Hậu quả của suy dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng ở trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Suy dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng đang là vấn đề quan trọng đối với việc nâng cao sức khỏe của trẻ em các nước đang phát triển và ở Việt Nam hiện nay. Đây là tình trạng bệnh lý theo tác động của sự nhiễm trùng, xảy ra khi chế độ ăn nghèo protein và năng lượng lâu dài, dẫn đến sự chậm phát triển về thể chất cũng như tinh thần của trẻ.

1. Suy dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng có nguy hiểm không?

Suy dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng là một tình trạng rất phổ biến ở trẻ em tại các nước đang phát triển.

Tình trạng này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em: Theo WHO (9/1980), mỗi năm tại các nước thuộc thế giới thứ ba, có 10,4 triệu trẻ em dưới 11 tháng tuổi và 4,4 triệu trẻ em từ 1-4 tuổi bị tử vong mà 57 % là do suy dinh dưỡng Protein năng lượng ( 43% còn lại là do nhiễm trùng mà chủ yếu là tiêu chảy), nghĩa là cứ mỗi phút có 25 trẻ < 5 tuổi bị tử vong do suy dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng làm cho trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và khi mắc thì diễn biến xấu hơn, gia tăng tỷ lệ tử vong.

Suy dinh dưỡng làm trẻ kém phát triển về thể chất và tinh thần. Tác hại của suy dinh dưỡng càng nặng nếu bệnh xuất hiện lúc cơ qua chưa trưởng thành, trước 6 tuổi đối với não và trước 20 tuổi đối với chiều cao. Mức độ chậm phát triển tăng song song với thời gian kéo dài của bệnh nhiều nhất ở giai đoạn trẻ có tốc độ phát triển cao nhất. Trí thông minh dễ dàng bị ảnh hưởng nếu trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai và ở tuổi < 12 tháng, chiều cao thấp nếu bệnh xuất hiện trước 20 tuổi và kéo dài triền miên trong nhiều tháng, nhiều năm.

2. Hậu quả của suy dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng

Trẻ bị suy dinh dưỡng có biểu hiện chậm phát triển về thể lực và trí tuệ: Trẻ quá thấp, quá gầy so với tuổi, thể lực yếu, học kém. Hậu quả của suy dinh dưỡng thường không thể khắc phục được, với trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng trưởng, khi lớn lên sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập và lao động thể lực, trí lực cũng như một số bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành. Nếu bệnh không được phát hiện và có những biện pháp kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường như:

  • Về thể chất

Thiếu hụt dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp làm cho tất cả các hệ cơ quan của cơ thể giảm phát triển, bao gồm cả hệ cơ xương, hạn chế chiều cao của trẻ.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi có nguy cơ cao bị tấn công liên tục và lặp đi lặp lại nhiều lần bởi các bệnh nhiễm khuẩn, thậm chí có khả năng tử vong bởi các căn bệnh nghiêm trọng như tiêu chảy, viêm phổi, sởi.

Những người trưởng thành từng bị thấp còi khi còn nhỏ thường có xu hướng mắc các bệnh như: Cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim và béo phì.

  • Về tinh thần

Trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi có xu hướng thay đổi các hành vi tình cảm xã hội như tỏ ra thờ ơ, hay quấy khóc, không hứng thú với các hoạt động vui chơi, khám phá cuộc sống.

Điều này không chỉ làm hạn chế sự tương tác của trẻ với mọi người và thế giới xung quanh mà còn khiến trẻ mất đi khả năng học hỏi.

Theo UNICEF, tình trạng chậm phát triển trí lực do suy dinh dưỡng giai đoạn đầu đời khiến trẻ phải đi học muộn hơn, thua sút 70% về điểm số, giảm 22 - 45% khả năng học tập suốt đời.

Ảnh hưởng suy dinh dưỡng thấp còi
Suy dinh dưỡng là hậu quả của suy dinh dưỡng do thiếu protein năng lượng.
  • Những hệ lụy lâu dài

Sự phát triển về nhận thức bị cản trở, tầm vóc kém phát triển ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động sau này của trẻ.

Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, cứ 1% chiều cao giảm đi sẽ tương ứng với 1,4% năng suất của cá nhân đó, và những trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi khi trưởng thành có thu nhập ít hơn 20% so với những người không bị suy dinh dưỡng lúc nhỏ.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường để lại những hậu quả nặng nề. Gần đây, có nhiều bằng chứng cho thấy suy dinh dưỡng ở giai đoạn sớm, nhất là trong thời kỳ bào thai có mối liên hệ với mọi thời kỳ của đời người. Hậu quả của suy dinh dưỡng có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Phụ nữ đã từng bị suy dinh dưỡng trong thời kỳ còn là trẻ nhỏ hoặc trong độ tuổi vị thành niên đến khi lớn lên sẽ trở thành bà mẹ bị suy dinh dưỡng. Khi này, bà mẹ suy dinh dưỡng thường dễ đẻ con nhỏ yếu, cân nặng sơ sinh thấp. Hầu hết những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp sẽ bị suy dinh dưỡng ( nhẹ cân hoặc thấp còi) ngay trong năm đầu sau sinh. Những trẻ này có nguy cơ tử vong cao hơn so với trẻ bình thường và khó có khả năng phát triển bình thường.

3. Phòng tránh suy dinh dưỡng

Chính vì những hậu quả nghiêm trọng mà suy dinh dưỡng gây ra mà việc phòng chống có ý nghĩa quan trọng. Các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng gồm:

  • Chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho bà mẹ có thai và cho con bú. Quản lý tốt thai nghén và chăm sóc bà mẹ sau sinh. Thăm khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Ăn uống đủ cả về lượng và chất trong thời kỳ mang thai.
  • Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và kéo dài đến 18 - 24 tháng, ít nhất là 12 tháng. Cho trẻ bú theo nhu cầu, không nên cứng nhắc theo giờ giấc.
  • Thực hiện ăn bổ sung ( ăn dặm, ăn sam) hợp lý.
  • Đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh.
  • Chăm sóc vệ sinh và phòng chống nhiễm giun.
  • Tổ chức giáo dục, tư vấn dinh dưỡng tại cộng đồng và tại các gia đình, theo dõi biểu đồ tăng trưởng.
Tác dụng phụ của vitamin A?
Cách phòng tránh suy dinh dưỡng là đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh.

Để phòng chống và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, cha mẹ nên bổ sung các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất cho con. Đồng thời, các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể cũng có thể áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy, cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết tham khảo nguồn: Viện dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan