Thai lưu: Chẩn đoán và điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Thai lưu khá hiếm khi xảy ra, với tỷ lệ 1/200 ca mang thai mắc phải. Chẩn đoán thai lưu thường căn cứ vào kết quả khám thai định kỳ thay vì các triệu chứng, do không có tín hiệu cảnh báo cụ thể nào của bệnh ra bên ngoài. Sau khi xác nhận rằng em bé đã chết, mặc dù rất đau buồn nhưng người mẹ vẫn cần tiến hành điều trị thai lưu, chủ yếu là tìm cách đưa thai nhi ra ngoài.

1. Chẩn đoán thai lưu như thế nào?

Việc khám thai định kỳ sẽ giúp bác sĩ đánh giá sức khỏe của thai nhi, phát hiện các bất thường, trong đó có hiện tượng thai chết lưu.

Nếu mẹ bầu thuộc đối tượng có nguy cơ bị thai lưu hoặc cảm thấy sự thay đổi trong chuyển động của bé mà nghi ngờ thai nhi đã chết, thì để chẩn đoán thai lưu một cách chính xác, bác sĩ sẽ nghe nhịp tim thai bằng ống nghe Doppler cầm tay, sau đó có thể tiến hành thêm siêu âm thai để khẳng định chắc chắn.

Bên cạnh đó, xét nghiệm Non-stress test cũng có thể được thực hiện nhằm ghi lại nhịp tim thai và so sánh nhịp tim thai phản ứng với cử động của thai nhi trong 3 tháng cuối thai kỳ (từ tuần 28 trở đi).

Khi có kết quả xác nhận rằng thai nhi đã chết, người mẹ vẫn có thể cảm nhận thấy thai nhi cử động, thường xảy ra khi thai phụ thay đổi tư thế. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu thực hiện siêu âm thêm một lần nữa.

Việc phát hiện thai chết lưu sẽ là một cú sốc lớn dành cho cha mẹ. Hãy nhờ bác sĩ giải thích rõ kết quả này và hướng dẫn phương án xử trí thai lưu.

2. Các phương pháp điều trị thai lưu


Sau khi có kết quả xác nhận thai nhi đã chết trước khi sinh, thai phụ thường được cung cấp thuốc để khởi phát chuyển dạ, nhằm tống thai lưu ra ngoài. Phương pháp này an toàn cho mẹ hơn so với phẫu thuật.

Nếu không bắt buộc phải đưa em bé ra ngay lập tức (do biến chứng y khoa), thai phụ có thể chờ chuyển dạ tự nhiên. Tuy nhiên việc sinh bé nên được tiến hành trong tương lai gần.

Quyết định lựa chọn khởi phát chuyển dạ hay chuyển dạ tự nhiên không cần phải đưa ra ngay lập tức, mà người mẹ có thể về nhà từ 1-2 ngày trước khi trở lại bệnh viện để điều trị.

Trong một số trường hợp, thai phụ sẽ được khuyến nghị sử dụng thuốc để chuẩn bị cho quá trình tống thai lưu.

Các phương án giải quyết thai chết lưu cụ thể như sau:

2.1 Chuyển dạ tự nhiên

Nếu quyết định chọn chờ chuyển dạ tự nhiên, thai phụ sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm máu thường quy sau mỗi 48 giờ.

Thai lưu: Chẩn đoán và điều trị

Tuy nhiên người mẹ cần lưu ý rằng, việc chờ chuyển dạ tự nhiên sẽ làm tăng khả năng thai nhi bị thoái hóa trong tử cung, gây ảnh hưởng đến hình dạng của bé khi được sinh ra, khiến việc tìm nguyên nhân thai chết lưu gặp khó khăn. Thai phụ cần cân nhắc vấn đề này trước khi lựa chọn chuyển dạ tự nhiên.

2.2 Khởi phát chuyển dạ

Nếu người mẹ có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, việc khởi phát chuyển dạ sử dụng thuốc hầu như là bắt buộc, thậm chí được thực hiện ngay lập tức nếu thai phụ gặp các tình trạng sau:

Khởi phát chuyển dạ ngoài đường uống còn có thể tiến hành bằng cách đặt viên thuốc hoặc gel vào âm đạo. Trong một số trường hợp, thuốc được truyền qua đường tĩnh mạch ở cánh tay.

3. Những vấn đề người mẹ cần đối mặt sau khi kết thúc điều trị thai chết lưu

3.1 Việc cần làm với thai nhi đã chết

Những gì cha mẹ cần làm sau khi thai nhi chết lưu được sinh ra là quyết định mang tính cá nhân, và không có một câu trả lời cụ thể là đúng hay sai cho những hành động đó.

Sau khi em bé sinh ra, cha mẹ có thể sẽ muốn nhìn và bế con. Điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào cảm xúc và quyết định của bạn. Nếu cần, hãy đề nghị mọi người dành cho mình một khoảng không gian yên tĩnh bên con.

Bạn cũng có thể chụp một bức ảnh bé và giữ lại các vật kỷ niệm của bé như một lọn tóc, dấu chân/dấu tay hoặc chiếc khăn đã bọc bé khi sinh. Bên cạnh đó, một số cha mẹ cũng sẽ muốn đặt tên cho con mình. Đây là thực tế phổ biến đã có từ những năm 1980, người ta tin rằng làm như vậy sẽ giúp giảm bớt sự mất mát cho cha mẹ.

3.2 Vấn đề sữa mẹ

Kể cả khi thai nhi đã chết, cơ thể người phụ nữ vẫn sẽ sản xuất sữa và điều này có thể gây ra sự khó chịu, làm tăng thêm cảm giác đau buồn cho người mẹ.

Thai phụ sẽ được cung cấp một số loại thuốc giúp ngăn chặn vú tiết sữa. Những thuốc này tương đối ít tác dụng phụ và có thể giúp ích cho người mẹ về mặt cảm xúc, tuy nhiên không được dùng cho mẹ bị tiền sản giật.

Bên cạnh đó cũng có một số bà mẹ muốn để sữa tự cạn dần mà không dùng thuốc. Việc lựa chọn thế nào là tùy thuộc vào người mẹ dựa trên những tư vấn của bác sĩ.

3.2 Tìm nguyên nhân gây thai lưu

Thai phụ sẽ được cung cấp các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân của tình trạng thai chết lưu. Mặc dù việc tìm nguyên nhân là không bắt buộc, nhưng dựa trên những kết quả này người phụ nữ sẽ có biện pháp hạn chế rủi ro gây thai lưu trong lần mang thai sau.

Các xét nghiệm tìm nguyên nhân gây thai lưu có thể được chỉ định bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Cho biết người mẹ có bị các bệnh như tiền sản giật, ứ mật sản khoa hoặc tiểu đường thai kỳ hay không;
  • Kiểm tra chuyên sâu vê dây rốn, màng và nhau thai - những mô liên kết cơ thể người mẹ với thai nhi;
  • Xét nghiệm nhiễm trùng: Có thể xét nghiệm nước tiểu, máu hoặc tế bào trong âm đạo/cổ tử cung;
  • Kiểm tra chức năng tuyến giáp: Xem người mẹ có mắc các bệnh lý tuyến giáp không;
  • Xét nghiệm di truyền: Thường được thực hiện trên một mẫu nhỏ của dây rốn, xác định xem thai nhi có mắc các bệnh di truyền (ví dụ hội chứng Down) hay không.

Thai lưu: Chẩn đoán và điều trị
Xét nghiệm di truyền tìm ra nguyên nhân thai chết lưu

Các xét nghiệm chuyên sâu hơn cũng có thể được thực hiện trên em bé sau khi sinh ra, nhằm cố gắng tìm ra nguyên nhân tử vong và cả những yếu tố góp phần gây tử vong. Quá trình này được gọi là khám nghiệm tử thi.

3.3 Quyết định khám nghiệm tử thi thai nhi

Khám nghiệm tử thi của thai nhi là việc kiểm tra cơ thể em bé, nhằm cung cấp thêm các thông tin giải thích vì sao thai nhi chết trước khi sinh. Điều này đặc biệt quan trọng nếu người phụ nữ có định hướng mang thai trong tương lai.

Việc khám nghiệm tử thi muốn tiến hành cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của người mẹ.

Quy trình khám nghiệm tử thi bao gồm: kiểm tra chi tiết các cơ quan, xem xét mẫu máu và mô, thực hiện xét nghiệm di truyền để xem em bé có mắc bệnh di truyền không.

Cha mẹ nên đề nghị các chuyên gia y tế giải thích cặn kẽ vấn đề khám nghiệm tử thi thai nhi trước khi quyết định có cho phép điều này hay không.

3.4 Theo dõi sức khỏe

Người phụ nữ thường sẽ có lịch hẹn với bác sĩ sau một vài tuần quá trình điều trị thai lưu kết thúc. Cuộc hẹn nhằm kiểm tra lại sức khỏe và thông báo kết quả xét nghiệm trên người mẹ cũng như kết quả khám nghiệm tử thi (nếu được thực hiện). Đây cũng là cơ hội để người phụ nữ thảo luận với bác sĩ về khả năng mang thai trong tương lai.

3.5 Đối mặt với nỗi đau sau sự cố thai lưu

Tình trạng thai chết lưu có thể gây ra một cú sốc tinh thần lớn cho cha mẹ cũng như các thành viên khác trong gia đình. Nhiều người trải qua cảm giác tội lỗi hoặc lo sợ sau khi mất con. Một số cha mẹ thậm chí bị trầm cảm hoặc mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) - tình trạng tâm thần không ổn định do một chấn động lớn xảy ra trong quá khứ.

Hãy nhớ rằng các tai biến trong sinh nở hiếm khi là do những việc bạn đã làm hoặc không làm. Cảm xúc đau buồn, tức giận hay tội lỗi là bình thường. Hãy tìm tới sự tư vấn của các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, hoặc tham gia một hội nhóm nào đó cho phép bạn chia sẻ cảm xúc của mình khi mất con với các bậc cha mẹ khác. Nói ra những cảm xúc đó sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Phụ nữ mang thai có các dấu hiệu thai lưu hoặc thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc phải biến chứng thai kỳ này, có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Sản khoa được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao, mang lại sức khỏe toàn diện cho cả mẹ và bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com; nhs.uk

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan