Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Hầu hết các bậc cha mẹ mới đều khá mệt mỏi khi phải luyện ngủ cho con. Thậm chí bạn sẽ còn kiệt sức hơn nữa khi tìm thấy vô số lời khuyên về các phương pháp luyện ngủ có sẵn trên mạng, từ việc ngủ cùng với con một lát cho đến để con khóc rồi tự thiếp đi.
1. Các phương pháp luyện ngủ cho bé
Theo bác sĩ của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, không có cách luyện bé tự ngủ nào là đúng hay sai. Những nhà nghiên cứu đã xem xét các phương pháp luyện ngủ phổ biến nhất và thấy rằng hiệu quả hoạt động đều như nhau, miễn là các bậc phụ huynh kiên trì thực hiện. Tuy nhiên bạn có nhiều khả năng thành công hơn nếu chọn được một kỹ thuật cụ thể phù hợp với tính khí của trẻ và phong cách nuôi dạy con cái trong gia đình mình. Cụ thể:
- Phương pháp tiếng khóc
Đặt con vào phòng ngủ khi con vẫn còn thức và dỗ dành cho bé ngừng khóc trong thời gian ngắn (nhưng không bế), sau đó ra ngoài. Đây là kỹ thuật được phát triển bởi bác sĩ nhi khoa Richard Ferber, Giám đốc Trung tâm Rối loạn giấc ngủ trẻ em tại Bệnh viện Nhi Boston. Theo ông, để luyện tập giấc ngủ sâu suốt đêm, trẻ sơ sinh phải học cách tự xoa dịu bản thân. Vì vậy bố mẹ có thể để em bé khóc một mình trong khoảng thời gian quy định đến khi tự thiếp đi.
- Phương pháp không có nước mắt
Bác sĩ nhi khoa William Sears, tác giả của Cuốn sách Giấc ngủ Trẻ em, là người đề xuất phương pháp âu yếm con cho đến khi bé ngủ, vỗ về con ngay lập tức nếu bé khóc.
- Phương pháp giảm dần
Cha mẹ giảm dần tác động bằng cách ngồi gần con cho đến khi con ngủ và dần dần di chuyển ghế ngồi ra xa chiếc nôi hơn mỗi đêm. Một cách tiếp cận khác là quay lại vào phòng kiểm tra sau mỗi 5 phút, nhưng không bế con, cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ. Mục đích của phương pháp này là cho bé thời gian để tự xoa dịu bản thân.
- Các phương pháp luyện ngủ khác
Bác sĩ nhi khoa Harvey Karp, tác giả cuốn sách nổi tiếng về trẻ em, gợi ý một thói quen đi ngủ như sau: quấn tã, nằm nghiêng hoặc nằm sấp, tạo âm thanh “suỵt”, đung đưa và nút ti giả.
Video đề xuất:
Hướng dẫn quấn ổ cho trẻ sơ sinh
Để bắt đầu luyện ngủ cho con đúng cách, các chuyên gia về giấc ngủ khuyên cha mẹ nên đặt ra những câu hỏi sau:
2. Con bạn có tính cách ra sao?
Bố mẹ hãy quan sát cách bé phản ứng với những tình huống mới hoặc gây khó chịu. Bé có lăn lộn, vùng vẫy tay chân hay nũng nịu, cần được dỗ dành? Bé là người linh hoạt và dễ tính hay cứng đầu, chỉ muốn làm theo riêng của mình?
Nếu có thể tìm được cách luyện bé tự ngủ phù hợp với tính khí của con mình, bạn sẽ dễ thành công hơn và nhanh đạt được kết quả hơn. Cũng giống như việc trách phạt và kỷ luật con trẻ, những đứa bé dễ tính, dễ thích nghi sẽ dễ dàng dạy bảo và nghe lời hơn. Mặt khác, một đứa trẻ có cá tính mạnh mẽ và lì lợm buộc bố mẹ phải cứng rắn hơn.
Đối với một số trẻ nhạy cảm, thích được thương yêu và âu yếm nhiều, bố mẹ có thể cân nhắc phương pháp ngủ cùng con. Những đứa trẻ dễ tính hoặc dễ thích nghi thường thích các phương pháp dỗ dành nhẹ nhàng, ngồi cạnh nôi vuốt ve hoặc tắt đèn, rời khỏi phòng và trở lại thăm bé sau vài phút.
Trong khi một đứa trẻ nhạy cảm cần có cách tiếp cận chậm, thì những bé có cá tính mạnh mẽ hơn sẽ phù hợp với phương pháp khóc một mình rồi tự thiếp đi. Với những đứa trẻ này, sự an ủi và vỗ về của cha mẹ có thể càng khiến bé không chịu ngủ hơn, quá trình ru ngủ diễn ra lâu hơn. Do đó những đứa trẻ có tính khí cứng rắn thường phản ứng tốt với các phương pháp luyện ngủ bằng tiếng khóc.
3. Bạn thích phương pháp luyện ngủ nào?
Chìa khóa thành công khi luyện ngủ cho con cũng phụ thuộc vào độ kiên trì thực hiện của bố mẹ. Vì vậy ngoài quan sát tính cách của bé, bạn cũng phải cân nhắc nhu cầu của chính mình. Nếu không cầm lòng được trước tiếng khóc nức nở của con, hãy tìm đến một phương pháp chậm rãi và nhẹ nhàng hơn. Nhiệm vụ của bố mẹ là phải đánh giá điểm mạnh và hạn chế của trẻ, cũng như phương pháp luyện tập giấc ngủ sâu cho con đang áp dụng. Thường các phương pháp luyện ngủ không thành công là vì cha mẹ quá mệt mỏi và không kiên trì thực hiện. Họ không quay lại vào phòng để vỗ về con đúng thời gian đặt ra, hoặc không thể tiếp tục chịu đựng tiếng khóc của trẻ nữa.
4. Việc luyện ngủ cho con có ảnh hưởng đến những người khác trong gia đình không?
Những đứa trẻ khác và người lớn tuổi trong gia đình có bị đánh thức hoặc khó ngủ bởi tiếng khóc của bé không? Nếu có, bạn có thể phải chuyển sang một chiến lược luyện bé tự ngủ mà không phải khóc nhiều, hoặc mở nhạc dễ ngủ trong phòng của mọi người.
Có ai hỗ trợ bạn chăm sóc bé ban đêm và ủng hộ các phương pháp luyện ngủ cho trẻ đang thực hiện không? Nếu không, hãy chọn một phương pháp luyện ngủ cho con ít gây căng thẳng cho chính bạn và những thành viên khác trong gia đình.
5. Khi nào phương pháp luyện ngủ cho con có hiệu quả?
Bất kỳ chương trình huấn luyện nào cũng cần sự kiên trì, và thời gian phát huy hiệu quả cũng khác nhau tùy trường hợp. Khi bắt đầu các phương pháp luyện ngủ cho trẻ, bạn sẽ phải trải qua một khoảng thời gian với ít nhiều tiếng khóc của con hàng đêm. Hãy kiên trì thực hiện từ 7 - 10 ngày trước khi quyết định thay đổi hoặc từ bỏ phương pháp đã chọn. Mọi thứ thường trở nên tồi tệ hơn trước khi bắt đầu cho thấy hiệu quả, giai đoạn đầu luôn rất khó khăn. Nhưng dù thế nào, bố mẹ cũng cần có niềm tin rằng con mình đang trên đường trở thành một người ngủ ngoan.
6. Lời khuyên để luyện tập giấc ngủ sâu cho trẻ
Sau đây là một số lời khuyên để giúp trẻ thoải mái hơn khi bắt đầu các phương pháp luyện ngủ:
- Tìm hiểu những kiến thức cơ bản về luyện ngủ cho con
- Thử áp dụng các mẹo hữu ích mà những phụ huynh khác chia sẻ
- Học cách dạy con tự nín khóc và thiếp đi
- Dung hòa ý kiến của cả hai vợ chồng về cách ru con ngủ.
Không phải gia đình nào cũng phải luyện ngủ cho con. Các bậc cha mẹ thường quyết định thử một phương pháp cụ thể vì đã kiệt sức với thói quen ngủ của con mình, và không có cách nào ru con hiệu quả. Một đứa trẻ thức dậy 2 lần mỗi đêm có thể khiến bố mẹ bị stress, trong khi các gia đình khác chấp nhận điều này. Nếu bạn hài lòng với mọi thứ đang diễn ra, hãy cứ tiếp tục những thói quen riêng của gia đình mình.
Ngoài tìm ra phương pháp luyện ngủ cho con, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn tham khảo: babycenter.com