Chỉ định cấy ốc tai điện tử cho trẻ em

Ốc tai điện tử là một thiết bị điện tử nhỏ có thể giúp cải thiện thính giác của trẻ khi bị mất thính lực nặng, không thể phục hồi. Mặc dù cấy ốc tai điện tử không khôi phục lại khả năng nghe bình thường nhưng có thể cho phép người bệnh nghe và hiểu nhiều lời nói hơn mức có thể với máy trợ thính. Đối với một đứa trẻ bị câm điếc bẩm sinh, điều này có nghĩa là có cơ hội để phát triển các kỹ năng nghe, nói cũng như được đi học với các bạn đồng trang lứa.

1. Cấy ốc tai điện tử là gì?

Cấy ốc tai điện tử là một lựa chọn ngày càng phổ biến để kiểm soát tình trạng mất thính lực. Ốc tai điện tử, giống như thiết bị nghe sau tai, có một số thành phần chính. Phần bên ngoài của ốc tai điện tử là bộ xử lý giọng nói, thường được đeo sau tai. Bộ xử lý có một micrô thu nhận âm thanh từ môi trường bên ngoài và một máy tính mã hóa âm thanh thành tín hiệu điện. Những tín hiệu này được gửi qua dây cáp tới một cuộn dây truyền, được giữ ở phía bên đầu của trẻ bằng một nam châm.

Sau đó, cuộn dây truyền gửi tín hiệu đến một cuộn dây nhận trong phần được cấy ghép bên trong của hệ thống (bộ thu/ bộ kích thích được đặt ngay dưới da). Sau đó, tín hiệu được gửi xuống một dây mỏng dẫn đến một dãy điện cực được cấy vào bên trong tai. Tín hiệu được mã hóa sẽ truyền qua các điện cực để kích thích dây thần kinh thính giác, đảm nhận chức năng của các tế bào bị tổn thương hoặc mất khả năng tự truyền thông tin thính giác.

2. Cấu tạo của ốc tai điện tử

Hệ thống cấy ghép ốc tai điện tử có 3 phần chính:

  • Micrô và thiết bị phát: Micrô và thiết bị phát có kích thước bằng 1⁄4 vành tai và được đeo phía trên về sau tai để thu âm thanh. Những âm thanh này được gửi đến một bộ xử lý giọng nói. Phần này được giữ cố định bằng một nam châm kết hợp với thiết bị kích thích cấy dưới da.
  • Bộ xử lý giọng nói: Bộ xử lý giọng nói được đeo bên ngoài, trên thắt lưng như máy nhắn tin hoặc sau tai như máy trợ thính cỡ lớn, để chuyển đổi âm thanh thành mã kỹ thuật số được truyền đến thiết bị kích thích được cấy ghép.
  • Bộ kích thích được cấy ghép: Bộ kích thích được cấy ghép là một thành phần nhỏ được đặt dưới da sau tai. Nó nhận một mã kỹ thuật số từ bộ xử lý giọng nói và gửi đến dây thần kinh thính giác hoặc thính giác. Bộ não giải thích tín hiệu này và được nhận dạng là âm thanh.

3. Chỉ định cấy ốc tai điện tử cho trẻ em

Một nhà thính học sẽ xác định xem chỉ định cấy ốc tai điện tử cho trẻ em có phù hợp hay không. Trẻ em được lựa chọn dựa trên tiền căn vấn đề thính giác và kết quả kiểm tra cũng như các phát hiện, khuyến cáo từ một cuộc phỏng vấn tâm lý. Các đánh giá này thường mất ít nhất 2 ngày.

Để đủ chỉ định cấy ốc tai điện tử cho trẻ em, các trẻ từ 1 - 17 tuổi phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

  • Sức khỏe tổng thể tốt;
  • Mất thính lực nghiêm trọng ở cả 2 tai;
  • Nhận lợi ích hạn chế từ máy trợ thính thông thường;
  • Có những kỳ vọng thực tế về cấy ghép ốc tai điện tử;
  • Không có tình trạng tai hoặc các tình trạng y tế khác có thể cản trở phẫu thuật;
  • Gia đình cam kết tuân thủ tất cả các đánh giá trước và sau phẫu thuật;
  • Đã ghi danh vào một chương trình giáo dục và phục hồi sau phẫu thuật hỗ trợ việc sử dụng ốc tai điện tử, cũng như phát triển các kỹ năng nghe toàn diện.

Như vậy, trước khi thực hiện, bác sĩ thính học sẽ thảo luận chi tiết với cha mẹ về các thành phần của thiết bị cấy ghép ốc tai điện tử, chức năng, lợi ích và hạn chế của nó cũng như quá trình phẫu thuật qua từng bước như sau:

  • Đánh giá y tế - Bác sĩ phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử sẽ khai thác tiền sử bệnh của trẻ, khám tai và giải thích quá trình phẫu thuật cho cha mẹ.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) - Quá trình này tạo ra hình ảnh tai trong của trẻ để cho phép bác sĩ phẫu thuật đánh giá cấu trúc bên trong của tai. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để đề nghị nên cấy ghép ốc tai điện tử vào bên tai nào và đôi khi còn có thể cung cấp thông tin về nguyên nhân gây điếc.
  • Đánh giá thính giác – Bước này bao gồm một bài kiểm tra thính lực để xác nhận loại và mức độ mất thính giác của trẻ, đánh giá vai trò máy trợ thính mang lại và hỗ trợ kiểm tra khả năng nhận dạng giọng nói để xác định xem máy trợ thính có thể mang lại lợi ích lớn hơn việc chỉ định cấy ốc tai điện tử hay không.
  • Sàng lọc tâm lý - Các nhà tâm lý học sẽ đánh giá cảm nhận của trẻ về việc mất thính giác và cấy ghép ốc tai điện tử, chẳng hạn như lý do cha mẹ cần trẻ gắn thiết bị cấy ghép và mong đợi của cả gia đình.
  • Tư vấn cấy ghép ốc tai điện tử - Tại thời điểm này, chỉ định cấy ốc tai điện tử sẽ dựa trên kết quả của toàn bộ quá trình đánh giá. Nếu trẻ đủ điều kiện, các lợi ích và hạn chế có thể có sẽ được giải thích và cha mẹ sẽ được cung cấp thông tin để chọn thiết bị phù hợp nhất cho con mình.

4. Cách thức cấy ốc tai điện tử như thế nào?

Trước khi phẫu thuật cho trẻ, cha mẹ sẽ gặp bác sĩ gây mê và trẻ sẽ hoàn thành mọi xét nghiệm cần thiết. Nếu mọi chỉ số tiền phẫu an toàn, cuộc phẫu thuật cấy ốc tai điện tử thường được thực hiện vào ngày hôm sau.

Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử được thực hiện dưới gây mê toàn thân và mất khoảng 3 giờ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ neo một thiết bị thu nhận kích thích vào xương thái dương trong hộp sọ và đưa một mảng điện cực vào ốc tai, cấu trúc hình con ốc nhỏ ở tai trong.

Đầu tiên, một vết rạch được tạo ra sau tai để lộ xương thái dương. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật định vị thành phần cấy ghép vào xương. Một lỗ được tạo trong xương thái dương bằng một mũi khoan siêu nhỏ, cho phép bác sĩ phẫu thuật tiếp cận ốc tai. Đồng thời, một lỗ nhỏ được tạo ra trên thành của ốc tai và mảng điện cực được dẫn một cách nhẹ nhàng vào trong ốc tai.

Thiết bị thu nhận bên trong được cố định trên xương sọ bằng chỉ khâu và vết mổ được đóng lại. Một băng vô trùng được đặt trên vết mổ. Sau đó, trẻ cần ở lại bệnh viện qua đêm và trở về nhà vào ngày hôm sau phẫu thuật.

5. Cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau cấy ốc tai điện tử

Sau khi phẫu thuật cấy ốc tai điện tử, cần mất 4 tuần để vết sưng và đau giảm dần, vết mổ lành lại.

Trong lần tái khám đầu tiên, trẻ sẽ được bắt đầu lập trình thiết bị. Bộ xử lý giọng nói đeo bên ngoài được kích hoạt và lập trình tại trung tâm cấy ghép. Lập trình cho mỗi mô cấy được tùy chỉnh cho bệnh nhân và mất khoảng 6 giờ trong khoảng thời gian 2 ngày.

Bước tiếp theo, trẻ sẽ được yêu cầu quay lại trung tâm cấy ghép ốc tai điện tử theo định kỳ để thiết bị của trẻ được kiểm tra và đo lường hiệu suất. Việc kiểm tra lại thường chỉ định sau 1, 3, 6 tháng và 1 năm sau lần lắp thiết bị đầu tiên.

Hầu hết các trẻ có thể tham gia vào các hoạt động thính giác, chẳng hạn như nghe nhạc, thưởng thức một bộ phim, sử dụng điện thoại và tham gia các hoạt động xã hội. Để được như vậy, bước phục hồi chức năng sau phẫu thuật cấy ốc tai điện tử là chìa khóa để tối đa hóa lợi ích của thiết bị. Theo đó, dưới sự hướng dẫn và động viên trực tiếp từ cha mẹ, gián tiếp của các chuyên viên thính học, trẻ cần được khuyến khích:

  • Sử dụng ốc tai điện tử trong toàn thời gian khi thức dậy.
  • Lắng nghe, nói và tương tác với người khác nhiều nhất có thể.
  • Có thể sử dụng các dấu hiệu thị giác khi còn trong giai đoạn điều chỉnh thiết bị cấy ghép nhưng phải giảm dần và tuyệt đối không dùng nữa khi khả năng nghe nói dần dần hoàn thiện.
  • Yêu cầu cha mẹ, người lớn chỉ dẫn những âm thanh, ngôn ngữ mới để học.

Tóm lại, cấy ốc tai điện tử đã phổ biến trên toàn thế giới và được coi là một kỹ thuật an toàn, hiệu quả cao trong việc phục hồi chức năng cho trẻ bị điếc nặng hay điếc bẩm sinh. Nếu vượt qua những rào cản về chi phí, khi đảm bảo đúng chỉ định cấy ốc tai điện tử, cha mẹ cần đưa trẻ đi can thiệp cấy ốc tai điện tử kịp thời để con có cơ hội lớn lên và tham gia vào thế giới âm thanh sinh động, diệu kỳ như mọi đứa trẻ bình thường khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

615 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan