Trẻ ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày là đủ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Tùy theo từng độ tuổi mà trẻ có thời gian ngủ mỗi ngày là khác nhau, thời gian ngủ cho trẻ sơ sinh có thể lên tới 16 tiếng/ngày. Thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

1. Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với trẻ

Theo The Guardian, việc cho trẻ đi ngủ có tác động đáng kể tới những hành vi của trẻ. Nghiên cứu được tiến hành trên 10.000 trẻ em tại Anh cho thấy, những em bé với giờ ngủ thất thường có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hành vi, bao gồm: hiếu động thái quá, khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc. Những triệu chứng này gần tương tự với sự mệt mỏi sau một chuyến bay dài.

Giờ ngủ lộn xộn trong một thời gian dài gây ra những ảnh hưởng rõ rệt tới trẻ do gián đoạn nhịp điệu sinh học dẫn tới thiếu ngủ. Điều này sẽ dần dần phá hoại sự phát triển của não bộ cũng như khả năng điều chỉnh hành vi nhất định ở trẻ nhỏ.

Giáo sư Yvonne Kelly, Khoa Dịch tễ học và Y tế cộng đồng ĐH London, cho biết: “Giai đoạn phát triển ban đầu của trẻ có ảnh hưởng tới sức khỏe trong suốt cuộc đời. Giờ ngủ không điều độ sẽ làm suy yếu tình trạng thể chất và tinh thần, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển khỏe mạnh và các hoạt động hàng ngày của trẻ. Vậy nên, giờ ngủ thất thường, đặc biệt ở những thời điểm then chốt cho sự phát triển có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe sau này của trẻ”.

Nghiên cứu cũng nhận thấy những trẻ có giờ ngủ không cố định hay đi ngủ sau 21 giờ tối thường có một nền tảng xã hội kém hơn và nhiều khả năng hình thành các thói quen xấu.

2. Thời gian ngủ đủ đối với trẻ

  • Trẻ từ 1 – 4 tuần: Với trẻ sơ sinh cần phải ngủ khoảng 15 – 18 giờ mỗi ngày, mỗi giấc ngủ thường kéo dài từ 2 – 4 giờ. Tuy nhiên, đối với trẻ sinh non thì thời lượng ngủ có thể lâu hơn còn những trẻ bị đau bụng thì có thể ngủ ít hơn. Ở giai đoạn này, do trẻ chưa hình thành đồng hồ sinh học riêng, nên giấc ngủ thường không theo chu kỳ ngày đêm. Đây chính là giai đoạn mà trẻ cần được ngủ nhiều nhất.
  • Trẻ từ 1 – 4 tháng: Cần ngủ từ 14 – 15 tiếng mỗi ngày. Khi trẻ được từ 6 tuần tuổi trở đi, trẻ thường ngủ ít đi một chút. Tuy nhiên, thời gian ngủ lại dài hơn và kéo dài từ 4 – 6 tiếng, thường có xu hướng ngủ nhiều hơn vào buổi tối.
  • Trẻ từ 4 tháng tới 1 tuổi: Ở giai đoạn này, lý tưởng nhất là trẻ ngủ được 15 tiếng mỗi ngày, nhưng thực tế ở trẻ dưới 11 tháng tuổi thường chỉ ngủ được khoảng 12 tiếng mỗi ngày. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để tập cho trẻ hình thành một thói quen ngủ lành mạnh vì lúc này trẻ đã bắt đầu hòa nhập nhiều với xã hội và chu kỳ ngủ cũng bắt đầu giống với người lớn.
  • Ở trẻ dưới 6 tháng thường ngủ khoảng 3 lần vào ban ngày, và giảm xuống còn 2 lần khi trẻ được 6 tháng tuổi. Buổi sáng, trẻ thường bắt đầu ngủ từ khoảng 9 giờ và kéo tới khoảng 10 giờ. Buổi trưa, bắt đầu từ khoảng giữa trưa tới khoảng 2 giờ chiều và ngủ kéo dài khoảng một hoặc hai tiếng. Buổi chiều, trẻ có thể bắt đầu ngủ từ khoảng 3 – 5 giờ. Khi được 6 tháng tuổi (ở một số trẻ có thể sớm hơn), thể chất của trẻ đã phát triển và có khả năng ngủ được qua đêm.
  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi: Cần ngủ từ 12 – 14 tiếng mỗi ngày. Khi trẻ được 1 tuổi thì giấc ngủ buổi sáng sẽ dần mất đi và thường chỉ có một giấc ngủ ngắn buổi trưa vào ban ngày. Khi trẻ biết đi, lý tưởng cần có 14 tiếng ngủ mỗi ngày, nhưng thực tế thì trẻ chỉ ngủ được khoảng 10 tiếng. Ở phần lớn trẻ từ 21 – 36 tháng, vẫn cần ngủ trưa và thời gian kéo dài khoảng từ 30 phút tới một tiếng. Buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ từ 7 – 9 giờ tối và thức dậy từ khoảng 6 – 8 giờ sáng.
  • Trẻ từ 3 – 6 tuổi: Cần ngủ khoảng 10 – 12 tiếng mỗi ngày. Ở giai đoạn này, buổi tối trẻ thường bắt đầu ngủ từ khoảng 7 – 9 giờ tối và dậy khoảng từ 6 – 8 giờ sáng. Từ 3 tuổi trở đi, hầu hết trẻ vẫn còn ngủ trưa, tuy nhiên khi được 5 tuổi thì hầu như trẻ không còn ngủ trưa nữa. Thời gian ngủ trưa càng ngắn thì sẽ tốt cho trẻ hơn. Từ 3 tuổi trở đi, phần lớn các trẻ đã hình thành được thói quen ngủ của mình.
  • Trẻ từ 6 – 12 tuổi: Ở giai đoạn này, trẻ đã có những hoạt động ở trường, xã hội và gia đình, nên buổi tối trẻ sẽ thường bắt đầu ngủ sớm hơn. Buổi tối, chúng thường bắt đầu ngủ lúc 9 giờ tối và thức dậy từ khoảng 7 – 10 giờ sáng. Ở giai đoạn này, trẻ cần được ngủ đủ từ 9 – 12 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu mỗi ngày trẻ chỉ ngủ được trung bình khoảng 9 tiếng thì cũng vừa đủ.
  • Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Cần ngủ 7 – 11 tiếng mỗi ngày. Ở giai đoạn này, các em có nhiều hoạt động hơn nên giấc ngủ là rất quan trọng để lấy lại sức khỏe. Tuy nhiên, với áp lực học hành, có nhiều em đã không ngủ đủ giấc mỗi ngày. Do đó, phụ huynh cần để ý nhiều hơn tới giấc ngủ của các em.
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều tốt không
Thời gian ngủ đủ của trẻ thay đổi theo độ tuổi

Theo các bác sĩ chuyên khoa, giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhất là trẻ nhỏ. Trẻ ngủ đủ, ngủ ngon, ngủ sâu sẽ phát triển tốt hơn. Khoa học đã chứng minh vào thời điểm 11 giờ hằng đêm, lúc trẻ ngủ sâu, các hormon tăng trưởng sẽ được phóng thích, trẻ phát triển chiều cao tốt hơn. Ngược lại nếu rối loạn giấc ngủ vào ban đêm trẻ không chỉ chậm lớn, mệt mỏi, hay quấy khóc, mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

=>> Lời khuyên hữu ích từ Bác sĩ Nhi sơ sinh của bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec:

3. Làm thế nào để trẻ có giấc ngủ tốt?

Nên tập cho trẻ có thói quen đi ngủ sớm và đúng vào một giờ đã định, nhằm tạo cho trẻ có một phản xạ nghỉ ngơi, giúp trẻ ngủ dễ dàng trong bất kỳ điều kiện nào.

Giảm tối thiểu các kích thích của ngoại cảnh cũng như nội tại lên hệ thần kinh của trẻ trong lúc ngủ. Điều quan trọng nhất là phải tránh những tiếng ồn và ánh sáng vì chúng làm giấc ngủ trẻ không sâu và dễ thức giấc. Ngoài ra, các yếu tố khác như để trẻ đói hoặc ăn quá no, không vệ sinh thân thể, quần áo quá chật, nằm sai tư thế, nơi ngủ bẩn chật chội và không thông thoáng đều gây tác hại xấu đến giấc ngủ của trẻ.

Cần hết sức tránh các chấn thương về tâm lý như làm cho trẻ bị ức chế trước khi đi ngủ (như dọa nạt, quát mắng, kể những chuyện gây sợ hãi, cho xem phim ảnh kinh dị...). Trường hợp trẻ có tiêu, tiểu trong khi ngủ, nên nhẹ nhàng làm vệ sinh và cho trẻ ngủ lại, không được la mắng.

Cho trẻ vui chơi, vận động cơ thể nhẹ nhàng đầy đủ cũng góp phần giúp ngủ sâu hơn. Khi trẻ khó ngủ, cha mẹ có thể dùng lời nói êm dịu để gây ám thị như “con nhắm mắt lại ngủ ngoan đi, mẹ thương” hoặc: “nhắm mắt lại ngủ giỏi đi con”... để giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ.

Mỗi trẻ sẽ có một nhu cầu về thời gian ngủ, độ dài và độ sâu khác nhau. Cha mẹ cần tạo mọi điều kiện cho trẻ ngủ đầy đủ, không nên đánh thức sớm. Thông thường, khi ngủ đủ giấc, trẻ sẽ tự động thức dậy mà không cần phải gọi.

Trong trường hợp trẻ có rối loạn giấc ngủ (như mất ngủ liên tiếp vài đêm, mộng du), cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bệnh, không nên dùng thuốc ngủ khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Cho trẻ vào giường ngủ khi trẻ còn thức, không nên dỗ trẻ ngủ xong mới đưa vào giường.

Chăn, gối sẽ giúp trẻ giảm cảm giác thiếu bố mẹ.

Từ từ cắt bỏ việc bú sữa vào ban đêm, thường 6 tháng tuổi bé đã có thể nạp đủ năng lượng vào ban ngày.

Tránh cho trẻ ăn uống những thực phẩm có cafeine vào chiều tối như chocolate (Theo nhi khoa những điều cần biết, Pediatric Secrets).

Giấc ngủ chiếm trọn 1/3 cuộc đời mỗi con người do vậy, đã nói lên được tầm quan trọng của giấc ngủ. Và đối với trẻ em nhất là trẻ đang trong độ tuổi phát triển, giấc ngủ càng nên được các bậc phụ huynh quan tâm và chăm chút. Ngủ đủ giấc, ngủ đúng sẽ giúp trẻ có được một giấc ngủ sâu và chất lượng làm cho thể chất và trí tuệ của trẻ phát triển một cách tốt

Trẻ sơ sinh ngủ ít
Nên tập cho trẻ có thói quen đi ngủ sớm và đúng vào một giờ đã định

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

597.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan