Nhai mớm cơm có thể lây một số bệnh cho trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Nhiều phụ huynh có thói quen nhai mớm cơm, nước uống cho trẻ vì nghĩ rằng trẻ không thể tự nhai. Tuy nhiên vi sinh vật gây bệnh trong nước bọt có thể vào thức ăn và lây bệnh cho trẻ, gây ra các bệnh đường tiêu hóa và hô hấp.

Người lớn nhai thức ăn đến khi thức ăn được nghiền nát thì đút cho trẻ ăn, cách nhai mớm cơm này hiện vẫn còn một số gia đình cho con ăn theo cách này, tưởng chừng như cách này giúp trẻ dễ ăn và tiêu hóa đồ ăn hơn. Thực ra cho trẻ ăn uống theo cách này đã làm hại trẻ, làm cho những vi sinh vật gây bệnh có trong nước bọt của người nhai đã lây truyền sang cho trẻ. Đặc biệt nguy hiểm hơn với những trẻ có sức đề kháng yếu, mắc bệnh suy giảm miễn dịch.

Một số bệnh hay gặp có thể lây khi nhai mớm cơm cho trẻ bao gồm:

1. Bệnh viêm gan

Trong các virus gây bệnh viêm gan thì virus viêm gan A và E có thể lây lan qua đường tiêu hóa. Virus viêm gan A tồn tại trong nước bọt, nước tiểu của người mắc bệnh, cho nên khi nhai mớm cơm, thức ăn cho trẻ nước bọt của người nhiễm bệnh cho thể lây lan cho trẻ.

Khi mắc bệnh trẻ có biểu hiện bệnh như vàng da, vàng mắt, sốt, người mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu, kèm theo ngứa toàn thân. Virus viêm gan A có thể lây lan thành dịch, tuy nhiên đa số các triệu chứng nhẹ thoáng qua.

Bệnh viêm gan có thể lây cho trẻ qua đường nước bọt
Bệnh viêm gan có thể lây cho trẻ qua đường nước bọt

2. Bệnh lỵ amip

Lỵ amip là ký sinh trùng thuộc họ entamoeba, lây truyền đường phân miệng, bào nang của lỵ amip ra ngoài cơ thể theo phân là dạng lây lan của bệnh, bào nang có khả năng chịu đựng được những điều kiện không thuận lợi trong thời gian dài.

Bào nang có thể tồn tại trong móng tay người mang bệnh, khi người mang bệnh nhai, dùng tay đút thức ăn có thể gây bệnh cho trẻ.

Những biểu hiện của bệnh lỵ amip bao gồm: Có thể sốt hoặc không, đau bụng, mót rặn, đi ngoài nhiều lần phân có nhầy lẫn máu. Có thể gây ra áp-xe gan do amip( người bệnh đau vùng gan, sốt, vàng da).

3. Bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu

Vi khuẩn não mô cầu khu trú ở vùng mũi, họng của người. Khi nhai mớm cơm cho trẻ vô tình vi khuẩn theo nước bọt lây sang cho trẻ.

Vi khuẩn não mô cầu sau khi xâm nhập vào cơ thể trẻ có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan như gây viêm đường hô hấp, viêm màng não...

Viêm màng não do não mô cầu là bệnh lý nguy hiểm, xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc. Ngày nay, nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì tỷ lệ tử vong từ 5% đến 15%.

4. Nhiễm vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP ( helicobacter pylori) là nguyên nhân chính gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cấp và mạn tính và co nguy cơ phát triển thành ung thư dạ dày, vi khuẩn này có khả năng lây qua đường tiêu hóa (miệng-miệng), khi người lành tiếp xúc trực tiếp bằng miệng với nước bọt của người mang vi khuẩn HP.

Trẻ bị nhiễm vi khuẩn có thể bị mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng gây ra các triệu chứng như: Đau vùng trên rốn, đau có thể lan ra sau lưng và liên quan đến chế độ ăn, thời tiết; kèm theo rối loạn tiêu hóa(buồn nôn, nôn, chán ăn, ợ hơi, ợ chua...); mệt mỏi...

Bệnh có thể gây ra những biến chứng như: Thủng dạ dày-tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu mạn tính, hẹp môn vị, tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng
Trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng

5. Bệnh mononucleosis

Bệnh này hay còn gọi là bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do virus Epstein-Barr (EBV), virus này khu trú ở vùng hầu họng của người và có thể lây lan qua tiếp xúc với nước bọt.

Khi nhiễm virus sẽ ủ bệnh trong khoảng 4-6 tuần, sau đó xuất hiện các triệu chứng tương tự bệnh cảm cúm như: Phát sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau người, viêm họng, nổi hạch. Tuy nhiên cũng có trường hợp không có triệu chứng rõ ràng.

Bệnh mononucleosis thường không nguy hiểm nhưng cũng có thể gây ra một số biến chứng như viêm gan, tổn thương hệ thần kinh trung ương... nhất là đối với trẻ bị suy giảm miễn dịch tự nhiên hay mắc phải.

Ngoài ra, virus Epstein-Barr (EBV) cũng có liên quan với một số bệnh đặc biệt, như u lympho Hodgkin, u lympho Burkitt, ung thư dạ dày, ung thư biểu mô vòm họng. Có bằng chứng cho thấy nhiễm EBV liên quan đến nguy cơ cao về một số bệnh tự miễn như viêm da, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp và chứng đa xơ cứng. Theo thống kê cho thấy khoảng 200.000 trường hợp ung thư mỗi năm được cho là do EBV.

Nhai mớm cơm cho trẻ là một thói quen không tốt, có hại cho sức khỏe của trẻ, vô tình lây cho trẻ những vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm mà không hề hay biết. Chính vì vậy không nên nhai mớm thức ăn cho trẻ, nên chế biến các dạng thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ, giúp trẻ dễ dàng trong việc ăn uống và hấp thu dinh dưỡng.

Bác sĩ Đặng Thị Ngoan từng là giảng viên Bộ môn Nhi - trường Đại học Y dược Hải Phòng. Từng được cấp chứng chỉ về Nhi khoa trong và ngoài nước như: Bệnh viện Westmead, Australia; Trường Đại học Y Hải Phòng. Hiện tại, Bác sĩ Ngoan là bác sĩ Nhi - Sơ sinh tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan