Lưu trữ sữa mẹ: Những việc nên và không nên

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Việc lưu trữ sữa mẹ nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại khiến nhiều chị em lần đầu làm mẹ bối rối. Những việc nên và không nên làm được đề cập trong bài liên quan đến cách chọn bình đựng, trữ đông sữa mẹ, rã đông sữa mẹ và một số lời khuyên khác.

1. Vắt sữa mẹ

Trước khi vắt sữa mẹ, nên rửa tay bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn. Các bà mẹ có thể vắt sữa mẹ bằng tay hoặc bằng máy bơm tay hoặc điện.

Nếu sử dụng máy bơm, cần kiểm tra bộ dụng cụ bơm và ống dẫn để đảm bảo độ sạch sẽ. Nên vệ sinh máy, các nút bấm và công tắc bằng khăn lau khử trùng trước. Vứt bỏ và thay thế ống bị mốc ngay lập tức.

Sau khi sử dụng xong nên cất thiết bị máy bơm cẩn thận để tránh bị nhiễm bẩn.

2. Bình/túi lưu trữ sữa mẹ

Nên bảo quản sữa đã vắt trong bình sạch, có nắp làm bằng thủy tinh hoặc nhựa cứng không chứa BPA (có ký hiệu tái chế số 7). Bạn cũng có thể sử dụng túi nhựa chuyên dụng được sản xuất để lưu trữ và bảo quản sữa mẹ.

Tuy nhiên, túi trữ sữa mẹ có thể bị rách, rò rỉ và dễ bị nhiễm bẩn hơn so với các bình đựng cứng. Để đảm bảo an toàn, nên đặt các túi vào hộp bảo quản thực phẩm bằng nhựa cứng có nắp đậy kín.

Không lưu trữ sữa mẹ trong các bình dùng một lần hoặc các túi nhựa thông thường được sử dụng chung trong gia đình.

Lưu trữ sữa mẹ: Những việc nên và không nên
Nên dán nhãn ghi ngày sữa mẹ được vắt ra trên mỗi bình

3. Cách trữ đông sữa mẹ

Nên làm:

Dán nhãn trên mỗi bình chứa có ghi ngày sữa mẹ được vắt ra; nếu đang ở tại cơ sở y tế chăm sóc trẻ em thì cần ghi thêm tên của bé vào nhãn. Đặt sữa vào nơi có nhiệt độ mát nhất ở phía sau tủ lạnh hoặc để trong tủ đông. Ngoài ra các mẹ cũng có thể lưu trữ sữa tạm thời trong các vật dụng cách nhiệt nếu không có sẵn tủ lạnh hoặc tủ đông khi đi du lịch.

Mỗi bình trữ chỉ chứa một lượng sữa mà bé cần cho một lần bú, bắt đầu khoảng 59 - 118ml và sau đó điều chỉnh khi cần thiết để tránh lãng phí. Bên cạnh đó mẹ cũng nên xem xét lưu trữ các phần sữa nhỏ hơn (từ 30 - 59ml) cho các tình huống bất ngờ, ví dụ như thời gian cho bé ăn bị trễ hơn ngày thường.

Bạn có thể thêm sữa mẹ mới vắt vào sữa làm lạnh hoặc cấp đông trước đó trong cùng một ngày. Tuy nhiên, cần làm lạnh hoàn toàn sữa mẹ mới vắt trong tủ lạnh hoặc ngăn mát bằng túi đá trước khi thêm.

Không nên làm:

  • Sữa mẹ sẽ nở ra khi cấp đông, do đó không được đổ đầy sữa đến miệng bình chứa.
  • Không trữ đông sữa mẹ trong cửa tủ vì nhiệt độ từ cửa sẽ thay đổi đóng mở.
  • Không được thêm sữa mẹ mới vắt và còn ấm vào sữa đã đông lạnh vì sẽ khiến sữa bị tan ra một phần.

4. Thời gian lưu trữ sữa mẹ

Thời gian lưu trữ sữa mẹ an toàn sẽ tùy thuộc vào phương pháp bảo quản, thể tích sữa, nhiệt độ ngoài trời, nhiệt độ điều chỉnh trong tủ lạnh/tủ đông và độ sạch của môi trường. Hướng dẫn cụ thể dành cho lưu trữ sữa mẹ như sau:

  • Nhiệt độ phòng: Sữa mẹ mới vắt có thể được giữ ở nhiệt độ phòng trong tối đa 6 giờ. Tuy nhiên, tốt nhất là nên sử dụng hoặc lưu trữ trong vòng 4 giờ, đặc biệt là khi căn phòng có nhiệt độ ấm;
  • Cách nhiệt làm mát: Sữa mẹ mới vắt có thể được lưu trữ trong các vật dụng cách nhiệt, để cùng với túi nước đá trong vòng 1 ngày;
  • Tủ lạnh: Sữa mẹ mới vắt có thể được lưu trữ ở phía sau tủ lạnh tối đa 5 ngày trong điều kiện sạch sẽ. Tuy nhiên, nên sử dụng hoặc lưu trữ trong tủ lạnh trong vòng 3 ngày là tốt nhất;
  • Tủ đông sâu: Sữa mẹ mới vắt có thể được lưu trữ ở mặt sau của tủ đông trong thời gian lên đến 9 tháng. Tuy nhiên, nên ưu tiên sử dụng hết sữa đông lạnh trong vòng 6 tháng.

Các nghiên cứu cho thấy rằng làm lạnh hoặc trữ đông sữa mẹ càng lâu thì vitamin C trong sữa sẽ mất càng nhiều. Hơn nữa, sữa mẹ được lưu trữ từ khi bé còn sơ sinh sẽ không đáp ứng đủ hoàn toàn nhu cầu của trẻ khi đã được vài tháng tuổi. Ngoài ra, những yêu cầu về việc trữ đông sữa mẹ có thể thay đổi đối với trẻ sinh non, bị ốm hoặc nhập viện, do đó phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bé không được khỏe.

5. Rã đông sữa mẹ như thế nào?

Lưu trữ sữa mẹ: Những việc nên và không nên
Đặt bình/túi sữa đông lạnh vào tủ lạnh vào buổi tối khi có ý định sử dụng vào ngày hôm sau

Nên làm:

Rã đông sữa mẹ có thời gian lưu trữ lâu nhất theo quy tắc “vào trước - ra trước” (first in, first out). Đặt bình/túi sữa đông lạnh vào tủ lạnh vào buổi tối khi có ý định sử dụng vào ngày hôm sau. Lắc nhẹ bình sữa để trộn các lớp chất béo có thể đã bị tách ra sau khi trữ đông sữa mẹ.

Thực tế, sữa mẹ không cần phải hâm nóng, bé có thể được cho bú sữa ở nhiệt độ phòng hoặc lạnh hơn một chút. Nếu quyết định làm ấm sữa, mẹ có thể đặt bình sữa dưới vòi nước ấm hoặc thả vào một bát nước ấm trong vài phút, không quá 20-30 phút. Nên giữ bình chứa kín trong khi hâm nóng để đảm bảo vệ sinh. Kiểm tra nhiệt độ của sữa mẹ trước khi cho bé bú bằng cách nhỏ vài giọt lên cổ tay, nhiệt độ tương đương thân nhiệt cơ thể (37 độ C) là thích hợp.

Không nên làm:

Không làm nóng sữa mẹ trữ đông trong lò vi sóng hoặc đun nhanh trên bếp. Điều này sẽ khiến sữa sẽ có những phần nóng và lạnh không đều khiến bé bị bỏng. Một số nghiên cứu cũng cho thấy làm nóng nhanh có thể ảnh hưởng đến kháng thể của sữa, làm phá hủy các chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia khuyên chị em nên bỏ đi phần sữa đã rã đông mà không được sử dụng hết trong vòng 24 giờ.

6. Mùi và màu sắc sau khi rã đông sữa mẹ

Màu sắc của sữa có thể thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn uống của người mẹ. Ngoài ra sữa mẹ rã đông đôi khi có mùi khác với sữa tươi, tuy nhiên vẫn an toàn cho bé sử dụng. Nếu trẻ không chịu bú sau khi rã đông sữa mẹ, chị em nên rút ngắn thời gian lưu trữ để hạn chế sự biến đổi mùi vị của sữa.

Nhìn chung, tuân thủ những việc nên và không nên làm khi lưu trữ sữa mẹ được khuyến nghị sẽ giúp các bà mẹ cho con bú duy trì sự an toàn và chất lượng của sữa mẹ vắt ra, từ đó đảm bảo cho sức khỏe cho em bé.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan