Thế nào là viêm phổi không điển hình ở trẻ em?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Mai Phương - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Viêm phổi không điển hình là tình trạng nhiễm trùng phổi do vi khuẩn không điển hình gây ra. Trẻ em bị viêm phổi không điển hình thường có triệu chứng nhẹ hơn viêm phổi điển hình, thậm chí phụ huynh khó nhận ra bé đang mắc bệnh.

1. Tổng quan về viêm phổi không điển hình

Thuật ngữ viêm phổi không điển hình (atypical pneumonia) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1938 và có xu hướng ngày một gia tăng. Tỷ lệ viêm phổi không điển hình chiếm khoảng 15 - 25% trong tổng số các trường hợp viêm phổi nói chung.

Đây là một bệnh lây nhiễm do vi khuẩn gây ra mà bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên đối tượng thường gặp nhất là trẻ em từ 2 - 10 tuổi hoặc người lớn dưới 40 tuổi, trong đó độ tuổi tiền học đường chiếm tới 75 - 80%.

Những người sinh sống và làm việc ở chỗ tập trung đông đúc như trường học, nơi ở dành cho người vô gia cư hoặc nhà tù, thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Quá trình lây nhiễm xảy ra khi một người tiếp xúc với nước bọt hay nước mũi của bệnh nhân lúc ho hoặc hắt hơi.

Điều quan trọng khi điều trị viêm phổi không điển hình ở trẻ em là phải sử dụng đủ liều kháng sinh cho một đợt. Nếu ngừng kháng sinh quá sớm thì nguy cơ tái phát nhiễm trùng là rất cao. Nếu không điều trị kịp thời, viêm phổi không điển hình cũng có nguy cơ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

Viêm phổi ở trẻ
Viêm phổi không điển hình ở trẻ em

2. Nguyên nhân gây viêm phổi không điển hình

Có 3 loại vi khuẩn là nguyên nhân gây ra viêm phổi không điển hình là:

  • Mycoplasma pneumoniae: Chiếm từ 55 - 70% trường hợp, chủ yếu ảnh hưởng đến những người dưới 40 tuổi;
  • Chlamydia pneumoniae: Chiếm từ 10 - 15% trường hợp, phổ biến nhất ở trẻ em tuổi học đường và thường chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ ;
  • Legionella pneumoniae: Chiếm từ 5 - 7% trường hợp, nhưng có thể diễn biến nặng hơn so với các dạng khác.

Dạng viêm phổi không điển hình phổ biến nhất là do vi khuẩn Mycoplasma gây ra. Tỷ lệ người lành mang vi khuẩn không điển hình trong cộng đồng chiếm khoảng 30 - 35%.

Mycoplasma pneumoniae
Hình ảnh vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae

3. Triệu chứng lâm sàng của viêm phổi không điển hình

Đa số các trường hợp viêm phổi không điển hình bắt đầu bằng triệu chứng viêm đường hô hấp, đôi khi khởi phát nhanh đột ngột. Ngoài ra trẻ em bị viêm phổi không điển hình cũng có các đặc điểm lâm sàng gợi ý như sau:

  • Thường gặp sốt cao > 39 - 40°C và liên tục. Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc người già cũng có thể viêm phổi không sốt, thậm chí hạ thân nhiệt;
  • Ho nhiều thành cơn hoặc ho khan ban đầu, về sau có đờm;
  • Khàn tiếng do ho nhiều;
  • Trẻ lớn có thể bị đau ngực;
  • Triệu chứng cơ năng (trẻ cảm thấy được) thường rầm rộ;
  • Triệu chứng thực thể (biểu hiện lâm sàng) thường nghèo nàn, ít thể hiện rõ ràng;
  • Nhịp thở nhanh hơn so với độ tuổi;
  • Trẻ lớn có thể không ran phổi (rale), trẻ nhỏ ran ẩm và phế quản nhưng xuất hiện khá muộn;
  • Thường có kết hợp tổn thương ngoài phổi như: Màng phổi, gan, lách hoặc cơ tim...
Phòng ngừa và xử trí sốt cao co giật ở trẻ
Trẻ liên tục sốt cao

4. Chẩn đoán viêm phổi không điển hình

Để chẩn đoán xác định, ngoài xem xét lứa tuổi của bệnh nhi, yếu tố dịch tễ và biểu hiện lâm sàng, bác sĩ cũng sẽ dựa vào cận lâm sàng có giá trị gợi ý viêm phổi không điển hình như sau:

4.1. Xét nghiệm huyết học

Chỉ số huyết đồ trong xét nghiệm công thức máu ở trẻ em bị viêm phổi không điển hình cho thấy:

  • Số lượng bạch cầu bình thường hoặc tăng nhẹ;
  • Tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính có thể không tăng;
  • Protein phản ứng C (CRP) thường bình thường.

4.2. Xét nghiệm sinh hóa

  • Ít biến đổi;

4.3. Xét nghiệm vi sinh

Xét nghiệm vi sinh giúp phân tích hình ảnh vi sinh vật, có giá trị chẩn đoán xác định căn nguyên vi khuẩn gây bệnh. Đối với viêm phổi không điển hình ở trẻ em, bác sĩ có thể tìm được bằng chứng đoạn gen ADN vi khuẩn không điển hình từ các bệnh phẩm dịch tiết hô hấp bằng:

  • Phương pháp nuôi cấy vi khuẩn trực tiếp;
  • Xét nghiệm sinh học phân tử PCR: Mycoplasma pneumoniae / Chlamydia pneumoniae / Legionella pneumoniae dịch tỵ hầu, nội khí quản hoặc màng phổi (+);
  • Phản ứng tổng hợp chuỗi thời gian thực (Kỹ thuật Real time PCR).
Xét nghiệm Adenosine Deaminase
Xét nghiệm máu chẩn đoán viêm phổi không điển hình

4.4. X-quang phổi

Hình ảnh phổi trên phim X- quang cho thấy:

  • Chủ yếu tổn thương ở nhu mô, lan tỏa, hình lưới, mờ không đều, rải rác toàn bộ 2 phế trường kiểu viêm phổi kẽ;
  • Đôi khi có viêm phổi tập trung, tổn thương đám mờ đậm, tập trung kiểu hoại tử;
  • Một số trường hợp có tràn dịch màng phổi 1 hoặc 2 bên nhưng lượng dịch không nhiều.

Các bác sĩ cần khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán viêm phổi. Trong đó các triệu chứng như sốt, ho, thở nhanh, rút lõm lồng ngực là quan trọng nhất để chẩn đoán lâm sàng và xác định mức độ nặng của bệnh. Các xét nghiệm cận lâm sàng được bác sĩ chỉ định sau khi bố mẹ đưa trẻ nghi ngờ bị viêm phổi đến thăm khám

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

5. Điều trị viêm phổi không điển hình

5.1. Chống suy hô hấp

Trong trường hợp viêm phổi không điển hình ở trẻ em có kèm suy hô hấp thì cần:

  • Sử dụng liệu pháp oxygen;
  • Theo dõi sát nhịp thở, SaO2, khí máu và làm thông thoáng đường thở;
  • Truyền dịch để cung cấp đủ nước và điện giải cho bệnh nhi.

5.2. Điều trị hỗ trợ

Nguyên tắc điều trị hỗ trợ bao gồm hạ sốt, đồng thời cung cấp đủ dinh dưỡng và calo theo nhu cầu của trẻ.

5.3. Liệu pháp kháng sinh

Đối với viêm phổi không điển hình, lựa chọn đầu tiên là kháng sinh nhóm Macrolid Azithromycin với liều lượng 10 mg / kg vào ngày thứ nhất, tiếp theo là 5 mg / kg / ngày, mỗi ngày 1 lần trong vòng 2 - 7 ngày.

Các lựa chọn thay thế uống trong 10 - 14 ngày bao gồm:

  • Clarithromycin: 15 mg / kg / ngày chia 2 lần;
  • Erythromycin: 40 - 50 mg / kg / ngày chia 4 lần;
  • Doxycycline: 2 - 4 mg / kg / ngày chia 2 lần cho trẻ > 7 tuổi.

Nếu trẻ bị dị ứng với Macrolid thì thay bằng nhóm kháng sinh tiếp theo, cũng có hiệu quả cao với vi khuẩn gây viêm phổi không điển hình là Quinolone. Cụ thể:

  • Levofloxacin: 20 mg / kg / ngày đối với trẻ < 5 tuổi hoặc 10 mg/kg/ngày cho trẻ > 5 tuổi hoặc 500 mg mỗi ngày một lần cho trẻ > 15 tuổi;
  • Hoặc moxifloxacin: 400 mg mỗi ngày một lần cho trẻ trên 15 tuổi.

Dùng dạng uống với thể viêm phổi không nặng (không có suy hô hấp). Nếu trẻ bị viêm phổi không điển hình kèm theo suy hô hấp thì nên dùng kháng sinh Azithromycin hoặc Lactobionate erythromycin / levofloxacin dạng tiêm tĩnh mạch.

Thời gian điều trị bằng liệu pháp kháng sinh thường kéo dài từ 5 - 14 ngày. Với trẻ bị suy giảm miễn dịch, bệnh nặng và viêm phổi do L.pneumophila thì điều trị sẽ kéo dài khoảng 14 - 21 ngày.

Khám nhi tại Vinmec
Gia đình nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời

6. Theo dõi điều trị và xử trí

Trong quá trình điều trị có khả năng xảy ra đồng nhiễm, kháng thuốc hoặc biến chứng ngoài phổi khiến việc điều trị thất bại với các dấu hiệu là:

  • Sốt kéo dài trên 48 giờ;
  • Suy hô hấp tăng;
  • Tổn thương nhu mô tăng trên 2 thuỳ phổi;
  • Có biểu hiện ngoài phổi.

Khi đó, bác sĩ có thể tiến hành một số xét nghiệm theo thời gian và tùy thuộc diễn biến bệnh cũng như các biểu hiện ngoài phổi, chẳng hạn cấy máu, nội khí quản, CT ngực, siêu âm màng phổi, điện giải đồ, ...

Nếu xảy ra kháng thuốc thì cân nhắc thay kháng sinh Macrolid thành Quinolon, hoặc dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ trong trường hợp có đồng nhiễm. Với bệnh nhi viêm phổi nặng do M.pneumoniae có thể cân nhắc dùng Corticoid.

Tuy nhiên nhìn chung thì các trường hợp mắc viêm phổi không điển hình đều có thể hồi phục hoàn toàn trong một đợt điều trị bằng kháng sinh đủ liều. Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin đặc hiệu phòng bệnh viêm phổi không điển hình ở trẻ em do nhóm 3 loại vi khuẩn này gây ra. Các bậc cha mẹ có thể ngăn ngừa trẻ bị viêm phổi chủ yếu bằng cách chăm sóc đủ dinh dưỡng, tiêm chủng đúng theo lịch và hạn chế tác động từ môi trường bị ô nhiễm.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vắc-xin,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan