Xử trí táo bón ở trẻ đang bú mẹ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Táo bón ở trẻ đang bú sữa mẹ là tình trạng khá phổ biến. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón khi bú mẹ ở trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng và đầy đủ về vấn đề này. Bài viết sẽ đưa ra định nghĩa, nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị táo bón và giải đáp thắc mắc bé bú mẹ bị táo bón phải làm sao của các bậc cha mẹ có con nhỏ.

1. Táo bón ở trẻ sơ sinh là gì?

Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể chỉ đánh hơi chứ không đi đại tiện trong vài ngày miễn là phân của trẻ vẫn mềm, bé vẫn tăng cân bình thường thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên với trường hợp trẻ không đi đại tiện trong 5-6 ngày cũng như ngoài phân khô rắn và bé có biểu hiện đau đớn, quấy khóc thì có thể là bé đang gặp vấn đề.

Với trẻ sơ sinh thì táo bón được định nghĩa dựa trên trạng thái phân của bé hơn là tần suất đi đại tiện của bé. Trẻ sơ sinh bị táo bón nếu như trẻ đại tiện ra phân cứng, khuôn nhỏ hoặc phân rất lớn và khó tống ra ngoài.

Táo bón kéo dài ở trẻ
Táo bón ở trẻ em

2. Nguyên nhân gây táo bón khi bú mẹ ở trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ táo bón khi bú mẹ, bao gồm:

  • Do ăn thức ăn đặc: Nếu bé được cho ăn thức ăn đặc một cách đột ngột, nhất là với những trẻ sơ sinh lần đầu tiên ăn thức ăn đặc thì bé thường bị táo bón. Nguyên nhân là do trong giai đoạn tập ăn dặm thì các món như bột sữa, bột ngũ cốc cũng như cháo ngũ cốc,... thường là những món thiếu chất xơ. Khi cha mẹ cho trẻ ăn những thức ăn này quá sớm thì có thể khiến cho bé bị táo bón.
  • Trẻ uống sữa công thức bên cạnh bú sữa mẹ: Với những trẻ bú sữa mẹ ít mà uống sữa công thức thường có nguy cơ bị táo bón bởi sữa mẹ có chứa các thành phần cân bằng chất béo cũng như protein, chất xơ và nước,... giúp phân của bé luôn mềm cả khi trẻ không đi vệ sinh trong một hay hai ngày. Bên cạnh đó thì thành phần protein khác nhau trong sữa công thức cũng có thể là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ. Những bé dùng sữa công thức với lượng nhiều, bị táo bón thì thường có phân xanh, cứng.
  • Thiếu nước: Nếu như trẻ bị thiếu nước hay mất nước thì cơ thể trẻ sẽ hấp thụ chất lỏng từ bất cứ đâu, có thể từ thức ăn hay đồ uống mà bé dùng cũng như từ phân trong đường ruột của bé. Việc này vô tình làm cho kết cấu của phân trẻ trở nên khô cũng như rắn hơn khiến trẻ gặp khó khăn khi đi tiêu.
  • Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị táo bón là do bé bị bệnh cũng như do các vấn đề sức khỏe. Tình trạng táo bón khi bú mẹ ở trẻ có thể là do các vấn đề về sức khỏe như bé bị bệnh cường giáp, bệnh phì đại tràng bẩm sinh, đái tháo đường hay các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như bại não và chậm phát triển tâm thần, các vấn đề với cột sống,...
Táo bón
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ táo bón

3. Bé bú mẹ bị táo bón phải làm sao?

Bé bú mẹ bị táo bón phải làm sao là trăn trở của không ít cha mẹ có con nhỏ đang trong giai đoạn bú sữa mẹ. Để giúp bé thoát khỏi tình trạng bị táo bón khi bú mẹ thì bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây:

  • Cho bé uống thêm nước: Bên cạnh việc cho con bú sữa mẹ thì các mẹ có thể cho bé uống thêm chút nước để giúp phân của con trương nở hơn cũng như di chuyển trong ruột dễ dàng hơn.
  • Đổi loại sữa công thức bé đang dùng: Với trường hợp trẻ uống sữa công thức mà bị táo bón thì cha mẹ nên đổi sang loại sữa bột khác. Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa cũng như các chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm để tìm ra loại sữa phù hợp nhất cho bé.
  • Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn của bé: Với những bé đã bắt đầu ăn dặm mà bổ sung nước không thể giúp cải thiện triệu chứng táo bón ở trẻ thì cha mẹ nên thay thế bằng những loại rau quả có tính chất nhuận tràng cho bé như rau lang hay táo, mận và lê. Những thực phẩm này sẽ giúp phân của trẻ trở nên mềm , giúp bé dễ đi tiêu hơn.

Với trẻ trên 4 tháng tuổi thì cha mẹ chỉ nên cho con uống nước trái cây không thêm đường với lượng từ 30 – 50ml nước trái cây pha nước theo tỉ lệ 1: 1.

  • Ngoài việc tăng cường cho bé bú sữa mẹ thì mẹ cũng có thể xoa bụng cho trẻ, xoa theo chiều kim đồng hồ vào lúc bụng đói với tần suất mỗi ngày 1-2 lần và mỗi lần xoa 5-10 phút nhằm hạn chế táo bón cho bé. Bên cạnh đó, các mẹ nên tập cho béđi tiêu vào giờ nhất định trong ngày để giúp tạo phản xạ đi tiêu hằng ngày cho trẻ.
  • Cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám nếu đã áp dụng các phương pháp trên nhưng tình trạng táo bón của bé không được cải thiện bởi trong một số trường hợp trẻ bị táo bón là do mắc các bệnh lý hoặc tác dụng phụ của thuốc mà các bé đang dùng. Cha mẹ đặc biệt nên đưa trẻ đi khám ngay trong những trường hợp bé bị táo bón khi bú sữa mẹ kèm theo các biểu hiện như trẻ không lên cân hay táo bón kéo dài cũng như bé bị sốt, chướng bụng, nôn ói hay bỏ ăn và quấy khóc,...

Nếu trẻ có dấu hiệu táo bón kéo dài, cha mẹ có thể đưa trẻ thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng. Các bác sĩ tại Vinmec sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh cho trẻ và tư vấn để giúp trẻ có thể tránh các tác dụng phụ do sử dụng thuốc.

Ngoài ra, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan