Trẻ 7 tháng tuổi biết làm những gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Có nhiều trường hợp một số bé 7 tháng rưỡi chưa biết ngồi trong khi những trẻ khác đã tự ngồi vững ở giai đoạn này. Do đó, câu hỏi trẻ 7 tháng tuổi biết làm những gì cũng được rất nhiều phụ huynh quan tâm và muốn tìm hiểu.

1. Trẻ 7 tháng tuổi biết làm những gì?

1.1. Vận động thô

Sự phát triển vận động ở trẻ em tháng 7 tuổi bao gồm các kỹ năng sau:

  • Bắt đầu tự ngồi được, dần dần vững vàng hơn.
  • Tập bò và biết bò thành thạo sau đó.
  • Có thể vịn vào thành chắc chắn để đứng dậy.

1.2. Vận động tinh

Trong giai đoạn từ 7-9 tháng, trẻ còn thực hiện được một số động tác linh hoạt hơn, bao gồm:

  • Cầm hai vật và đập chúng vào nhau.
  • Cầm một vật và chuyển từ tay này sang tay kia.
  • Có thể dùng ngón tay cái và một ngón tay khác bất kỳ để nhặt đồ vật lên.

1.3. Ngôn ngữ

Về mặt tiếng nói, trẻ sẽ có một có biểu hiện, chẳng hạn như:

  • Quay đầu về phía có tiếng gọi hoặc trò chuyện.
  • Bập bẹ phát ra những âm đơn giản, ví dụ: bà, cha, ba, măm...

1.4. Cá nhân - xã hội

Một số hành động trẻ 7-9 tháng tuổi có khả năng làm được sau đây được xếp vào nhóm cá nhân - xã hội:

  • Bé tự ăn bánh.
  • Thích chơi trò ú oà cùng người thân.
  • Vươn người tới lấy những đồ chơi nằm ngoài tầm tay.
  • Biết vẫy tay hoặc hoan hô khi có yêu cầu.

1.5. Nhận thức

Đối với sự phát triển thần kinh - nhận thức, trẻ em từ 7 đến 9 tháng tuổi sẽ:

Trẻ 7 tháng tuổi biết làm những gì?
Nhận thức của trẻ nhạy hơn

  • Có phản ứng lại khi được gọi tên.
  • Bé thường giấu mặt đi khi từ chối (né tránh ăn).
  • Lấy tay che mặt khi được người thân rửa mặt.

2. Nguy cơ khi bé 7 tháng chậm vận động

Nhiều phụ huynh nhận thấy trẻ 7 tháng chưa biết bò hoặc bé 7 tháng rưỡi chưa biết ngồi sẽ bắt đầu lo lắng con mình bị chậm vận động. Theo các bác sĩ, ngồi vững hoặc bò trườn là vận động cơ bản của trẻ từ 7 đến 9 tháng tuổi. Do đó, trẻ 7 tháng hơn song chưa thể tự thực hiện được một số hành động phổ biến thì vẫn chưa gọi là bất thường. Bố mẹ nên tiếp tục cho bé tập ngồi và tập trườn thường xuyên nhằm giúp lưng bé cứng cáp hơn.

2.1. Còi xương

Đối với trường hợp còi xương - thiếu canxi, ngoài ngồi chưa vững và chưa biết trườn bò, bé còn có thêm một số biểu hiện sau:

  • Chưa mọc răng;
  • Ra nhiều mồ hôi trộm;
  • Rụng tóc vành khăn...

Người thân cần lưu ý những bé có cân nặng và chiều cao trung bình, nằm trong giới hạn bình thường cũng có nguy cơ bị thiếu canxi, đe dọa còi xương. Bé cần được đưa đến bác sĩ nhi khoa để thăm khám và chỉ định bổ sung thêm canxi, vitamin D hoặc kẽm nếu cần thiết.

2.2. Chậm phát triển tâm thần

Có nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh khác nhau khiến trẻ bị chậm phát triển tâm thần. Nếu trẻ phải sống trong môi trường thiếu tình thương cũng như sự quan tâm, gần gũi của bố mẹ, nhất là trong khoảng thời gian 3 năm đầu đời, thì có nhiều nguy cơ dẫn đến tình trạng này. Các biểu hiện bao gồm:

  • Không có nhu cầu bú sữa mẹ.
  • Trẻ ngủ nhiều, ít cựa quậy, ít hoặc không khóc.
  • Ít phản ứng khi có tiếng động hoặc phản ứng ở tốc độ chậm.
  • Trẻ chậm cười, chậm có sự chú ý tới những kích thích chung quanh.
  • Chậm phát triển về vận động như: chậm lẫy, bò, ngồi, đi, đứng, nói, nhai.
  • Hay nằm nhìn hai bàn tay chính mình cử động.
  • Không nhặt lại những đồ vật bị đánh rơi.
  • Quá hiền lành, ngờ nghệch; hoặc ngược lại quá tăng động, giảm chú ý.

Trên thực tế, trẻ chậm phát triển tâm thần có thể phát triển bình thường cho tới một độ tuổi nào đó, thường là trước 3 tuổi, lại có dấu hiệu chậm phát triển về sự vận động hay hoạt động tâm thần khác, và ngược lại. Chính vì thế, nếu nghi ngờ trẻ bị chậm phát triển tâm thần, phụ huynh cần phải đưa trẻ đi khám và theo dõi cẩn thận để có kết luận chính xác, từ đó can thiệp điều trị kịp thời và phù hợp.

2.3. Bại não

Khi trẻ 6 tháng tuổi trở lên mà có những dấu hiệu sau đây thì có thể nghi ngờ bé bị bại não:

  • Không nhận ra mẹ;
  • Ăn uống khó khăn;
  • Không đáp ứng khi được gọi hoặc hỏi;
  • Khóc nhiều suốt ngày đêm.

Ngoài ra, cần đưa trẻ đến bác sĩ Nhi khoa ở phòng Phục hồi chức năng hoặc Thần kinh nhi để khám ngay nếu thấy trẻ có biểu hiện:

  • Không lẫy, không thể kiểm soát đầu cổ, nằm sấp nhưng không ngẩng đầu.
  • Có cơn co cứng hoặc chân duỗi cứng khi đứng.
  • Hai tay nắm chặt, không biết với cầm.

3. Chế độ ăn uống cho trẻ 7 tháng tuổi

Trẻ 7 tháng tuổi biết làm những gì?
Chế độ ăn uống cho trẻ 7 tháng tuổi

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu muốn bé phát triển toàn diện thì khẩu phần ăn của trẻ 7 tháng tuổi có thể tham khảo như sau:

  • Sữa: Khoảng 500 ml/ngày, nếu mẹ có đủ sữa thì nên tiếp tục cho bé bú mẹ, chỉ dùng thêm sữa công thức khi mẹ đi làm hoặc không còn đủ sữa.
  • Bột: Ngày ăn 3 bữa bột ăn dặm, mỗi bữa gồm 20g bột gạo + 20g thịt (hoặc cá, trứng, tôm, cua... ) thay đổi trong ngày, lưu ý là phải thêm rau xanh và dầu mỡ cho bé.
  • Sữa chua: Cho bé ăn thêm khoảng 50g một ngày để hỗ trợ thêm tiêu hóa và nên dùng sau bữa chính ít nhất 30 phút.
  • Phomai: Có thể cho phomai vào cháo hoặc bột buổi sáng để bổ sung thêm canxi. Tập cho bé ăn thử một ít rồi tăng dần và bớt đi thịt hoặc dầu mỡ nhằm tránh bữa ăn quá ngậy béo.
  • Cháo: Ở độ tuổi này chỉ cho bé dùng cháo là ăn dặm, ngưng khi bé không thích ăn nữa, không cần phải ăn no và ép bé.

Những thực phẩm có thể gây dị ứng (hải sản, thịt bò) và thức ăn lợn cợn, không xay nhuyễn nên cho bé tập ăn từ từ, từng ít một sau 9 tháng tuổi để bé không bị ói.

Mặc dù ngồi hoặc bò trườn và một số vận động khác thường xuất hiện ở trẻ 7-9 tháng tuổi, nhưng phụ huynh cũng không cần quá lo lắng khi thấy trẻ 7 tháng chưa biết bò. Thay vào đó, nên dành thời gian kiên nhẫn và thường xuyên tập luyện cho những bé 7 tháng rưỡi chưa biết ngồi để bé trở nên cứng cáp hơn. Đồng thời chú ý bổ sung dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, tránh bị thiếu chất hoặc còi cọc. Nếu nhận thấy trẻ có những biểu hiện bất thường về phát triển vận động - thần kinh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nhi khoa để được thăm khám và theo dõi.

Trẻ 7 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

179.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan