hai nguyên tố chính là natri (Na) và clo (Cl). Đây đều là những chất rất cần thiết cho cơ thể, giữ chức năng quan trọng trong việc giúp não và các dây thần kinh truyền xung điện, từ đó duy trì sự sống cho con người.

Hầu như các loại muối trên thế giới được thu hoạch từ các mỏ muối, bay hơi từ nước biển hoặc những vùng nước giàu khoáng chất.

Nhìn chung, muối được con người sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, phổ biến nhất là làm gia vị chế biến trong thực phẩm, giúp làm tăng hương vị đậm đà cho các món ăn.

Ngoài ra, loại khoáng chất này cũng được sử dụng nhiều nhằm bảo quản các loại thực phẩm, ngăn ngừa vi khuẩn có hại phát triển. Tuy nhiên, muối khi sử dụng với hàm lượng lớn sẽ gây ra một số vấn đề cho sức khỏe, điển hình là tăng huyết áp.

Trong chế độ ăn của các nước phương Tây, phần lớn lượng natri đến từ các thực phẩm chế biến sẵn. Nếu khẩu phần ăn của bạn chủ yếu là thực phẩm chưa qua chế biến, và còn nguyên chất thì bạn không cần phải bận tâm nhiều đến việc nêm thêm muối vào thức ăn.

2. Muối tinh luyện (muối thường)

Có thể nói, muối tinh luyện là loại muối được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới. Loại muối này đã được trải qua quá trình tinh chế với cường độ cao, do đó hầu hết các khoáng chất vi lượng cùng những tạp chất khác đều được loại bỏ hoàn toàn.

Muối tinh luyện là loại muối được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới
Muối tinh luyện là loại muối được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới

Đối với những loại muối được xay nhuyễn có thể gặp phải tình trạng kết tụ lại với nhau, tạo nên những cục vón. Để khắc phục vấn đề này, người ta đã cho thêm một số chất chống kết tủa khi tinh luyện muối để chúng trở nên mịn hơn và không bị vón cục.

Trong muối ăn thông thường có chứa tới 97% natri clorua tinh khiết, thậm chí là cao hơn. Ở một số nơi trên thế giới, muối ăn cũng chứa lượng iốt bổ sung, giúp chống lại tình trạng thiếu iốt- nguyên nhân hàng đầu gây suy giáp, thiểu năng trí tuệ và các vấn đề sức khỏe khác.

Nếu bạn là một người không thường xuyên ăn muối giàu iốt, bạn có thể lựa chọn một số loại thực phẩm khác có chứa nhiều iốt, chẳng hạn như sữa, trứng, cá hoặc rong biển.

3. Muối biển

Muối biển được thu hoạch bằng cách làm bay hơi nước biển. Tương tự như muối ăn thông thường, chúng chủ yếu chứa natri clorua. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng khu vực và công thức chế biến, loại muối này còn sót lại nhiều khoáng chất vi lượng khác nhau, bao gồm kẽm, sắt và kali.

Muối biển có màu càng sẫm thì nồng độ tạp chất và dinh dưỡng của nó càng cao. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm nước biển đang ở mức độ đáng báo động, do đó trong muối biển có thể chứa một lượng lớn kim loại nặng, đặc biệt là chì- một tác nhân rất có hại cho sức khỏe con người khi được tiêu thụ vào cơ thể.

Bên cạnh đó, muối biển cũng có chứa vi nhựa (microplastic), phần sót lại từ các chất thải nhựa. Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng về sự ảnh hưởng của microplastic đến sức khỏe con người, nhưng một số nhà khoa học cho biết chúng vẫn có khả năng đem lại một số rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe.

Muối biển được thu hoạch khi nước biển bốc hơi
Muối biển được thu hoạch bằng cách làm bay hơi nước biển

Khác với muối tinh chế, muối biển có đặc tính thô, và không được nghiền một cách kỹ lưỡng. Do đó, khi bạn thêm chúng vào thức ăn sau khi nấu, bạn sẽ cảm nhận được một hương vị mạnh hơn so với muối thường. Ngoài ra, mỗi một thương hiệu đều tạo ra một hương vị muối biển riêng biệt, điều này thường phụ thuộc vào lượng khoáng chất vi lượng và tạp chất có trong muối biển qua quá trình chế biến.

4. Muối Himalaya

Muối Himalaya được khai thác từ mỏ muối lớn thứ hai trên thế giới, có tên là Khewra ở Pakistan. Trong muối Himalaya có chứa một lượng nhỏ oxi sắt (rỉ sét), một chất tạo nên màu hồng cho muối, do đó nó còn có tên gọi khác là muối hồng Himalaya.

Ngoài ra, loại muối này cũng cung cấp một số loại khoáng chất như sắt, canxi, kali và magie, khiến cho chúng có lượng natri thấp hơn một chút so với muối tinh luyện.

Muối Himalaya đem lại hương vị khác biệt hơn những loại muối khác, đây cũng chính là lý do vì sao nhiều người lại ưa thích nó đến thế. Hơn nữa, sự khác biệt về màu sắc của muối Himalaya có thể làm tăng độ hấp dẫn về mặt thẩm mỹ cho các món ăn.

5. Muối Kosher

Tên muối Kosher bắt nguồn từ những đạo luật nghiêm ngặt trong chế độ ăn kiêng của người Do Thái truyền thống. Họ yêu cầu máu của các loại thịt phải được làm sạch trước khi ăn. Muối Kosher có cấu trúc thô, dễ bong, và đặc biệt hiệu quả trong việc chiết máu, do đó nó thường được sử dụng trong đời sống hằng ngày của người Do Thái. Chính cấu trúc này đã tạo nên sự khác biệt lớn giữa muối thường và muối Kosher. Với kích thước mảng lớn, nó tạo điều kiện thuận lợi cho các đầu bếp khi bốc và rắc chúng lên thức ăn.

Muối Kosher được sử dụng rộng rãi ở người Do Thái
Muối Kosher được sử dụng rộng rãi ở người Do Thái

Mặc dù muối Kosher có kết cấu và hương vị riêng biệt, nhưng khi hòa tan chúng vào trong thực phẩm thường khó có thể nhận ra sự khác biệt với các loại muối ăn thông thường. Bên cạnh đó, loại muối này thường chứa rất ít các chất phụ gia, chẳng hạn như iốt, hoặc chất chống kết tủa.

6. Muối Celtic

Muối Celtic là một loại muối biển được biết đến rộng rãi đầu tiên ở nước Pháp. Nó thường có màu xám và khá ẩm do chứa một lượng nhỏ nước.

Muối Celtic cung cấp một lượng natri và khoáng chất thấp hơn một chút so với muối ăn thông thường.

7. Sự khác biệt về hương vị

Các đầu bếp và những người sành ăn chủ yếu lựa chọn loại muối dựa trên kết cấu, hương vị, màu sắc và sự tiện lợi của chúng cho quá trình chế biến thức ăn.

Các tạp chất có trong muối, bao gồm cả các khoáng chất vi lượng có thể làm ảnh hưởng đến hương vị và màu sắc của muối. Ngoài ra, kích thước hạt muối cũng đem lại những hương vị khác biệt cho món ăn, chẳng hạn như các loại muối có kích thước hạt lớn thường mang vị mạnh hơn và lưu giữ lại lâu hơn trên lưỡi của bạn.

Tuy nhiên, khi muối hòa tan vào các món ăn, sự khác biệt về hương vị thường không đáng kể. Nếu bạn thích sử dụng ngón tay để rắc muối lên thức ăn, bạn nên lựa chọn các loại muối có kích thước hạt lớn giúp xử lý dễ dàng hơn.

Mỗi loại muối sẽ có màu sắc và hương vị khác nhau
Mỗi loại muối sẽ có màu sắc và hương vị khác nhau

8. Các thành phần khoáng chất

Dưới đây là bảng so sánh hàm lượng khoáng chất giữa các loại muối khác nhau:

Mỗi loại muối sẽ có màu sắc và hương vị khác nhau

Bạn có thể thấy, muối Celtic có chứa ít lượng natri nhất, trong khi lượng magie và canxi chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong số các loại muối khác. Muối Himalaya chỉ chứa một lượng ít ỏi kali.

Ngoài ra, những chỉ số trên cũng mang một ý nghĩa nhất định, ví dụ hàm lượng magie chiếm 0,3% trong muối Celtic, nghĩa là bạn cần phải nạp 100 gram muối để đạt được RDI (lượng tiêu thụ hàng ngày).

Tuy nhiên, bạn không nên dựa hoàn toàn vào những chỉ số này khi lựa chọn muối mà bỏ qua những loại muối khác ít khoáng chất hơn. Thực tế, lượng khoáng chất này chỉ cung cấp một lượng không đáng kể so với những gì bạn hấp thụ được từ thực phẩm.

9. Loại muối nào là tốt cho sức khỏe nhất?

Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ một nghiên cứu cụ thể nào so sánh mức ảnh hưởng của các loại muối đối với sức khỏe con người. Thực chất, các loại muối đều có cấu tạo tương tự nhau, bao gồm natri clorua và một lượng nhỏ khoáng chất.

Khi lựa chọn muối, bạn nên tránh các loại muối có chứa nhiều chất phụ gia, và các chất chống kết tủa thường được các nhà sản xuất thêm vào trong quá trình chế biến muối. Điều quan trọng mà bạn cần nhớ rằng, mục đích chính của việc sử dụng muối là làm tăng thêm hương vị cho món ăn chứ nó không phải là một phương thuốc giúp cải thiện sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan