Phân biệt các dấu hiệu của bệnh sốt phát ban với bệnh sởi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS - Trưởng Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng và BS Phan Đình Thủy Tiên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Sốt phát ban và sởi là hai bệnh khác nhau nhưng có biểu hiện ban đầu tương đồng. Do đó chúng ta thường bị nhầm lẫn giữa nốt sởi và nốt phát ban, dẫn đến chẩn đoán sai bệnh. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách phân biệt các dấu hiệu của bệnh sốt phát ban và bệnh sởi một cách chính xác nhất.

Sốt phát ban hầu hết do nguyên nhân nhiễm virus thông thường, trong đó có virus đường hô hấp và là những virus lành tính, không nguy hiểm. Tuy nhiên đối với sởi, bệnh do một chủng virus morbillivirus, họ Paramyxoviridae - loại virus cấp tính gây nên, có tính chất nguy hiểm và có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.

1. Phân biệt các dấu hiệu của bệnh sốt phát ban và nốt sởi

Bệnh sởi phát triển biểu hiện qua 4 giai đoạn. Cụ thể:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Trong khoảng thời gian 10-12 ngày, người bệnh sẽ không có triệu chứng gì, nhưng đến ngày thứ 9-10 thì sẽ có dấu hiệu sốt nhẹ.
  • Giai đoạn khởi phát: Diễn ra trong 4-5 ngày, đây là khoảng thời gian dễ lây lan, với các biểu hiện rõ rệt như sốt, mệt mỏi, đau cơ khớp, nhức đầu liên miên. Các tình trạng viêm bắt đầu như viêm ở mắt, chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ, mi mắt sưng lên; viêm ở mũi gây hắt hơi, sổ mũi, giọng khàn, ho có đờm; viêm đường tiêu hóa gây tiêu chảy...
  • Giai đoạn phát ban nốt sởi: Hiện tượng các nốt sởi bắt đầu ở sau tai, lan dần sang hai bên má, cổ, xuống ngực, sang hai cánh tay. Trong 24h kế tiếp, nốt sởi lan rộng ra lưng, hông, xuống chân dưới với tình trạng màu hồng nhạt, nhưng sau đó sẽ đỏ dần lên. Thậm chí các nốt sởi lan nhanh, kín thân thể và bắt đầu gây ngứa cho người bệnh, tăng nhiệt độ thân thể gây nóng, khó chịu.
  • Giai đoạn phục hồi: Kết thúc ba giai đoạn trên, các nốt sởi dần biến mất và để lại những nốt thâm đen, vết hằn trên da. Bệnh sởi có tính chất lành tính nhưng nếu không biết kiêng khem và điều trị đúng cách thì biến chứng để lại khá nặng nề cho người bệnh, đặc biệt là đối với trẻ em mắc sởi.

Ở giai đoạn phát ban nốt sởi, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt sởi và phát ban bằng cách:

Sốt phát ban thông thường khi giảm sốt, người bệnh sẽ ít có dấu hiệu nốt phát ban gồ lên mặt đa, ban đồng loạt nổi lên, sau khi lặn sẽ không để lại dấu tích gì.

Còn phát ban do bệnh sởi rất đặc trưng, ban đầu sẽ xuất hiện ở sau tai, sau đó mới lan dần xuống dưới và khi khỏi cũng mất nối sở theo thứ tự đã nổi, để lại vết hằn, thâm trên da sau khi biến mất.

Phân biệt các dấu hiệu của bệnh sốt phát ban với bệnh sởi
Khác biệt về dấu hiệu mắc bệnh sởi và sốt phát ban

2. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi

Sởi gây ra những biến chứng nặng nề hơn so với sốt phát ban. Nếu sốt phát ban hầu hết đều lành tính, người bệnh được chăm sóc đúng cách sẽ trở về trạng thái tự khỏi sau 5-7 ngày mà không hề có bất kỳ các biến chứng gì. Nốt sởi nếu không được chăm sóc kỹ và đúng cách thì sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm về sau, đặc biệt là đối với đối tượng mắc là trẻ em. Cụ thể các biến chứng có thể là:

  • Viêm phổi: Là biến chứng thường gặp nhất do sởi.
  • Viêm tai giữa.
  • Viêm thanh quản.
  • Viêm não tủy: Biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng nhất.
  • Cam tẩu mã: Bệnh viêm miệng hoại thư, có tỷ lệ tử vong cao.
  • Viêm ruột kéo dài.
Phân biệt các dấu hiệu của bệnh sốt phát ban với bệnh sởi
Bệnh sởi có thế gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

3. Cần làm gì khi trẻ em bị sởi?

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc sởi, cha mẹ cần được chú ý đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có các biểu hiện sau:

  • Trẻ sốt cao liên tục 39-40 độ C.
  • Khó thở, thở thanh.
  • Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ...
  • Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.

Điều quan trọng nhất để ngăn ngừa dịch sởi bùng phát là khâu phòng bệnh. Trẻ cần được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi bắt đầu từ 9 tháng và tiêm mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi để giúp trẻ có một sức đề kháng, phòng ngừa bệnh sởi tốt có thể.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm phòng Vắc-xin sởi đơn MVVAC 10 liều/5 ml do Trung tâm nghiên cứu sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế Việt Nam cung cấp; vắc-xin sởi phối hợp MMR II & Diluent Inj 0.5ml do MSD (Mỹ ) cung cấp.

Phụ huynh sẽ được tư vấn tiêm chủng vắc xin phòng ngừa sởi theo quy trình thời gian theo số lượng mũi cần thiết để tạo sức đề kháng của trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể đưa trẻ bị sởi đến điều trị đúng cách để phục hồi tốt cho trẻ, tránh lây lan và hạn chế biến chứng nguy hiểm về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

485.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan