Hồi hộp lo âu kéo dài: Nên đi khám tâm thần?

Hay hồi hộp lo âu là triệu chứng hay gặp ở nhiều người mắc bệnh tim và cả các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nếu loại trừ nguyên nhân do bệnh tim, người hay bị hồi hộp lo lắng nên đi khám chuyên khoa tâm thần, thần kinh để tránh để tình trạng bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn.

1. Hay bị hồi hộp lo lắng - triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh lý

  • Ở người khỏe mạnh: Trong các điều kiện bình thường, họ không thể nghe thấy tiếng tim đập nhịp nhàng. Người khỏe mạnh chỉ cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh khi đang ở trạng thái căng thẳng vì hoạt động gắng sức, xúc động hoặc hoạt động tình dục. Đây là hiện tượng mang tính chất sinh lý bình thường, nguyên nhân là do hoạt động quá mức của tim làm tim đập nhanh và tăng co bóp. Cảm giác này có thể xuất hiện do một số bệnh đi kèm như sốt, thiếu máu nặng hoặc hội chứng cường giáp;
  • Ở người bệnh tim: Triệu chứng hồi hộp, lo âu khi kết hợp với mệt mỏi, khó thở, phù chân,... là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về tim mạch. Nguyên nhân gây hồi hộp ở bệnh nhân tim mạch là tình trạng rối loạn nhịp tim gồm tình trạng ngoại tâm thu, rối loạn thần kinh tim, cơn nhịp nhanh kịch phát,... Những bệnh này có thể là nguyên phát hoặc thứ phát do bệnh van tim, bệnh viêm cơ tim hay bệnh động mạch vành;
  • Ở người mắc bệnh suy nhược thần kinh: Hồi hộp, hay lo âu đi kèm trằn trọc khó ngủ, cảm giác sợ hãi, ngộp thở, lạnh tay chân,... là triệu chứng đặc trưng của các rối loạn lo âu. Đây là một vấn đề về tâm thần, có thể dẫn đến kết quả làm việc sa sút, kết quả học tập kém đi, các mối quan hệ bạn bè ít dần,...

2. Người hay bị hồi hộp lo âu kéo dài - triệu chứng của suy nhược thần kinh

Hiểu, nhận diện đúng triệu chứng bệnh và điều trị đúng chuyên khoa là rất cần thiết. Những trường hợp hay bị hồi hộp lo lắng, lo âu kéo dài nhưng đã loại trừ được nguyên nhân mắc bệnh tim mạch thì rất có thể đã mắc bệnh suy nhược thần kinh.

Suy nhược thần kinh nếu không được điều trị đúng có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như: Sức khỏe kém thậm chí kiệt sức, tinh thần bất an, lo lắng, trầm cảm, lo âu, có ý định tự tử,... Các rối loạn ám ảnh khác dễ dẫn đến nghiện rượu và nghiện các thuốc an thần do tự ý điều trị,... Cuối cùng, bệnh nhân có nguy cơ mất khả năng lao động và tình trạng này càng làm nặng thêm các diễn tiến trên.

Đau đầu
Hồi hộp lo âu kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống

Trong trường hợp này, bệnh nhân nên sớm đi khám chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán chính xác về vấn đề sức khỏe mình đang gặp phải và có hướng điều trị phù hợp nhất.

2.1 Một số loại bệnh suy nhược thần kinh

Stress

Stress có mức độ từ nhẹ đến nặng, kéo dài sau sang chấn. Khi bị stress nặng hoặc xảy ra nhiều lần, người bệnh không thể vượt qua có thể đối diện với nguy cơ trầm cảm trong thời gian ngắn, phản ứng trầm cảm kéo dài hay vừa lo âu vừa trầm cảm...

Rối loạn lo âu

Đây là dạng bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh suy nhược thần kinh. Bệnh nhân đột nhiên có cảm giác hồi hộp, lo âu mà không có nguyên nhân rõ ràng. Các rối loạn lo âu gồm nhiều loại khác nhau như: lo âu lan tỏa, cơn hoảng loạn, lo âu và trầm cảm hỗn hợp,... Nếu các triệu chứng lo âu hiện diện cùng lúc với các triệu chứng trầm cảm thì bác sĩ chuyên khoa tâm thần có khuynh hướng chẩn đoán là bệnh trầm cảm.

Trầm cảm

Trầm cảm có biểu hiện là buồn chán, mất ngủ, không còn quan tâm hứng thú, bứt rứt hoặc chậm rề rà, thiếu hụt năng lượng làm việc, cảm thấy vô dụng, có lỗi, hay nghĩ tới cái chết,... Trầm cảm có biểu hiện từng thời điểm khác nhau hoặc sau một giai đoạn rối loạn tâm thần khác. Có người chỉ xuất hiện một cơn trầm cảm, mức độ trung bình hoặc nặng. Cơn trầm cảm nặng có tiêu chuẩn chẩn đoán rất rõ ràng và nguy cơ tự tử ở mức khá cao.

Bệnh rối loạn thực thể hóa

Khi bị rối loạn lo lắng kéo dài, điều trị không hết, nhiều bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau không cụ thể ở các cơ quan trong cơ thể, phổ biến nhất là đau tim vùng trước ngực, đau dạ dày vùng thượng vị,... Lúc này, việc thực hiện các xét nghiệm như chụp X-quang, CT-scanner, MRI, nội soi,... đều không phát hiện được các tổn thương đặc hiệu. Đây là bệnh rối loạn thực thể hóa - một bệnh thuộc suy nhược thần kinh.

Stress căng thẳng
Stress kéo dài là biểu hiện bệnh suy nhược thần kinh nếu không được điều trị sớm

2.2 Những yếu tố gây suy nhược thần kinh

  • Môi trường sống: Môi trường sống gia đình và xã hội đều có thể gây áp lực lên mọi đối tượng. Các bà nội trợ, nhân viên lao động, người quản lý, học sinh, sinh viên,... đều có những áp lực cuộc sống riêng, dẫn đến tình trạng stress, rối loạn lo âu kéo dài;
  • Gen di truyền;
  • Tâm lý và quá trình phát triển: Một số bệnh nhân rối loạn lo âu do tiền sử bị đối xử không tốt như bị lạm dụng, ngược đãi hoặc sống trong môi trường không thuận lợi cho việc phát triển cảm xúc, nhận thức, lý tưởng sống,...

2.3 Hồi hộp lo âu kéo dài nên đi khám và điều trị tích cực

Trước hết, người hay bị hồi hộp lo âu kéo dài nếu loại trừ nguyên nhân mắc bệnh tim mạch hay thần kinh nên đi khám đúng chuyên khoa tâm thần ở các bệnh viện, phòng khám tâm thần lớn. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cho bệnh nhân.

Một số loại phương pháp điều trị hồi hộp lo âu kéo dài:

  • Thuốc chống lo âu (anxiolytiques hay anti-anxiety drugs): Có thể giảm mức độ nặng của các triệu chứng rối loạn lo âu;
  • Thuốc chống trầm cảm;
  • Thuốc chẹn beta: Sử dụng trong trường hợp không có chống chỉ định;
  • Tâm lý trị liệu hành vi giúp người bệnh tư duy, phản ứng và thực hiện các hành vi nhằm làm giảm cảm giác lo âu.

Khi dùng thuốc bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh chú ý không tự ý uống thuốc, không nghe theo bệnh nhân khác vì một số thuốc chữa suy nhược thần kinh có thể gây nghiện. Đồng thời, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường do tác dụng phụ của thuốc.

Khám bệnh
Nếu hay bị hồi hộp lo lắng, lo âu kéo dài do suy nhược thần kinh, bệnh nhân nên đi khám và tư vấn tại các bệnh viện tâm thần

2.4 Biện pháp phòng ngừa hồi hộp lo lắng kéo dài

  • Thực hiện lối sống lành mạnh: Dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục, tránh lạm dụng rượu bia, tránh sử dụng thuốc kích thích,...;
  • Không đặt tham vọng, thử thách quá cao mà bản thân không thể thực hiện được;
  • Học hỏi bạn bè, quan hệ cởi mở;
  • Tránh ích kỷ, thù hằn;
  • Luyện yoga hay thiền để tạo cân bằng về cảm xúc của cơ thể;
  • Nên chia sẻ tình trạng buồn phiền, lo lắng hay suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh với người thân.

Nếu hay bị hồi hộp lo lắng, lo âu kéo dài do suy nhược thần kinh, bệnh nhân nên đi khám và tư vấn tại các bệnh viện tâm thần. Khi điều trị bệnh, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để sớm hồi phục sức khỏe thể chất và tâm lý.

Phòng khám Tâm lý tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với sự tham gia trực tiếp của đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ dày dạn kinh nghiệm, được đào tạo bài bản cùng các trang thiết bị hiện đại. Phòng khám Tâm lý Vinmec có khả năng triển khai các trắc nghiệm tâm lý, liệu pháp tâm lý chuyên sâu phục vụ công tác khám chữa bệnh. Từng trường hợp sẽ được thăm khám và áp dụng biện pháp điều trị phù hợp, khi cần thiết kết hợp cả tâm lý và sử dụng thuốc theo các phác đồ tiên tiến cập nhật của thế giới.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

82K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan