Bé tăng chiều cao nhưng không tăng cân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phạm Lan Hương - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Trong suốt quá trình phát triển của trẻ thì chiều cao hay cân nặng của trẻ đều rất quan trọng, việc tăng cân và chiều cao của trẻ phải cân bằng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp trẻ tăng chiều cao nhưng không tăng cân khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Vậy nên, để tìm hiểu rõ hơn vấn đề trên, xin mời các mẹ tham khảo bài viết dưới đây.

1. Giai đoạn tăng trưởng chiều cao của trẻ

Từ khi sinh ra tới khi trưởng thành, trẻ có 3 giai đoạn phát triển chiều cao, đó là: thời kì trong bụng mẹ, dưới 3 tuổi và trước khi dậy thì đến lúc dậy thì. Ba giai đoạn này đều rất quan trọng, vì ở 3 giai đoạn này trẻ tăng chiều cao rất nhanh nên cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt, thúc đẩy tăng chiều cao tốt nhưng cân nặng của trẻ vẫn phải ổn định.

Chiều cao của trẻ chịu ảnh hưởng nhiều từ yếu tố di truyền đến các yếu tố ngoại cảnh tác động vào. Khi ở giai đoạn còn trong bụng mẹ đến lúc sinh ra, bé cần đạt chiều cao khoảng 50cm là tốt nhất. Đến giai đoạn thứ hai, trong năm đầu tiên bé sẽ tăng chiều cao thêm 25cm, 2 năm sau mỗi năm sẽ tăng thêm 10cm. Vào giai đoạn tuổi dậy thì, tốc độ tăng chiều cao sẽ từ 10 đến 12cm/năm trong một đến hai năm, sau đó chậm lại và ngừng tăng ở tuổi 25-30.

2. Tại sao bé tăng chiều cao nhưng không tăng cân?

Tình trạng tăng chiều cao nhưng không tăng cân ở trẻ khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng và băn khoăn không biết tại sao. Mặc dù chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết dinh dưỡng như thế nào là hợp lý để tăng chiều cao hay tăng cân ở trẻ. Các chất dinh dưỡng ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ như là năng lượng, protein, canxi, vitamin A, D, sắt, kẽm, i ốt...phải luôn đầy đủ và nên điều chỉnh hợp lý.

Nếu như trẻ tăng chiều cao nhưng không tăng cân nặng, thì cha mẹ nên xem xét lại chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Với trẻ chỉ uống sữa có đủ chất dinh dưỡng (như: canxi, chất béo, đường, đạm,..) cần thiết để phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, trẻ không chịu ăn các thực phẩm khác sẽ dẫn tới thiếu hụt những nhóm chất dinh dưỡng khác để phát triển cân nặng. Việc này ảnh hưởng tới tốc độ phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.

Trẻ biếng ăn sẽ không tăng cân được, dẫn tới thể trạng yếu và phát triển không toàn diện. Nhóm trẻ chỉ thích ăn một nhóm thức ăn nhất định hoặc từ chối nhiều nhóm thức ăn cũng gây nên sự thiếu cân bằng về chất dinh dưỡng, gây ra sự phát triển không tương ứng chiều cao hoặc cân nặng theo đúng lứa tuổi. Vì thế, cha mẹ cần cân bằng giữa tăng chiều caocân nặng của trẻ một cách hợp lý nhất.

Trẻ không tăng cân
Trẻ tăng chiều cao nhưng không tăng cân khiến che mẹ lo lắng

3. Yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao và cân nặng của trẻ

  • Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố ưu tiên vì dinh dưỡng có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển cả chiều cao và cân nặng của trẻ. Một chế độ ăn uống tốt sẽ giúp trẻ đạt sự toàn diện về thể chất và tinh thần nên cha mẹ cần quan tâm xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

Tùy theo từng độ tuổi phát triển của trẻ, cha mẹ xây dựng thực đơn phối hợp hài hòa giữa bữa ăn và lượng sữa nhằm cung cấp đầy đủ, đa dạng các nhóm chất sinh năng lượng là protein, tinh bột, chất béo, cũng như rau củ quả chứa vitamin và các yếu tố vi lượng. Theo khuyến nghị của Viện Dinh Dưỡng quốc gia, tỷ lệ các chất Protein: Lipid: Glucid của trẻ em là 14%: 20%: 66% trong thực đơn nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng thiết yếu cho hoạt động của cơ thể. Bên cạnh nhóm tinh bột là gạo, bột mì; chất béo là dầu thực vật hoặc mỡ lợn, gà; chất đạm có nguồn gốc động vật như thịt các loại, tôm cua cá, cần lưu ý vitamin và khoáng chất vi lượng từ rau xanh, hoa quả vì những chất này đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Đây là những chất tăng cường sức đề kháng và chống suy dinh dưỡng cho trẻ.

Sữa là một thực phẩm chứa tương đối đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho phát triển chiều cao và cân nặng cho trẻ, đặc biệt chứa Canxi rất quan trọng với hệ xương. Khi cho trẻ uống sữa, lượng sữa tối thiểu một ngày cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên là 600ml. Nếu trẻ uống 800-1000ml sữa một ngày sẽ cung cấp đủ lượng canxi đáp ứng nhu cầu tăng chiều cao. Cha mẹ nên lựa chọn loại sữa phù hợp (có thể là sữa tươi hoặc sữa bột) với giai đoạn phát triển của trẻ, có đủ chất dinh dưỡng cần thiết, nguồn gốc, xuất xứ an toàn.

Nên cho trẻ uống sữa 3 lần trong ngày, thường là uống vào lúc sáng, chiều và tối trước khi trẻ đi ngủ. Mỗi lần uống sữa nên cho trẻ uống từ 180 đến 220 ml là đủ, có thể tăng dần lượng sữa theo giai đoạn phát triển của trẻ. Nếu là sữa bột, tỉ lệ pha sữa cần đảm bảo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tránh tình trạng biếng ăn xuất hiện, cha mẹ không nên kéo dài thời gian ăn quá 30 phút. Ngoài ra, việc thường xuyên thay đổi thực đơn để không làm trẻ chán ăn mà vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cũng rất quan trọng. Lưu ý, giữa các bữa ăn cha mẹ không nên cho trẻ ăn thêm bất cứ thứ gì và bổ sung sữa chua hàng ngày giúp bé tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Để việc tăng chiều cao và tăng cân hợp lý thì cha mẹ cần bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ
  • Thói quen sinh hoạt hằng ngày của trẻ

Hoạt động thể chất cũng ảnh hưởng nhiều tới sự tăng chiều caocân nặng của trẻ. Vận động thể dục, thể thao hàng ngày giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh, mà lại tăng chiều cao do kích thích sản xuất hormone tăng trưởng. Cha mẹ khuyến khích cho trẻ vận động từ 30 đến 45 phút mỗi ngày, và bạn tập cùng con cái là nguồn động viên rất lớn đối với các bạn nhỏ.

Rèn luyện thói quen ngủ sớm và ngủ đủ giấc rất quan trọng cho sự phát triển thể chất của trẻ. Trẻ đi ngủ trước 9- 10 giờ tối giúp kích thích hormone tăng trưởng sản xuất, góp phần tạo hệ xương phát triển tốt hơn. Ngược lại, nếu thức khuya sẽ ảnh hưởng không tốt tới cả cân nặng và chiều cao của trẻ.

Những yếu tố khác ảnh tới chiều cao và cân nặng của trẻ, như: yếu tố di truyền, do nội tiết tố trong cơ thể, do gặp vấn đề từ trong bụng mẹ, do thiếu máu,...

Việc tăng cânchiều cao của trẻ sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn. Do đó cha mẹ nên quan tâm cả chế độ dinh dưỡng đầy đủ đa dạng lẫn thói quen sinh hoạt khoa học hàng ngày cho trẻ. Khi trẻ gặp bất kỳ vấn đề nào về cả chiều cao và cân nặng, hãy đưa trẻ đến gặp ngay chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chính xác.

Bên cạnh đó, cha mẹ có thể bổ sung cho con các vitamin và khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen,vitamin B1, ... nhằm hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Các chất này có thể được bổ sung qua thực phẩm ăn hàng ngày hoặc thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên giúp trẻ hấp thụ dễ dàng hơn, đặc biệt cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để tránh tác dụng không mong muốn. Cải thiện triệu chứng của bé có thể diễn ra trong thời gian dài nên cha mẹ cần thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin hữu ích về chăm sóc sức khỏe của trẻ nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan