Cách giảm đau cho trẻ sau khi tiêm phòng

Đau là phản ứng đầu tiên thường gặp ở trẻ em sau khi tiêm phòng. Việc thực hiện một số cách thức giảm đau giúp trẻ luôn luôn khỏe mạnh và được kịp thời can thiệp nếu có dấu hiệu bất thường.

1. Bế trẻ trong khi tiêm phòng

Bố hoặc mẹ nên ở ngay cạnh trẻ khi tiêm để có thể làm phân tán tư tưởng của trẻ. Đồng thời, khi ở bên những người thân giúp trẻ bình tĩnh hơn trong suốt quá trình tiêm chủng. Bạn cần chú ý bế trẻ trong tư thể ôm bé vào lòng và để lộ phần cánh tay hoặc đùi của trẻ ra ngoài để các nhân viên y tế có thể tiêm cho bé một cách dễ dàng hơn.

Những trẻ có độ tuổi lớn hơn thì bố mẹ có thể cho con ngồi lên đùi, mặt đối mặt với bạn. Qua đó, trẻ được ngồi ở vị trí có chỗ dựa vững chắc trong suốt thời gian tiêm chủng và là cách giảm đau cho trẻ sau tiêm phòng.

2. Cho trẻ bú mẹ

Việc cho trẻ bú mẹ có thể là cách giảm đau khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh. Những trẻ được bú mẹ trong khi tiêm phòng các loại vắc xin có xu hướng khóc ít hơn so với những trẻ không được bú.

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng, bạn nên cho trẻ bú sau khi đã tiêm phòng xong. Nguyên nhân là do nếu mẹ cho con bú trước, rất có thể, trẻ sẽ nôn trớ trong quá trình tiêm chủng gây ra khó khăn cho việc tiêm phòng.

3. Cho trẻ ăn hoặc bú thêm một chút đường

Hiện nay, có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, đường có thể giúp giảm cảm giác đau nhói khi tiêm phòng đối với cả người lớn và trẻ nhỏ. Đường đặc biệt sẽ hữu ích đối với trẻ em dưới 6 tháng và là cách giảm đau khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh. Mẹ có thể thử cho trẻ uống một chút nước đường trước khi tiêm hoặc nhúng núm vú vào dung dịch nước đường và qua đó trẻ ngậm trong khi tiêm chủng.

4. Phân tán tư tưởng của trẻ trong khi tiêm

Việc phân tán tư tưởng của trẻ là một trong những cách rất hữu hiệu để làm giảm đau trong khi tiêm chủng.

Tại các cơ sở tiêm chủng thường thiết kế khu vui chơi cho trẻ sau khi tiêm. Trong những trường hợp đặc biệt thì các bậc phụ huynh có thể chuẩn bị mang theo một đồ vật gây chú ý của trẻ như một trái bóng, thứ đồ chơi yêu thích của trẻ, hoặc một loại đồ chơi tạo ra âm thanh. Đối với những trẻ đã lớn thì bạn có thể dành thời gian chỉ cho bé thấy một vài chi tiết lý thú xung quanh, kể cho bé nghe một vài chuyện đùa... để trẻ ít chú ý hơn đến cảm giác đau sau khi tiêm. Đây là cách giảm đau cho trẻ sau tiêm phòng thường được sử dụng.

5. Hỏi về thuốc gây tê

Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại kem bôi ngoài da có tác dụng gây tê như EMLA có thể làm giảm đau khi tiêm phòng. Tuy nhiên, loại thuốc này phải mất thời gian khoảng 1 giờ đồng hồ mới phát huy tác dụng. Một số loại thuốc xịt có tác dụng gây tê và làm mát da có thể phát huy tác dụng trong một vài giây.

Tuy nhiên, những loại thuốc này hiện chưa được chứng minh khoa học là có hiệu quả. Nếu bạn lo ngại về việc con mình sẽ bị đau sau khi tiêm phòng vắc xin, hãy hỏi ý kiến bác sĩ tư vấn về việc sử dụng các loại kem bôi gây tê khi có ý định sử dụng bất cứ loại nào cho bé.

6. Xoa lên da của trẻ

Sau khi tiêm phòng vắc xin cho trẻ, bạn có thể xoa nhẹ vùng da xung quanh chỗ tiêm nhưng lưu ý không được xoa trực tiếp bên trên vết tiêm. Việc mát xa nhẹ nhàng có thể giúp trẻ giảm cảm giác đau và thư giãn sau khi việc tiêm chủng gây ra.

Một nghiên cứu được thực hiện đối với những người trưởng thành sau khi tiêm vắc xin đã chỉ ra rằng, những người xoa nhẹ nhàng vào vị trí tiêm trong thời gian ngắn khoảng 10 giây sẽ cảm giác bớt đau hơn và việc ấn mạnh lên da trước khi tiêm cũng có công dụng giảm đau.

7. Sử dụng Tylenol

Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ tư vấn về việc cho con bạn sử dụng acetaminophen (Tylenol) một thời gian ngắn trước khi tiêm có thể giúp trẻ giảm cảm giác đau sau khi tiêm. Sau khi tiêm một số người có thể xuất hiện phản ứng sốt nhẹ, bạn cũng có thể sử dụng Tylenol trong những trường hợp này.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, việc sử dụng Tylenol để phòng cơn sốt có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin. Do vậy, khi muốn sử dụng Tylenol như cách giảm đau cho trẻ sau tiêm phòng bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ tư vấn về việc sử dụng các loại thuốc giảm đau và thời điểm sử dụng thuốc trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc giảm đau nào cho trẻ.

8. Sử dụng các biện pháp thay thế

Sử dụng các biện pháp thay thế là cách giảm đau cho trẻ sau khi tiêm phòng. Trong một số trường hợp cụ thể thì bác sĩ cũng có thể làm giảm bớt cơn đau bằng việc sử dụng một thiết bị không sử dụng kim tiêm, cụ thể như những thiết bị sử dụng áp lực từ không khí để đưa thuốc vào trong cơ thể.

9. Tiêm các mũi tiêm phối hợp

Vắc xin phòng nhiều bệnh khác nhau có thể được phối hợp sử dụng trong cùng một mũi tiêm để giảm số lần tiêm cho trẻ, do đó, làm giảm bớt tình trạng và số lần bị đau khi tiêm chủng. Nếu được, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ tư vấn về việc tiêm các loại vắc xin phối hợp này cho trẻ, thay vì tiêm các mũi đơn. Trẻ sẽ ít phải đi tiêm hơn và sẽ bớt đau hơn cũng như ít lần có phản ứng sau tiêm hơn.

Ở Việt Nam hiện nay các loại vắc-xin 5 trong 1, vắc -xin 6 trong 1 như Pentaxim, Quinvaxem, Infanrix hexa đang được sử dụng để phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi, viêm gan B và viêm màng não do vi khuẩn Hib, bại liệt,... tùy theo từng loại vắc xin cụ thể. Với liều 3 mũi tiêm được khuyến cáo thực hiện với trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi, việc kết hợp các loại vắc xin này trong 1 mũi tiêm đã giảm đáng kể số lần trẻ phải nhận các mũi tiêm và là cách giảm đau cho trẻ sau khi tiêm phòng.

10. Giữ bình tĩnh

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hành vi của cha mẹ sẽ tác động đến khoảng 50% cảm xúc của trẻ khi đi tiêm phòng. Nhiều vị phụ huynh có cảm giác quá lo lắng về việc cho trẻ đi tiêm phòng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trẻ chỉ cảm thấy đau vì tiêm chủng trong thời gian ngắn mà tiêm phòng vắc xin có sự bảo vệ do tiêm chủng đem lại cho trẻ sẽ kéo dài trong một năm hoặc cả đời.

Cuối cùng, bạn cần tìm hiểu cẩn thận về các các loại vắc xin mà con bạn sẽ phải tiêm chủng, những phản ứng trẻ có thể gặp phải sau khi tiêm, cách giảm tác dụng không mong muốn, cách chăm sóc trẻ tại nhà sau khi tiêm chủng. Đồng thời, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ tư vấn tại phòng tiêm và tuyệt đối thực hiện theo các hướng dẫn chăm sóc trẻ của bác sĩ trước, trong và sau khi tiêm chủng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan