Bài tập tốt cho người sa tử cung

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tử cung bị sa có thể gây ra các triệu chứng như quan hệ tình dục đau đớn, cảm giác nặng nề ở âm đạo. Trong một số trường hợp, có thể giảm bớt triệu chứng hoặc đảo ngược tình trạng sa tử cung nhẹ bằng cách thực hiện các bài tập cơ vùng chậu kết hợp biện pháp tự chăm sóc khác.

1. Triệu chứng của sa tử cung

Sa tử cung là tình trạng tử cung bị sa ra ngoài và đẩy vào âm đạo. Điều này xảy ra khi các cơ vùng chậu và mô liên kết trở nên quá yếu để hỗ trợ các cơ quan vùng chậu.

Sa tử cung có thể xuất hiện ở bất kỳ phụ nữ nào, tuy nhiên bệnh thường xảy ra hơn đối với phụ nữ sau sinh, thường xuyên vận động, mang vác nặng, phụ nữ tiền mãn kinh. Những yếu tố như mang thai đôi hoặc đa thai, thai nhi quá lớn, sinh khó... sẽ làm tăng nguy cơ bị sa tử cung sau sinh.

Sa tử cung nhẹ thường không có triệu chứng gì. Nhưng khi tử cung đã sa vào âm đạo thì có thể gây ra một loại các triệu chứng ảnh hưởng đến âm đạo, vùng bụng và lưng dưới, chẳng hạn như:

  • Đau, áp lực, cảm giác nặng nề trong âm đạo.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Khó tiểu.
  • Đau khi quan hệ tình dục.
  • Vấn đề về ruột.
  • Tiết dịch âm đạo hoặc chảy máu.

Bài tập cho người sa tử cung có thể làm dịu các triệu chứng. Tuy nhiên, đối với sa tử cung nặng thì có thể yêu cầu điều trị bổ sung.

2. Bài tập cho người sa tử cung

Bài tập cho người sa tử cung thường được sử dụng là các bài tập sàn chậu, hay còn gọi là bài tập Kegel. Nó được biết là giúp tăng cường cơ bắp và hỗ trợ các cơ quan vùng chậu. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bài tập sàn chậu có thể làm giảm tình trạng cũng như triệu chứng của sa tử cung.

Cách thực hiện bài tập Kegel:

  • Ngồi thẳng lưng, chân chạm sàn và hai chân hơi dạng ra.
  • Nằm xuống với đầu gối cong và bàn chân trên giường hoặc sàn nhà.
  • Tiếp tục thở bình thường.
  • Kéo lên, thắt chặt các cơ xung quanh âm đạo cũng như hậu môn để các cơ được ép vào và lên.
  • Giữ trong 3 giây.
  • Thư giãn trong 3 giây.
  • Lặp lại tối đa 10 lần.
  • Thực hiện các bài tập sàn chậu 3 lần/ngày. Tăng thời gian giữ lên 1 giây mỗi ngày cho đến khi bạn đạt được 10 giây.

Nếu bị đau hoặc rò rỉ khi hắt hơi, ho hoặc cười, bạn nên thực hiện theo hướng dẫn sau:

  • Thực hiện bài tập tương tự nhưng chỉ giữ và thư giãn trong 1 giây. Lặp lại động tác này 10 lần.
  • Tập Kegel 3 lần một ngày trong 6 tháng hoặc cho đến khi bác sĩ khuyên sử dụng cách điều trị khác.
  • Kegel quá nhiều sẽ không giúp ích gì và thậm chí có thể gây ra nhiều vấn đề hơn, vì vậy đừng lạm dụng.
  • Sau 6 tháng, một lần mỗi ngày có thể đủ để giữ cho cơ bắp ở trạng thái tốt.

Nếu gặp khó khăn khi ghi nhớ bài tập Kegel, bạn có thể áp dụng những ứng dụng hoặc nhờ sự trợ giúp của huấn luyện viên Kegel để gửi lời nhắc, giúp bạn luôn có động lực.

Sa tử cung
Bài tập sàn chậu có thể làm giảm tình trạng cũng như triệu chứng của sa tử cung.

3. Các bài tập cần tránh

Việc gắng sức nhiều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sa tử cung. Do đó, bạn cần thảo luận với bác sĩ trước khi thực hiện các hoạt động liên quan đến:

  • Nhảy.
  • Thể dục nhịp điệu.
  • Nâng tạ.

4. Các lựa chọn điều trị sa tử cung khác

4.1. Vật lý trị liệu

Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia vật lý trị liệu khi bị sa tử cung. Liệu pháp sàn chậu có thể được điều chỉnh theo nhu cầu và theo dõi bởi các nhà trị liệu.

Phản hồi sinh học kết hợp với thói quen tập sàn chậu có thể đảm bảo co hồi các cơ khi tập thể dục. Điều này sẽ giúp tăng hiệu quả của quá trình tập luyện.

4.2. Pessary

Pessary là dụng cụ dạng cao su dùng để hỗ trợ các cơ quan vùng chậu. Chúng có nhiều hình dạng và kích cỡ, vì vậy bạn có thể được bác sĩ tư vấn để chọn loại vừa vặn với mình.

Bạn cũng sẽ học cách lắp và tháo nó ra một cách an toàn, học cách vệ sinh thiết bị sau khi sử dụng. Pessary có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị ngắn hạn hoặc dài hạn.

4.3. Phẫu thuật

Các lựa chọn phẫu thuật sa tử cung bao gồm:

  • Sửa chữa mô tự nhiên: Khâu phần bị sa vào dây chằng hoặc cơ trong xương chậu.
  • Sửa chữa lưới phẫu thuật: Khi các mô không đủ cứng, lưới được sử dụng để giúp giữ tử cung tại chỗ.
  • Phẫu thuật cắt bỏ: Thủ thuật này thu hẹp hoặc đóng âm đạo để hỗ trợ các cơ quan bị sa. Tuy nhiên, sau phẫu thuật này không thể quan hệ tình dục được nữa.

Tử cung có thể bị trượt khi các cơ vùng chậu và mô liên kết yếu đi và không còn có thể hỗ trợ đầy đủ. Có một số lý do khiến điều này có thể xảy ra, bao gồm:

  • Thai kỳ.
  • Sinh qua đường âm đạo hoặc hỗ trợ.
  • Táo bón hoặc thường xuyên căng thẳng.
  • Ho mãn tính.
  • Thừa cân và béo phì.
  • Thiếu estrogen do mãn kinh.
  • Lão hóa.
  • Thường xuyên nâng vật nặng.
  • Bài tập có tác động cao.

Theo thời gian, mức độ nghiêm trọng của sa có thể trở nên tồi tệ hơn.

Sa tử cung
Có nhiều lựa chọn phẫu thuật sa tử cung.

5. Phòng ngừa sa tử cung

Một số biện pháp tự chăm sóc có thể cải thiện các triệu chứng hoặc ngăn ngừa tình trạng sa tử cung trở nên tồi tệ hơn. Cụ thể:

  • Tránh rặn khi đi tiêu. Sử dụng bệ để chân nhằm nâng cao chân hoặc nghiêng người về phía trước để nước tiểu dễ ra.
  • chế độ ăn giàu chất xơ và uống nhiều nước để tránh táo bón.
  • Điều trị ho mãn tính.
  • Không nâng vật nặng.
  • Giảm cân nếu bị thừa cân.

Không phải lúc nào bệnh sa tử cung cũng cần đến sự can thiệp của y tế. Nhưng nếu có, phương pháp điều trị phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
  • Tuổi tác.
  • Mong muốn giữ tử cung của bạn.
  • Các mối quan tâm khác về sức khỏe.

6. Khi nào cần nói chuyện với bác sĩ

Nếu bị sa nhẹ, bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng hãy gặp bác sĩ nếu:

Điều quan trọng là phải được chẩn đoán đúng vì các triệu chứng sa tử cung tương tự như sa bàng quang, trực tràng và sa vòm âm đạo.

Khi đi khám, bạn có thể được thăm khám trực tiếp vùng chậu và trực tràng, thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để hỗ trợ chẩn đoán. Từ kết quả thăm khám và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận và các hướng dẫn tiếp theo cho bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan