Không dung nạp lactose ở trẻ: Những điều mẹ cha cần biết

Bài được viết bởi bác sĩ Lê Tuyết Nga - Bác sĩ Chuyên khoa I Nhi tại Phòng khám Vinmec Gardenia.

Chứng không dung nạp lactose xảy ra khi cơ thể không tiêu hóa được thành phần lactose trong sữa. Trẻ không dung nạp lactose có biểu hiện đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy triền miên. Tình trạng này tái đi tái lại gây loạn khuẩn ruột, rối loạn hấp thu, chậm lớn cho trẻ. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc chứng không dung nạp lactose, cha mẹ cần biết cách xử lý đúng để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm, đảm bảo trẻ vẫn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và phát triển bình thường.

1. Lactose là gì?

Lactose là dạng đường chủ yếu có trong sữa và các sản phẩm từ sữa, được tiêu hóa trong ruột nhờ sự trợ giúp của men gọi là lactase. Men lactase là chất giúp cắt đôi phân tử đường lactose thành hai thành phần đơn giản dễ hấp thu hơn là galactose và glucose. Vì thế, nếu không có hoặc thiếu hụt men này, cơ thể trẻ sẽ không dung nạp được lactose, dẫn đến tình trạng đường lactose (không được hấp thu) sẽ lên men và gây ra một loạt các triệu chứng khó chịu như đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng,...

2. Đâu là nguyên nhân gây ra không dung nạp lactose?

Có bốn nguyên nhân gây ra tình trạng không dung nạp lactose. Cụ thể như sau:

  • Không dung nạp lactose nguyên phát: Hầu hết trẻ khi sinh ra đều có lượng men lactase bình thường. Tuy nhiên, khi trẻ lớn lên cùng với chế độ dinh dưỡng thay đổi (ít dùng các sản phẩm từ sữa hơn), từ đó, chứng không dung nạp lactose cũng xuất hiện.
  • Không dung nạp lactose thứ phát: Chứng không dung nạp lactose có thể bắt nguồn từ tổn thương ruột non hay vấn đề tiêu hóa như viêm đường ruột, loét dạ dày,... mà trẻ gặp phải. Khi các vấn đề này được giải quyết thì tình trạng không dung nạp lactose cũng sẽ biến mất.
  • Không dung nạp lactose bẩm sinh: Đó là các trường hợp trẻ sinh ra bình thường đã thiếu hụt men lactase (do di truyền từ bố mẹ).
  • Thiếu hụt men lactase: Thường gặp ở trẻ sinh non. Vì lượng men lactase thường phát triển mạnh trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ trước khi trẻ được sinh ra. Do đó, ở những trẻ sinh non, hệ tiêu hóa của trẻ có thể phát triển không ổn định, không cung cấp đủ men lactase. Tuy nhiên, ngay cả ở trẻ sơ sinh bình thường thì hệ tiêu hóa trong 2 năm đầu đời cũng chưa kích hoạt đầy đủ các men tiêu hóa cần thiết. Men lactase cần cho sự tiêu hóa đường lactose mới chỉ hoạt động 70%, khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu hóa các sản phẩm có chứa loại đường này.
Trẻ không dung nạp lactose
Có 4 nguyên nhân chính là không dung nạp lactose nguyên phát, không dung nạp lactose thứ phát, không dung lactose bẩm sinh và thiếu hụt men lactose.

3. Những biểu hiện ở trẻ không dung nạp lactose

  • Trẻ đầy hơi, chướng bụng thường xuyên: Sau mỗi lần bú hoặc uống sữa, trẻ thường có cảm giác đầy hơi, chướng bụng kéo dài. Lactose không được hấp thu khi đi tới đại tràng được lên men yếm khí, tạo nhiều khí hơi trong bụng.
  • Trẻ tiêu chảy kéo dài, phân lỏng, nhiều nước, mùi chua nhẹ. Đôi khi, phân có nhầy, sùi bọt, hoặc có tia máu. Lactose khi không được hấp thu được đào thải trực tiếp theo phân. Tới đại tràng, lactose là chất hấp thụ nước mạnh. Tại đây, lactose tương tác vi sinh vật, lên men khiến phân lỏng, nhầy, sủi bọt, có mùi chua và có tính acid.
  • Trẻ buồn nôn, hay nôn trớ, ọc sữa: Đầy hơi, chướng bụng, khả năng chứa sữa, thức ăn trong dạ dày của trẻ kém, dễ bị kích thích đẩy ngược trở lại thực quản gây nôn trớ.
  • Trẻ quấy khóc nhiều hơn.
  • Bụng trẻ đau quặn, co thắt. Trẻ thường có biểu hiện cong lưng, nắm chặt tay, chân tay co lại.

Khi con có 5 biểu hiện trên, mẹ cần nhận biết ngay dấu hiệu không dung nạp lactose để xử lý ngay. Bất dung nạp lactose để lâu khiến tình trạng rối loạn tiêu hóa càng trở nên nặng, trẻ giảm hấp thu dinh dưỡng, thiếu chất, còi cọc, chậm lớn. Nguy hiểm hơn, càng kéo dài, hệ tiêu hóa bị tổn thương nghiêm trọng, dễ chuyển sang viêm ruột mạn tính.

4. Nên làm gì khi trẻ không dung nạp lactose?

Với trẻ bú mẹ: Vẫn duy trì nguồn sữa mẹ cho bé. Có thể cho trẻ bú xen kẽ với các loại sữa công thức không chứa lactose. Tùy tình trạng rối loạn tiêu hóa để quyết định có cần thiết phải đổi sang các dòng sữa không có lactose hay không.

Với trẻ uống sữa công thức: Khuyến cáo sử dụng sữa công thức không chứa lactose (sữa free lactose). Lưu ý xem các thành phần trong nhãn sữa, thông tin dinh dưỡng khi cho trẻ dùng bất kỳ loại sữa nào. Tránh dùng các sữa chứa nhiều đường lactose như sữa bò, sữa dê cho trẻ sơ sinh.

Với các bé lớn đã ăn dặm: Hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa nhiều lactose cho tới khi hệ tiêu hóa của bé phục hồi hoàn toàn. Khi trẻ uống sữa mà bị đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy thì trước tiên có thể cải thiện bằng cách:

  • Cho trẻ uống sữa cùng lúc với ăn thức ăn đặc: Chuối, ngũ cốc,... vì thức ăn đặc được hấp thu chậm sẽ làm cho tình trạng không dung nạp lactose được kiểm soát tốt hơn.
  • Cho trẻ uống sữa từng thìa một, chia nhỏ bữa sữa.
  • Cho trẻ ăn thêm bơ vì bơ chứa đầy đủ thành phần dinh dưỡng như sữa nhưng ít lactose hơn.
  • Cho trẻ ăn thêm sữa chua vì sữa chua cũng có nhiều thành phần chất dinh dưỡng của sữa nhưng những vi khuẩn tốt trong sữa chua sẽ giúp tiêu hóa lactose.
  • Nếu các triệu chứng trên vẫn tiếp diễn, hãy nhanh chóng đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn một chế độ ăn uống phù hợp, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ.
  • Hậu quả của chứng không dung nạp lactose là trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, kém ăn cộng thêm tập quán kiêng ăn làm chậm hồi phục niêm mạc ruột. Vì thế, cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan khi con gặp phải tình trạng này.
Trẻ không dung nạp lactose
Với trẻ bú mẹ không dung nạp lactose, bạn cần tiếp tục cho bé bú mẹ xen kẽ với bú sữa ngoài không chứa lactose.

5. Những sai lầm thường mắc phải khi bé không dung nạp lactose

5.1. Không tuân thủ việc điều chỉnh dinh dưỡng

Trong nhiều trường hợp, bé được chỉ định dùng sữa free lactose để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Sữa free lactose là dòng sữa được hạn chế lượng đường lactose và/hoặc bổ sung thêm enzyme lactase để hỗ trợ sự tiêu hóa đường trong sữa. Sữa free lactose vẫn đảm bảo cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho bé. Nhiều mẹ lo ngại rằng sữa free lactose sẽ không cung cấp đủ chất cho bé nên không tuân thủ đúng theo quy định điều trị. Điều này gây ảnh hưởng tới hiệu quả của việc xử lý bất dung nạp lactose.

5.2. Kiêng khem quá mức

Theo quan niệm cũ, khi trẻ sơ sinh đang bú mẹ mà bị tiêu chảy, mẹ chỉ được ăn những thức ăn “lành tính” như: Thịt lợn, rau xanh. Thế nhưng, theo quan điểm khoa học mới, việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng mới là quan trọng nhất. Mẹ nên lựa chọn các loại thực phẩm đa dạng, phong phú để đảm bảo cung cấp được đầy đủ chất dinh dưỡng cho con. Chỉ nên hạn chế các thực phẩm không lành mạnh như đồ cay nóng, chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, cafe).

5.3. Nhầm lẫn với tình trạng khác

Với các triệu chứng như tiêu chảy, phân có mùi chua, mẹ rất dễ nhầm lẫn với các tình trạng khác như rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn ruột hay dị ứng đạm sữa bò.

Cần phân biệt rõ các tình trạng trên để có hướng xử trí phù hợp.

Bất dung nạp lactose

Trẻ có biểu hiện tiêu chảy sau khi bú sữa mẹ hoặc sữa công thức thông thường khoảng 30 phút – 2 giờ. Số lần đại tiện phụ thuộc vào lượng sữa mà trẻ uống.

Dị ứng đạm sữa bò

Không giống như bất dung nạp lactose, tình trạng dị ứng sữa có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm và chẩn đoán chính xác các triệu chứng, đặc biệt ở trẻ em. Dị ứng sữa và bất dung nạp lactose có nhiều điểm chung nhưng dị ứng mang tính di truyền.

Dị ứng sữa là tình trạng hệ miễn dịch trong cơ thể của trẻ chống lại một số protein chứa trong sữa. Nghĩa là cơ thể ở những trẻ này bẩm sinh đã dị ứng, không thích ứng được với một số protein trong sữa. Có 2 - 3% trẻ em dưới 3 tuổi bị dị ứng với sữa. Di truyền cũng là một yếu tố gây nên việc dị ứng sữa đối với trẻ, tức là nếu cha hoặc mẹ đã từng bị dị ứng với sữa thì có khoảng 50 - 80% con họ cũng bị dị ứng từ lúc còn bé.

Thủ phạm gây nên phản ứng dị ứng cho trẻ đó chính là một số loại protein như casein protein và whey protein trong sữa. Dị ứng với protein trong sữa có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tiêu hóa và các bộ phận khác của cơ thể như da và hệ hô hấp. Dị ứng có hai mức độ, thứ nhất là dị ứng mức độ nhanh, đột ngột như nôn trớ, thở khò khè, nổi ban đỏ, mặt sưng phù, tiêu chảy, thậm chí da sẽ nổi mẩn đỏ lên nếu tiếp xúc trực tiếp với sữa. Thứ hai là phản ứng mức độ chậm khiến trẻ thường bứt rứt khó chịu, nôn trớ, đau bụng, phân có lẫn máu, tăng cân chậm, chậm lớn. Giải pháp cho trường hợp dị ứng sữa này chính là mẹ cần nhận biết chính xác loại protein nào con mình dị ứng ghi trên nhãn các sản phẩm sữa để có lựa chọn tốt nhất.

Trẻ dị ứng sữa có triệu chứng rất rõ rệt ngay sau khi trẻ uống sữa bò hoặc các thực phẩm được chế biến từ sữa bò khoảng vài phút đến vài giờ. Ngoài tiêu chảy, trẻ có thể kèm theo phát ban, khó thở,... Các triệu chứng này sẽ mất đi nếu ngưng sử dụng sữa bò và chuyển sang các dạng sữa công thức chứa đạm thủy phân.

Trẻ không dung nạp lactose
Trẻ dị ứng đạm sữa bò thường bị nhầm lẫn với không dung nạp lactose.

Rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn

90% trẻ bị rối loạn tiêu hóa có nguyên nhân do loạn khuẩn đường ruột. Lúc này, trẻ sẽ có các triệu chứng như đi ngoài phân lỏng từ 2 - 3 lần/ngày, đầy chướng bụng, quấy khóc, nôn trớ. Trẻ sẽ cải thiện nhanh chóng khi được bổ sung đúng loại men vi sinh chứa chủng lợi khuẩn phù hợp.

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng không dung nạp lactose khác nhau ở mỗi trẻ. Do đó, gia đình nên theo dõi để sớm nhận biết và điều chỉnh chế độ ăn và lựa chọn sữa cho phù hợp.

Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan