Khi nào thóp trẻ sẽ đầy?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nhi Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Thóp là một bộ phận nhỏ trên cơ thể nhưng phần thóp trẻ sơ sinh lại khiến các bà mẹ hết sức lưu tâm. Bộ phận này của trẻ sơ sinh dự đoán khá chính xác về tình trạng sức khỏe bé đang hoặc có thể gặp phải.

1. Cấu trúc và chức năng của thóp trẻ sơ sinh

Thóp trẻ sơ sinh (còn gọi là cửa đỉnh đầu) được phân làm hai phần là thóp trước và thóp sau. Phần thóp trước của trẻ có hình thoi, là khe hở giữa xương trán và xương đỉnh đầu. Phần thóp sau có hình tam giác, là khe hở giữa xương đỉnh đầu và xương chẩm.

Thóp trẻ sơ sinh có cấu trúc màng sợi để gắn kết xương đầu lại với nhau và cũng là đường nối đàn hồi giữa các xương hộp sọ. Nhờ những lớp màng sợi này mà đầu bé có thể thay đổi kích thước và hình dạng phù hợp với đường âm đạo của mẹ để ra đời thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, khi trẻ lọt lòng, thóp cũng đóng vai trò như một lớp đệm bảo vệ não trẻ khỏi những chấn động từ bên ngoài nếu bị ngã.

2. Khi nào thóp trẻ sẽ đầy?

thóp trẻ sơ sinh
Thời gian đóng thóp kín hoàn toàn thường trước 24 tháng

Trong những tháng đầu đời, xương sọ bé sẽ dần phát triển và thời gian đóng thóp kín hoàn toàn thường trước 24 tháng. Với những trường hợp bé sau 2 tuổi nhưng vẫn còn thóp phía trước thì cha mẹ nên đưa bé đi thăm khám để các bác sĩ kiểm tra, đánh giá cụ thể tình trạng của bé.

Thóp trẻ sơ sinh đóng sớm có thể do nhiều lý do như: bẩm sinh, não hoặc xương đầu cốt hóa sớm hoặc mẹ bị phơi nhiễm tia X-quang trong thời gian dài và hậu quả của việc này là làm cản trở não phát triển, giảm trí tuệ của trẻ.

Thóp trẻ sơ sinh đóng muộn chứng tỏ khả năng xương chậm cốt hóa do chức năng của tuyến giáp kém hoặc trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, thậm chí do não to lên bất thường.

3. Chăm sóc thóp trẻ sơ sinh như thế nào?

Nhiều cha mẹ thường bảo vệ thóp cho trẻ bằng cách cho bé đội mũ trong vài ngày đầu sau sinh khi thời tiết trở lạnh. Theo các bác sĩ, đây là việc làm rất tốt để giúp giữ thân nhiệt ổn định cho trẻ.

Ngoài ra, để chăm sóc và bảo vệ thóp trẻ tốt nhất, các bậc phụ huynh nên:

  • Giữ ấm cho bé.
  • Đưa trẻ đi khám bác sĩ để bổ sung vitamin D và canxi khi cần thiết.
  • Cho trẻ tắm nắng vào mỗi buổi sáng để phòng chống còi xương. Bạn cũng chú ý không cho trẻ tắm nắng vào thời gian từ 10 - 14 giờ vì sẽ gây hại cho làn da của trẻ.
  • Không cho trẻ ăn dặm quá sớm. Khi trẻ đến tuổi ăn dặm phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết.
  • Không để vật nhọn chạm vào thóp trẻ.

Tóm lại, thóp trẻ sơ sinh là bộ phận cơ thể rất nhạy cảm. Nếu thấy có bất kì vấn đề bất thường nào xảy ra ở bộ phận này như: thóp bé bị phồng, bị lõm, quá lớn, quá nhỏ, đóng sớm hoặc đóng muộn,... thì các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

85.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan