Sữa công thức pha xong để được bao lâu?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Sữa mẹ là thức ăn tốt cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, có thể vì nhiều lý do khác nhau, các bà mẹ có thể sử dụng thêm sữa công thức cho trẻ. Trẻ có thể vừa bú sữa mẹ vừa bú sữa công thức hoặc dùng sữa công thức hoàn toàn. Sữa công thức pha xong để được bao lâu là câu hỏi mà rất nhiều bà mẹ quan tâm.

1. Sữa công thức pha xong để được bao lâu?

Đối với những trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn thì khi đói, bé sẽ được bú trực tiếp từ nguồn sữa của mẹ, đây là dòng sữa nóng. Đối với trẻ sơ sinh, sau khi pha sữa theo tỉ lệ chuẩn cũng cần để trẻ bú ngay. Chỉ nên sử dụng bình ủ cho trẻ khi cần ra ngoài.

Khi pha sữa, bạn nên pha 1⁄2 nước sôi và 1⁄2 nước sôi để nguội. Sau khi pha xong nên cho bé bú ngay, khi sữa còn ấm. Cách pha sữa đã có trên hướng dẫn ở vỏ hộp. Sữa công thức pha xong để được tối đa 2 giờ. Nếu cần bảo quản nên để ngăn mát tủ lạnh, giữ được 24h. Lượng sữa còn dư thừa thì nên đổ bỏ hoặc mẹ uống hết, không nên để trẻ tiếp tục uống cữ sau vì trong sữa đã có nước bọt của trẻ, sữa không còn sạch nữa.

Chính vì thế, mẹ cần theo dõi con ở từng giai đoạn để biết được nhu cầu của con, tránh pha dư sữa. Không để trẻ dùng lại sữa để thừa sau 2 giờ là nhằm tránh cho trẻ nhiễm khuẩn, nhất là vi khuẩn Crono. Vi khuẩn này có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não.

Đặc biệt, các mẹ cần lưu ý, để đảm bảo vị sữa ngon và giữ được thành phần dinh dưỡng, cần pha sữa đúng nhiệt độ trên vỏ hộp hướng dẫn.

Bình đun nước thông minh
Bình đun nước thông minh sẽ giúp mẹ pha sữa đúng nhiệt độ, dễ dàng và nhanh chóng hơn

2. Cách bảo quản sữa công thức đã pha

Để sữa đạt chất lượng dinh dưỡng tốt, cần bảo quản và sử dụng sản phẩm đúng theo hướng dẫn trên bao bì.

Sau đây là một số cách giúp các mẹ bảo quản sữa công thức đã pha:

  • Để tránh nhiễm khuẩn, bảo quản sữa trong tủ lạnh ngay sau khi pha sữa, vì vi khuẩn có thể phát triển chậm hơn khi sữa được bảo quản trong tủ lạnh đồng thời bảo quản được lâu hơn, tối đa 24h
  • Sữa trẻ đã bú còn lại thì không nên cho trẻ dùng nữa
  • Không nên cho trẻ dùng sữa để ở nhiệt độ phòng trong 1 giờ hoặc lâu hơn
  • Sữa được bảo quản trong tủ lạnh hơn 24 giờ thì không nên cho trẻ bú
  • Trước khi cho trẻ bú, cần kiểm tra xem sữa được bảo quản trong tủ lạnh còn dùng được hay không, dù thời gian bảo quản chưa đến 24 giờ
  • Nếu mẹ và bé phải đi ra ngoài trong một vài tiếng, mẹ có thể mang theo bình ủ sữa hoặc bỏ bình sữa trong túi giữ lạnh và cho bé dùng trong 4 tiếng đồng hồ
  • Sữa để trong tủ lạnh, không cần làm nóng, chỉ cần bỏ ra ngoài khoảng 1 tiếng hoặc làm ấm bằng cách để vào trong bình nước nóng. Không dùng lò vi sóng hâm sữa.
Sữa được bảo quản trong tủ lạnh
Không nên cho trẻ dùng sữa để ở nhiệt độ phòng trong 1 giờ hoặc lâu hơn

Bên cạnh đó, các mẹ cần lưu ý, để giữa được chất dinh dưỡng có trong sữa công thức, cần:

  • Rửa tay sạch sẽ trước khi pha sữa, sử dụng muỗng sạch để múc sữa
  • Đậy nắp kín sau khi sử dụng sữa, không để sữa đã mở trong tủ lạnh khiến tránh sữa bên trong bị ẩm
  • Không tự ý thay đổi công thức pha sữa, bằng cách pha loãng đi hoặc pha đậm hơn
  • Không tự ý cho thêm các thành phần khác vào sữa khi chưa có chỉ định của bác sĩ
  • Sữa nên sử dụng hết trong vòng 1 tháng
  • Cần chú ý cách bảo quản sữa sau khi đã mở nắp, để ở nơi mát, khô ráo, tránh ẩm ướt, không có ánh nắng trực tiếp hoặc nguồn nhiệt như bếp ga
  • Dưới 25 độ C là nhiệt độ thích hợp để bảo quản hộp sữa
  • Khi sử dụng nên đọc kỹ hướng dẫn có ghi trên vỏ hộp
  • Tuân thủ theo đúng tỉ lệ pha của nhà sản xuất để đạt hiệu quả tốt cho người sử dụng

Sữa công thức rất tốt cho trẻ. Tuy nhiên, mẹ cần phải lưu ý cách sử dụng và bảo quản sữa để tránh tác dụng ngược, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Sữa công thức sau pha xong sẽ để được trong khoảng thời gian tối đa là 2 giờ đồng hồ. Nếu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh là 24h.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

680.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan