Trẻ bị sốt, phải làm sao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nhiễm khuẩn là nguyên nhân gây sốt khiến thân nhiệt tăng hơn so với bình thường. Trẻ em bị sốt là tình trạng rất phổ biến, hầu như bậc phụ huynh nào cũng phải trải qua. Vậy khi trẻ bị sốt cần phải làm gì?

1. Phân loại sốt theo nhiệt độ của trẻ

Thân nhiệt được kiểm soát và duy trì bởi vùng hạ đồi của não, vì vậy thân nhiệt ít khi thay đổi trong ngày. Nhiệt độ cơ thể bình thường của trẻ em rơi vào khoảng: 36 – 37.4 độ C.

Sốt được định nghĩa là khi nhiệt độ cơ thể tăng trên mức thân nhiệt bình thường. Phân loại sốt theo nhiệt độ:

  • Sốt nhẹ: Thân nhiệt trong khoảng 37.5 – 38 độ C
  • Sốt vừa: Thân nhiệt của trẻ > 38 – 39 độ C
  • Sốt cao: Thân nhiệt của trẻ > 39 – 40 độ C
  • Sốt rất cao: Thân nhiệt của trẻ > 40 độ C

Có thể đo thân nhiệt trẻ tại các vị trí như: Tai, trán, miệng, nách, hậu môn. Chênh lệch nhiệt độ giữa các vị trí: Nhiệt độ ở nách thấp hơn nhiệt độ ở miệng và hậu môn khoảng 0.3 - 0.5 độ C. Vì vậy, khi nhiệt độ cơ thể trẻ đo ở nách > 37.2 độ C thì được xem là sốt.

Đo nhiệt độ ở nách khi trẻ bị sốt
Nách là vị trí thường được áp dụng đo thân nhiệt ở trẻ

2. Nguyên nhân khiến trẻ em bị sốt

  • Sốt không phải là một triệu chứng xuất hiện đơn lẻ mà là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi bị các tác nhân gây bệnh xâm nhập như: Nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Các bệnh lý do virus hoặc vi khuẩn gây ra thường khiến trẻ bị sốt nhẹ đến nặng như như: Cảm, cúm, tiêu chảy, nhiễm khuẩn tai, viêm thanh quản cấp, viêm tiểu phế quản, nhiễm trùng bàng quang hoặc thận...
  • Ngoài ra, một vài loại vắc xin có thể dẫn đến tác dụng phụ gây sốt và thời gian sốt thường thay đổi tùy theo loại vắc xin mà trẻ sử dụng.
Mẹo chữa tiêu chảy cho trẻ sơ sinh
Tiêu chảy có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị sốt

3. Làm gì khi trẻ bị sốt?

Khi trẻ bị sốt, bố mẹ nên thực hiện các biện pháp sau đây:

3.1 Kiểm soát thân nhiệt của trẻ

  • Trước hết cần phải kiểm soát nhiệt độ cơ thể trẻ, cởi bớt quần áo, để trẻ nằm phòng thoáng, tránh gió lùa. Bố mẹ có thể lau mát người cho con hoặc nếu trẻ sốt cao dùng hạ sốt chưa hạ, có thể đặt trẻ trong chậu tắm và dùng khăn đắp nước ấm (kiểm tra nhiệt độ nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau, cảm giác nước ấm giống như nước tắm bé là được) lên khắp cơ thể của trẻ.
  • Nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng, chườm lạnh sẽ giúp trẻ hạ sốt dễ dàng hơn, tuy nhiên điều này là sai lầm. Không được sử dụng nước lạnh để lau người hoặc tắm cho trẻ em bị sốt, vì điều này sẽ dân đến cơ mạch ngoại biên, lỗ chân lông co lại khiến nhiệt không thoát ra ngoài được, trẻ có thể rét run và sốt cao hơn.
  • Việc lau toàn thân cho trẻ cần đặc biệt chú ý các vị trí: Trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, lòng bàn chân... Có thể đặt khăn ấm trên trán, nách và bẹn của trẻ hoặc lau nhiều tại 3 vị trí này. Khi khăn bớt ấm cần nhúng khăn lại vào chậu nước, vắt ráo và lặp lại như trên đến khi thân nhiệt của trẻ giảm.
  • Đo lại thân nhiệt sau mỗi 15 – 30 phút chườm cho trẻ để kiểm tra sự thay đổi nhiệt độ. Dừng việc lau mát cho trẻ khi thân nhiệt của bé giảm xuống < 37.5 độ C sau đó lau khô người và mặc quần áo cho trẻ.

Xem thêm: Khi trẻ sốt có nên chườm khăn ấm không?

3.2 Dùng thuốc hạ sốt

Có thể sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ đo được ở nách của trẻ ≥ 38 độ C. Thuốc hạ sốt sử dụng cho trẻ em tốt là Paracetamol với liều lượng từ 10 – 15mg/kg/lần, mỗi lần dùng thuốc phải cách nhau từ 4 – 6 giờ theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý, không sử dụng thuốc có hoạt chất là Aspirin để điều trị sốt cho trẻ em bị sốt, đặc biệt là sốt do bệnh thủy đậu hoặc do nhiễm trùng virus khác vì spirin có thể gây suy gan ở một số trẻ.

Xem thêm: Một số nguyên tắc khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

Paracetamol
Thuốc Paracetamol có tác dụng hạ sốt cho trẻ

3.3 Bổ sung nước cho trẻ

Sốt cao sẽ làm tăng nguy cơ mất nước ở trẻ vì vậy bố mẹ nên khuyến khích trẻ uống đủ nước. Trẻ có thể không đói và không muốn ăn, tuy nhiên các loại sữa (sữa bò, sữa mẹ, sữa bột) và nước cần phải uống thường xuyên để đảm bảo lượng dịch trong cơ thể trẻ. Trẻ lớn hơn có thể ăn bột, súp hoặc ăn kem lạnh. Trường hợp trẻ bị sốt nhưng không chịu uống hoặc không uống được thì cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

4. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện

Cần đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có các dấu hiệu như:

  • Trẻ < 3 tháng tuổi sốt 38 độ C kể cả khi biểu hiện của trẻ vẫn tốt.
  • Trẻ > 3 tháng tuổi sốt 38 độ C) hơn 3 ngày hoặc trẻ sốt 38 độ C kèm theo vẻ ngoài của trẻ không tốt (trẻ bứt rứt, không chịu bú...)
  • Trẻ 3 – 36 tháng sốt 38.9 độ C
  • Trẻ sốt trên 36 tháng sốt 40oC
  • Trẻ sốt cao co giật.
  • Trẻ sốt tái đi tái lại
  • Trẻ có bệnh nền: bệnh tim mạch, bệnh ung thư, bệnh lupus, bệnh hồng cầu liềm...
  • Trẻ em bị sốt kèm theo phát ban da.

Xem thêm: Nên đưa trẻ bị sốt đi khám trong vòng 24h nếu có các biểu hiện sau

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

192 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan