Xử trí cấp cứu mất nước nặng sau giai đoạn sốc ở trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Sau giai đoạn sốc ở trẻ, cần xử trí cấp cứu mất nước nặng theo đúng phác đồ điều trị để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ, tránh nguy cơ xảy ra những biến chứng không mong muốn.

1. Sốc là gì?

Sốc là tình trạng giảm lưu lượng máu và oxy cung cấp tới các tổ chức ngoại vi, dẫn tới suy giảm hoạt động chuyển hóa tế bào và các cơ quan. Sốc giảm thể tích là tình trạng sốc do giảm thể tích tuần hoàn động ngột, dẫn tới giảm tưới máu tổ chức (thiếu oxy tế bào) và rối loạn chuyển hóa tế bào. Tình trạng thiếu oxy tế bào kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương tế bào các tạng. Nếu muộn, bệnh nhân có thể tử vong.

Nguyên nhân gây sốc thường do chảy máu nghiêm trọng. Đôi khi, sốc giảm thể tích có thể do mất huyết tương hoặc mất nước nhiều do vấn đề ở hệ tiêu hóa (tiêu chảy cấp), thận hoặc da. Bệnh có thể nặng hơn nếu người bệnh có bệnh lý kết hợp như bệnh thận, bệnh tim mạch, đái tháo đường,...

Các triệu chứng của sốc giảm thể tích gồm: Co mạch ngoại biên (da lạnh ẩm; tím và lạnh đầu chi, môi, tai), mạch nhanh, nhẹ, tụt huyết áp, thở nhanh, thiểu niệu (lượng nước tiểu dưới 15ml/h), thay đổi trạng thái tâm thần (lú lẫn, mê sảng, lơ mơ, hôn mê),...

Biện pháp xử trí là cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bổ sung ngay lượng nước đã mất cho bệnh nhân.

tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp khiến trẻ bị mất nước

2. Hướng dẫn xử trí cấp cứu mất nước nặng sau sốc ở trẻ

Sau khi xử trí sốc ở trẻ, cần thực hiện xử trí cấp cứu theo phác đồ dưới đây để bù nước cho trẻ mất nước nặng:

  • Truyền 70ml/kg Ringer’s lactate (Hartmann’s) (hoặc normal saline) trong 5 giờ cho trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi) và trong 2.5 giờ đối với trẻ lớn (1 - 5 tuổi). Lượng dịch truyền như sau:
    • Trẻ dưới 12 tháng tuổi: Trẻ dưới 4kg truyền 40ml/giờ, 4 - 6kg truyền 70ml/giờ, 6 - 10kg truyền 110ml/giờ, 10 - 14kg truyền 170ml/giờ;
    • Trẻ 1 - 5 tuổi: Trẻ 6 - 10kg truyền 220ml/giờ, 10 - 14kg truyền 340ml/giờ, 14 - 19kg truyền 480ml/giờ;
  • Đánh giá lại sức khỏe của trẻ sau mỗi 1 - 2 giờ. Nếu tình trạng trẻ mất nước nặng không cải thiện thì cần truyền dịch nhanh hơn;
  • Có thể cho trẻ uống dung dịch bù điện giải (oresol) khoảng 5ml/kg mỗi giờ ngay sau khi trẻ có thể uống được. Lượng nước oresol mỗi giờ cho trẻ như sau: Trẻ dưới 4kg uống 15ml, 6 - 6kg uống 25ml, 6 - 10kg uống 40ml, 10 - 14kg uống 60ml và 14 - 19kg uống 85ml;
  • Đánh giá lại sau 6 giờ đối với trẻ nhũ nhi và sau 3 giờ đối với trẻ lớn. Tiếp theo, phân độ mất nước của trẻ rồi tiếp tục lựa chọn các phác đồ: Điều trị tiêu chảy tại nhà (bù đủ dịch, bổ sung kẽm, tiếp tục cho bú và chú ý các dấu hiệu nặng cần tái khám), bù nước với dung dịch oresol tại bệnh viện hoặc bồi hoàn dịch nhanh (truyền dịch và uống oresol);
  • Nếu được, nên quan sát trẻ tối thiểu 6 giờ sau khi bù nước cho trẻ để chắc chắn duy trì đủ nước cho trẻ bằng cách cho uống dung dịch oresol
dung dịch bù điện giải (oresol)
Có thể cho trẻ uống dung dịch bù điện giải (oresol) để bù nước

Trẻ mất nước nặng sau sốc cần được xử trí cấp cứu ngay để bù nước cho trẻ kịp thời. Trong quá trình truyền dịch và cho uống dung dịch bù điện giải, cần theo dõi sát tình trạng của trẻ để kịp thời xử trí nếu có biến cố xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

809 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan