Lắng nghe điều gì từ trẻ?

Bài được viết bởi: Thạc sĩ tâm lý Đặng Thị Thanh Tùng.

Nhiều khi, các cha mẹ quên đi rằng mình cần là bạn của con chứ không phải là vai duy nhất: Bố mẹ. Nghĩa là có quyền, phải yêu cầu và bắt con thực hiện mệnh lệnh. Hoặc thấy con có khó khăn nhưng chưa lắng nghe xem khó khăn đó của con là gì, bắt nguồn từ đâu. Hoặc vì công việc và thiếu kiên nhẫn, chúng ta nghe xong ậm ừ cho xong và không để tâm con trẻ còn băn khoăn hay lo lắng gì, có cần mình giúp gì nữa hay không,... Chỉ khi ta là bạn với trẻ, trẻ được lắng nghe sẽ tự học được cách lắng nghe người khác. Và chỉ khi lắng nghe nhau, chúng ta mới tiếp tục hiểu và nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn.


Bạn Ph. A. Q 11 đang học lớp 5, đã được gia đình đưa đến Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City khám. Trước đó, Q đã được đi khám nhiều nơi và được kết luận: Lo âu và đang dùng thuốc theo đơn.

1. Những biểu hiện thất thường, lo lắng của trẻ

Theo gia đình: Trẻ học lớp 5 nhưng luôn muốn mình như em bé để được bố mẹ yêu chiều. Dù bố mẹ dành hết tình cảm cho mình nhưng Q vẫn luôn cảm thấy ganh tỵ với em gái học lớp 1 và cho rằng bố mẹ yêu em hơn. Khi ở nhà, Q hay trêu chọc và đánh em, luôn thích mình là em bé để được bố mẹ cưng chiều. Trẻ luôn nói và làm các hành vi để gây chú ý như: Nhịn tiểu và bảo: “Để cho bị bệnh cho chết sớm” (để bố mẹ quan tâm hơn), nhịn vệ sinh, thèm ăn nhưng nhịn ăn vì sợ béo bị các bạn chê, không thích đến trường vì các bạn ghét, đánh nhau,...

Khi đến trường học, cô giáo đã phản ánh và nhiều lần mời cha mẹ đón trẻ về vì trẻ có biểu hiện: Hay lo lắng, đi học hay sợ sệt, hoặc có hôm đi học nhưng không tuân thủ nội quy trong lớp.

Gần đây, trẻ còn thể hiện rõ khó khăn: Bỏ trốn giờ học chạy ra ngoài hành lang chơi một mình, hay la hét hoặc trêu chọc bạn khi học, không chịu làm bài tập, khi chơi hay nấp vào gầm bàn cô giáo hay tủ đựng đồ của bạn, nằm lăn ra sàn.

Ở nhà, bố mẹ cảm thấy mệt mỏi và cảm thấy khó khăn khi nhắc đến việc đi học: Trẻ lo sợ và không muốn đi học. Hai tuần gần đây, trẻ lúc học lúc nghỉ, hứng thú học tập giảm sút.

trẻ lo lắng
Trẻ có biểu hiện: Hay lo lắng, đi học hay sợ sệt, hoặc có hôm đi học nhưng không tuân thủ nội quy trong lớp.

2. Cách bác sĩ Vinmec “nói chuyện” với trẻ

Lần đầu tiếp xúc với trẻ, tôi không tin đây là một đứa trẻ có các đặc điểm khó khăn như miêu tả ở trên. Bởi vì cậu bé vô cùng thông minh, rất thích đánh cờ vua và cờ vua cũng là điểm mạnh duy nhất mà trẻ chỉ dẫn cho tôi biết khi tôi gặp trẻ.

Ba buổi đầu, trẻ không hợp tác. Khi gặp tôi, trẻ hết đứng lại nằm ra sàn hoặc ngồi/ nằm/ bò trên ghế, không nói chuyện, chỉ gật lắc để thể hiện đồng ý/ không đồng ý, trẻ luôn trong trạng thái nhịn tiểu, hay lẩm bẩm nói một mình những từ để trấn an hoặc nhắc lại câu hỏi... không làm gì ngoài tìm đồ chơi và đứng ngồi không yên.

Chỉ khi chơi cờ trẻ mới chịu ngồi yên trên ghế. Và thế là chúng tôi chơi với nhau hết ván này đến ván khác/ 1 giờ trị liệu. Mà cậu bé giỏi thật, không ván nào cậu nhường cho tôi thắng. Cậu còn tình nguyện làm thầy giáo dạy cờ vua cho tôi. Khi trận cờ bắt đầu, chúng tôi nói chuyện được với nhau về: Sở thích, mong muốn, lo lắng và nhiều chuyện khác.

Cứ như thế, chúng tôi làm việc với nhau 3 buổi, 5 buổi rồi đến 10 buổi. Khi được 10 buổi, tư vấn và trao đổi với gia đình, tôi cũng cảm thấy áy náy vì thực sự 10 buổi học chúng tôi chỉ toàn chơi với nhau, tôi động viên trẻ...và tôi chưa dạy trẻ được bất cứ kỹ năng gì.

Nhưng qua 10 buổi đó, tôi hiểu được: Cậu bé vì sao lại lo lắng, vì sao lại kém tự ti, vì sao hay ganh tỵ với em,... và vì sao không muốn đến trường, muốn chết chứ không muốn sống khi mới học lớp 5.

Gia đình đồng ý đưa con đến Vinmec thêm bởi cũng chẳng còn cách nào để nói chuyện, khuyên nhủ cậu bé đi học và bớt lo lắng.

Thế rồi, tôi và trẻ đã làm bạn được với nhau, chúng tôi tiếp tục có thời gian tương tác chia sẻ thêm. Trẻ bắt đầu tin tưởng tôi và tự nguyện đến trị liệu theo hẹn mà không còn miễn cưỡng theo yêu cầu bố mẹ.

Qua các buổi làm việc, trẻ đã cùng tôi gọi tên được các nỗi sợ của chính mình, gọi tên các cảm xúc tiêu cực, nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và trẻ thể hiện nhu cầu được cô giúp đỡ.

Trẻ bắt đầu bộc lộ các khả năng và điểm mạnh khác: Khả năng tiếng Anh, Toán học, tính nhẩm, khả năng tập trung và làm các bài tập siêu nhanh. Cậu bé làm thôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Giờ đây, chúng tôi đã làm việc với nhau được tròn một năm. Thay vì kết thúc trị liệu, trẻ vẫn đến với tôi để mỗi tuần được chia sẻ và học các kỹ năng mới. Hạn chế duy nhất trẻ còn lúc này là khả năng vận động: Trẻ có thân hình hơi mập và vận động thô, kém linh hoạt. Đây cũng là điểm dẫn đến việc trẻ kém tự tin trước mặt bạn bè nên trẻ cũng quyết tâm thay đổi.

Trẻ bây giờ đã trở thành chàng trai lớp 6, được bầu làm lớp trưởng, có nhiều bạn bè, trẻ đi học đều và không bố mẹ không còn phải đến đón về vì không học được. Trẻ cũng không còn các biểu hiện như lo sợ trường học và không dùng bất cứ loại thuốc gì để hỗ trợ cảm xúc nữa. Tin vui gần nhất mà tôi nhận được: Trẻ được vào đội tuyển tiếng Anh của trường và đang cố phấn đấu đoạt giải cao của Thành phố.

Những kết quả mà tôi và trẻ có được trong một năm qua bắt nguồn từ sự lắng nghe: Lắng nghe trẻ, quan sát, tạo điều kiện cho trẻ bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ, hoặc đơn giản là để trẻ có cơ hội thể hiện những sở thích và mong muốn của mình. Từ đó, chúng tôi tin tưởng lẫn nhau, chúng tôi trở thành bạn và cùng nhau trải qua các trải nghiệm, chia sẻ để rút ra bài học và chỉnh sửa.

Nhiều khi, các cha mẹ quên đi rằng mình cần là bạn của trẻ chứ không phải là vai duy nhất: Bố mẹ. Bố mẹ là phải có quyền, phải yêu cầu và bắt con thực hiện mệnh lệnh, bố mẹ thấy con có khó khăn nhưng chưa thực sự dành thời gian để ngồi lại lắng nghe xem khó khăn đó của con là gì, bắt nguồn từ đâu. Nhiều khi, vì công việc và thiếu kiên nhẫn, chúng ta nghe xong ậm ừ cho xong và thật sự cũng không để tâm con trẻ còn băn khoăn hay lo lắng gì, có cần mình giúp gì nữa hay không,...

Chỉ khi ta là bạn với trẻ, trẻ được lắng nghe sẽ tự học được cách lắng nghe người khác. Và chỉ khi lắng nghe nhau, chúng ta mới tiếp tục hiểu và nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn.

Hãy làm bạn với con chứ đừng đóng vai là quan tòa hoặc bất cứ một vai nào khác khi muốn đồng hành và thấu hiểu cùng con cha mẹ nhé. Đừng để cơ hội lắng nghe bị vuột mất khi nó còn có thể. Hạnh phúc của tôi là được lắng nghe mỗi ngày, để sẻ chia và để được yêu thương.

Trò chuyện – Cách thức đơn giản giúp con phát triển ngôn ngữ
Hãy làm bạn với con chứ đừng đóng vai là quan tòa hoặc bất cứ một vai nào khác khi muốn đồng hành và thấu hiểu cùng con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

724 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan