Phù phổi cấp trong chuyển dạ: Những điều cần biết

Phù phổi cấp là một cấp cứu có thể gặp trong sản khoa. Phù phổi cấp trong sản khoa thường xảy ra ở các bệnh nhân mắc bệnh tim, cao huyết áp, bệnh thận hoặc các bệnh nhiễm trùng trong lúc mang thai. Tỷ lệ phù phổi cấp chiếm 15% các biến cố tim - sản, tỷ lệ tử vong của phù phổi cấp còn cao (68%).

1. Phù phổi cấp là gì?

Phù phổi cấp là tình trạng tràn ngập đột ngột thanh dịch từ huyết tương, thấm qua mao mạch phổi vào phế nang rồi vào hệ thống phế quản. Nói cách khác, phù phổi là tình trạng tích lũy dịch ở gian bào và phế nang. Trong phù phổi cấp có sự xuất hiện bọt là do thanh dịch phối hợp với luồng khí lưu thông, thể tích dịch thoát ra tăng lên nhiều. Tình trạng này ngăn cản sự khuếch tán của các chất khí, làm giảm oxy máu, tăng CO2.

2. Tại sao phù phổi cấp trong chuyển dạ lại nguy hiểm?

Thực tế trên lâm sàng, một số sản phụ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, có biểu hiện tiền sản giật hay sản giật hoặc sản phụ mắc các bệnh nhiễm trùng trong lúc mang thai thì rất dễ bị phù phổi cấp trong khi chuyển dạ. Phù phổi cấp cũng có thể xảy ra do truyền dịch quá nhiều và với tốc độ nhanh.

Đối với sản phụ mang thai mắc một số bệnh lý nêu ở trên, tình trạng phù phổi cấp có thể xuất hiện trong thai kỳ, trong lúc chuyển dạ hoặc thậm chí ngay cả sau lúc sinh đẻ.

Bệnh lý này dễ có nguy cơ dẫn đến tử vong cho cả mẹ lẫn con nếu không được phát hiện, chẩn đoán xác định và xử trí can thiệp kịp thời. Thực tế tại một số địa phương, đặc biệt ở tuyến đầu có các trường hợp phù phổi cấp xảy ra cho sản phụ trong khi chuyển dạ nhưng phát hiện muộn và xử trí chưa tích cực, dẫn đến điều đáng tiếc.

Tiền sản giật
Sản phụ mắc tiền sản giật có nguy cơ phù phổi cao hơn bình thường

3. Dấu hiệu phù phổi cấp

Sản phụ có biểu hiện khó thở đột ngột, nhịp thở nhanh, ho nhiều, môi và các đầu chi tím tái, tinh thần hốt hoảng, tức ngực, vã nhiều mồ hôi, chân tay lạnh. Từ triệu chứng ho khan lúc đầu dần chuyển sang ho khạc ra đờm với bọt màu hồng ngày càng nhiều.

Bác sĩ nghe tim sản phụ sẽ ghi nhận được nhịp tim nhanh trên 100 lần mỗi phút kèm theo các tiếng tim bệnh lý, đôi khi còn có tiếng ngựa phi. Đo huyết áp sẽ thấy tăng cao hoặc bị kẹt. Áp lực tĩnh mạch trung ương cao, có dấu hiệu tĩnh mạch cổ nổi. Chụp phim X - quang có dấu hiệu phổi mờ.

4. Các yếu tố ảnh hưởng đến phù phổi cấp

  • Mức độ nặng hay nhẹ của bệnh tim, trong đó điển hình nhất là hẹp van 2 lá là yếu tố ảnh hưởng đến biến chứng phù phổi (70 - 90%). Hẹp van càng nhiều thì bệnh càng nặng và biến chứng càng nhiều.
  • Số lần sinh: những người sinh con so có bệnh tim nguy cơ xảy ra thấp hơn so với người đẻ nhiều.
  • Tuổi thai: thai càng lớn biến cố tim sản xảy ra càng nhiều.
    • 25% trong thai nghén.
    • 50% xảy ra trong thời kỳ chuyển dạ và sổ rau.
    • 25% xảy ra ở thời kỳ hậu sản.
  • Các bệnh lý cao huyết áp trong thai kỳ, nhất là tiền sản giật nặng, khiến cơn phù phổi cấp có nhiều thuận lợi xảy ra khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng hay tủy sống.
  • Người ta cũng thấy rằng phù phổi cấp cũng có thể xảy ra ở giai đoạn hậu sản, đây là giai đoạn cao điểm, có thể trầm trọng hơn so với lúc mang thai, thông thường huyết áp sẽ tăng lên trở lại với trị số cao từ giờ thứ 12 sau sinh. Đây là giai đoạn dễ có suy tim và phù phổi cấp, nguy cơ sẽ gia tăng nếu có phù nhiều, truyền dịch nhiều khi đẻ. Việc truyền dịch quá nhiều gây ra quá tải tuần hoàn.
  • Sử dụng corticoides để trưởng thành phổi của thai nhi sẽ làm giữ muối và nước, đặc biệt nếu đồng thời có dùng các thuốc kích thích (do tính giữ muối, nước và làm hạ kali).
  • Ngoài ra phù phổi cấp còn gặp trong các trường hợp thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, sốt rét. bệnh thận, ngộ độc thuốc và các độc chất khác...
Mang thai
Những người sinh con so có bệnh tim nguy cơ xảy ra thấp hơn so với người đẻ nhiều

5. Biện pháp xử trí phù phổi cấp

Trước trường hợp sản phụ mang thai bị phù phổi cấp đã được chẩn đoán xác định, việc xử trí tích cực ban đầu rất quan trọng nhằm cứu sản phụ qua khỏi cơn nguy kịch, hạn chế tử vong. Lưu ý cần kêu gọi một số người đến giúp đỡ, hỗ trợ và cấp cứu sản phụ. Kiểm tra và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như: mạch, huyết áp, nhịp thở, nghe tim phổi. Bảo đảm sự thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho sản phụ nằm đầu cao, hút đờm dãi làm thông đường hô hấp, cho thở oxy. Lập đường truyền tĩnh mạch để sử dụng đưa thuốc vào cơ thể khi cần thiết.

Phải tư vấn, giải thích cho gia đình biết tình trạng nặng của bệnh lý, nguy cơ có thể xảy ra cho cả mẹ lẫn con. Nếu ở tuyến y tế xã, phường, thị trấn: tiêm ngay cho sản phụ bằng đường dưới da 10mg morphin và chuyển ngay lên tuyến trên với nhân viên y tế đi kèm, cần cho sản phụ thở oxy nếu có, đặt tư thế đầu cao khi di chuyển.

Đối với tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trở lên: cho sản phụ ngồi thẳng để chân thõng xuống, đặt ga-ro ở 3 chi và luân chuyển, đặt nội khí quản và hút đờm dãi, cho thở oxy 60% với dung lượng 8 - 12 lít trong mỗi phút. Tiêm tĩnh mạch thuốc lợi tiểu, khi cần thiết có thể tăng liều tùy thuộc vào lượng nước tiểu và tình trạng khó thở của sản phụ. Dùng thuốc trợ tim như Cedilanid 0.4mg với liều lượng 1 - 2 ống. Tiêm dưới da 10mg morphin, nếu cần thì phải trích máu tĩnh mạch và khuyến cáo nên trích khoảng 300ml máu.

Nếu phù phổi cấp do tổn thương, phải đặt nội khí quản và cho thở máy, hô hấp viện trợ, thở oxy. Truyền tĩnh mạch thuốc dopamin, truyền huyết tương. Sử dụng kháng sinh liều cao, tiêm tĩnh mạch thuốc Methylprednisolon 30mg cách 4 giờ một lần.

Về xử trí sản khoa có thể phẫu thuật mổ lấy thai khi tình trạng sản phụ cho phép hoặc đặt forceps để hỗ trợ sinh khi đủ điều kiện.

6. Dự phòng phù phổi cấp khi chuyển dạ

Thuốc
Sử dụng thuốc giảm đau, an thần trong khi chuyển dạ

Phối hợp cả các biện pháp nội khoa và sản khoa:

  • Sử dụng thuốc giảm đau, an thần trong khi chuyển dạ, lựa chọn các thuốc không làm tim đập nhanh.
  • Nếu được thì gây tê thần kinh thẹn hoặc gây tê vùng cho đẻ.
  • Thở đầy đủ oxy trong chuyển dạ và sau đẻ.
  • Tránh để chảy máu quá mức sau đẻ, nếu bị sẽ khó hồi sức.
  • Hạn chế sử dụng thuốc co bóp tử cung ở giai đoạn này nếu không có tình trạng chảy.
  • Máu.
  • Tránh mổ lấy thai nếu không có chỉ định rõ về lý do sản khoa.
  • Chuẩn bị tốt khi gây mê.
  • Đề phòng các bệnh nhiễm trùng phổi cấp tính.
  • Khi chấn thương phải được giảm đau tốt.
  • Điều trị sớm các trường hợp nhiễm trùng nặng.
  • Hạn chế đưa một lượng dịch lớn vào cơ thể.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

766 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan