Những "bí quyết" giúp bạn an toàn khi đi bơi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Viết Lệ Diễm - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Đi bơi là một hoạt động tuyệt vời để giảm nhiệt cơ thể vào những ngày hè. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bạn vẫn có rủi ro bị các bệnh nhiễm trùng do tiếp xúc với vi khuẩn có trong bể. Một vài mẹo dưới đây về an toàn khi đi bơi sẽ giúp bạn có một khoảng thời gian thư giãn thật sự tại bể bơi.

1. Phải chú ý vấn đề gì để đảm bảo an toàn khi bơi?

1.1 Tắm trước và sau khi bơi

Một người khi xuống bể bơi có thể đưa hàng tỷ vi khuẩn xuống cùng. Giải pháp đơn giản để tránh mang vi khuẩn vào bể bơi là đứng dưới vòi nước và dội sạch trong vòng 1 phút trước khi xuống. Đồng thời, bạn nên tắm với xà phòng sau khi bơi để loại bỏ chất bẩn còn sót lại trên da.

1.2 Không đi bơi khi bị tiêu chảy

Theo một khảo sát năm 2017, có 25% người trưởng thành nói rằng vẫn đi bơi khi bị tiêu chảy. Đây thực sự là một vấn đề đáng ngại vì chất thải từ người bơi bị tiêu chảy có thể hòa lẫn nước trong bể bơi, nguy hiểm hơn là có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn Cryptosporidium - một loại vi khuẩn lây bệnh qua phân bị ô nhiễm - xâm nhập vào nước.

Một khi đã bị nhiễm loại khuẩn này, người bệnh có thể tiếp tục thải ký sinh trùng trong 2 tuần tiếp theo sau khi không còn đi ngoài phân lỏng. Ký sinh trùng Crypto có thể sống trong các bể chứa có nồng độ clo đạt chuẩn trong tối đa 10 ngày. Vì vậy, khi bị tiêu chảy không nên xuống bể bơi trước 2 tuần kể từ thời điểm bị bệnh.

1.3 Không đi vệ sinh trong nước

Trẻ em cần được nhắc nhở về quy tắc này. Nhiều người vẫn nghĩ rằng clo có tác dụng tiêu diệt tất cả các chất bẩn trong bể bơi. Trên thực tế, chất thải cơ thể sẽ làm giảm khả năng chống vi trùng của clo. Ngoài ra, việc người bơi phóng uế hoặc tiểu tiện trong bể bơi khá là bất lịch sự. Nếu có chứng kiến ​​một hành động nào như vậy trong bể bơi, hãy báo với nhân viên ngay lập tức để ngăn chặn việc này.

1.4 Sử dụng tã bơi

Người phải mặc tã thường xuyên nên mặc tã bơi hoặc bộ đồ bơi trước khi xuống nước. Người chăm sóc đi cùng nên kiểm tra tã hàng giờ và thay chúng trong phòng vệ sinh hoặc phòng thay đồ cách xa khu vực bể bơi.

1.5 Nên rời bể bơi ít nhất 1 lần/giờ

Đó là những gì mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo. Điều này giúp người lớn có thời gian để đưa trẻ em đi vệ sinh hoặc thay tã.

Thực hiện rửa tay đúng cách cho trẻ sau khi đi vệ sinh trước khi vào bơi lần nữa.

1.6 Không uống nước trong bể bơi

Những "bí quyết" giúp bạn an toàn khi đi bơi
Không uống nước trong bể bơi

Ngay cả khi không cố tình, bạn vẫn có thể phải uống vào một lượng nước trong bể bơi nhiều hơn bạn nghĩ. Chỉ trong vòng 45 phút bơi, một người trưởng thành trung bình uống 1 muỗng canh nước trong bể và trẻ em uống nhiều hơn gấp đôi.

Hãy làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu lượng nước uống phải từ bể bơi. Ngoài ra, hãy dạy trẻ rằng nước bể bơi không thể uống được, chúng nên ngậm chặt miệng lại và bịt mũi khi ngụp đầu xuống nước.

1.7 Kiểm tra chất lượng nước bằng que thử

Nếu hồ bơi có nồng độ clo hoặc pH thấp, vi khuẩn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và lây lan hơn. Nếu không chắc chắn nước hồ bơi có sạch hay không, bạn nên tự kiểm tra bằng que thử. Các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên sử dụng que thử di động để kiểm tra độ an toàn của nguồn nước trước khi xuống tắm.

2. Các loại bệnh, nhiễm trùng và dị ứng sau khi bơi

2.1 Bệnh tiêu chảy

Hơn 80% các bệnh do bơi ở bể bơi được cho là do vi khuẩn Crypto gây ra. Bạn có thể bị đi ngoài phân lỏng từ 2 - 10 ngày sau khi tiếp xúc với Crypto trong bể bơi.

Ngoài ra, một số thủ phạm gây ra các bệnh nhiễm khuẩn tại dạ dày khác có thể kể đến như Giardia, Shigella, norovirus và E. coli.

  • Triệu chứng: Tiêu chảy, co cứng bụng, buồn nôn, nôn, phân có máu, sốt, mất nước.
  • Cách xử lý: Nên đưa người bệnh đi khám nếu có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh. Hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi, nhưng nếu mất nước quá nhiều có thể dẫn đến xảy ra các biến chứng nặng. Nếu trong phân có máu hoặc sốt cao, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để khám và điều trị bệnh.
  • Phòng ngừa: Tránh uống nước trong hồ bơi.

2.2. Viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài là một bệnh nhiễm trùng ở ống tai ngoài. Bệnh không lan truyền từ người này sang người khác mà thay vào đó, nó xảy ra do nước đọng trong ống tai quá lâu, khiến vi khuẩn phát triển và gây ra viêm tai. Nước bể bơi là một trong những thủ phạm lớn nhất gây ra bệnh này.

  • Triệu chứng: Tai đỏ, ngứa, đau hoặc sưng.
  • Cách xử lý: Đi khám bác sĩ nếu bạn cảm thấy không thể lấy hết nước ra khỏi tai hoặc xảy ra các triệu chứng nêu trên. Viêm tai ngoài thường được điều trị bằng thuốc nhỏ tai kháng sinh.
  • Phòng ngừa: Hãy thử dùng nút bịt tai khi bơi. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chọn nút bịt tai phù hợp và được cung cấp thuốc nhỏ tai làm giảm nguy cơ bị viêm. Sau khi bơi, hãy nghiêng đầu để thoát nước từ ống tai và luôn lau khô tai bằng khăn.

2.3 Nổi ban trên da

Trường hợp này gọi là phát ban bồn tắm nóng hoặc viêm nang lông bởi nó thường xuất hiện sau khi người bơi tắm trong bồn nước nóng bị ô nhiễm, nhưng nó cũng có thể xuất hiện sau khi bơi trong những bể nước nóng được xử lý vệ sinh kém. Vi trùng Pseudomonas aeruginosa gây ra phát ban thường xuất hiện trên da do vi khuẩn bám vào bộ đồ bơi. Vì vậy, ngồi hàng giờ trong bộ đồ tắm ướt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

  • Triệu chứng: Nổi mụn đỏ, ngứa hoặc mụn nước nhỏ có mủ.
  • Cách xử lý: Đi khám bác sĩ để được kê toa thuốc gồm kem chống ngứa và kem kháng khuẩn.
  • Phòng ngừa: Tránh cạo râu hoặc tẩy lông trước khi tắm tại bể bơi. Luôn tắm lại bằng xà phòng và lau khô người càng sớm càng tốt sau khi tắm trong bồn nước nóng hoặc bể bơi.
Những "bí quyết" giúp bạn an toàn khi đi bơi
Viêm nang lông sau khi người bơi tắm trong bồn nước nóng bị ô nhiễm

2.4 Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là một dạng bệnh tiêu biểu khác khi vào mùa bơi lội. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn di chuyển lên niệu đạo và đi qua nước tiểu vào bàng quang. Nguồn vi khuẩn có thể đến từ nước bể bơi, vì vậy không nên ngồi xung quanh bể bơi quá lâu trong bộ đồ tắm ẩm ướt.

  • Triệu chứng: Tiểu đau, đi tiểu nhiều hoặc có máu, đau vùng chậu hoặc trực tràng, tăng nhu cầu đi tiểu.
  • Cách xử lý: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra UTI, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm. Nếu nghi ngờ bị nhiễm trùng tiết niệu, hãy nhờ tư vấn của bác sĩ.
  • Phòng ngừa: Tắm và thay quần áo ướt càng sớm càng tốt; uống nhiều nước sạch sau khi lên khỏi bể bơi.

2.5 Nhiễm khuẩn đường hô hấp

Bệnh Legionnaires là một loại viêm phổi do vi khuẩn Legionella gây ra. Người bơi có thể hít vi khuẩn vào từ hơi nước của bể nước nóng. Bệnh tiến triển từ 2 ngày đến 2 tuần sau khi tiếp xúc với vi khuẩn và thường gặp ở những người trên 50 tuổi, người hút thuốc và những người có hệ miễn dịch yếu.

Bạn có thể không nhận ra được không khí mình đang hít thở từ bể bơi hoặc bồn nước nóng là bị ô nhiễm nên dễ chủ quan với việc có thể bị nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Thông thường, loại khuẩn này thường gặp ở các bể bơi trong nhà, nhưng chúng cũng có thể sống bên ngoài trong môi trường ấm áp, ẩm ướt.

  • Triệu chứng: Đau ngực, khó thở, sốt, ớn lạnh, ho ra máu.
  • Cách xử lý: Nếu có xảy ra các dấu hiệu kể trên, hãy đi khám bác sĩ ngay.
  • Phòng ngừa: Sử dụng que thử di động để kiểm tra chất lượng nước trong bể bơi trước khi xuống tắm.

Các vấn đề về hô hấp sau khi bơi cũng có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn hoặc đuối nước khô, thường gặp ở trẻ em.

2.6 Nhiễm độc vì khí clo bị biến chất

Trái với suy nghĩ của nhiều người, không phải cứ có mùi clo nồng nặc là chứng tỏ bể bơi sạch. Thực tế hoàn toàn ngược lại.

Khi vi trùng, bụi bẩn và tế bào cơ thể kết hợp với clo trong bể bơi sẽ làm clo có mùi cay nồng, bay vào không khí tạo ra mùi hóa học. Nhiều người nhầm lẫn mùi này là mùi của bể bơi có nồng độ clo đạt chuẩn. Thực tế, mùi clo quá nồng nghĩa là clo trong bể đã bị cạn kiệt hoặc biến chất.

Vì vậy, bạn không nên xuống tắm nếu ngửi thấy mùi hóa chất nồng nặc trong bể bơi. Ngược lại, nếu bể bơi có mùi dễ chịu thì bạn có thể yên tâm xuống tắm.

Mùa hè là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta dành thời gian cho việc bơi lội, vừa giúp giải nhiệt vừa nâng cao sức khỏe, thể lực. Tuy nhiên để việc bơi lội không phản tác dụng, gây hại cho sức khỏe, bạn cần nắm rõ các lưu ý kể trên cũng như đề phòng những bệnh có thể gặp phải trong quá trình bơi lội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan