Đặc điểm cơn ho gà ở trẻ cha mẹ nên nhớ để nhận biết chính xác

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đặc trưng bởi các cơn ho khan kéo dài. Bệnh rất dễ lan lan ở người qua đường hô hấp và giọt tiết. Mặc dù đã có vắc-xin phòng ngừa có tính hiệu quả cao, ho gà vẫn là một nguyên nhân đáng kể gây ra bệnh tật và tử vong ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Theo đó, các đặc điểm cơn ho gà ở trẻ cha mẹ nên nhớ để nhận biết chính xác để sớm đưa trẻ đến điều trị kịp thời.

1. Ho gà là gì?

Ho gà là một bệnh hô hấp cấp tính rất dễ lây lan do vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis gây ra. Đây là một cầu khuẩn gram âm, có tính truyền nhiễm rất cao thông qua các giọt trong không khí từ đường hô hấp của người nhiễm bệnh. Sự lây truyền xảy ra trong giai đoạn tiềm ẩn là trong khoảng 2 đến 3 tuần đầu tiên cho đến giai đoạn toàn phát. Việc này đồng nghĩa với một người đã nhiễm bệnh có thể vô tình lan truyền cho người xung quanh ngay khi hoàn toàn chưa có triệu chứng gì để có thể chủ động phòng ngừa.

Đặc trưng của bệnh là các cơn ho với âm thanh "rít" đặc biệt khi hít vào nên căn bệnh có tên gọi chung là ho gà. Trong cơn ho, các cơ hô hấp bị kích thích, co thắt, có thể gây ra tình trạng thiếu oxy tạm thời và sau đó có khả năng hồi phục. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh bị ho gà, khả năng chống đỡ trên đường thở của trẻ còn non nớt, trẻ có thể không có phản xạ ho nhưng lại rơi vào cơn ngưng thở ngắn hay kéo dài, gây tím tái, dễ nguy kịch tính mạng nếu không kịp thời phát hiện.

May mắn là tỷ lệ mắc bệnh ho gà đã giảm đáng kể từ khi vắc-xin DPT (Diphtheria Pertussis Tetanus – chống lại ba bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) đã được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, sự lơ là, chủ quan trong vấn đề tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở một số khu vực lại khiến cho ho gà có nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh định kỳ trong những năm gần đây.

vi khuẩn gây bệnh ho gà
Ho gà là một bệnh hô hấp cấp tính rất dễ lây lan do vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis gây ra

2. Đặc điểm cơn ho gà ở trẻ biểu hiện như thế nào?

Ho gà biểu hiện với các đặc điểm lâm sàng theo ba giai đoạn: Ủ bệnh hay còn gọi là tiềm ẩn, toàn phát và thoái lui.

Giai đoạn 1: Giai đoạn ủ bệnh (giai đoạn tiềm ẩn)

Đặc trưng bởi:

  • Sổ mũi
  • Sốt nhẹ
  • Ho nhẹ hay chỉ thỉnh thoảng ho và dần dần ho trở nên nặng hơn

Các triệu chứng của giai đoạn ủ bệnh ho gà thường phát triển trong vòng 5 đến 10 ngày sau khi tiếp xúc nhưng không kéo dài quá 3 tuần. Lúc này, các triệu chứng đôi khi không thể phân biệt với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đơn thuần khác.

Giai đoạn 2: Giai đoạn toàn phát

Đặc trưng bởi:

  • Ho rất nhiều, ho thành một tràng dài nhiều tiếng phát ra nhanh do gặp khó khăn khi phải tiết ra chất nhầy dày từ cây khí quản
  • Hít thở nhanh đề bù đắp dưỡng khí sau tràng ho và có một tiếng kêu âm sắc cao cuối thì hít vào
  • Co kéo cơ hô hấp trên thành ngực, hõm ức và cơ bụng
  • Tím tái
  • Nôn ói
  • Dễ kiệt sức công hô hấp

Thời điểm xảy ra các cơn ho là thường xuyên vào ban đêm, với trung bình 15 cơn trong 24 giờ. Tần suất thường nhiều nhất trong 1-2 tuần đầu tiên, kéo dài trong 2-3 tuần và sau đó giảm dần.

Giai đoạn 3: Giai đoạn thoái lui

  • Bớt ho đàm
  • Ho dai dẳng, ho khan biến mất sau 2-3 tuần
  • Phục hồi dần dần khả năng hô hấp

Có thể chuyển sang giai đoạn toàn phát với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp bội nhiễm tiếp theo sau ho gà.

2. Những điều cha mẹ nên nhớ để nhận biết chính xác cơn ho gà ở trẻ

Điều quan trọng nhất cha mẹ nên nhớ là luôn nghĩ đến khả năng bệnh ho gà khi con trẻ bị ho. Điều này giúp ý thức rằng đó có thể là một căn bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và nên tìm cách điều trị ngay lập tức. Một khi có nghĩ đến chẩn đoán bệnh ho gà có thể xảy ra trong gia đình, cha mẹ cần tránh để trẻ tiếp xúc với những người đang bị ho.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các biểu hiện điển hình theo từng giai đoạn như trên có thể là không phổ biến. Trẻ có thể ho với tần suất tối thiểu hoặc hoàn toàn không ho mà triệu chứng chính có thể là cơn tím tái do ngưng thở. Chính vì thế, trẻ sơ sinh chưa được tiêm phòng hoặc chưa được tiêm phòng đầy đủ dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao bị biến chứng nặng và tử vong đột ngột.

Ngoài ra, bệnh vẫn có thể mắc phải nhưng các triệu chứng có thể nhẹ hơn và chỉ có ho khan là đặc trưng ho gà ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn đã được tiêm phòng trước đó.

3. Các phòng ngừa bệnh ho gà như thế nào?

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà là thông qua việc tiêm chủng. Các loại vắc-xin bạch hầu - uốn ván - ho gà (DTP3) bao gồm ba liều chính để làm giảm nguy cơ mắc bệnh ho gà nghiêm trọng ở trẻ nhỏ.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo dùng liều vắc-xin ho gà đầu tiên ngay từ 6 tuần tuổi với các liều tiếp theo cách nhau 4-8 tuần, ở giai đoạn trẻ được 10-14 tuần và 14-18 tuần. Một liều vắc-xin tăng cường cho hệ miễn dịch cũng được khuyến nghị, tốt nhất là trong năm tuổi thứ hai của trẻ. Tùy nhiên, dựa trên dịch tễ học địa phương của từng khu vực, một liều tăng cường lặp lại cũng có thể thực hiện để tăng tính đảm bảo sau này trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, việc tiêm phòng ho gà cho bà bầu cũng chứng minh được tính hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh ở trẻ vừa sinh ra, chưa đến thời điểm được tiêm phòng và nhất là các trẻ vì lý do nào đó không thể tiêm phòng như trẻ sinh non, trẻ bị suy giảm miễn dịch hay đang mắc các bệnh lý nặng.

So với lợi ích đem lại, những phản ứng bất lợi do tiêm phòng với vắc-xin là không đáng kể. Các phản ứng không mong muốn có thể chỉ là phản ứng tại chỗ như đau, đỏ da (phát ban đỏ) hay sưng nề. Mặt khác, thân nhiệt của trẻ sẽ cao hơn bình thường cũng cần được xem là một phản ứng toàn thân phổ biến đối với vắc-xin ho gà. Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể bị sốt cao. Tuy nhiên, các phản ứng nghiêm trọng toàn thân khác như co giật, sốc và phản ứng quá mẫn (sốc phản vệ) hay viêm não (bệnh não) là rất hiếm xảy ra.

Các loại vắc-xin cho trẻ đang có mặt ở Vinmec
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà là thông qua việc tiêm chủng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

703 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan