Nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Nguyên nhân, triệu chứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận – Lọc máu – Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu là nhiễm khuẩn khởi phát từ đường tiết niệu, sau đó vi khuẩn xâm nhập vào dòng máu gây ra những triệu chứng nhiễm khuẩn toàn thân.

1. Nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu được định nghĩa là gì?

Nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu được định nghĩa bằng việc xác định kết quả khi cấy máu và cấy nước tiểu có cùng một tác nhân gây bệnh. Bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, đặc biệt trong trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp.

2. Triệu chứng nhiễm khuẩn huyết

Phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn huyết nặng liên quan đến đường vào từ phổi (50%) hoặc từ ổ bụng (24%), liên quan đến đường tiết niệu chỉ khoảng 5%. Biểu hiện của nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu không khác với nhiễm khuẩn huyết từ nguồn lây ngoài đường tiết niệu sinh dục.

Nhiễm khuẩn huyết được xác định khi bệnh nhân ở giai đoạn sớm của hội chứng đáp ứng viêm toàn thân gồm: sốt hoặc hạ thân nhiệt, tăng bạch cầu hoặc giảm bạch cầu, nhịp tim nhanh, thở nhanh được xem là những biến cố đầu tiên của tình trạng suy đa cơ quan hàng loạt.

Nhiễm khuẩn huyết nặng được xác định khi có triệu chứng của rối loạn chức năng các cơ quan và sốc nhiễm khuẩn xảy ra khi có tụt huyết áp đi kèm với thiếu oxy mô. Nhiễm khuẩn huyết nặngsốc nhiễm khuẩn là tình huống lâm sàng nặng với tỉ lệ tử vong từ 20 - 42% hoặc có thể cao hơn tùy điều kiện điều trị hồi sức của từng bệnh viện và tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân: chẩn đoán và điều trị sớm hay muộn.

Biểu hiện sốt virus
Bệnh nhân ở giai đoạn đáp ứng viêm toàn thân có thể bị sốt hoặc hạ thân nhiệt

3. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Các vi sinh vật từ đường tiết niệu nhiễm khuẩn ngược dòng vào đường máu và đường bạch huyết. Khi vi khuẩn vào máu, nhiễm khuẩn huyết được hình thành. Nguy cơ nhiễm khuẩn huyết tăng lên khi có nhiễm khuẩn đường tiết niệu nặng như: viêm thận bể thận và viêm tuyến tiền liệt cấp do vi khuẩn, nghẽn tắc đường tiết niệu... Bệnh có thể mắc phải từ trong cộng đồng hoặc từ trong bệnh viện:

3.1. Nhiễm khuẩn mắc phải trong cộng đồng

Nhiễm khuẩn mắc phải trong cộng đồng chỉ xảy ra trong một số trường hợp: nhiễm khuẩn trên bệnh nhân giảm miễn dịch không giảm bạch cầu, có bệnh thận trước đó hoặc có bất thường về cấu trúc của đường tiết niệu.

Các vi sinh vật gây bệnh thường gặp được phân lập trong máu và nước tiểu của bệnh nhân như: Escherichia coli, Proteus mirabilis, Klebsiella, Enterococci (Streptococci nhóm D), Streptococci nhóm B.

Các yếu tố lâm sàng thuận lợi cho bệnh xảy ra là:

  • Viêm bàng quang trên những cơ địa giảm miễn dịch không giảm bạch cầu như: đái tháo đường, bệnh lupus ban đỏ, nghiện rượu, đa u tủy, điều trị với corticosteroid...
  • Bệnh nhân bị tắc nghẽn một bên hoặc một phần của đường niệu
  • Có bệnh thận trước đó
  • Có sỏi thận, bàng quang.

Bệnh có thể tiến triển nặng dẫn đến sốc nhiễm khuẩn với các triệu chứng toàn thân và tụt huyết áp. Những bệnh nhân sốt có giảm bạch cầu (ví dụ: bệnh nhân ung thư đang hóa trị) ít khi có nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc tiến triển đến nhiễm trùng huyết.

3.2. Nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện

Bệnh thường xảy ra do đặt ống thông hoặc dụng cụ ở những bệnh nhân không giảm bạch cầu. Tình trạng khuẩn niệu do đặt ống thông tiểu không gây hậu quả nhiễm khuẩn huyết trên người bình thường (tức là người không có nhiễm khuẩn niệu).

Tuy nhiên, những thủ thuật đặt dụng cụ ở đường tiết niệu trên bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn niệu có thể gây ra nhiễm trùng huyết nặng với các triệu chứng toàn thân và tụt huyết áp. Nhiễm khuẩn niệu thường gây hậu quả nhiễm trùng huyết khi bệnh nhân có cấu trúc bất thường của đường tiết niệu - sinh dục như:

  • Bất thường bẩm sinh của hệ thống thu thập nước tiểu
  • Sỏi niệu
  • Tắc nghẽn một bên hoặc hai bên do nguyên nhân bên trong hoặc bên ngoài.

Những vi khuẩn liên quan đến nhiễm khuẩn mắc phải từ bệnh viện là các vi khuẩn gram âm hiếu khí hoặc Enterococci.

  • Phần lớn tác nhân thường gặp là: Escherichia coli, Klebsiella, Enterococci.
  • Tác nhân ít gặp hơn là: Serratia, Enterobacter, Providencia, Citrobacter, Acinetobacter baumanii, Pseudomonas sp., Pseudomonas aeruginosa.
  • Các tác nhân hiếm gặp hơn là Staphylococcus saprophyticus, coagulase negative Staphylococcus, MRSA...
Gói Khám Sàng Lọc Tiết Niệu - Sỏi
Sỏi niệu là yếu tố thuận lợi gây nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu

4. Phòng ngừa

Những phương pháp ngừa nhiễm khuẩn trong bệnh viện sau đây có hiệu quả để phòng ngừa rất tốt:

  • Cách ly tiếp xúc những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn với vi khuẩn đa kháng để tránh lây nhiễm chéo.
  • Giảm số ngày nằm viện.
  • Sử dụng thận trọng các kháng sinh để phòng ngừa và điều trị những nhiễm khuẩn đã có. Kháng sinh được chọn phải phù hợp với những vi khuẩn chiếm ưu thế trong sinh thái vi khuẩn của bệnh viện.
  • Nhiễm khuẩn bệnh viện gia tăng với việc đặt thông niệu đạo - bàng quang và đặt stent niệu quản. Kháng sinh phòng ngừa không thể ngăn chặn việc tạo khúm khuẩn tại stent, tỷ lệ nhiễm khuẩn 100% cho những bệnh nhân đặt stent niệu quản vĩnh viễn và 70% với bệnh nhân đặt stent niệu quản tạm thời.
  • Rút bỏ ống thông càng sớm càng tốt tùy theo tình trạng.
  • Dùng hệ thống dẫn lưu nước tiểu kín đúng cách, giảm thiểu làm hở, ví dụ: lấy mẫu nước tiểu, đổ bỏ nước tiểu...
  • Dùng phương pháp ít xâm lấn nhất để giải phóng tắc nghẽn cho đến khi bệnh nhân ổn định.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp Gói Khám sàng Lọc bệnh lý tiết niệu với nhiều tiện ích, bao gồm: Phát hiện sớm khả năng có thể mắc các bệnh tiết niệu. Đặc biệt là các bệnh lý về tiền liệt tuyến (phì đại lành tính tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến). Các bệnh lý sỏi tiết niệu.... từ đó giúp khách hàng có những biện pháp dự phòng bệnh.

Khi đăng ký Gói khám sàng lọc bệnh lý tiết niệu, khách hàng sẽ được khám chuyên khoa ngoại tiết niệu, siêu âm, cấy nước tiểu...để phát hiện bệnh chính xác và kịp thời.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Thanh Thùy là bác sĩ chuyên khoa Nội thận với hơn 15 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh thận nội khoa, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, sàng lọc trước ghép thận và theo dõi sau ghép. Hiện tại, bác sĩ Thùy đang làm viêc tại Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan