Lưu ý khi chữa ho, sổ mũi cho trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Trong năm đầu đời, phần lớn trẻ nhỏ có thể bị cảm lạnh lên tới bảy lần và tỷ lệ mắc cao hơn khi đi nhà trẻ. Điều trị cảm lạnh ở trẻ nhỏ phần lớn là giảm bớt các triệu chứng như chữa ho sổ mũi cho bé. Tuy nhiên, trẻ nhỏ cần được đi khám nếu có dấu hiệu của cảm lạnh để đảm bảo rằng đây không phải là bệnh viêm phổi hoặc các bệnh nghiêm trọng khác.

1. Những triệu chứng cơ bản của cảm lạnh

Dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh thông thường ở bé thường là:

  • Mũi bị nghẹt hoặc chảy nước mũi.
  • Nước mũi lúc đầu có thể trong nhưng có thể đặc lại và chuyển sang màu vàng hoặc xanh.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác của cảm lạnh ở bé có thể bao gồm:

  • Sốt.
  • Hắt xì.
  • Ho kéo dài.
  • Chán ăn.
  • Cáu gắt.
  • Khó ngủ.
  • Khó ăn hoặc uống do nghẹt mũi hoặc ho.

2. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Hệ thống miễn dịch của bé sẽ cần thời gian để trưởng thành. Nếu em bé của bạn bị cảm lạnh mà không tiến triển và triệu chứng giảm dần thì bệnh sẽ khỏi trong vòng 7 ngày.

Nếu em bé của bạn dưới 3 tháng tuổi, hãy gọi bác sĩ sớm nếu bệnh không đỡ do đây có thể trẻ không phải mắc cảm lạnh mà bệnh nghiêm trọng hơn, đặc biệt là nếu em bé bị sốt.

Hầu hết cảm lạnh không gây quá nhiều phiền toái nhưng điều quan trọng bố mẹ cần theo dõi trẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu nghiêm trọng để đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nếu em bé của bạn 3 tháng tuổi trở lên, hãy đến cơ sở y tế sớm nếu:

  • Số lần thay tã giảm hơn so với bình thường.
  • Có nhiệt độ cao hơn 38 độ C.
  • Có triệu chứng bị đau tai hoặc khó chịu bất thường.
  • Mắt đỏ hoặc có dịch tiết mắt màu vàng hoặc xanh.
  • Khó thở.
  • Bị ho dai dẳng.
  • Có nước mũi đặc, màu xanh lá cây trong nhiều ngày.
  • Có những dấu hiệu hoặc triệu chứng khác làm bạn lo lắng, chẳng hạn như tiếng khóc bất thường hoặc khóc không ngừng.

Ngoài ra, nếu trẻ có các dấu hiệu sau, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.
  • Ho đến nỗi gây nôn hoặc thay đổi màu da.
  • Ho ra đờm có máu.
  • Khó thở hoặc có triệu chứng xanh tím quanh môi hoặc đầu ngón tay.
Lưu ý khi chữa ho, sổ mũi cho trẻ
Nếu trẻ không ăn uống bất cứ thứ gì, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

3. Nguyên nhân cảm lạnh ở trẻ

Cảm lạnh là nhiễm trùng ở mũi và họng (nhiễm trùng đường hô hấp trên) có thể do một trong hơn 100 loại virus gây ra và loại phổ biến nhất là Rhinovirus.

Một khi đã bị nhiễm virus, em bé của bạn thường trở nên miễn dịch với virus đó, nhưng vì rất nhiều virus gây cảm lạnh nên em bé của bạn có thể bị cảm lạnh nhiều lần trong suốt cuộc đời. Ngoài ra, một số virus không tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài.

Một loại virus cảm lạnh xâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của bé bằng cách:

  • Không khí. Khi người bệnh khác ho, hắt hơi hoặc nói chuyện thì người đó có thể trực tiếp truyền virus cho trẻ.
  • Tiếp xúc trực tiếp. Người bị cảm lạnh chạm vào tay em bé có thể truyền virus cảm lạnh cho em bé và sau đó bé chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của mình.
  • Bề mặt bị nhiễm bẩn. Một số virus sống trên bề mặt trong hai giờ hoặc lâu hơn. Em bé của bạn có thể bị nhiễm virus bằng cách chạm vào bề mặt bị ô nhiễm, chẳng hạn như đồ chơi.

4. Các yếu tố nguy cơ của cảm lạnh

Một vài yếu tố khiến trẻ có nguy cơ cao bị cảm lạnh như:

  • Hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Trẻ nhỏ, về bản chất, có nguy cơ bị cảm lạnh vì Chưa bao giờ được tiếp xúc nên không có sức đề kháng với hầu hết các loại virus có trong môi trường.
  • Tiếp xúc với những trẻ khác. Trẻ nhỏ dành nhiều thời gian ở cùng với những đứa khác tại nhà trẻ, những người không luôn rửa tay hoặc che miệng khi ho và hắt hơi, điều này làm tăng nguy cơ bé bị cảm lạnh.
  • Thời gian trong năm. Cả trẻ em và người lớn đều dễ bị cảm lạnh từ mùa thu đến cuối mùa xuân.

5. Biến chứng của cảm lạnh

Chữa ho sổ mũi cho trẻ
Viêm tai giữa là một trong những biến chứng của cảm lạnh

Viêm tai giữa: Đây là biến chứng phổ biến nhất của cảm lạnh, do cấu tạo màng nhĩ của tai trẻ nhỏ thường ngắn, rộng và nằm ngang nên vi khuẩn/virus rất dễ xâm nhập vào tai và trẻ bị ho có đờm sổ mũi khiến cho tai bị ẩm ướt và là vùng đất khiến cho vi khuẩn phát triển mạnh.

Khò khè: Cảm lạnh có thể gây thở khò khè, ngay cả khi con bạn không bị hen suyễn. Nếu con bạn bị hen suyễn, cảm lạnh có thể làm cho bệnh nặng hơn.

Viêm xoang: Cảm lạnh không được giải quyết được triệt để có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp trong xoang gây viêm xoang.

Nhiễm trùng thứ cấp khác: bao gồm viêm phổi, viêm phế quản và co thắt.

6. Lưu ý khi chữa ho, sổ mũi cho trẻ khi cảm lạnh

Đây là bệnh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng, nâng cao thể lực, sức đề kháng và chờ bệnh tự khỏi. Cần điều trị biến chứng nếu không may có biến chứng xảy ra. Do thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại virus cảm lạnh do đó bố mẹ không được tự ý cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh. Cố gắng làm cho bé thoải mái hơn với các biện pháp như hút chất nhầy mũi và giữ không khí ẩm. Các loại thuốc không kê đơn (OTC) thường nên tránh sử dụng ở trẻ nhỏ nhưng có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt cho bé nhưng phải cẩn thận tuân theo hướng dẫn sử dụng.

Thuốc hạ sốt

Sốt là một phần trong phản ứng tự nhiên của con bạn đối với virus với triệu chứng sốt nhẹ. Thuốc giảm đau OTC như acetaminophen hoặc ibuprofen có thể làm giảm sự khó chịu liên quan đến sốt, tuy nhiên, những loại thuốc này không tiêu diệt được virus gây cảm lạnh.

Không được sử dụng acetaminophen cho trẻ dưới 3 tháng tuổi và cẩn thận trọng khi cho dùng acetaminophen cho trẻ lớn vì liều lượng thuốc sẽ thay đổi theo cân nặng nên bố mẹ có thể bị nhầm lẫn, nếu bố mẹ không chắc chắn về liều lượng phù hợp với con mình, hãy xin ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé sử dụng.

Không cho trẻ uống thuốc nếu trẻ bị mất nước hoặc nôn liên tục.

Chữa ho sổ mũi cho trẻ
Không cho trẻ uống thuốc nếu trẻ bị mất nước hoặc nôn liên tục

Thuốc ho và cảm lạnh:

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo không nên dùng thuốc ho và cảm lạnh không kê đơn (OTC) cho trẻ dưới 2 tuổi. Thuốc ho và cảm lạnh OTC không điều trị nguyên nhân gây cảm lạnh, cũng không làm bệnh nhanh khỏi hơn và có thể gây nguy hiểm cho em bé của bạn.

Vào tháng 6 năm 2008, các nhà sản xuất đã loại bỏ thuốc ho và thuốc cảm cho trẻ nhỏ khỏi thị trường. Họ cũng sửa đổi nhãn sản phẩm trên các loại thuốc ho và cảm lạnh OTC còn lại để cảnh báo mọi người không sử dụng chúng cho trẻ em dưới 4 tuổi vì những lo ngại về an toàn.

Cung cấp nhiều chất lỏng. Chất lỏng rất quan trọng để tránh trẻ bị mất nước khi sốt. Do đó, bố mẹ có thể khuyến khích bé uống và nếu trẻ vẫn đang bú sữa mẹ, bà mẹ hãy tiếp tục cho trẻ bú do sữa mẹ là nguồn cung cấp kháng thể rất tốt để bảo vệ trẻ khỏi vi trùng gây cảm lạnh.

Vệ sinh mũi:

  • Dùng bóng hút: Phương pháp này thích hợp cho sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặt trẻ nằm ngửa, lần lượt làm từng bên. Nhỏ 2 - 6 giọt nước muối sinh lý vào một bên lỗ mũi, chờ một lát. Bóp xẹp quả bóng đẩy không khí ra rồi nhẹ nhàng đưa đầu hút của quả bóng vào mũi trẻ. Thả tay để dịch nhầy và mũi bị hút vào trong bóng. Bóp đẩy khí và dịch trong bóng vào giấy vệ sinh. Lặp lại cho đến khi nào sạch mũi (chỉ thấy nước trong). Cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ và bàn tay người làm trước và sau khi vệ sinh mũi cho trẻ. Mỗi ngày có thể làm 2-3 lần hoặc nhiều hơn tùy theo tình trạng xuất tiết dịch mũi của trẻ.
  • Dùng dây hút mũi: Cách này tương tự như dùng bóng hút, chỉ khác là người lớn dùng miệng hút mũi của trẻ thông qua hệ thống dây một chiều. Tuyệt đối không được thổi hơi vào dây khi vệ sinh mũi sẽ làm vi khuẩn đi ngược vào mũi trẻ.
  • Dùng chai xịt phun sương: Trước hết cần lấy bớt nhầy mũi cho trẻ. Nếu trẻ lớn hãy bày cho trẻ xì mũi. Trẻ nhỏ dùng giấy ăn loại sạch mịn, cuộn thành bấc sâu kèn, nhẹ nhàng đưa vào mũi trẻ để thấm hút bớt nước và kéo ra theo một chút nhầy. Sau đó xịt mỗi bên 1-2 nhát, chú ý để đầu chai xịt hướng ra phía ngoài má. Nên chọn loại chai xịt mà lực bắn tia nhẹ nhàng cho trẻ bớt sợ và bớt đau mũi. Ngày làm 4 - 6 lần, tùy theo tình trạng tiết nhầy mũi.
  • Bơm rửa mũi: Là cách rửa mũi mà bơm nước vào bên này sau đó nó chảy ra bên kia. Đây là phương pháp gây nhiều tranh cãi nhất về vấn đề gây ra viêm tai giữa. Vậy có nên làm phương pháp này không? Hoàn toàn có thể nếu bố mẹ được chỉ dẫn cách làm đúng và đứa trẻ hợp tác hoặc ít ra là không phản kháng. Bởi hầu hết trẻ con không ưa cách vệ sinh mũi này nên thường la khóc giãy đạp rất mạnh. Như vậy thì không nên dùng phương pháp này cho trẻ, vì nhầy mũi chưa lấy được mà đã làm con hoảng sợ, đó cũng là một loại chấn thương tâm lý. Chỉ có trẻ nhỏ mấy tháng đầu hoặc những trẻ được làm từ nhỏ xíu và đã quen thì mới chịu phương pháp này. Và cũng chỉ nên sử dụng biện pháp bơm rửa mũi khi các phương pháp trên không hiệu quả, trẻ còn nghẹt mũi nhiều do nhiều nhầy ở sâu.
  • Làm ẩm không khí. Chạy máy tạo độ ẩm bằng nước mát trong phòng của bé có thể làm giảm nghẹt mũi. Thay nước hàng ngày và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để vệ sinh thiết bị.

Lưu ý trong việc chữa ho, sổ mũi cho bé là không nên tự ý cho bé dùng thuốc khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. Điều này có thể khiến cho tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp trẻ bị ho lâu ngày không khỏi thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để khám. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với đội ngũ bác sĩ Nhi và trang thiết bị hiện đại, là địa chỉ được nhiều bậc cha mẹ tin tưởng trong việc điều trị các bệnh cho trẻ, điển hình như ho có đờm, ho khò khè, sốt cao, viêm phổi,....

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất và đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm, sổ mũi,... Lysine rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, Lysine thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa để kích thích trẻ ăn ngon hơn và tiêu hóa dễ dàng, hiệu quả, gia tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Tăng cường Lysine cho bé giúp cơ thể tạo kháng thể, phát triển sức đề kháng giúp làm giảm ho, loãng đờm ở trẻ.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm: Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

254.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan