5 điều bạn chưa biết về trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.Huỳnh Bảo Toàn - Bác sĩ Nhi Sơ sinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Nha Trang.

Xin chúc mừng bạn, sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng bạn cũng có thể bế con trên tay! Thành viên mới của gia đình sẽ mang lại cho bạn nhiều niềm vui, hạnh phúc và cả những điều bất ngờ như trẻ sơ sinh hay khóc, trẻ thức đêm ngủ ngày. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết 5 điều mà có thể bạn chưa hay biết về trẻ sơ sinh.

1. Trẻ sơ sinh trông buồn cười

Bạn có thể nhận thấy rằng trẻ sơ sinh hay quấy trông không có gì giống như những thiên thần mũm mĩm, mịn màng, duyên dáng trên các tạp chí trong phòng chờ của bác sĩ. Không, không có gì sai cả. Chỉ là những đứa trẻ trong tạp chí không phải là trẻ sơ sinh! "Về cơ bản, trẻ sơ sinh trông giống như người ngoài hành tinh", bác sĩ nhi khoa và nhà văn Gwenn O'Keeffe nói.

Một số bố mẹ thấy lạ khi thấy đầu của trẻ không được tròn. Điều này là do trong quá trình sinh thường, đầu của trẻ phải đi qua đường âm đạo chật hẹp nên có thể dẫn đến méo hoặc có chỗ lồi lõm. Đối với những trẻ sinh mổ thì sẽ có đầu tròn hơn.

Ngoài ra, O'Keeffe cho biết thêm, vì em bé của bạn đã bơi trong nước ối chín tháng nên khiến trẻ không có cơ hội phát triển nhiều cơ bắp trong tử cung. Điều này khiến cho khuôn mặt và da trên cơ thể của trẻ bị nhăn nheo, chùng xuống.

Làn da của em bé cũng có thể làm bạn ngạc nhiên. Nếu thai nhi già tháng, làn da của trẻ có thể trông nhăn nheo và có thể bị bong tróc do mất chất gây màu trắng, phủ trên da trẻ ở trong tử cung. Trẻ đủ thángsinh non cũng có thể lột da một chút do tiếp xúc với không khí sau khi chây gây bị rửa trôi.

Trẻ sơ sinh có làn da nhăn nheo
Trẻ sơ sinh có làn da nhăn nheo

Trẻ sơ sinh thiếu tháng có nhiều khả năng được bao phủ bởi sợi tóc mảnh, nhợt nhạt (hoặc đôi khi tối) được gọi là lông tơ (lanugo). Lông tơ thường mọc ra từ một số bộ phận của cơ thể, chẳng hạn như lưng, vai, tai và trán, và rụng ra trong vài tuần sau khi sinh (mặc dù nó vẫn tồn tại khá lâu ở một số trẻ).

Chẳng mấy chốc, em bé của bạn sẽ thay đổi, mất đi vẻ bề ngoài mới sinh và trở thành một đứa trẻ hiếu động. Cho đến lúc đó, bạn hãy tận hưởng giai đoạn này trong khi khoảng thời gian này đang kéo dài. Bởi vì, trẻ sơ sinh có một sự đáng yêu kỳ lạ mà ai cũng yêu mến, ít nhất là trong mắt bố mẹ của trẻ.

Như một bà mẹ đã từng nói, "Con lớn nhất của tôi trông giống như chú khỉ con, con thứ hai thì lại trông giống như quý bà nhỏ xíu và con út của tôi giống như một chú ếch. Tôi thấy các con tôi đều rất đẹp."

2. Em bé có thể bị nôn trớ

Trẻ sơ sinh có thể trông rất dễ thương và thơm tho, nhưng khi nói đến nôn trớ và ị, chúng có thể khiến bạn bất ngờ đó.

Trong một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 41% người lần đầu tiên làm mẹ nói rằng, trẻ bị nôn trớ là phiền toái lớn nhất của họ. "Tôi rất ngạc nhiên khi không biết bao nhiêu lần tôi phải thay quần áo của chính mình khi con tôi bị nôn trớ", bà mẹ hai con Rachel Teichman nói.

Tại sao nôn trớ lại phổ biến đến như thế? Điều này được lý giải là do có một loại cơ đóng vai trò như một chiếc van ở giữa thực quản và dạ dày của trẻ chưa hoàn toàn trưởng thành ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, van này đóng không chặt nên khiến thức ăn bị trào ngược lại thực quản, lên khoang miệng và trẻ nôn trớ ra ngoài.

Trẻ sơ sinh rất dễ bị nôn trớ
Trẻ sơ sinh rất dễ bị nôn trớ

Nếu bạn là người thường xuyên cho trẻ bú hoặc ăn, đừng quên động tác dựng thẳng trên lên sau khi ăn và vỗ nhẹ lưng trẻ để làm hơi trong ổ bụng thoát ra. Điều này có thể giúp giảm số lần và số lượng thức ăn bị trớ mỗi lần cho ăn. "Hầu hết triệu chứng nôn trớ ở trẻ sơ sinh sẽ biến mất sau khi trẻ được 4 hoặc 5 tháng tuổi", O'Keeffe nói.

Tuy nhiên, nếu em bé của bạn có vẻ không thoải mái sau khi ăn, nếu bé giảm cân hoặc nôn trớ liên tục, hãy đưa trẻ đến cơ sở Y tế để khám và điều trị. Đó có thể là dấu hiệu của trào ngược hoặc các bệnh lý tiềm ẩn khác.

3. Trẻ đi đại tiện toé ra như tên lửa thì có làm sao không?

Trẻ đi đại tiện toé ra như tên lửa là một phần bình thường khác trong vô vàn trải nghiệm lần đầu tiên làm cha mẹ.

Điều này được giải thích là do cơ chế sinh học của trẻ chưa trưởng thành hoàn toàn. Hệ tiêu hoá của trẻ chưa có khả năng làm cho phân đóng cục lại và khi đạt đến một trọng lượng phân nhất định thì sẽ đi đại tiện, vì vậy đôi khi phân chỉ đạt đến một khối lượng nào đó và trẻ sẽ đi đại tiện ngay lập tức", O'Keeffe nói.

Bạn không thể làm gì ngoài việc thích ứng với hoàn cảnh này, ngoài việc mang theo một chiếc túi đựng đầy đủ tã và cố gắng mỉm cười với trẻ khi trẻ có lỡ đi ngoài không sạch sẽ.

Trẻ có vết hồng nhạt ở bỉm là do đâu?
Bạn nên học cách thay bỉm cho bé

4. Chăm sóc bé ngốn nhiều thời gian hơn bạn tưởng

"Thông thường các bà mẹ sẽ bị choáng ngợp và ngạc nhiên khi phải dành rất nhiều thời gian trong ngày để chăm sóc trẻ sơ sinh", Whitney Moss, bà mẹ và đồng tác giả của “Cẩm nang của mẹ Rookie”, nói. Trong một cuộc khảo sát cho thấy, 64% bà mẹ cho biết việc dành thời gian để hoàn thành công việc hay thời gian cho bản thân là một trong những thách thức lớn nhất của những người lần đầu làm mẹ.

Vì vậy, hãy tạm gác những kế hoạch hiện tại để dành thời gian tập luyện thêm các kinh nghiệm chăm sóc trẻ trong thời gian nghỉ thai sản. Bạn nên hiểu rằng, tất cả những nhiệm vụ liên quan đến chăm sóc em bé sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm. Bạn có thể mất mười phút để thay tã ngay bây giờ, nhưng chẳng mấy chốc bạn sẽ thấy mình vừa thay tã trong khi nói chuyện qua điện thoại.

5. Sự gắn kết hình thành theo thời gian

Đối với một số bà mẹ cú sốc lớn nhất của việc làm cha mẹ mới là tình yêu thương vô bờ bến mà họ cảm thấy khi lần đầu tiên nhìn thấy hoặc bế con. Tuy nhiên, những người khác có thể xuất hiện điều hoàn toàn ngược lại: Điều ngạc nhiên lớn nhất của họ là họ chưa cảm nhận được sự gắn kết với trẻ ngay lập tức. Đối với những bậc cha mẹ này, sự gắn kết phát triển dần dần theo thời gian.

Giống như mang thai, chuyển dạ và sinh nở, trải nghiệm sự gắn kết thay đổi tùy theo từng người. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng, lo lắng vì bạn chưa cảm nhận được sự gắn bó với trẻ sơ sinh như bạn nghĩ, thì hãy dành thêm nhiều thời gian chăm sóc trẻ.

Nếu sau một vài tuần, bạn vẫn gặp khó khăn trong hình thành mối liên kết với em bé, thì hãy nói chuyện với bác sĩ. Đôi khi, trầm cảm sau sinh có thể cản trở quá trình liên kết này và nếu có trầm cảm sau sinh, bạn sẽ cần được khám và điều trị.

Chăm sóc bé nhiều sẽ giúp gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé nhiều hơn
Chăm sóc bé nhiều sẽ giúp gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé nhiều hơn

Chắc chắn những điều trên đây đã khiến bạn phải bất ngờ về một đứa trẻ sơ sinh, nhất là các bạn lần đầu làm cha mẹ, nhưng đừng lo lắng quá, hãy biến những nỗi lo này thành tình yêu thương, chăm sóc trẻ bằng chính bản năng của mình, sự chăm sóc đó như một sợi dây vô hình gắn kết tình yêu thương của cha mẹ gần với con trẻ hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan