Thai nhi 36 tuần bị đa ối, phải làm sao?

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Tình trạng đa ối có thể khiến cho tử cung của thai phụ trở năng quá căng và dẫn tới sinh non, vỡ ối sớm hoặc nguy hiểm hơn là khiến thai nhi bị dị tật, bong nhau thai, sa dây rốn...

1. Sự thành lập nước ối và tác dụng của nước ối

Túi ối sẽ được hình thành vào khoảng ngày thứ 12 của thai kỳ sau khi trứng đã thụ tinh thành công. Trong giai đoạn 3 tháng đầu, nước ối tương tự như huyết tương của người mẹ và có tính đẳng trương, đến giai đoạn tiếp theo thì trở nên nhược trương. Thể tích của nước ối sẽ tăng dần cho đến đầu của giai đoạn cuối thai kỳ. Từ tuần thứ 37 đến tuần thai thứ 41 thể tích nước ối có thể sẽ giảm đi 10% và đến tuần thứ 42 trở đi thì thể tích nước ối sẽ giảm đi rất nhanh.

Tác dụng của nước ối:

  • Giúp ích cho quá trình bình chỉnh của thai nhi
  • Trao đổi nước, điện giải giữa mẹ và thai nhi
  • Điều hòa thân nhiệt cho thai nhi khi nằm trong bụng mẹ
  • Cho phép thai cử động tự di trong tử cung dễ dàng hơn
  • Giúp cho sự xóa mở cổ tử cung trong quá trình chuyển dạ
  • Bảo vệ thai nhi khỏi mọi sự sang chấn trực tiếp lên tử cung.
Thể tích nước ối
Nước ối có tác dụng bảo vệ thai nhi

2. Đa ối là gì?

Đa ối là khi lượng nước ối trên 2000ml, được chẩn đoán khi bác sĩ siêu âm đo chỉ số ối AFI (amniotic fluid index) lớn hơn hoặc bằng 25 cm hoặc đo chỉ số khoang ối lớn nhất DVP (Deepest Vertical Pool) lớn hơn hoặc bằng 8 cm

Đa ối ở tháng cuối thai kỳ (đa ối tuần 36) tiềm ẩn một số nguy cơ:

  • Quá nhiều nước ối có thể làm cho tử cung của người mẹ trở nên quá căng và có thể dẫn tới sinh non hoặc vỡ màng ối sớm (túi nước ối). Khi ối vỡ sẽ làm giảm áp lực đột ngột trong buồng ối làm tăng nguy cơ nhau bong non và sa dây rốn. Đây là 2 biến chứng rất nguy hiểm trong sản khoa
  • Đa ối cũng có liên quan đến dị tật bẩm sinh ở bào thai: Đa ối xuất hiện muộn có thể gặp trong dị tật tắc ruột thấp, các bất thường về thần kinh thai nhi hoặc trong bệnh lý nhiễm trùng bào thai như nhiễm Parvovirus, Cytomegalovirus... Nếu xét nghiệm tầm soát trước sinh ở quý 1 và quý 2 cho kết quả bình thường, đa số những trục trặc này là tạm thời và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi.
AFI Đa ối
Tổng chỉ số 4 góc ối (AFI) >25cm

  • Đa ối thường làm cho thai nhi xoay sở hoặc bình chỉnh không tốt, điều này có thể dẫn đến thai bị ngược hoặc trong quá trình chuyển dạ thai nhi cúi không tốt làm tăng nguy cơ mổ lấy thai
  • Đa ối còn làm tăng nguy cơ chảy máu và băng huyết sau sinh do tử cung căng giãn quá mức, sau sinh sẽ có nguy cơ tử cung go hồi kém
  • Ngoài ra, vì đa ối sẽ tăng mức độ chèn ép lên hệ thống mạch máu của thai phụ nên thai phụ sẽ có biểu hiện khó thở, mệt mỏi, phù nhiều, nguy cơ tăng huyết áp hoặc bệnh lý tiền sản giật.

3. Các nguyên nhân gây đa ối khi mang thai

  • Nguyên nhân do người mẹ

Đái tháo đường trước hoặc trong khi mang thai là nguyên nhân thường gặp. Nếu không được kiểm soát một cách thích hợp rất dễ đa ối. Có 10% phụ nữ mang thai bị đa ối bị đái tháo đường.

Kháng thể kháng Rh và các bệnh tán huyết thứ phát do kháng thể bất thường có thể gây tình trạng thiếu máu thai nhi trầm trọng hoặc phù thai nhi có liên quan đến tình trạng đa ối.

Loạn dưỡng tăng trương lực cơ (ít gặp).

  • Nguyên nhân do nhau thai

U mạch máu màng đệm có thể gây suy tim thai nhi và dẫn đến tình trạng đa ối.

Các bệnh lý viêm nội mạc tử cung hoặc gây thương tổn bánh rau (giang mai).

  • Nguyên nhân do thai nhi

Bất thường hệ thống thần kinh trung ương thai nhi (vô sọ, khuyết tật ống nơ ron thần kinh).

Khuyết tật cấu trúc hệ thống tiêu hóa (tắc ống thực quản hoặc ống tiêu hóa).

Bất thường nhiễm sắc thể thai nhi

Phù thai không do yếu tố miễn dịch: Đây là hiện tượng có tiên lượng rất xấu và thường liên quan đến đa ối. Trường hợp điển hình có tình trạng phù rau thai.

Hội chứng truyền máu song thai là một rối loạn có tiên lượng xấu, xuất hiện với tỷ lệ 15% trong thai nghén song thai một màng đệm, hai túi ối, là biến chứng do đa ối ở thai nhận máu.

Nhiễm sắc thể
Bất thường nhiễm sắc thể thai nhi gây đa ối khi mang thai

4. Đa ối tuần 36 có nên sinh con sớm không?

Mẹ bị đa ối tuần 36, 37 nếu như không có triệu chứng của đa ối cấp gây chèn ép tim phổi thai phụ như mệt ngực, khó thở nhiều, bụng luôn căng cứng thì không nên sinh sớm. Thai phụ vẫn cứ theo dõi thai nghén bình thường, khám thai hàng tuần để theo dõi toàn trạng thai phụ, độ tăng trưởng của thai nhi và tình trạng ối.

Hướng dẫn theo dõi, khám, chăm sóc với sản phụ có đa ối tuần 36 trở lên:

  • Thai phụ bị đa ối cần chú ý lựa chọn thực phẩm tránh tình trạng dư nước ối thêm trầm trọng. Mẹ bầu có thể áp dụng một số gợi ý dưới đây:
  • Đảm bảo số lượng protein và chất đạm trong khẩu phần ăn hằng ngày. Các loại hải sản và thịt động vật cần được ưu tiên.
  • Ăn nhiều rau xanh nhưng hạn chế các loại rau chứa nhiều nước. Đặc biệt, không nên chế biến chúng dưới dạng canh/soup.
  • Hạn chế ăn trái cây mọng nước như cam, bưởi, dưa hấu... Thay thế bằng những hoa quả khác nhiều chất xơ và vitamin như táo, lê, chuối, đu đủ,...
  • Mẹ bầu chỉ nên uống từ 1, 5 - 2 lít mỗi ngày
  • Muối có khả năng giữ nước trong cơ thể nên tuyệt đối không ăn mặn.
  • Thai phụ cần được khám thai theo dõi hàng tuần để đánh giá tình trạng mẹ, tình trạng ối và ngôi thai, theo dõi tim thai để đánh giá sức khỏe thai
  • Chú ý theo dõi những biểu hiện bất thường của cơ thể và thông báo ngay cho bác sĩ biết, đặc biệt là khi mẹ nhận thấy mình bị rỉ ối, vỡ ối, bụng trở nên căng cứng đau nhiều, khó thở không rõ nguyên nhân..

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan