Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư máu

Ăn các loại thực phẩm phù hợp trước, trong và sau khi điều trị ung thư máu có thể giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Do đó, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư máu, hay ung thư máu nên ăn gì, kiêng gì là điều băn khoăn của nhiều bệnh nhân cũng như người nhà chăm sóc.

1. Tại sao cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho bệnh nhân ung thư máu?

1.1 Ăn uống tốt trước khi điều trị

Chẩn đoán ung thư máu có thể có tác động lớn đến bệnh nhân, gia đình của họ và những người chăm sóc. Những bệnh nhân có sự hỗ trợ tốt của gia đình có thể đối phó với căn bệnh của họ tốt hơn những người không có người thân. Người chăm sóc và các thành viên trong gia đình có thể giúp bệnh nhân trong suốt cuộc đấu tranh của họ để việc điều trị trở nên dễ dàng.

Trong thời đại hiện nay, một số căn bệnh ung thư có thể được điều trị và rất nhiều người sống sót sau chẩn đoán ung thư hàng chục năm. Việc thực hiện một chế độ dinh dưỡng tốt có thể giúp giảm bớt tình trạng tác dụng phụ của điều trị, cải thiện năng lượng và ngăn ngừa bệnh phát triển hay tái phát trở lại.

Nhiều người có thể bị giảm cân trước khi họ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu. Do vậy, nếu thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp:

  • Tạo cho người bệnh một tư tưởng thoải mái để bắt đầu điều trị.
  • Ngăn chặn các mô cơ thể của người bệnh bị phá vỡ.
  • Xây dựng lại các mô cơ thể.
  • Chống lại nhiễm trùng.
  • Đối mặt tốt hơn với các tác dụng phụ của điều trị.

Đặc biệt, một chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư máu tốt còn có thể giúp tăng hiệu quả sử dụng thuốc.

1.2 Ăn uống tốt trong quá trình điều trị ung thư máu

Hóa trị, các loại thuốc khác và xạ trị làm tăng nhu cầu hàng ngày của cơ thể về calo và protein. Do đó, việc ăn uống đầy đủ trong thời gian điều trị sẽ giúp:

  • Thay thế các tế bào máu của người bệnh bằng những tế bào mới khỏe mạnh.
  • Cảm thấy mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể.
  • Duy trì kho chất dinh dưỡng của cơ thể.
  • Chịu đựng các tác dụng phụ của phương pháp điều trị.
  • Giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Sửa chữa, chữa lành và phục hồi nhanh hơn.

1.3 Ăn uống tốt sau điều trị

Dinh dưỡng tốt là một phần quan trọng trong quá trình điều trị ung thư máu, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của người bệnh để chiến thắng bệnh ung thư. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh sau điều trị để xây dựng lại các mô, thúc đẩy quá trình chữa lành và tăng trưởng các tế bào máu mới.

Việc ăn uống đúng cách sẽ giúp người bệnh tăng cường khả năng miễn dịch và hỗ trợ cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng; ngăn chặn việc giảm cân; cung cấp năng lượng và ngăn ngừa mất cơ, từ đó giúp bạn có một cuộc sống bình thường và tránh tái phát ung thư.

2. Nguyên tắc giúp bệnh nhân ung thư máu cải thiện chế độ ăn uống

Bệnh nhân ung thư máu thường gặp phải các tác dụng phụ của việc điều trị như ăn không ngon miệng, miệng mất vị giác, chán ăn... Sau đây là một số cách giúp việc ăn uống của bệnh nhân được dễ dàng hơn:

  • Súc miệng trước khi ăn và vệ sinh răng sạch sẽ sau mỗi bữa ăn.
  • Ăn các loại trái cây có vị chua như: quýt, cam, bưởi,... để kích thích vị giác tăng tiết nhiều nước bọt hơn từ đó giúp bệnh nhân ăn được ngon miệng và nhiều hơn. Tuy nhiên nếu bệnh nhân gặp phải các vấn đề về miệng như đau miệng, loét miệng thì cần hạn chế ăn các loại trái cây này.
  • Thường xuyên thay đổi bữa ăn trong các bữa và trang trí món ăn để tạo cảm giác thèm ăn cho người bệnh. Cố gắng đảm bảo rằng bệnh nhân ăn nhiều bữa nhỏ sau mỗi giờ, thay vì ăn 3 bữa lớn và không nên ăn quá no. Mỗi bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ nên có thức ăn nhiều calo và giàu protein.
  • Các nguồn cung cấp carbohydrate tốt nhất là trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì. Những loại thực phẩm này cũng cung cấp vitamin và khoáng chất, chất xơ và dinh dưỡng thực vật cần thiết cho các tế bào của cơ thể. Chất xơ giúp di chuyển chất thải thức ăn ra khỏi cơ thể nhanh chóng và giữ cho phần mềm.
  • Tăng cường các món ăn bệnh nhân thích trong mỗi bữa. Nên ăn các loại thức ăn mềm và lỏng để bệnh nhân dễ nuốt hơn. Tránh ăn các thức ăn cứng, cay, quá nóng, nhiều đường, các thực phẩm nhiều dầu mỡ, mặn,...
  • Cần tập trung lượng ăn vào bữa sáng và bữa trưa để cơ thể hấp thụ một cách dễ dàng hơn, chất dinh dưỡng cũng được nạp nhiều hơn so với bữa tối.
  • Giữ khu vực chế biến thức ăn sạch sẽ, mọi dụng cụ chế biến như bếp, thớt, đồ dùng nhà bếp nên được làm sạch. Ngoài ra, nên sử dụng thớt riêng đối với thịt và các loại rau.
  • Đối với các loại trái cây và rau: Nên ngâm trong nước muối khoảng 30 đến 45 phút trước khi đưa vào chế biến hoặc ăn.
  • Thịt nên được nấu chín, tránh ăn đồ tái hoặc chế biến dưới nhiệt độ quá cao như rán, nướng.
  • Chỉ nên ăn những thực phẩm tiệt trùng: Các loại sữa, pho mát và các thực phẩm từ sữa khác đã được tiệt trùng được đun nóng ở nhiệt độ cao để có thể tiêu diệt vi sinh vật.
  • Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng được bổ sung hằng ngày là một phần quan trọng không thể thiếu. Đối với bệnh nhân ung thư máu thì vấn đề về dinh dưỡng lại càng phải lưu ý nhiều hơn. Một cơ thể đầy đủ sức khỏe mới giúp bệnh nhân vượt qua được quá trình điều trị bệnh.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng hoặc đi dạo trước bữa ăn giúp tăng cảm giác thèm ăn.
  • Uống đủ nước là rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư vì một số liệu pháp điều trị ung thư có thể gây mất nước. Ngoài ra, một số tác dụng phụ, chẳng hạn như tiêu chảy và nôn mửa, cũng góp phần làm mất nước. Chất lỏng sẽ giúp giảm bớt tình trạng mệt mỏi và táo bón cho người bệnh.

3. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư máu

3.1. Ung thư máu nên ăn gì?

  • Bổ sung các thực phẩm giàu chất đạm (Protein)

Chất đạm có vai trò bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập các tác nhân từ bên ngoài như vi khuẩn, vi nấm, virus,... đồng thời giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Bệnh nhân bị ung thư máu tiêu hao lượng protein lớn nên việc bổ sung là rất cần thiết để duy trì mọi hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Bệnh nhân ung thư máu nên ăn nhiều các thực phẩm như: Đậu phụ, sữa, thịt nạc, trứng, cá... và cần phải cân đối khẩu phần ăn hằng ngày giữa thịt động vật và thực vật để đảm bảo cung cấp đầy đủ protein.

  • Bổ sung tinh bột

Trong mỗi bữa ăn hằng ngày có chứa tới 1⁄3 tinh bột bởi nó là thành phần quan trọng không thể thiếu. Tinh bột có vai trò trong việc cung cấp nguồn năng lượng chính cho mọi hoạt động của cơ thể. Tinh bột có chứa nhiều trong các hạt ngũ cốc nguyên hạt như gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch; Các loại củ như khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn... giúp cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ cho cơ thể.

  • Bổ sung chất béo

Chất béo (dầu, mỡ) có vai trò trong việc tham gia vào quá trình hình thành nên cấu trúc của cơ thể, đồng thời sẽ tạo ra các acid béo và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Mỗi bệnh nhân ung thư máu cần được cung cấp một lượng chất béo nhất định, trong đó hàm lượng acid béo không no không quá 50% tổng năng lượng.

Chất béo chủ yếu có trong thực vật và động vật. Chất béo có trong thực vật bao gồm: dầu oliu, dầu hướng dương, dầu lạc, dầu vừng,... Chất béo có trong động vật bao gồm: mỡ lợn, mỡ gà, sữa, bơ,... Tuy nhiên bệnh nên ung thư máu nên hạn chế tối đa việc bổ sung chất béo từ các loài động vật bởi có thể làm tăng hàm lượng cholesterol trong máu và hàm lượng lipoprotein (LDL) mật độ thấp, từ đó làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch và khả năng bị tiểu đường.

  • Nước

Khi điều trị bệnh bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ như nôn, tiêu chảy, sốt,... khiến cho cơ thể bị mất nước từ nhẹ đến nghiêm trọng, mất cân bằng cân bằng nước và điện giải, khiến cơ thể mệt mỏi. Vì vậy bệnh nhân ung thư máu cần bổ sung mỗi ngày ít nhất 2 lít nước để đảm bảo cho mọi hoạt động của cơ thể.

  • Các vitamin và khoáng chất thiết yếu

Vitamin và chất khoáng đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh năng lượng và duy trì mọi hoạt động sống của cơ thể, tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật và bảo vệ cơ thể. Bệnh nhân được bổ sung một lượng lớn các vitamin và khoáng chất có thể giảm làm các tác dụng phụ của liệu pháp điều trị.

Như chúng ta đã biết, vitamin và khoáng chất có nhiều trong các loại rau, hoa quả tươi. Người bệnh cần phải chọn những loại thực phẩm tươi ngon, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ đó mới tránh được các bệnh có liên quan đến thực phẩm bẩn gây ra.

3.2. Ung thư máu kiêng gì?

  • Nên hạn chế sử dụng đậu xanh, hành tươi, tỏi sống và một số gia vị cay khác như: Hạt tiêu, ớt... Những loại thực phẩm này sẽ cản trở ít nhiều đến quá trình điều trị bệnh hay tương tác làm giảm khả năng hiệu quả của các loại thuốc.
  • Không được uống bia rượu, trà xanh, hút thuốc lá.
  • Tuyệt đối không sử dụng thịt chim, thịt chó, thịt cừu...
  • Hạn chế các chất phụ gia cho vào thực phẩm, nên chọn lựa những thực phẩm tươi sống, không chứa các chất bảo quản, phụ gia độc hại.

Tóm lại, ngoài các phương pháp điều trị ung thư máu thì việc chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng là một yếu tố rất quan trọng. Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng để chống lại bệnh tật, giúp tăng hiệu quả sử dụng thuốc, từ đó tăng tỷ lệ sống sót cao hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan