Điều trị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Vàng da sơ sinh ở trẻ là tình trạng bilirubin trong máu tăng bất thường gây ra vàng ở kết mạc mắt và da. Có đến hơn 60% trẻ sinh đủ tháng bị vàng da do tăng bilirubin, tỷ lệ này cũng cao hơn ở trẻ sinh non. Vậy có những phương pháp nào để điều trị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh?

1. Dấu hiệu sớm vàng da sơ sinh ở trẻ

Vàng da sơ sinh ở trẻ có thể sớm được phát hiện thông qua các dấu hiệu nhận biết sau:

  • Quan sát trẻ dưới ánh sáng mặt trời thấy da trẻ có màu vàng từ vùng đầu xuống chân.
  • Kiểm tra vàng da bằng cách dùng ngón tay ấn vào một vùng da bất kỳ và giữ khoảng 5 giây, sau đó buông ra xem vùng da đó có bị vàng không.

Để đánh giá mức độ vàng da của trẻ, thường dựa vào các cách thức sau:

  • Bằng mắt thường (thông qua quy luật kramer)
  • Đo bilirubin qua da
  • Định lượng bilirubin trong huyết thanh.
Vàng da ở trẻ
Trẻ sơ sinh bị vàng da

2. Phân biệt vàng da sơ sinh ở trẻ là sinh lý hay bệnh lý

Đặc điểm của vàng da sinh lý:

  • Vàng da sơ sinh ở trẻ xuất hiện ngày thứ 2 sau khi sinh và giảm dần khi trẻ được 1 tuần tuổi (đối với trẻ sinh đủ tháng) và 2 tuần (đối với trẻ sinh non).
  • Nếu đo nồng độ bilirubin dưới 12 mg/dl (đối với trẻ sinh đủ tháng) và dưới 15 mg/dl (đối với trẻ sinh non).
  • Đo bilirubin trực tiếp chỉ số bilirubin cho kết quả dưới 2 mg/dl.
  • Trẻ vẫn khỏe mạnh bình thường.

Đặc điểm của vàng da bệnh lý:

  • Vàng da sơ sinh ở trẻ xuất hiện ngay ngày đầu tiên khi sinh.
  • Đo nồng độ bilirubin thấy tăng nhanh, lớn hơn 0.2mg/dl/giờ.
  • Trẻ bú kém, lừ đừ, thở nhanh hoặc ngưng thở, thân nhiệt thay đổi.
  • Gan, lách to hoặc thiếu máu.
Xét nghiệm
Xét nghiệm nồng độ bilirubin thấy tăng nhanh

Các nguyên nhân gây vàng da bệnh lý có thể kể đến là:

  • Nếu vàng da sơ sinh ở trẻ xuất hiện sớm (trong 2 ngày đầu sau khi sinh): do bất đồng nhóm máu mẹ con hệ ABO (mẹ có nhóm máu O, con có nhóm máu A hoặc B); bất đồng nhóm máu hệ Rh (mẹ nhóm máu Rh (-), con Rh(+)); bị tán huyết miễn dịch.
  • Nếu vàng da sơ sinh ở trẻ xuất hiện từ 3 - 10 ngày sau khi sinh: đó có thể là do trẻ bị nhiễm trùng rốn, da, máu; bị đa hồng cầu, bướu huyết thanh to, ổ tụ máu; teo tắc ruột, chậm tiêu phân su; hoặc do thiếu men G6PD.
  • Nếu vàng da sơ sinh ở trẻ xuất hiện muộn (khoảng 2 tuần khi sinh): đó có thể là do sữa mẹ, hoặc trẻ bị tắc mật, mắc các bệnh gan, suy giáp bẩm sinh hoặc các bệnh lý chuyển hóa khác.

Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị vàng da bệnh lý nặng, đó chính là trẻ bị vàng da ngay ngày đầu tiên sau khi sinh; sang ngày thứ 2, trẻ bị vàng da đến cẳng tay và cẳng chân và từ ngày thứ 3, vàng da lan đến bàn tay và bàn chân, có thể kèm theo các dấu hiệu thần kinh.

Trẻ bị vàng da do tăng bilirubin quá mức có thể dẫn đến vàng da nhân, là bệnh não do bilirubin. Một số yếu tố được xem là thuận lợi làm tăng nguy cơ bị vàng da nhân như: trẻ bị ngạt, thiếu oxy; trẻ bị sinh non, nhiễm trùng; thân nhiệt hạ xuống thấp, hạ đường máu, hạ albumin trong máu; toan máu.

Thiếu men G6PD: Bệnh có thể phát hiện nhờ sàng lọc sơ sinh
Thiếu men G6PD có thể gây vàng da bệnh lý

3. Các phương pháp điều trị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh

Có 2 phương pháp chính được áp dụng để điều trị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh, đó là chiếu đèn và thay máu.

3.1 Phương pháp chiếu đèn

Chỉ định chiếu đèn điều trị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh dưới 14 ngày tuổi được dựa trên các biểu hiện lâm sàng và mức độ vàng da so với cân nặng của trẻ. Phương pháp chiếu đèn không dùng cho trẻ vàng da do tăng bilirubin trực tiếp.

Các loại đèn được sử dụng bao gồm:

  • Đèn huỳnh quang ánh sáng trắng hoặc xanh: 6 - 8 bóng/nhóm, sử dụng khoảng 2.000 giờ, cường độ chiếu là 12 - 24 um/cm2/mm; khoảng cách chiếu là từ 30 - 40 cm.
  • Đèn led ánh sáng xanh: 25 - 50 uw.
  • Đèn biliblanket: cường độ 7 - 35 uw/cm2/nm, hiệu quả thấp hơn.
  • Đèn halogen ánh sáng xanh: bước sóng 425 - 475nm, cường độ 6 - 30 uw/cm2/nm; thời gian sử dụng 100 - 500 giờ. Khoảng cách <50cm có thể gây bỏng hoặc làm tăng khả năng mất nước, giảm diện tích tiếp xúc,
  • Đèn compact.

Chỉ định chiếu đèn trong điều trị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp theo cân nặng dựa trên lâm sàng cụ thể như sau:

  • Trẻ <1,5kg: chiếu đèn dự phòng.
  • Trẻ từ 1,5kg - 2kg: chiếu đèn khi vàng da lan đến vùng đầu, mặt và ngực.
  • Trẻ từ 2kg - 2,5kg: chiếu đèn khi vàng da lan đến vùng ngực, bụng và đùi.
  • Trẻ >2,5kg: chiếu đèn khi vàng da đã lan đến cánh tay, đùi và cẳng chân.

Trường hợp trẻ bị vàng da ở cả bàn tay và bàn chân thì cần kết hợp chiếu đèn và thay máu.

Kỹ thuật chiếu đèn để điều trị vàng da sơ sinh ở trẻ được thực hiện như sau:

  • Trẻ được cởi trần và che mắt.
  • Đặt trẻ nằm ngay vùng trung tâm của đèn.
  • Điều chỉnh khoảng cách từ đèn đến trẻ nằm trong khoảng 30 - 40cm.
  • Chiếu đèn 24/24h, chỉ ngưng chiếu đèn khi trẻ có chỉ định bú hoặc làm thủ thuật các.
  • Xoay trở trẻ khoảng 2 giờ/lần.
Vàng da nhân não
Phương pháp chiếu đèn điều trị vàng da

Thời gian giảm:

  • Hệ chiếu đèn chuẩn: giảm 6-20% trong 24 giờ.
  • Đèn ánh sáng xanh và fiberoptic: giảm 32% trong 18 giờ.
  • Đèn ánh sáng xanh trên dưới: giảm 43% trong 24 giờ.

Một số lưu ý khi thực hiện chiếu đèn trong điều trị vàng da sơ sinh ở trẻ:

  • Che kín mắt của trẻ khi chiếu đèn.
  • Theo dõi thân nhiệt của trẻ.
  • Thay đổi tư thế của trẻ
  • Tăng nhu cầu nước mỗi ngày cho trẻ khoảng từ 15-20%

Phương pháp chiếu đèn có thể gây ra một số tác dụng phụ như: tăng mất nước, tăng hoặc hạ thân nhiệt, phát ban trên da, che dấu hiệu tím tái của trẻ, trẻ bị tắc mũi do băng che mắt, tổn thương võng mạc nếu trẻ không được che kín mắt, da màu đồng.

3.2 Phương pháp thay máu

Chỉ định điều trị thay máu điều tra vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh cụ thể như sau:

  • Tiến hành thay máu toàn phần do vàng da tăng bilirubin gián tiếp có triệu chứng vàng da nhân hoặc tăng đến giới hạn cần thay máu.
  • Tiến hành thay máu một phần: đa hồng cầu có triệu chứng lâm sàng.

Phương pháp thay máu không được áp dụng với trẻ đang sốc hoặc đang bị suy hô hấp nặng, chỉ tiến hành thay máu khi tình trạng sốc và suy hô hấp của trẻ đã ổn định.

Kỹ thuật thay máu để điều trị vàng da sơ sinh ở trẻ được thực hiện như sau:

  • Người nhà của trẻ cam kết thủ thuật.
  • Đặt ống thông dạ dày dẫn lưu cho trẻ.
  • Thiết lập đường truyền tĩnh mạch.
  • Đặt trẻ nằm trên mặt phẳng và cố định tay chân.
  • Dùng thuốc an thần khi trẻ kích thích.
  • Sát trùng rốn và vùng da xung quanh.
  • Bảo đảm sinh hiệu trong quá trình thay máu.
Khoa thận - Lọc máu
Thiết bị sử dụng trong phương pháp thay máu

Quá trình điều trị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ bằng phương pháp thay máu gồm 4 bước:

  • Bước 1: Rút máu của trẻ để tiến hành làm xét nghiệm trước khi thay máu.
  • Bước 2: Bơm máu từ ống tiêm vào túi đựng máu.
  • Bước 3: Rút máu từ túi máu vào ống tiêm một lượng bằng với lượng đã rút ra.
  • Bước 4: Bơm máu từ ống tiêm vào trẻ.

Một số lưu ý khi thực hiện thay máu trong điều trị vàng da sơ sinh ở trẻ:

  • Thời gian thực hiện quá trình rút - bơm là khoảng 1 phút.
  • Lượng máu bơm vào và rút ra phải bằng nhau.
  • Lắc đều túi đựng máu.
  • Trước khi kết thúc quá trình thay máu cần lấy máu xét nghiệm.
  • Kết thúc quá trình thay máu bằng việc bơm máu vào trẻ, sau đó tiến hành rút catheter tĩnh mạch rốn, cột chỉ chân rốn, băng rốn cho trẻ.
  • Tiêm calci gluconate 10% vào tĩnh mạch với liều lượng là 1ml/125ml máu thay.

Điều trị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh bằng phương pháp thay máu có thể gây ra một số biến chứng cần được phòng ngừa và theo dõi, bao gồm: nhiễm trùng, sai nhóm máu, viêm ruột hoại tử, huyết khối, thiếu máu, phù phổi, rối loạn điện giải, vàng da tăng thêm sau thay máu.

Khám Nhi
Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời

3.3 So sánh phương pháp chiếu đèn và thay máu

Mặc dù cả 2 phương pháp đều cho hiệu quả như nhau nhưng phương pháp chiếu đèn đơn giản và dễ thực hiện hơn, lại an toàn và không xâm lấn, ít gây biến chứng và tác dụng phụ. Nếu thực hiện đúng chỉ định và đúng kỹ thuật, sẽ đạt hiệu quả cao, giúp làm giảm số lần thay máu ở trẻ, do đó phương pháp chiếu đèn được ưu tiên hơn.

Tóm lại, hai phương pháp điều trị vàng da do tăng bilirubin gián tiếp ở trẻ sơ sinh là chiếu đèn và thay máu. Tuy nhiên, phương pháp chiếu đèn thường được ưu tiên hơn do kỹ thuật đơn giản, có tính hiệu quả cao, không xâm lấn và an toàn trong thực hiện.

XEM THÊM:

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan