Trẻ tăng cân chậm phải làm sao?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Cân nặng được xem là thước đo để đánh giá sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau có thể khiến trẻ tăng cân chậm làm cho các bậc phụ huynh phải lo lắng. Nhiều bậc phụ huynh không biết trẻ tăng cân chậm phải làm sao?

1. Tốc độ tăng cân của trẻ em

Trẻ càng lớn thì tốc độ tăng cân sẽ chậm lại, cụ thể như sau:

  • Trong tháng đầu sau sinh trẻ có thể tăng từ 1 - 1.3 kg.
  • Từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 6 bé tăng khoảng 0.6 kg/tháng.
  • Từ tháng thứ 6 đến tháng 12 trẻ tăng khoảng 0.3 - 0.4 kg/tháng.
  • Sau 1 tuổi trẻ sẽ tăng 2kg/năm.

Nếu trẻ đứng cân hoặc chậm tăng cân bạn cần xem lại xem trẻ bú có đủ hay không. Bằng cách kiểm tra xem trẻ có biểu hiện nào sau đây hay không: Sau bú trẻ ngủ có ngon giấc không, màu sắc và lượng nước tiểu của trẻ như thế nào...

Trẻ bú mẹ thường đại tiện phân sệt vàng, có mùi hơi chua, số lần đi đại tiện có thể 3 - 4 lần trong ngày. Nếu tính chất phân của trẻ thay đổi như phân xanh, nhầy hoặc có máu trong phân, hay đi ngoài phân lỏng toàn nước nhiều lần hơn ngày thường thì bạn cần cho bé khám bác sĩ để điều trị kịp thời cho bé.

2. Trẻ tăng cân chậm phải làm sao?

2.1 Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng và đa dạng các món ăn

Một nguyên tắc cơ bản bạn cần chú ý trong chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ em, điều này quyết định sự phát triển khỏe mạnh và tăng cân đều đặn của trẻ, đó chính là cho bé ăn đủ chất dinh dưỡng và đa dạng các món ăn.

Đơn giản như trong bữa ăn của trẻ cần có đầy đủ thịt, trứng, sữa, dầu mỡ, rau, củ... và bạn nên thay đổi liên tục cách chế biến các loại thực phẩm để bé ăn ngon miệng hơn. Hạn chế việc cho bé ăn đi ăn lại một món, bởi điều này sẽ khiến bé khó nhận được đủ chất dinh dưỡng và dẫn đến tình trạng trẻ chậm tăng cân và chiều cao, cũng như hạn chế sự hấp thụ của trẻ.

Trẻ tăng cân chậm phải làm sao
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để cải thiện tình trạng tăng cân chậm của trẻ

2.2 Bổ sung lượng dầu mỡ trong chế độ ăn cho bé

Trong thực đơn để giúp trẻ tăng cân thì dầu mỡ đóng vai trò rất quan trọng. Dầu mỡ cung cấp rất nhiều năng lượng tốt cho cơ thể, thậm chí còn gấp đôi lượng dinh dưỡng của chất bột và chất đạm.

Chính vì vậy, mỗi bát cơm hoặc cháo của bé, bạn nên bổ sung khoảng một thìa dầu hoặc mỡ. Đặc biệt, trong hai năm đầu đời thì càng không nên thiếu dầu mỡ trong mỗi khẩu phần ăn hàng ngày của bé.

2.3 Không nên ép trẻ ăn

Khi trẻ tăng cân chậm, và bạn thấy bé ăn ít hoặc không ăn hết khẩu phần ăn đã định sẵn, thì bạn cũng không nên cố gắng ép bé ăn hết bằng được. Vì điều này đôi khi gây ra tình trạng trẻ bị trớ thức ăn và từ đó cảm thấy “sợ” mỗi khi nhìn thấy đồ ăn, khiến cho trẻ tăng cân chậm, biếng ăn sau này.

Do vậy bạn chỉ nên cho trẻ ăn lượng thức ăn vừa đủ, nếu thấy trẻ ăn quá ít bạn có thể cho trẻ ăn thêm vào bữa phụ các loại đồ ăn như chuối hoặc sữa để cung cấp đủ năng lượng, nuôi bé khỏe và giúp bé tăng cân tốt.

2.4 Bổ sung thêm dinh dưỡng cho trẻ ngoài các bữa ăn chính

Các chất dinh dưỡng ngoài bữa ăn chính cũng có tầm quan trọng không nhỏ trong việc giúp trẻ bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và nhanh tăng cân hơn. Chính vì vậy, ngoài các bữa ăn chính, bạn cũng nên bổ sung thêm các dưỡng chất cho trẻ từ nguồn khác nhau như sữa giúp trẻ tăng cân một cách hiệu quả, cùng với đó là sữa chua hay các loại trái cây.

Về việc lựa chọn sữa nào cho trẻ tăng cân thì bạn cũng nên chú ý chọn sản phẩm sữa của những thương hiệu có uy tín lâu năm. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cho trẻ uống các loại men vi sinh để tăng khả năng tiêu hóa cho bé.

2.5 Tăng số lượng bữa ăn hàng ngày cho trẻ

Bạn có thể chia nhỏ khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ và tăng lên khoảng 5 – 6 bữa trong ngày, đồng thời bạn cũng có thể cho trẻ ăn thêm bữa tối trước khi đi ngủ. Điều này không những giúp bé dễ ăn hơn mà còn dễ hấp thu các chất dinh dưỡng tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.

2.6 Không được tự ý mua “thuốc bổ” cho trẻ uống

Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc bổ được quảng cáo tràn lan trên thị trường là rất tốt cho trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn tự ý mua thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, cho bé dùng không đúng liều lượng sẽ gây ra những hậu quả không tốt đối với sức khỏe của trẻ.

Vì thế, cách nuôi trẻ khỏe mạnh là bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa, để được thăm khám và tư vấn, chỉ định dùng thuốc bổ cho bé.

2.7 Cho trẻ vận động đúng cách

Các hoạt động thể chất như là đạp xe, chơi bóng, vui đùa cùng các bạn đồng trang lứa cũng là một giải pháp vô cùng hữu hiệu. Các hoạt động này không chỉ giúp bé tăng cường sức để kháng, mà giúp trẻ phát triển chiều cao, đồng thời còn giúp trẻ ăn khỏe và ngon miệng hơn. Đặc biệt, các hoạt động này còn khiến cho tinh thần của trẻ luôn vui tươi và ngủ ngon hơn nữa đấy.

Trẻ tăng cân chậm phải làm sao
Vận động đúng cách sẽ giúp trẻ cải thiện tình trạng tăng cân chậm

2.8 Nên cho trẻ đi khám dinh dưỡng khi thấy trẻ chậm tăng cân và chiều cao

Để nắm rõ được tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như có phương pháp điều chỉnh kịp thời, bạn nên cho bé đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để được các bác sĩ tư vấn và đưa ra giải pháp giúp cho trẻ luôn mạnh khỏe, tăng cân và phát triển toàn diện.

Ngoài ra, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cũng theo các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan