Có cần cạo lông vùng chuẩn bị phẫu thuật?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong khám, điều trị, phẫu thuật các bệnh lý ổ bụng.

Phẫu thuật là một can thiệp điều trị đặc biệt trên người bệnh, yêu cầu sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều phía để đạt thành công cao nhất. Trong đó, vai trò từ chính bệnh nhân cũng góp phần không nhỏ, nhất là việc vệ sinh da. Mặc dù vậy, quy định về vấn đề cạo lông vùng chuẩn bị phẫu thuật không phải ai cũng biết.

1. Vấn đề nhiễm trùng trong phẫu thuật

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, nhiễm khuẩn bệnh viện là các nhiễm khuẩn xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi bệnh nhân nhập viện. Đây luôn là một vấn nạn nhức nhối ở khắp nơi trên thế giới, làm tăng số ngày điều trị, chi phí điều trị, tăng tính kháng thuốc của vi sinh vật và tỷ lệ tử vong. Từ đó, những nỗ lực kiểm soát các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn luôn là một thách thức rất lớn đối với những nhân viên y tế cũng như các nhà quản lý.

Đối với nhóm bệnh nhân có can thiệp ngoại khoa nói riêng, vấn đề này trở nên quan trọng hơn hết. Bởi lẽ, sự mất toàn vẹn bề mặt da vốn dĩ đã là một yếu tố nguy cơ làm tăng nhiễm khuẩn bệnh viện và nhất là nhiễm trùng vết mổ lên rất nhiều lần so với người bệnh chỉ điều trị nội khoa đơn thuần. Vết mổ có thể bị nhiễm khuẩn từ chính các vi sinh vật có sẵn trên người bệnh, từ các vi sinh vật ở ngoài môi trường, từ lây nhiễm chéo của người bệnh khác và từ bàn tay bác sĩ, điều dưỡng khi thăm khám, chăm sóc.

Chính vì vậy, hạn chế nhiễm trùng trong phẫu thuật là mục tiêu cố định của tất cả các cuộc mổ. Có nhiều biện pháp để thực hiện mục tiêu này. Trong đó, công tác chuẩn bị da cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật đóng vai trò quan trọng để quyết định thành công của mục tiêu giảm nhiễm trùng vết mổ.

2. Cách chuẩn bị trước khi phẫu thuật

co-can-cao-long-vung-chuan-bi-phau-thuat-1
Gội đầu và tắm rửa trước khi phẫu thuật

Cách chuẩn bị da cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật là một quy trình gồm các bước đã được quy định rõ ràng, áp dụng hàng loạt cho mọi đối tượng, trừ các trường hợp cần phẫu thuật cấp cứu. Chi tiết quy trình này được trình bày như sau:

  • Gội đầu và tắm rửa toàn cơ thể bằng dầu gội và xà phòng thông thường;
  • Xả nước và đảm bảo đã loại sạch dầu gội, xà phòng từ tóc và da;
  • Tắm toàn thân thêm một lần nữa bằng dung dịch sát khuẩn Chlohexidine 2%. Lưu ý chỉ áp dụng từ vùng cổ trở xuống. Tuyệt đối không để dung dịch sát khuẩn tiếp xúc với da mặt, mắt, mũi và miệng. Nếu vô tình dây dính, cần rửa lại ngay lập tức với nhiều nước sạch;
  • Xả nước sạch và tắm lặp lại lần hai với dung dịch sát khuẩn Chlohexidine 2% như trên. Cần để dung dịch sát khuẩn lưu lại trên da của bạn trong ít nhất 1 phút.
  • Rửa sạch và lau khô bằng khăn sạch;
  • Thực hiện theo các bước này vào buổi tối trước khi phẫu thuật và buổi sáng diễn ra phẫu thuật.

Các lưu ý khác:

  • Sau khi tắm, cần mặc quần áo mới giặt cũng như sử dụng vỏ gối và khăn trải giường mới;
  • Nếu bạn cảm thấy ngứa ran hoặc những kích thích khác trên da, cần tiếp tục rửa sạch với nhiều nước;
  • Da của bạn có thể cảm thấy hơi khô sau khi tắm, nhưng không được sử dụng bất kỳ loại kem, sữa hay dung dịch dưỡng ẩm nào;
  • Không sử dụng keo xịt tóc hoặc các sản phẩm khác trên tóc của bạn;
  • Không trang điểm, không sử dụng mỹ phẩm, không sơn móng tay, chân cũng như các sản phẩm bôi trên da, tóc khác.

3. Vấn đề cạo lông vùng chuẩn bị phẫu thuật

Nếu như trước đây, bệnh nhân thường được hướng dẫn tự làm sạch lông, tóc, râu tại vùng chuẩn bị phẫu thuật thì ngày nay đã có quy định ngược lại. Theo đó, bệnh nhân không được cạo râu, lông, tóc trong vòng bán kính khoảng 25 cm (12 inch) của khu vực vết mổ trong ít nhất ba ngày trước khi phẫu thuật.

Lý giải về quy định này, đã có các bằng chứng cho thấy việc cạo lông gây ra những vết cắt nhỏ trên da, tạo thành con đường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Điều này khiến cho bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, gây bất lợi cho việc lành vết thương về sau.

Một nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân có cạo lông trước khi phẫu thuật có tỷ lệ nhiễm trùng là 5,6%, cao hơn nếu so với tỷ lệ dưới 1% ở nhóm không can thiệp.

Bên cạnh đó, trong các hướng dẫn của những hiệp hội nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng vết mổ, nếu sự hiện diện của lông, tóc làm cản trở phẫu thuật, việc tẩy sạch da sẽ được thực hiện trong phòng mổ bởi các bác sĩ phẫu thuật, sau khi đã sát trùng da nhiều bước kỹ lưỡng. Đồng thời, nên sử dụng tông đơ điện để làm sạch lông, tóc thay vì bằng các dao cạo bằng tay thông thường. Điều này sẽ hạn chế các tổn thương da ở mức thấp nhất.

Nói tóm lại, tuyệt đối không tự ý cạo lông trước khi phẫu thuật vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Điều tốt nhất là tắm rửa cơ thể sạch sẽ với dung dịch sát khuẩn chuyên dụng theo hướng dẫn của các nhân viên y tế để đảm bảo vệ sinh cuộc mổ ở mức tốt nhất, thuận lợi cho quá trình lành vết thương về sau.

co-can-cao-long-vung-chuan-bi-phau-thuat-2
Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cụ thể trước khi phẫu thuật

Nhận thức được mức độ nguy hiểm của nhiễm khuẩn bệnh viện, ngay từ khi thành lập Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã rất coi trọng vấn đề này và thực hiện nghiêm túc những nguyên tắc chống nhiễm khuẩn bệnh viện được đặt ra. Đội ngũ y bác sĩ Vinmec luôn tuân thủ việc rửa tay diệt khuẩn khi thăm khám và điều trị nhằm phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn cho người bệnh, đảm bảo môi trường an toàn cho quá trình điều trị và phục hồi.

Bên cạnh đó, Vinmec đầu tư hệ thống phòng bệnh cách ly chuẩn; thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly, đặc biệt đối với vi khuẩn đa kháng thuốc; triển khai các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ, thực hiện bảng kiểm an toàn phòng mổ... Vinmec còn triển khai công tác giám sát nhiễm khuẩn do các cán bộ chuyên trách đảm nhiệm để đảm bảo việc tuân thủ tuyệt đối các quy tắc chống nhiễm khuẩn. Do đó khi khám chữa bệnh tại Vinmec, đặc biệt là trong các cuộc phẫu thuật người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm về hiệu quả điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan