Dinh dưỡng cho bệnh nhân bỏng nặng

Bài viết được viết bởi TS, BS Phan Nguyễn Thanh Bình, Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Bệnh nhân bỏng có chế độ dinh dưỡng đặc biệt để bù đắp tình trạng dị hóa, nhu cầu lành vết thương và tăng cường chức năng miễn dịch. Nếu được hỗ trợ dinh dưỡng tích cực, đáp ứng đầy đủ những nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt người bệnh sẽ hồi phục nhanh, các vết thương sẽ chóng lành sẹo hơn, giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.

1. Tại sao người bị bỏng nặng cần được dinh dưỡng đặc biệt?

Khi bị bỏng nặng, cơ thể người bệnh sẽ có các phản ứng quan trọng như sau:

1.1 Tăng chuyển hóa

Khi bị một vết thương, trong cơ thể có sự gia tăng tiêu hao năng lượng. Sự gia tăng tiêu hao năng lượng thường cao nhất trong các vết thương bỏng.

Ở giai đoạn đầu, nhu cầu về đường được đáp ứng bởi phản ứng thủy phân glycogen. Khi dự trữ glycogen bị cạn, phản ứng thủy phân mỡ và dị hóa protein sẽ gia tăng để cung ứng đường cho cơ thể. Những phản ứng này làm tăng cung lượng tim, tăng tiêu thụ oxygen và tăng sinh nhiệt. Do bỏng làm mất lớp da bảo vệ nên sẽ làm tăng sự mất nước, mất thân nhiệt và mất chức năng miễn dịch tại chỗ.

Trục giao cảm sẽ bị kích thích và làm tăng adrenaline, noradrenaline và cortisol, glucagon và insulin trong huyết tương.

Sự gia tăng chuyển hóa và tiêu thụ oxy có liên quan chặt chẽ đến độ rộng và độ sâu của các vết bỏng.

Vết bỏng
Tăng chuyển hóa là một trong những phản ứng quan trọng của bệnh nhân khi bị bỏng nặng

1.2 Phản ứng dị hóa

Sử dụng các acid amin trong các bắp cơ để tạo ra glucose đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Khối cơ bị giảm do việc sử dụng các acid amin để tạo ra glucose đáp ứng nhu cầu của cơ thể, tăng sản xuất ra nitrogen bài tiết qua thận. Mức độ mất nitrogen có liên quan chặt chẽ với tổng diện tích bỏng. Tình trạng mất nitrogen nghiêm trọng kéo dài trong 7-10 ngày đầu sau đó giảm dần trong các tuần lễ sau khi vết bỏng lành .

Việc hỗ trợ dinh dưỡng tích cực là một nguồn cung cấp năng lượng và protein từ bên ngoài, hạn chế được sự giảm sút khối cơ, giảm biến chứng nhiễm trùng, tăng tỷ lệ sống sót và giảm thời gian phải nằm viện. Thời gian hỗ trợ dinh dưỡng tích cực phải được tiếp tục đến sau khi các vết thương lành.

1.3 Phản ứng viêm

Có sự hoạt hóa các bạch cầu tăng sản xuất cytokine, các yếu tố tăng trưởng và các yếu tố hóa ứng động.

Tình trạng tăng chuyển hóa lúc mới bị bỏng kéo theo một sự mất protein (dị hóa protein) trầm trọng trong khoảng 10-14 ngày. Việc hỗ trợ dinh dưỡng tích cực trong giai đoạn này rất quan trọng để hạn chế nguy cơ tử vong. Sự gia tăng chuyển hóa ở bệnh nhân bỏng nặng tỷ lệ thuận với độ trầm trọng, với diện tích của các vết thương và kéo dài cho đến khi phần lớn các vết thương lành sẹo.

Sau giai đoạn này có sự giảm dần dần các quá trình chuyển hóa và dị hóa, vết bỏng lành dần và các quá trình đồng hóa chiếm ưu thế. Sự hỗ trợ dinh dưỡng cũng cần được tiếp tục đến khi bệnh nhân vượt qua khỏi giai đoạn này vì bệnh nhân cần có đủ “nguyên liệu“ cho các quá trình đồng hóa này.

Nếu chúng ta không đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng và protein tăng cao này bằng việc hỗ trợ dinh dưỡng tích cực, cơ thể bệnh nhân sẽ tự tìm lấy năng lượng trong các bắp cơ của mình. Điều này sẽ dẫn đến việc bệnh nhân bị sụt cân, các vết thương chậm lành, việc ghép da (nếu cần) thất bại, đáp ứng miễn dịch bị sụt giảm, các vết bỏng bị nhiễm trùng và làm tăng tỷ lệ tử vong.

Bỏng
Hỗ trợ dinh dưỡng tích cực cho bệnh nhân trong 2 tuần đầu là vô cùng quan trọng

2. Nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt ở bệnh nhân bỏng nặng

Đối với những trường hợp bỏng nhẹ thì chế độ ăn có thể duy trì như thường ngày.

Bệnh nhân bỏng nặng cần được cung cấp một chế độ ăn giàu năng lượng, giàu đạm, có bổ sung vitamin và chất khoáng với liều điều trị.

2.1 Nhu cầu năng lượng

Nhu cầu năng lượng phụ thuộc vào các giai đoạn bỏng như sau:

Giai đoạn sốc bỏng:

Năng lượng: 2.100 - 2.300kcal, hoặc xác định bằng công thức (25 x trọng lượng cơ thể (kg)) + (40 x % diện tích bỏng)

Protein (g): 70 – 90g (14 - 16% tổng năng lượng).

Lipid (g): 35 – 50g (15 - 20% tổng năng lượng.

Glucid (g): 350 – 370g

Trong đó 75% ăn qua đường ruột, 25% ăn qua đường tĩnh mạch.

Giai đoạn nhiễm độc, nhiễm trùng và suy mòn bỏng:

Năng lượng: 2.900 - 3.000kcal (khoảng 60 - 65kcal /kg/ngày)

Protein (g): 120 - 140g (16 - 20% tổng năng lượng).

Lipid (g): 50 – 60g (15 - 20% tổng năng lượng).

Glucid (g): 400 – 450g.

Nước 2 - 3 lít/ngày.

Số bữa ăn: 7 - 8 bữa/ngày.

Giai đoạn hồi phục bỏng:

Năng lượng: = 3.300 - 3.500kcal

Protein (g): 170 – 180g (20 - 25% tổng năng lượng).

Lipid (g): 100 – 110g (20 - 30% tổng năng lượng).

Glucid (g): 450 – 500g.

Nước 2 - 3 lít/ngày.

Số bữa ăn: 6 - 7 bữa/ngày.

Dinh dưỡng cho người bị Thalassemia
Nhu cầu dinh dưỡng phụ thuộc vào các giai đoạn bỏng của người bệnh

2.2 Chất đạm

Ở bệnh nhân bỏng nặng, 20-30% lượng chất đạm bị mất nằm trong chất tiết ở các vết thương bỏng. Chế độ ăn tăng cường chất đạm (chiếm 25% tổng năng lượng so với tỷ lệ 14-16% của chế độ ăn bình thường) có vai trò quan trọng, giúp tái tạo mô liên kết và làm đầy vết thương, tăng chức năng miễn dịch, giảm tình trạng nhiễm trùng. Nếu thiếu hụt đạm thì chậm lành vết thương, dễ nhiễm trùng, và tăng khả năng hình thành sẹo.

Chất đạm có giá trị sinh học cao từ nguồn động vật như thịt heo, bò, gà, cá, trứng, sữa,... và nguồn thực vật như: đậu nành, các loại đậu hạt.

2.3 Chất béo

Chế độ ăn với 15-20% chất béo, đặc biệt cung cấp đủ nhu cầu về các acid béo thiết yếu (chẳng hạn omega 3 có nhiều trong cá hồi, cá thu, cá trích...) và các vitamin tan trong chất béo, có khả năng nâng cao chức năng miễn dịch và kháng viêm, giảm mức độ nhiễm trùng, làm mau lành da hơn và rút ngắn thời gian nằm viện.

2.4 Vitamin C

Vitamin C quan trọng cho việc tổng hợp collagen và cũng có tác dụng chống oxy hóa, ngoài ra tham gia tích cực vào quá trình sản sinh những bạch cầu giúp chống lại vi khuẩn xâm hại gây nên tình trạng vết thương khó lành hoặc dễ nhiễm trùng. Thực phẩm giàu vitamin C như ổi, sơ ri, cam, bưởi, quýt, cà chua, khoai lang, khoai tây, các loại rau xanh,....

Đối với những trường hợp bỏng nặng, cần bổ sung vitamin C bổ sung 1g/ ngày chia làm 2 lần. Đối với trẻ em dưới 3 tuổi, có thể sử dụng 1⁄2 liều này.

2.5 Vitamin A

Vitamin A giúp thúc đẩy sản sinh ra những tế bào da mới giúp làm nhanh lành vết thương, nâng cao chức năng miễn dịch làm giảm nhiễm trùng, hạn chế nguy cơ sẹo. Vitamin A có nhiều trong các sản phẩm động vật như thịt, cá, gia cầm và các sản phẩm từ sữa. Tiền vitamin A phổ biến nhất là beta-carotene có nhiều trong dưa hấu, đu đủ chín, hồng đỏ, quýt, xoài chín, cam,..

Đối với bệnh nhân trên 3 tuổi bị bỏng nặng, nên bổ sung 10.000 đơn vị vitamin A mỗi ngày. Đối với trẻ em dưới 3 tuổi, cho 1⁄2 liều trên.

Chế độ dinh dưỡng giàu vitamin A giúp tăng sức đề kháng
Vitamin A làm giảm nhiễm trùng và giúp vết thương nhanh hồi phục

2.6 Khoáng chất

Bổ sung sắt quá mức sau khi bị bỏng có thể có hại cho bệnh nhân, dù nồng độ sắt trong máu có giảm. Ngược lại, kẽm, đồng, manganese, selenium là những vi chất thiết yếu cho việc lành sẹo. Kẽm giúp tăng cường miễn dịch và tái tạo tế bào, tập trung nhiều trong những loại đồ ăn hải sản, tôm, cua, ốc, hàu, nghêu, bí ngô và hạt bí ngô. Nên bổ sung viên kẽm mỗi ngày cho tất cả những bệnh nhân bị bỏng nặng.

Lưu ý khác

  • Bệnh nhân bỏng cần chú ý uống nhiều nước hàng ngày. Nếu uống ít nước, vùng da bị bỏng có xu hướng bị khô, mất nhiều thời gian hơn để chữa lành. Trường hợp ăn uống kém có thể uống thêm sữa cao năng lượng 2 - 3 ly mỗi ngày để cung cấp thêm năng lượng cũng như các dưỡng chất cần thiết giúp mau lành vết bỏng.
  • Người bệnh cũng nên nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc vì vùng da tổn thương sẽ hồi phục khi ngủ.
  • Nên tránh các món bánh kẹo, thịt xông khói, rượu bia, cà phê vì có thể gây hao hụt vitamin, chất khoáng, rối loạn nước và chất điện giải trong khi vết bỏng đang rất cần nước.

Khi chăm sóc bệnh nhân bị bỏng nặng, bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.

Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan