Bảo vệ con bạn khỏi các bệnh truyền nhiễm do côn trùng

Trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ cao mắc phải các bệnh truyền nhiễm do côn trùng nhất bởi vì sức đề kháng của trẻ thường non nớt hơn người trưởng thành. Một số bệnh truyền nhiễm do côn trùng mà trẻ dễ gặp phải, bao gồm bệnh Lyme, sốt xuất huyết, bệnh sốt Tây sông Nile,...Nếu không được điều trị sớm, những căn bệnh này có thế gây ra các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ.

1. Một số căn bệnh truyền nhiễm do côn trùng mà trẻ thường mắc phải

Trẻ nhỏ thường là đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì sức đề kháng của chúng thường yếu hơn so với người lớn. Đặc biệt, trẻ thường có nguy cơ cao mắc phải một số căn bệnh truyền nhiễm do côn trùng sau:

1.1.Bệnh Lyme

Bệnh Lyme là một căn bệnh nhiễm trùng mà trẻ có thể mắc phải sau khi bị bọ ve mang vi khuẩn Borrelia burgdorferi cắn. Căn bệnh này lần đầu tiên được biết đến vào năm 1975 và khá phổ biến cho đến ngày nay.

Nhìn chung, khả năng trẻ bị nhiễm Lyme là rất nhỏ trừ khi khu vực trẻ đang sinh sống có bệnh Lyme lan rộng trong cộng đồng. Mặt khác, chỉ có bọ ve đen mới là tác nhân truyền bệnh, và không phải tất cả bọ ve đen đều mang vi rút gây bệnh.

Ngay cả khi trẻ bị một con bọ ve mang mầm bệnh cắn thì nó vẫn phải bám trên da của bé trong một khoảng thời gian đáng kể (thường là hơn 36 giờ) để có thể truyền bệnh. Như vậy, rủi ro mắc bệnh Lyme ở trẻ là khá thấp. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không đề phòng, vì bệnh Lyme không được điều trị có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Hơn nữa, bệnh Lyme có thể gây ra nhiều căn bệnh khác, bao gồm bệnh anaplasmosis, bệnh babesiosis, sốt phát ban Rocky Mountain, bệnh phát ban do bọ ve phương Nam (STARI), bệnh sốt rét và bệnh rickettsiosis 364D.

Bệnh Lyme rất “giỏi” bắt chước các triệu chứng của nhiều bệnh khác nên rất khó chẩn đoán. Khoảng 70-80% trường hợp mắc bệnh Lyme có các triệu chứng như phát ban xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào trên cơ thể. Tình trạng phát ban thường kéo dài từ ba ngày cho đến một tháng sau vết cắn. Các vết phát ban trông giống như những đốm đỏ hình bầu dục hoặc hình tròn bao quanh da, và sau đó là một vòng phát ban đang mở rộng như mắt bò. Trên vùng da sẫm màu, vết phát ban có thể trông giống như một vết bầm tím.

Các triệu chứng ban đầu có thể khác nhau, bao gồm sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức cơ và khớp, sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban. Ngoài ra, nhiễm trùng cũng có thể ảnh hưởng đến khớp, tim và hệ thần kinh. Những triệu chứng sau đây có thể xuất hiện trong nhiều năm sau khi bị bọ ve cắn, bao gồm:

  • Đau đầu dữ dội
  • Phát ban
  • Cứng cổ
  • Bại mặt (mất trương lực cơ, xệ một bên hoặc cả hai bên mặt)
  • Viêm khớp, đặc biệt là ở các khớp lớn như đầu gối
  • Đau ở cơ, gân, xương và khớp
  • Tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều
  • Chóng mặt hoặc khó thở
  • Viêm màng não
  • Đau dây thần kinh
  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay và bàn chân
  • Mất trí nhớ tạm thời
Trẻ đau đầu
Trẻ có thể xuất hiện tình trạng đau đầu dữ dội

Chẩn đoán có thể đặc biệt khó khăn và bệnh Lyme khi không được điều trị sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài. Nếu bạn đang mang thai, nó có thể khiến con bạn có nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh và thai chết lưu. Nếu bạn phát hiện có bọ ve đang bám trên cơ thể của bạn hoặc của trẻ, hãy cẩn thận dùng nhíp để loại bỏ chúng.

1.2. Bệnh Zika

Bệnh Zika thường gây ra bởi loại vi rút do muỗi truyền nhiễm. Đây thực sự là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là ở các khu vực nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới.

Vi rút Zika lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1947, tại Uganda. Nó được lây truyền thông qua muỗi hút máu từ người bị nhiễm bệnh và chuyển sang cho người khỏe mạnh. Thậm chí, vi rút này còn lây lan qua đường tình dục và từ mẹ sang con.

Hầu hết, các triệu chứng của bệnh Zika đều tự biến mất sau khoảng vài tuần, đôi khi người mắc bệnh không biểu hiện ra triệu chứng cụ thể. Nhìn chung, bệnh do vi rút Zika gây ra thường có các triệu chứng sau đây:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Phát ban
  • Đau khớp
  • Đau cơ
  • Xung huyết dưới kết mạc
  • Đau lưng

Nhiễm Zika khi đang mang thai có thể dẫn tới dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ, chẳng hạn như tật đầu nhỏ. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng có thấy một phần ba trẻ mới biết đi tiếp xúc với Zika từ trong bụng mẹ sẽ có các vấn đề về thần kinh. Một số nguy cơ khác bao gồm dị tật ở mắt, suy giảm tăng trưởng, hoặc mất thính lực.

Để có thể làm giảm các triệu chứng do vi rút Zika gây ra, bạn có thể áp dụng các biện pháp ngay tại nhà như nghỉ ngơi đầy đủ, bổ sung nhiều nước để tránh tình trạng mất nước cho cơ thể, cân nhắc sử dụng thuốc giảm đau và giảm sốt dưới sự chỉ định từ bác sĩ.

1.3. Bệnh sốt Tây sông Nile

Sốt Tây sông Nile là một căn bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra khi chúng ăn những con chim mang vi rút gây bệnh. Mặc dù loại vi rút này vẫn còn khá hiếm nhưng nó có tỷ lệ tử vong rất cao.Nhìn chung, căn bệnh này thường không lây lan trực tiếp từ người sang người, cũng không lây truyền qua đường máu, đường sinh nở, cho con bú hay ghép tạng. Các triệu chứng của bệnh sốt Tây sông Nile thường bao gồm đau đầu, sốt, đau nhức cơ, sưng hạch; tuy nhiên nhiều người mắc bệnh lại không biểu hiện ra triệu chứng cụ thể.Theo thống kê, khoảng 1 trong số 150 người mắc bệnh sốt Tây sông Nile có thể phát triển một căn bệnh nghiêm trọng khác, thậm chí gây tử vong. Đặc biệt, những người có hệ miễn dịch bị tổn hại và người cao tuổi thường là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Sốt xuất huyết hoành hành: Cách diệt muỗi triệt để
Bệnh sốt Tây sông Nile do muỗi mang virus gây ra

1.4.Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm do vi rút Dengue gây ra. Nó được truyền nhiễm thông qua loài muỗi vằn có chứa vi rút này. Các nhà khoa học cho rằng, bệnh sốt xuất huyết sẽ ngày một đe dọa nhiều hơn tới sức khỏe con người khi khí hậu toàn cầu đang ấm lên.

Những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh sốt xuất huyết thường bao gồm:

  • Sốt cao
  • Đau đầu dữ dội
  • Đau dữ dội sau mắt
  • Đau ở khớp, cơ và xương
  • Chảy máu nướu răng
  • Xuất hiện các vết phát ban hoặc mẩn đỏ khắp cơ thể

Các triệu chứng nguy hiểm hơn, gồm nôn ra máu, chảy máu cam, chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, buồn nôn, mệt mỏi li bì, thiếu máu lên não, co giật, đổ mồ hôi lạnh hoặc khó thở.

Đặc biệt, trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai là những đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng nặng do sốt xuất huyết. Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh, bạn hãy cho con tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.

1.5. Bệnh Chagas

Bệnh Chagas là do một loại ký sinh trùng có tên là Trypanosoma cruzi có trong phân của loài bọ xít hút máu Triatoma gây ra.

Căn bệnh này có thể lây truyền thông qua nhiều con đường khác nhau, bao gồm:

  • Vết thương hở trên da tiếp xúc với phân chứa ký sinh trùng của bọ xít Triatoma
  • Thông qua đường ăn uống: khi ăn các thực phẩm có dính phân của loài bọ xít truyền bệnh
  • Truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai
  • Lây truyền thông qua đường máu
  • Lây truyền qua ghép tạng

Ở mức độ tồi tệ nhất, căn bệnh này nếu không được chữa trị sớm có thể gây ra các vấn đề về tim hoặc ruột. Hơn nữa, giống như bệnh Lyme, việc chẩn đoán bệnh thường khá khó khăn. Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh Chagas có thể giống như cúm, hoặc bao gồm sưng mí mắt cấp tính.

Nếu bạn nghi ngờ đã bị loài bọ xít này cắn, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Bệnh Chagas
Hình ảnh loài bọ xít hút máu Triatoma gây ra bệnh Chagas

2. Làm thế nào để phòng ngừa bị côn trùng cắn?

Trong nhiều năm gần đây, các bệnh truyền nhiễm do côn trùng cắn ở cả trẻ em và người lớn đều có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa và làm giảm thiểu những rủi ro nhiễm bệnh thông qua các biện pháp dưới đây:

  • Sử dụng thuốc chống côn trùng: sử dụng các loại thuốc chống côn trùng đã được cấp phép bởi Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) nếu bạn đang ở trong khu vực có muỗi hoặc bọ ve truyền bệnh. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra xem liệu chất chống côn trùng đó có đảm bảo độ an toàn đối với trẻ nhỏ hay không.
  • Tránh khu vực có bọ ve sinh sống: những khu vực có cây cối rậm rạp, mặt đất phủ đầy lá hoặc nơi có cỏ cao thường tạo môi trường sống rất thuận lợi cho loài côn trùng hút máu này. Nếu bạn đến những địa điểm này, hãy mặc quần dài và kiểm tra cơ thể cũng như quần áo để tìm xem liệu có bọ ve bám vào hay không. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra bọ ve ở vật nuôi của bạn.
  • Mặc quần áo rộng rãi và dài tay: các loại quần áo sáng màu, dài tay và trùm kín chân có thể giúp bảo vệ bạn và con khỏi bị muỗi đốt.
  • Vệ sinh khu vực nhà ở: để ngăn ngừa nguy cơ phát triển và sinh sản của các loài muỗi mang mầm bệnh, bạn nên vệ sinh sạch sẽ các khu vực trong nhà, đặc biệt là nơi chứa nước, hay ẩm thấp. Ngoài ra, quét dọn rác thường xuyên và làm sạch khu vực vui chơi của trẻ để làm giảm số lượng bọ ve.
  • Cảnh giác khi đi du lịch: nếu bạn đi du lịch tại vùng có nguy cơ truyền nhiễm bệnh do côn trùng cao, bạn nên đảm bảo thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa mà bộ y tế đã khuyến cáo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

708 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan