Vì sao sức đề kháng của trẻ dễ suy giảm từ tháng thứ 6?

Sức đề kháng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Trong quá trình trưởng thành, có những giai đoạn đặc biệt mà sức đề kháng của trẻ bị yếu đi. Vậy nguyên nhân sức đề kháng yếu ở trẻ là do đâu?

1. Sức đề kháng yếu là gì?

Sức đề kháng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của các bé. Vậy sức đề kháng yếu là gì? Sức đề kháng yếu đồng nghĩa với hệ miễn dịch của bé bị suy giảm chức năng, hoạt động kém khiến trẻ dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh.

Sức đề kháng yếu không những khiến bé dễ mắc bệnh mà còn khiến cơ thể bé rất chậm phục hồi, từ đó kéo theo nguy cơ mắc thêm rất nhiều bệnh lý nghiêm trọng như: suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa... Hiểu được nguyên nhân vì sao sức đề kháng yếu đi ở trẻ sẽ giúp các bậc phụ huynh chú ý hơn trong việc nâng cao sức đề kháng cho con.

Dấu hiệu nhận biết sức đề kháng của trẻ bị suy yếu:

  • Trẻ hay mắc bệnh vặt, nhạy cảm với sự thay đổi môi trường: ho, sốt, sổ mũi, viêm họng, thậm chí là cúm, sốt xuất huyết, uốn ván, bạch hầu...;
  • Xuất hiện tình trạng mất nước: khô da, niêm mạc môi lưỡi khô, trẻ hay khát nước, mắt trũng, tiểu ít, khóc không có nước mắt...;
  • Biếng ăn;
  • Vấn đề về tiêu hóa: tiêu hóa kém, kém hấp thu... dẫn đến thiếu dinh dưỡng, sụt cân, còi cọc, chậm phát triển;
  • Vết thương lâu lành, lâu liền miệng vết thương, máu khó đông, bệnh chậm khỏi, cơ thể lâu hồi phục sau bệnh.

Xem ngay: Những điều bạn có thể làm để hệ miễn dịch khỏe mạnh

nguyên nhân sức đề kháng yếu
Giải đáp nguyên nhân sức đề kháng yếu ở trẻ em

2. Nguyên nhân sức đề kháng yếu từ tháng thứ 6

Khoảng thời gian từ 6 tháng – 3 tuổi được xem là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”, lúc này hệ miễn dịch của bé vẫn chưa phát triển hoàn thiện, trẻ rất dễ mắc bệnh. Không ít các bậc phụ huynh nhân ra rằng con của mình bắt đầu hay ốm vặt kể từ giai đoạn bắt đầu ăn dặm lúc 6 tháng đến năm 3 tuổi.

Khi mới chào đời, hệ miễn dịch của trẻ hoạt động rất tốt nhờ hệ thống kháng thể từ mẹ truyền sang con qua nhau thai trong ba tháng cuối của thai kỳ, quá trình này gọi là "miễn dịch thụ động", giúp trẻ được bảo vệ một cách rất hữu hiệu và tức thì ngay sau sinh.

Tuy nhiên các kháng thể có được của quá trình "miễn dịch thụ động" không tạo được sức đề kháng lâu dài vì các kháng thể này sẽ giảm trong 6 tháng tiếp theo nếu trẻ không được bú mẹ hoàn toàn. Do đó, trẻ sơ sinh cần được bú mẹ ngay và bú hoàn toàn đến 6 tháng, đây là nguồn cung cấp các kháng thể thụ động giúp cơ thể bé duy trì khả năng miễn dịch, trong lúc hệ miễn dịch của bé chưa thể tự sản xuất ra kháng thể.

Tuy nhiên từ cột mốc 6 tháng trở đi, các kháng thể IgG từ mẹ truyền sang trẻ trong 3 tháng cuối thai kỳ đã giảm đi rất nhiều, nhưng hệ miễn dịch của trẻ lúc này vẫn chưa hoàn thiện, cần đến năm trẻ 3 – 4 tuổi thì cơ thể trẻ mới tự sản xuất đầy đủ các kháng thể chống lại sự nhiễm trùng.

Vì vậy giai đoạn giao thoa giữa miễn dịch thụ động trẻ nhận từ mẹ và miễn dịch chủ động của chính cơ thể trẻ đó là giai đoạn 6 tháng đến 3 tuổi. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên sẽ trở nên nhạy cảm hớn đối với các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp... vì vậy phụ huynh thường cho rằng đây là thời kỳ hệ miễn dịch của bé yếu đi.

Nếu trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và không tiếp tục kéo dài đến hết 24 tháng, trẻ sẽ không nhận đủ các kháng thể thụ động từ nguồn sữa mẹ, do đó làm suy giảm sức đề kháng và khả năng phòng chống bệnh tật. Khi cai sữa mẹ quá sớm, hệ miễn dịch của bé sẽ thiếu hụt đi một lượng kháng thể vô cùng quan trọng vì thế mà tạm thời suy yếu.

Bên cạnh đó sự suy giảm sức đề kháng của trẻ từ 6 tháng tuổi cũng còn được giải thích là do sự gia tăng tiếp xúc của trẻ với mọi thứ xung quanh: trẻ bắt đầu ăn dặm, lẫy, bò, đi đứng, chạy nhảy, cho đồ chơi vào miệng... dẫn đến trẻ rất dễ mắc bệnh.

Sau 6 tháng tuổi, nếu chế độ ăn dặm của trẻ không cân đối các nhóm chất có thể dẫn đến nguy cơ mắc suy dinh dưỡng, thừa cân – béo phì... đây cũng là một nguyên nhân sức đề kháng yếu của trẻ.

Ngoài ra, một tình trạng thường hay xảy ra đặc biệt là đối với các gia đình có bố mẹ quá bận rộn đó chính là bỏ lỡ lịch tiêm các loại vắc xin của con. Tiêm ngừa vắc xin không đủ mũi, tiêm trễ lịch sẽ khiến các kháng thể trong vắc xin không phát huy đầy đủ khả năng bảo vệ trẻ.

nguyên nhân sức đề kháng yếu
Tiêm chủng đầy đủ vắc-xin giúp trẻ phòng chống nhiều bệnh lây nhiễm nguy hiểm

3. Làm gì để cải thiện khả năng miễn dịch cho bé?

Chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh: khi mang thai, người mẹ hãy chú ý việc tăng sức đề đề kháng bằng cách xây dựng và duy trì chế độ ăn uống đủ dưỡng chất và khoa học ngay từ đầu thai kỳ để loại bỏ nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai, ảnh hưởng đến sức khỏe và miễn dịch của bé.

Em bé sinh theo phương pháp tự nhiên hay còn gọi là sinh thường sẽ được thừa hưởng hệ lợi khuẩn từ mẹ có tác dụng kích thích hệ vi sinh đường ruột, vì thế hệ miễn dịch cũng khỏe mạnh hơn, sức đề kháng tốt hơn.

Trẻ bú sữa non trong 72 giờ đầu sau sinh chứa rất nhiều kháng thể như IgA, IgG, IgM, IgD và bạch cầu sẽ phòng tránh được nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn và mắc bệnh, giúp tăng sức đề kháng cho trẻ hiệu quả nhất.

Tiêm chủng đầy đủ vắc-xin là biện pháp đơn giản nhất nhất giúp trẻ phòng chống nhiều bệnh lây nhiễm nguy hiểm như: sởi, viêm gan, quai bị, thủy đậu, viêm não nhật bản...

Chế độ dinh dưỡng khoa học và hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp bé hấp thụ và tăng cân tốt, tạo nền tảng sức khỏe tốt và hệ miễn dịch khỏe mạnh ít bệnh, nếu bé bị ốm cũng nhanh chóng phục hồi hơn.

Phụ huynh nên cho bé tiếp xúc thường xuyên với môi trường bên ngoài trong giới hạn an toàn, điều này sẽ làm tăng khả năng thích nghi.

Giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé sau khi chơi, sau khi đi vệ sinh và trước mỗi bữa ăn sẽ giúp ngăn chặn sự tấn công của các vi khuẩn gây bệnh, giúp tăng cường hệ tiêu hóa và từ đó hệ miễn dịch cũng khỏe mạnh hơn.

Nhiều mẹ có thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh khi bé gặp bất cứ vấn đề nào về sức khỏe, tuy kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn có hại nhưng sẽ diệt luôn cả hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột, vì thế những bé uống kháng sinh thường xuyên thường có hệ miễn dịch và sức đề kháng yếu hơn.

Để tăng sức đề kháng cũng như giúp bé phát triển toàn diện, bé cần được cha mẹ bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cũng theo các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan