Trẻ đổ mồ hôi đầu nhiều có đáng lo?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Trẻ ra mồ hôi đầu nhiều là một trong những trường hợp rất phổ biến, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Hầu hết, các trường hợp là bình thường nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó mà bố mẹ cần lưu ý.

1. Nguyên nhân khiến bé đổ mồ hôi đầu

Về mặt y học, mục đích của việc ra mồ hôi chính là để làm mát cơ thể và ở trẻ, việc đổ mồ hôi đầu ban ngày hay ban đêm thường là do tác động của các yếu tố khách quan như thời tiết, mặc quần áo nhiều, trong phòng quá bí... Hiện tượng đổ mồ hôi đầu ở trẻ sẽ có dấu hiệu giảm hoặc mất đi hoàn toàn khi trẻ có thể tự điều chỉnh thân nhiệt bằng cách phối hợp hệ thần kinh phó giao cảm với các cơ quan khác tạo hệ thống cân bằng cho cơ thể.

Đa số trẻ ra mồ hôi đầu nhiều là hiện tượng bình thường không có gì đáng lo cả, nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là:

  • Do hệ thần kinh chưa có sự hoàn thiện

Về mặt cấu tạo, hệ thần kinh của con người là một mạng lưới vô cùng phức tạp với các tế bào và các dây thần kinh, nhiệm vụ của chúng là mang thông điệp từ não và tủy sống đến các bộ phận khác của cơ thể và ngược lại, đồng thời kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Ở trẻ sơ sinh, hệ thần kinh vẫn chưa có sự hoàn thiện và phát triển hoàn toàn nên không thể giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của trẻ giống như người lớn, do vậy mà gây ra hiện tượng bé đổ mồ hôi đầu.

  • Do vị trí của tuyến mồ hôi

Đối với những người trưởng thành, các tuyến mồ hôi không hạn chế ở phần nào của cơ thể nhưng đối với trẻ sơ sinh thì khác, trẻ không có nhiều tuyến mồ hôi ở nách, trong khi đó tuyến mồ hôi hoạt động mạnh nhất lại ở trên đầu nên nếu bé ngủ trong môi trường bí bách, không có sự thông thoáng hay hoạt động nhiều thì sẽ bị đổ mồ hôi đầu.

Vị trí của tuyến mồ hôi
Hình ảnh vị trí của tuyến mồ hôi
  • Do đang được cho bú

Trẻ ra mồ hôi đầu nhiều trong khi bú là hiện tượng rất thường gặp bởi khi cho bé bú, mẹ sẽ giữ đầu bé ở cùng một tư thế trong thời gian nhất định nên cánh tay sẽ liên tục truyền hơi ấm sang cho con, khiến bé bị nóng và đổ mồ hôi đầu nhiều hơn.

  • Nhiệt độ trong phòng quá nóng

Không chỉ trẻ sơ sinh mà ngay cả người lớn cũng dễ bị đổ mồ hôi khi ở trong căn phòng quá nóng bức. Do vậy, với những đứa trẻ sơ sinh chưa thể tự điều hòa thân nhiệt thì việc đổ mồ hôi đầu khi ở trong phòng có nhiệt độ cao cũng là điều dễ hiểu. Chưa kể một số bà mẹ còn sợ con bị lạnh nên luôn mặc cho con những bộ đồ dày dặn, che chắn hết cơ thể từ đầu đến chân rồi đắp thêm chăn nên khiến cho trẻ ra mồ hôi đầu nhiều và nổi mụn.

2. Trẻ bị ra mồ hôi đầu nhiều có đáng lo ngại?

Ngoài một số yếu tố khách quan thì bé đổ mồ hôi đầu nhiều hay đổ mồ hôi bất thường đôi khi cũng là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe, cha mẹ cần đề phòng một số trường hợp như:

  • Trẻ gặp vấn đề về tim

Trong trường hợp trẻ không những bị đổ mồ hôi đầu khi ngủ mà còn ra rất nhiều mồ hôi trong khi tham gia các hoạt động đơn giản thì có thể trẻ đang gặp vấn đề về tim, có thể là bị tim bẩm sinh, sở dĩ đổ nhiều mồ hôi là vì tim phải làm việc vất vả hơn để hoàn thành được nhiệm vụ bơm máu.

  • Trẻ bị tăng tiết tuyến mồ hôi

Nếu trẻ ở trong một căn phòng có nhiệt độ ổn định, mát mẻ mà vẫn bị đổ mồ hôi đầm đìa thì rất có thể trẻ bị tăng tiết tuyến mồ hôi, mặc dù vậy, tình trạng này có thể tự hết khi trẻ lớn lên hoặc cha mẹ có thể dạy con cách kiểm soát mồ hôi để tránh làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ ra mồ hôi đầu nhiều, phổ biến hơn ở trẻ sinh non thiếu tháng, kèm theo hiện tượng thở khò khè, da xanh, hội chứng này sẽ khiến trẻ khó chịu.

Trẻ đổ nhiều mồ hôi
Trẻ bị ra mồ hôi đầu nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày

3. Điều trị chứng đổ mồ hôi đầu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Về các phương án điều trị chứng đổ mồ hôi đầu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bác sĩ chuyên khoa gợi ý cho cha mẹ một số biện pháp sau:

  • Cần bổ sung đầy đủ vitamin D cho trẻ.
  • Giữ cho cơ thể của trẻ luôn mát mẻ, phòng ngủ rộng rãi, thoáng đãng
  • Vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ hàng hàng và bổ sung nước đầy đủ
  • Không để trẻ bị sợ hãi khi ngủ và trước khi ngủ thì không ăn no.
  • Nếu trẻ đổ mồ hôi nhiều vùng đầu và lưng thì nên dùng khăn mềm để lau mồ hôi để giúp trẻ tránh hiện tượng cảm lạnh.
  • Cho trẻ sử dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý với nhiều loại rau củ quả có tính mát, ngọt, chứa nhiều dinh dưỡng.
  • Phải đưa trẻ đi khám ngay khi phát hiện những bất thường về hiện tượng ra mồ hôi đầu của trẻ.

Mặc dù hiện tượng đổ mồ hôi đầu ở trẻ sơ sinh khá phổ biến nhưng nếu trẻ ra mồ hôi đầu nhiều quá thì cũng không nên xem thường mà nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra nhằm loại trừ vấn đề sức khỏe không mong muốn.

Ở Việt Nam hiện nay cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi có đến 7 trẻ thiếu kẽm và 10 bà mẹ có thai có đến 8 người bị thiếu kẽm. Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 80,3%, phụ nữ tuổi sinh đẻ 63,6% và trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%. Biểu hiện bé thiếu kẽm thường thấy đó chính là chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chậm tăng trưởng chiều cao, và có 1 số triệu chứng quan sát được như trẻ chán ăn hoặc giảm ăn, giảm bú, không ăn thịt cá, chậm tiêu, táo bón nhẹ, buồn nôn và nôn kéo dài ở trẻ. Bên cạnh việc bổ sung kẽm hợp lý, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... cho con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

863K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan