Nên sử dụng thuốc hạ sốt nào cho trẻ mắc bệnh thiếu men g6pd?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nhiều phụ huynh rất dễ trở nên lo lắng khi thấy con mình sốt cao, nhất là với những đứa trẻ mắc bệnh g6pd. Việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ mắc bệnh thiếu men g6pd cần được thực hiện một cách cẩn trọng hơn với sự tư vấn của các bác sĩ điều trị.

1. Cách nhận biết một đứa trẻ bị sốt

Sốt là một phản ứng có lợi bảo vệ cơ thể trước sự thâm nhập của các tác nhân gây bệnh hoặc những phản ứng viêm gây hại. Đặc trưng của sốt là sự tăng điểm điều nhiệt của cơ thể trên mức giới hạn bình thường nhưng không gây hại đến các phản ứng sinh học và các quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

Nhiệt độ cơ thể bình thường của trẻ thường dao động trong khoảng từ 36,5 độ C đến 37,5 độ C ở khu vực trung tâm. Khi tiến hành đo nhiệt độ ở vùng ngoại vi như ở nách, phụ huynh cần tiến hành cộng thêm 0,5 độ C để có được nhiệt độ chính xác của cơ thể. Khi giá trị nhiệt độ vượt ngưỡng 37,5 độ C nghĩa là trẻ đang bị sốt. Phân loại mức độ nặng của sốt chủ yếu dựa trên nhiệt độ cơ thể. Trẻ sốt trên 38,5 độ C được xem như là sốt cao và những trẻ sốt trên 40 độ C có nguy cơ bị co giật tăng lên. Ngoài ra, những trẻ sốt cao còn có thể biểu hiện bằng những triệu chứng đa dạng khác như li bì, kém linh hoạt, vã mồ hôi, khó thở, chán ăn, rét run ...

Ở những trẻ bị sốt, khi sờ bố mẹ có thể cảm thấy nóng ở những khu vực trên cơ thể như bụng, nách. Hai má và môi của trẻ sốt sẽ ửng đó hơn mức bình thường. Đây là những dấu hiệu gợi ý trước khi tiến hành đo nhiệt độ cơ thể để xác định một trẻ có thực sự sốt hay không. Việc phát hiện và phân loại mức độ nặng nhẹ của sốt là việc làm có ích cho các công đoạn xử trí tiếp theo, bao hàm cả việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ.

Trẻ sốt không rõ nguyên nhân
Khi nhiệt độ cơ thể trẻ cao hơn bình thường đó là dấu hiệu sốt của trẻ

2. Thuốc hạ sốt cho trẻ

Nhiều loại thuốc hạ sốt cho trẻ là những loại không cần kê đơn, trẻ có thể được sử dụng tại nhà trước khi đến gặp bác sĩ. Đây cũng là nhóm thuốc được khuyến cáo nên có trong tủ thuốc cá nhân ở mọi gia đình. Thuốc hạ sốt cho trẻ được sản xuất dưới dạng nhiều chế phẩm bao gồm dạng viên uống, hỗn dịch, viên sủi, gói bột, viên nhét hậu môn. Tùy theo từng lứa tuổi và đặc tính của từng trẻ mà phụ huynh và các bác sĩ điều trị có thể lựa chọn loại thuốc thích hợp nhất.

Thuốc được đóng gói dưới dạng bột trong từng gói nhỏ thường có mùi vị thơm như trái cây, thích hợp sử dụng cho hầu hết các trẻ sốt vì hợp khẩu vị với hiệu quả tương đương như thuốc dạng viên, xuất hiện sau khoảng 30 phút sử dụng. Lựa chọn hàm lượng từng gói thuốc tùy theo cân nặng của trẻ. Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Dạng thuốc viên nhét hậu môn thích hợp cho những trẻ nhỏ hoặc những trường hợp sốt cao, lừ đừ, co giật, buồn nôn và nôn nhiều, không uống được.

Một số những lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ bao gồm:

  • Trường hợp sốt xuất hiện ở những trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi cần được xem như sốt cao và cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay. Việc tự sử dụng các thuốc hạ sốt cho trẻ ở tình huống này không được khuyến cáo.
  • Xem kỹ hạn sử dụng và hướng dẫn sử dụng trước khi cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt.
  • Dùng thuốc hạ sốt đúng theo cân nặng của trẻ, không tự ý sử dụng quá liều hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau.
Thuốc kháng sinh
Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng quá liều
  • Chỉ nên sử dụng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ của trẻ trên 38,5 độ C hoặc trẻ xuất hiện những biểu hiện nguy hiểm như lừ đừ, co giật.
  • Tôn trọng nguyên tắc 4 giờ giữa hai lần sử dụng thuốc hạ sốt, đặc biệt lưu ý ở những trẻ có tiền căn gia đình và bản thân mắc bệnh gan. Liều tối đa được sử dụng cho trẻ là 60mg/kg trong một ngày.
  • Ở những trẻ sốt cao trên 40 độ C, phụ huynh cần tiến hành song song sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

3. Nguyên tắc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ mắc bệnh thiếu men g6pd

Trẻ mắc bệnh thiếu men g6pd đặc trưng với sự mềm yếu của tế bào hồng cầu khiến chúng dễ vỡ và đưa đến tình trạng thiếu máu. Các bệnh lý và tác nhân gây sốt cũng như các loại thuốc hạ sốt cho trẻ là những yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ phá vỡ hồng cầu. Vì thế sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ mắc bệnh thiếu men g6pd cần được tiến hành một cách cẩn trọng để đảm bảo cân bằng giữa việc hạ sốt và bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Ở những trẻ sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, các phương pháp hạ sốt vật lý nên được áp dụng trước tiên như lau người trẻ bằng nước ấm, tập trung ở các khu vực tỏa nhiều nhiệt như trán, nách và bẹn, cho trẻ mặc các loại quần áo mỏng nhẹ thông thoáng.

Khi nhiệt độ vượt 38,5 độ C, trẻ cần được sử dụng thuốc hạ sốt. Loại thuốc hạ sốt phổ biến và an toàn nhất hiện nay là paracetamol. Thuốc hấp thu và có tác dụng nhanh sau một thời gian ngắn. Tác dụng phụ của paracetamol thường xuất hiện với tần số thấp và không nghiêm trọng. Khi sử dụng paracetamol để hạ sốt cho những trẻ mắc bệnh thiếu men g6pd, liều thuốc luôn được quan tâm đầu tiên vì sử dụng quá liều thuốc trong trường hợp này có thể đưa đến biến chứng nặng nề, bao gồm thiếu máu tán huyết do vỡ màng tế bào hồng cầu.

Paracetamol
Thuốc paracetamo là thuốc hạ sốt hiệu quả cho trẻ mắc bệnh thiếu men g6pd

Liều thuốc được khuyến cáo là 10mg/kg, thời điểm sử dụng lặp lại thuốc cách lần trước ít nhất 6 tiếng. Một số các loại thuốc hạ sốt khác như aspirinibuprofen cũng được sử dụng nhưng cần có sự tư vấn của các bác sĩ điều trị. Khác với paracetamol, ibuprofen và aspirin có nhiều tác dụng phụ hơn, bao gồm kích ứng tiêu hóa, viêm loét dạ dày. Các tác dụng phụ hiếm gặp hơn cũng có thể xuất hiện như suy thận, viêm cầu thận cấp, giảm bạch cầu hạt. Ibuprofen và aspirin thường được chỉ định phối hợp với paracetamol hoặc khi trẻ dị ứng với paracetamol. Vì có nhiều tác dụng phụ nên chúng không nên được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt với những trẻ mắc bệnh thiếu men g6pd.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan