Tác động của phơi nắng lên da

Khi làn da của bạn phơi nắng hoặc tiếp xúc với tia cực tím trong một thời gian dài có thể gây ra những vấn đề về da đáng lo ngại, chẳng hạn như cháy nắng, nám, tàn nhang và thậm chí là ung thư da. Việc bảo vệ và chăm sóc làn da đúng cách ngay từ ban đầu sẽ giúp bạn tránh được những tình trạng trên và ngăn ngừa lão hoá da sớm.

1. Phơi nắng có ảnh hưởng đến làn da như thế nào?

Những tia nắng mặt trời ấm áp có thể đem lại cho bạn cảm giác thoải mái, dễ chịu trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu mà không được bảo vệ có thể gây hại cho làn da bạn, dẫn đến tình trạng lão hoá sớm.

Bức xạ UV là một phần của quang phổ ánh sáng từ mặt trời đến trái đất. Nó có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy, được phân thành hai loại chính, bao gồm tia UVA và tia UVB. Cả hai loại bức xạ này đều gây hại cho làn da của bạn theo những cách khác nhau. Tia UVB (sóng ngắn) là nguyên nhân khiến da bị cháy nắng và đỏ rát, trong khi tia UVA (sóng dài) có thể xâm nhập sâu hơn vào da và gây tổn thương DNA.

Khi da phơi nắng trong một thời gian dài có thể dẫn đến tác hại đầu tiên là cháy nắng. Ở dạng nhẹ, da sẽ có các biểu hiện như nám và ửng đỏ. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, da bạn có thể xuất hiện kèm theo các nốt mụn nước, cùng với các triệu chứng như chóng mặt hoặc buồn nôn.

Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ có thể dẫn đến những ảnh hưởng lâu dài cho làn da của bạn, điển hình nhất là tình trạng khô da, sạm da và da không đều màu. Theo thời gian, ánh nắng mặt trời có thể làm da trở nên khô ráp và cạn kiệt lượng axit béo thiết yếu, khiến da bạn bị bong tróc và nhăn nheo đi trông thấy. Ngoài ra, tia cực tím từ ánh nắng mặt trời cũng làm chậm tốc độ thay mới tế bào da, gây tích tụ các tế bào da chết và khiến da bị xỉn màu. Chưa hết, da phơi nắng lâu có thể gây ra các vết nám hoặc tàn nhang cứng đầu, rất khó loại bỏ.

Vậy phơi nắng có hại da không? Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài có thể làm phá huỷ collagen và elastin trong da. Collagen vốn là một loại protein có tác dụng duy trì độ săn chắc cho làn da, trong đó elastin là một chất xơ, giúp hỗ trợ làn da phục hồi trở lại. Tình trạng suy thoái collagen và elastin ở các lớp da sâu hơn có thể dẫn đến những dấu hiệu của lão hoá sớm, chẳng hạn như xuất hiện nếp nhăn trên da.

Mặc dù tác hại của ánh nắng mặt trời lên làn da chủ yếu là về mặt thẩm mỹ, tuy nhiên nó có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khoẻ khi gây bệnh ung thư da. Cháy nắng nhiều lần và làn da không được bảo vệ cẩn thận khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư da khác nhau. Đây cũng là lý do vì sao việc chống nắng cho làn da lại quan trọng đến vậy.

Tác động của phơi nắng lên da
Khi da phơi nắng trong một thời gian dài có thể dẫn đến tác hại là cháy nắng

2. Mối liên hệ giữa ung thư da và tia cực tím

Ung thư da là một trong những dạng ung thư phổ biến nhất, thường xảy ra khi các tế bào da bất thường phát triển không kiểm soát được. Sự phát triển nhanh chóng này dẫn đến các khối u lành tính (không phải ung thư) hoặc ác tính (ung thư).

Ung thư da gồm 3 loại chính, bao gồm: Ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố. Trong đó, ung thư biểu mô tế bào vảy và tế bào đáy là những loại ít nghiêm trọng hơn, chiếm tới 95% các ca ung thư da. Chúng còn được gọi là ung thư da không phải khối u ác tính, có khả năng được chữa khỏi cao khi được điều trị sớm. Đối với ung thư da loại u hắc tố thường được hình thành từ các tế bào sắc tố da bất thường, đây là dạng ung thư da nghiêm trọng nhất và gây ra 75% tổng số ca tử vong. Nếu không được điều trị sớm, ung thư hắc tố có thể lây lan sang các cơ quan khác trong cơ thể và rất khó kiểm soát.

Nhìn chung, bức xạ tia cực tím (UV) từ mặt trời được xem là nguyên nhân gây ung thư da, ngay cả tia UV từ giường tắm nắng cũng gây hại không kém. Khi da phơi nắng trong những tháng mùa đông cũng có nguy cơ gây ung thư da tương tự như khi bạn phơi nắng trong mùa hè, bởi vì tia UVA thường có trong ánh sáng vào ban ngày.

Cháy nắng tích luỹ chủ yếu gây ra dạng ung thư da tế bào đáy và tế bào vảy, trong khi các đợt cháy nắng nghiêm trọng hơn (thường trước 18 tuổi) có thể làm tăng nguy cơ phát triển các khối u ác tính. Các nguyên nhân ít phổ biến hơn, bao gồm da tiếp xúc nhiều lần với tia X, hoặc các loại hóa chất độc hại.

3. Những đối tượng nào có nguy cơ cao bị ung thư da?

Thực tế, ung thư da có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng nguy cơ cao nhất thường bao gồm những người có làn da trắng, có tàn nhang, dễ bị bỏng, mắt sáng hoặc tóc vàng/đỏ. Những người có làn da sẫm màu hơn cũng có khả năng mắc các loại ung thư da, tuy nhiên nguy cơ này của họ thấp hơn đáng kể so với những người khác.

Ngoài màu da, các yếu tố nguy cơ khác cũng góp phần làm tăng khả năng mắc ung thư da, bao gồm tiền sử gia đình hay cá nhân mắc ung thư da, điều kiện làm việc ngoài trời và sống trong khu vực có khí hậu nắng. Ngoài ra, tiền sử bị cháy nắng nghiêm trọng và có nhiều nốt ruồi lớn (hơn 30 nốt) với hình dạng bất thường là những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sự phát triển của các khối u ác tính.

Tác động của phơi nắng lên da
Ung thư da có nguy cơ cao thường bao gồm những người có làn da trắng, có tàn nhang

4. Ung thư da thường có các dấu hiệu nào?

Dấu hiệu cảnh báo ung thư da phổ biến nhất là các thay đổi bất thường trên da, điển hình là sự xuất hiện của các nốt ruồi mới, tổn thương da hoặc sự thay đổi của các nốt ruồi hiện có.

  • Ung thư biểu mô tế bào đáy thường xuất hiện dưới dạng một vết sưng nhỏ, nhẵn, như ngọc trai hoặc sáp trên tai, mặt và cổ. Đôi khi nó giống như một vết thương phẳng màu hồng, đỏ hoặc nâu trên cánh tay và chân.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy có thể xuất hiện dưới dạng nốt cứng màu đỏ, hoặc là một vết tổn thương phẳng trên da có vảy, đôi khi bị chảy máu và đóng váy. Cả hai dạng ung thư biểu mô tế bào vảy và đáy đều xảy ra chủ yếu ở những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Ung thư da ác tính thường xuất hiện dưới dạng một mảng hoặc vết sưng có sắc tố. Đôi khi chúng có màu đỏ hoặc trắng và giống với nốt ruồi bình thường, tuy nhiên có hình dạng khác biệt hơn.

Nhìn chung, ung thư da ác tính thường có các dấu hiệu đáng chú ý sau:

  • Hình dạng mụn ruồi hoặc các đốm không cân xứng nhau.
  • Màu sắc nốt ruồi hoặc đốm không đều nhau, chẳng hạn như nâu, đen, đỏ, rám nắng, trắng hoặc xanh lam
  • Nốt ruồi có sự thay đổi đáng kể về kích thước (lớn hơn 6mm).
  • Có bất kỳ nốt ruồi hoặc đốm nào đang phát triển hoặc thay đổi về màu sắc, hình dạng, kích thước, gây ngứa hoặc chảy máu.

5. Chẩn đoán và điều trị ung thư da

Ung thư da thường được chẩn đoán bằng cách thực hiện sinh thiết. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô da và sau đó kiểm tra dưới kính hiển vi.

Việc điều trị ung thư da thường được xác định theo tình trạng bệnh của mỗi người, bao gồm kích thước, vị trí và loại ung thư da. Các phương pháp điều trị cho các loại ung thư da bao gồm:

  • Phẫu thuật Mohs
  • Phẫu thuật lạnh
  • Kem trị liệu hoá học tại chỗ
  • Hoá trị liệu và chất điều chỉnh phản ứng sinh học đối với ung thư da đã di căn
  • Xạ trị
Tác động của phơi nắng lên da
Có thể điều trị ung thư da bằng kem trị liệu hóa học tại chỗ

6. Làm thế nào để bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím?

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì vậy việc bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời mỗi ngày là một bước vô cùng quan trọng. Trên thực tế, khi tuổi tác của bạn càng cao, khả năng phục hồi của làn da càng trở nên khó khăn hơn. Trước khi ra ngoài trời nắng, bạn nên thoa các loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và có chứa oxit kẽm (để chống tia UVA). Bạn nên thoa lại kem chống nắng cứ sau 2 giờ một lần, hoặc nhiều hơn nếu cơ thể bị đổ mồ hôi.

Một số biện pháp khác giúp bạn bảo vệ da khỏi ảnh hưởng của tia cực tím, bao gồm:

  • Chọn quần áo, mỹ phẩm và kính râm có khả năng chống tia UV
  • Đeo kính râm có khả năng chống tia UV 100% và đội mũ rộng vành để che chắn phần mặt cũng như cổ
  • Tránh để da phơi nắng lâu hoặc hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong giờ cao điểm, cụ thể là từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều.
  • Kiểm tra da thường xuyên hàng tháng để sớm phát hiện bất kỳ sự thay đổi nào trên da

Mặc dù không thể khắc phục hoàn toàn tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da, nhưng việc lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da phù hợp và kết hợp sử dụng kem chống nắng hàng ngày có thể mang lại sự cải thiện đáng kể. Dưới đây là một số cách giúp làm giảm những thiệt hại về da do ánh nắng mặt trời gây ra:

  • Tẩy da chết AHA: Bạn nên thực hiện tẩy tế bào chết trên bề mặt da thường xuyên hơn nhằm giúp làm mờ các đốm sắc tố và giảm tình trạng khô da. Điều này cũng giúp màu da của bạn trở nên sáng và khoẻ mạnh hơn.
  • Dùng retinol: Giúp kích thích quá trình đổi mới tế bào tự nhiên trên da và làm giảm các vết sạm, nếp nhăn do tác hại của tia UV
  • Vitamin C: Có tác dụng làm giảm các đốm nâu, giúp da trắng sáng hơn, đồng thời chống lại những tổn thương da do ô nhiễm môi trường
  • Serum chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong các loại serum dưỡng da sẽ giúp bảo vệ làn da của bạn khỏi những tác hại của môi trường, đồng thời làm tăng hiệu quả của kem chống nắng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: paulaschoice-eu.com, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan