Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt có nguy hiểm?

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng có hệ tiêu hóa khá yếu nên rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, trong đó phổ biến là tình trạng bị tiêu chảy sủi bọt. Tình trạng này thường liên quan đến các vấn đề nhiễm trùng đường ruột hoặc dị ứng sữa gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Do đó cha mẹ cần nhận biết sớm nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ em bị tiêu chảy để có thể xử trí kịp thời.

1. Trẻ đi ngoài sủi bọt là như thế nào?

Việc đi ngoài nhiều lần một ngày với màu phân hoa cà hoa cải ở trẻ sơ sinh là hoàn toàn bình thường. Với trẻ bú sữa mẹ thì thường sẽ đi nặng sau mỗi lần bú, trung bình từ 5-7 lần/ngày. Trẻ sơ sinh uống sữa công thức sẽ có số lần đi tiêu ít hơn, trong khoảng 1-3 lần/ngày. Phân của trẻ sơ sinh kết cấu hơi mềm, màu vàng. Tuy nhiên khi trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều gấp 2-3 lần bình thường chính là dấu hiệu cho thấy trẻ bị tiêu chảy. Đặc biệt khi tình trạng phân của trẻ lỏng nước, sủi bọt li ti, nổi bong bóng và có chất nhầy thì khả năng cao là trẻ sơ sinh đang bị tiêu chảy sủi bọt.

Hầu hết hiện tượng này xảy ra khi phổ biến ở trẻ trong lứa tuổi từ 0-36 tháng tuổi, do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện và khả năng đề kháng kém. Khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt thường đi kèm với bú ít, thậm chí bỏ bú, trẻ thường xuyên quấy khóc, mệt mỏi. Cần nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân để điều trị cho trẻ, tránh để cơ thể trẻ bị mất nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần và trí não.

2. Nguyên nhân gây tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh, cụ thể như sau:

2.1 Do rối loạn tiêu hóa

  • Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt có thể là do nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể gây rối loạn tiêu hóa.
  • Trẻ có thể có các triệu chứng như phân nhầy, quấy khóc, đau bụng, sốt, nôn ói và sụt cân
  • Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên rất nhạy cảm và có sức đề kháng kém. Điều này khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là rối loạn tiêu hóa do mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn khiến nhu động ruột tăng mạnh
  • Tình trạng mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột có thể đến từ việc trẻ ngậm phải núm vú giả, bình sữa không được đảm bảo vệ sinh hoặc thói quen mút tay, chạm tay vào miệng bé của người lớn. Trẻ bú sữa mẹ nhưng mẹ chưa vệ sinh sạch sẽ cũng có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột.

2.2 Do rối loạn hấp thu lactose trong sữa công thức

Trẻ sơ sinh dùng sữa công thức dễ gặp phải tình trạng táo bón hơn là tiêu chảy sủi bọt. Tuy nhiên các loại sữa chứa lactose có thể làm kích thích đường ruột của trẻ.

Vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên lượng enzyme lactase không đủ để phân giải lượng đường lactose khiến việc không hấp thu được hết lactose trong sữa làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột gây tiêu chảy sủi bọt. Lúc này cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn loại sữa thích hợp với trẻ

2.3 Do bú nhiều sữa đầu của mẹ

Sữa đầu của mẹ là lượng sữa tiết ra khi trẻ vừa bắt đầu bú thường chứa ít dưỡng chất, calo và chất béo nhưng lại chứa nhiều nước và lactose (đường sữa). Trẻ sơ sinh bú quá nhiều sữa đầu và không bú đủ sữa sau sẽ không đủ no và muốn bú thường xuyên hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó trẻ bú quá nhiều sữa đầu sẽ dư thừa lượng lactose trong cơ thể gây tiêu chảy sủi bọt

Để hạn chế tình trạng này mẹ nên vắt bỏ bớt sữa đầu để trẻ bú sữa cuối nhiều hơn

2.4 Do dị ứng với sữa

  • Với trẻ bú sữa công thức: có tới 3% trẻ sơ sinh bị dị ứng với protein trong các sản phẩm sữa công thức gây ra tình trạng tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, khi bị dị ứng với protein sữa, trẻ còn có một số triệu chứng như nôn mửa, phát ban, đau bụng, thậm chí là sốc phản vệ
  • Với trẻ bú sữa mẹ: chế độ ăn của mẹ có thể ảnh hưởng đến sữa cho trẻ bú. Trẻ bị dị ứng protein trong sữa mà mẹ lại ăn các sản phẩm sữa bò, phô mai,... sẽ khiến trẻ bị tiêu chảy sủi bọt. Ngoài ra, nếu mẹ ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo, không đảm bảo vệ sinh cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, gián tiếp khiến sữa có những thành phần mà hệ tiêu hóa của trẻ không hấp thu được nên phản ứng bằng tình trạng tiêu chảy sủi bọt

2.5 Do thuốc kháng sinh

Một trong những tác dụng phụ khi trẻ sơ sinh dùng thuốc kháng sinh là gây ra tiêu chảy sủi bọt. Lý do là thuốc kháng sinh có thể làm ức chế sự phát triển của lợi khuẩn đường ruột, gây mất cân bằng hệ vi sinh ở ruột trẻ làm rối loạn hệ tiêu hóa.

Trường hợp này cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ngưng thuốc kháng sinh để vừa đảm bảo điều trị vừa giúp trẻ hết tình trạng tiêu chảy sủi bọt.

3. Điều trị đi ngoài sủi bọt ở trẻ sơ sinh

Để điều trị tình trạng tiêu chảy sủi bọt ở trẻ sơ sinh đầu tiên cần xác định rõ nguyên nhân rồi mới có hướng xử trí cụ thể và khoa học:

  • Bổ sung nhiều nước, chất lỏng cho trẻ, vì trẻ sơ sinh bị tiêu chảy rất dễ bị mất nước, cần cho trẻ bú nhiều hơn trong ngày để bù nước. Sau mỗi lần trẻ đi ngoài nên cho trẻ uống 50-100ml nước Oresol đã tham khảo ý kiến của bác sĩ
  • Với trẻ đang bú mẹ hoàn toàn cần điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng của mẹ cho lành mạnh và khoa học hơn. Mẹ nên ăn nhiều rau củ quả, uống nước dừa, sữa dừa,... và tránh ăn đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, không có lợi cho sức khỏe
  • Với trẻ sơ sinh uống sữa công thức nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài nên thay đổi loại sữa để thử xem nguyên nhân tiêu chảy từ đâu. Nên lựa những loại sữa công thức không chứa lactose để giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn
  • Vệ sinh sạch sẽ vật dụng và môi trường sống của trẻ, bao gồm cả núm vú giả, bình sữa, đồ chơi, gối, chăn, khăn,...
  • Người chăm sóc trẻ cần đảm bảo vệ sinh để không lây nhiễm bệnh cho trẻ. Khi bị các bệnh lây nhiễm, không nên tiếp xúc với trẻ
  • Khi trẻ có các biểu hiện khác thường bên cạnh tiêu chảy sủi bọt như sốt cao, đi cầu phân máu, lừ đừ, mệt mỏi, môi khô, da nhợt nhạt cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.

Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được nhiều bậc phụ huynh tin tưởng lựa chọn để thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải. Bệnh viện hội tụ các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Vì thế, cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm về quy trình thăm khám và điều trị tại Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

865 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan