Một số điều cần biết về đặt ống dẫn lưu màng phổi

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý Hô hấp.

Đặt ống dẫn lưu màng phổi là thủ thuật đưa ống dẫn lưu qua thành ngực đi vào khoang màng phổi. Kỹ thuật này được thực hiện cho những bệnh nhân bị tràn khí màng phổi, tràn dịch máu hoặc mủ màng phổi.

1. Đặt ống dẫn lưu màng phổi là gì?

Đặt ống dẫn lưu màng phổi là thủ thuật đặt một ống nhỏ vào trong khoang màng phổi của bệnh nhân (khoảng không gian giữa phổi và lồng ngực) để dẫn lưu khí và chất dịch được tạo ra do một số bệnh lý đi ra khỏi cơ thể.

Đặt ống dẫn lưu màng phổi thường được thực hiện để điều trị các bệnh lý sau:

  • Chấn thương ngực hoặc sau khi phẫu thuật vùng ngực;
  • Có khí thoát ra khỏi phổi đi vào màng phổi và bị tích tụ ở đó;
  • Có dịch tích tụ trong khoang màng phổi do ngực bị chảy máu hoặc dịch tích tụ từ áp xe vùng ngực, dịch tích tụ do suy tim.

2. Đặc điểm của ống dẫn lưu màng phổi

2.1 Loại ống dẫn lưu màng phổi

Có nhiều loại ống dẫn lưu màng phổi được sử dụng như: Ống thông dạ dày (vô trùng hoàn toàn), ống dẫn lưu màng phổi bằng silicone, các ống dẫn lưu màng phổi chuyên dụng,... Ống dẫn lưu chuẩn, được thiết kế riêng cho dẫn lưu màng phổi có ưu điểm lớn nhất vì dễ thao tác, giảm tai biến và giảm hiệu quả dẫn lưu.

2.2 Kích thước ống dẫn lưu màng phổi

Kích thước ống dẫn lưu đặt vào khoang màng phổi tùy thuộc vào từng bệnh lý cụ thể. Đó là:

  • Với bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính bị tràn mủ màng phổi, tràn khí màng phổi hoặc tràn máu màng phổi: Thường được chỉ định đặt ống dẫn lưu màng phổi cỡ lớn có đường kính 8 - 10mm;
  • Với bệnh nhân tràn khí màng phổi lần đầu, không có bệnh phổi mạn tính: Thường được chỉ định đặt ống dẫn lưu màng phổi có kích cỡ nhỏ hơn, đường kính khoảng 4 - 8mm.

2.3 Vị trí đặt ống dẫn lưu màng phổi

Thông thường, ống dẫn lưu màng phổi được đặt ở khoang liên sườn IV, đường nách trước.

3. Quy trình đặt ống dẫn lưu màng phổi

Dẫn lưu màng phổi
Quy trình đặt ống dẫn lưu màng phổi như thế nào?

3.1 Chuẩn bị trước khi tiến hành thủ thuật

Đặt bộ dẫn lưu màng phổi thường được thực hiện trong trường hợp cấp cứu hoặc sau khi phẫu thuật nên bệnh nhân ít có thời gian chuẩn bị. Với bệnh nhân còn tỉnh táo, bác sĩ sẽ cần bệnh nhân xác nhận đồng ý thực hiện các thủ tục. Với bệnh nhân bất tỉnh, bác sĩ sẽ giải thích về việc cần đặt ống dẫn lưu sau khi bệnh nhân tỉnh dậy.

Bác sĩ khám lâm sàng, kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như: Chụp X-quang, siêu âm ngực, chụp CT lồng ngực (chụp cắt lớp vi tính) để xác nhận có phải chất lỏng hoặc khí tích tụ là nguyên nhân gây vấn đề trên phổi hay không và xác định vị trí đặt ống dẫn lưu.

3.2 Thực hiện thủ thuật

Thủ thuật đặt ống dẫn lưu thường kéo dài tối thiểu 20 phút. Quy trình thực hiện như sau:

  • Bác sĩ sát trùng một vùng rộng trên ngực: Từ nách qua núm vú và gần đến bụng;
  • Bác sĩ trải khăn vô trùng lên vùng vừa sát trùng và tiêm thuốc gây tê vào khu vực vừa sát trùng;
  • Bác sĩ dùng dao mổ rạch một đường nhỏ giữa 2 xương sườn trên ngực dài 1 - 2cm, dùng tay và kẹp từ từ tách rộng vết mổ ra;
  • Khi vết mổ đã mở ra đủ rộng, bác sĩ đưa một ống dẫn lưu màng phổi vào (đây là ống dẫn lưu một chiều, chỉ hút dịch và không khí từ màng phổi ra ngoài, không để chúng di chuyển ngược lại), sau đó khâu cố định;
  • Nối máy hút dẫn lưu liên tục.

3.3 Sau khi thực hiện thủ thuật

  • Bệnh nhân ở lại bệnh viện cho tới khi ống dẫn lưu được lấy ra;
  • Hằng ngày, điều dưỡng viên sẽ kiểm tra cẩn thận ống dẫn lưu xem có rò rỉ không khí hay dịch không, bệnh nhân có khó thở không;
  • Bệnh nhân được hướng dẫn hít thở sâu và ho để giúp phổi nở ra, cho phép khí và dịch thoát ra ngoài, ngăn ngừa dịch tràn vào trong phổi;
  • Giữ ống dẫn lưu dịch và khí luôn thẳng, không bị đè ép, phải đặt dưới phổi để không khí được thoát ra ngoài, phổi có thể nở ra bình thường.

Một số biến chứng có thể gặp trước, trong và sau dẫn lưu màng phổi gồm: Đau tại chỗ, choáng do phản ứng cường phế vị, tràn khí màng phổi, viêm mủ màng phổi và chảy máu màng phổi. Các trường hợp biến chứng tràn khí, chảy máu màng phổi nặng có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Người bệnh nên gọi bác sĩ ngay nếu có các biểu hiện sau:

  • Ống dẫn lưu bị sút ra hoặc xê dịch;
  • Các ống dẫn lưu bị đứt;
  • Bệnh nhân đột ngột cảm thấy khó thở hoặc bị đau nhiều hơn.
Dẫn lưu màng phổi
Người bệnh cần gọi bác sĩ nếu đột ngột cảm thấy khó thở hoặc đau nhiều

Ống dẫn lưu thường được rút ra sau vài ngày tùy theo mục đích dẫn lưu khí, máu hay mủ. Thủ thuật rút ống thường được thực hiện một cách nhanh chóng, không cần gây tê. Khi rút ống, bệnh nhân cần làm theo chỉ dẫn của bác sĩ, giữ nhịp hô hấp đều đặn để đảm bảo không khí tràn thêm vào phổi. Sau đó, bác sĩ sẽ dán một miếng băng tại vùng đặt ống dẫn lưu. Bệnh nhân có thể có một vết sẹo nhỏ tại vị trí đặt ống.

Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp X-quang lại lần nữa để kiểm tra hiệu quả hút dẫn lưu màng phổi.

Khi được chỉ định đặt ống dẫn lưu màng phổi, bệnh nhân cần phối hợp tuyệt đối với bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả và giảm tối đa nguy cơ xảy ra những biến chứng khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan