Điều trị và chăm sóc trẻ nhỏ bị viêm phổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Lê Thu Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm phổi là bệnh thường gặp và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em. Đa số các trường hợp viêm phổi là do virus gây ra, xử lý bệnh chủ yếu dựa vào chăm sóc đúng cách và giải quyết các triệu chứng. Nếu được chăm sóc tốt, trẻ sẽ nhanh khỏi bệnh.

1. Tổng quan bệnh viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi là một bệnh chỉ tình trạng phổi bị nhiễm trùng. Các túi khí trong phổi chứa đầy dịch nhầy khiến cơ thể không thể hấp thụ đủ lượng oxy cần thiết.

Nguyên nhân gây viêm phổi có thể do:

  • Virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng gây ra. Hầu hết các trường hợp, bệnh này là do virus như virus adeno, virus rhino, virus cúm... gây bệnh.
  • Một số yếu tố có thể là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi ở trẻ như sống như ở những khu vực có mức độ ô nhiễm cao, có người thân hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc.

Nếu điều trị viêm phổi ở trẻ em chậm trễ thì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này như: Viêm màng não, nhiễm trùng máu, tràn mủ màng phổi, tràn dịch màng tim, trụy tim, kháng kháng sinh, còi xương kém phát triển. Do vậy, cha mẹ cần phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh để chăm sóc trẻ đúng cách.

Thông thường, viêm phổi xảy ra sau khi đường hô hấp trên bị nhiễm trùng. Các triệu chứng của bệnh bắt đầu xuất hiện 2 hoặc 3 ngày sau khi bạn bị cảm lạnh hoặc đau họng. Sau đó, chúng tấn công đến phổi. Chất dịch nhầy, bạch cầu... tập hợp trong các phế nang của phổi khiến cơ thể khó hấp thu được oxy. Điều này vô tình khiến bé phải thở nhanh hơn để phổi có thể cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể.

Trẻ bị bệnh viêm phổi thường diễn biến khá nhanh. Tùy vào độ tuổi của trẻ và nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có các triệu chứng của bệnh viêm phổi khác nhau. Các triệu chứng chung của bệnh có thể bao gồm:

  • Trẻ thở khò khè hoặc nghe như tiếng rít. Đây có thể được xem là dấu hiệu phổ biến nhất.
  • Sốt cao đột ngột và thở nhanh, thở gấp bất thường, cố gắng hết sức để thở.
  • Đau họng, đau đầu và phát ban.
  • Nếu trẻ bị viêm phổi do mắc ho gà, bé sẽ có những cơn ho kéo dài, mặt tái nhợt vì thiếu oxy hoặc khi hít thở nghe như tiếng rít.
  • Nghẹt mũi, ớn lạnh, nôn ói
  • Tức ngực, đau bụng (vì trẻ bị ho và khó thở)
  • Mệt mỏi, ít vận động
  • Mất cảm giác thèm ăn (ở trẻ lớn hơn) hoặc không muốn bú (ở trẻ sơ sinh), có thể dẫn đến mất nước
  • Môi, đầu móng tay xanh hoặc xám.
  • Nếu tình trạng viêm xảy ra ở phần dưới của phổi (vị trí gần bụng), trẻ có thể bị sốt, đau bụng hoặc nôn mửa nhưng không có các biểu hiện của bệnh hô hấp.
Sốt
Trẻ nhiễm vi khuẩn gây bệnh viêm phổi thường bị bệnh khá nhanh, có hiện tượng sốt cao đột ngột

2. Điều trị và chăm sóc trẻ viêm phổi đúng cách

2.1. Điều trị viêm phổi ở trẻ đúng cách

Việc điều trị viêm phổi ở trẻ em phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng thể chất và nguyên nhân nghi ngờ gây viêm phổi (virus, vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng).

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị viêm phổi ở trẻ em phù hợp. Nếu bệnh do virus gây ra, bé không cần phải uống kháng sinh. Nếu bệnh do vi khuẩn gây ra, bé cần phải được điều trị bằng kháng sinh.

Hầu hết trẻ bị viêm phổi có thể được điều trị tại nhà.

Khám bệnh
Phương pháp điều trị tại bệnh viện có thể bao gồm thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch và liệu pháp hô hấp

2.2. Chăm sóc trẻ viêm phổi đúng cách

Chăm sóc trẻ đúng cách là một trong những phương pháp ưu tiên trong điều trị viêm phổi ở trẻ em. Một số cách chăm sóc dưới đây mà cha mẹ có thể áp dụng giúp trẻ nhanh khỏi bệnh như sau:

Hạ sốt cho trẻ:

  • Chườm ấm tích cực, nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được.
  • Nếu trẻ sốt trên hoặc bằng 38,5°C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
  • Vỗ lưng và giúp trẻ bài tiết đờm hiệu quả là một trong những cách điều trị viêm phổi ở trẻ em. Phương pháp vỗ lưng cho trẻ khi bị ho có đờm sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, giúp đờm trong phế quản long ra và thải ra ngoài dễ dàng. Thực hiện vỗ lưng tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn. Chú ý không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống.

Hướng dẫn trẻ ho (Ho là phản ứng có lợi của cơ thể, giúp thông thoáng đường thở, đẩy chất xuất tiết ra khỏi phổi):

  • Với trẻ lớn, yêu cầu các cháu ho sau khi được vỗ ở từng khu vực. Khi trẻ chưa ngừng ho thì chưa được vỗ tiếp. Cho trẻ ngồi dậy, đầu ngả nhẹ về phía trước, hít vào, mở miệng và thót cơ bụng để ho thật sâu, không ho ở cổ họng. Sau đó, hít vào lần nữa. Tiếp tục ho cho tới khi khạc được đờm ra ngoài.
  • Đối với trẻ nhỏ, có thể dùng máy hút đờm dãi ra khỏi hầu họng khi trẻ không tự ho khạc ra được.

Vệ sinh và chế độ ăn cho trẻ:

  • Vệ sinh mũi miệng thì cha mẹ dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, nước dãi rồi vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn xô thì phải chú ý giữ vệ sinh khăn.
  • Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
  • Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.
  • Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.
  • Khi trẻ ho, có thể dùng quất hấp mật ong (không dùng mật ong ở trẻ dưới 1 tuổi vì nguy cơ dị ứng), hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để giảm.

Khi trẻ ho, sổ mũi có kèm theo một trong những dấu hiệu sau đây phải ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện:

  • Có lõm ngực (phần giữa bụng và ngực lõm vào khi trẻ hít vào).
  • Thở mệt, cánh mũi phập phồng, tím tái.
  • Thở khò khè hay thở rít khi nằm yên.
  • Không uống được, co giật hoặc li bì khó đánh thức.
  • Sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

3. Cách phòng bệnh viêm phổi ở trẻ

Một số loại bệnh viêm phổi có thể được ngăn ngừa bằng vaccine. Trẻ em được chủng ngừa định kỳ giúp chống lại bệnh viêm phổi do Haemophilus influenzae và ho gà bắt đầu lúc 2 tháng tuổi (vaccine 5 trong 1). Việc chủng ngừa vaccine cúm được khuyến khích cho tất cả các đối tượng khỏe mạnh trong độ tuổi Từ 6 tháng và lặp lại mỗi năm 1 lần, không giới hạn độ tuổi. Vaccine phòng phế cầu cũng được lưu tâm và nên bắt đầu từ khi trẻ được 6 tuần tuổi. Những trẻ có các bệnh mãn tính như rối loạn tim, phổi hay hen suyễn cần được tiêm phòng đầy đủ.

Vệ sinh sạch sẽ, tránh lây lan. Không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan thành dịch.

Nơi ở của trẻ phải đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt. Nếu sử dụng điều hòa thì nên điều chỉnh sao cho chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời từ 5 – 7°C để trẻ có thể thích ứng được.

Phát hiện sớm các biểu hiện sớm của bệnh viêm đường hô hấp nói chung như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở... và các rối loạn khác như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân... để chăm sóc và điều trị kịp thời.

Khi mang thai, bà mẹ phải khám thai đầy đủ, đảm bảo thai nhi phát triển tốt, có chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng như protid, lipid, các loại vitamin, muối khoáng... Nên cho trẻ bú mẹ từ ngay sau khi sinh đến 2 tuổi để cơ thể trẻ phát triển toàn diện và khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

45.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan