Mật ong: Bài thuốc chữa ho hiệu quả?

Khi so sánh tính hiệu quả của phương pháp chữa ho bằng mật ong với việc sử dụng các loại thuốc ho hoặc kháng histamine do nhiễm trùng đường hô hấp trên cho thấy kết quả đáng kinh ngạc. Việc sử dụng mật ong chữa ho có thể làm giảm hoặc dịu cơn ho tốt hơn nhiều so với các loại thuốc đó.

1. Ho là tình trạng gì?

Nhìn chung, ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể, giúp cổ họng làm sạch đờm cũng như các chất gây kích thích khác. Tuy nhiên, tình trạng ho kéo dài có thể là dấu hiệu và triệu chứng đáng chú ý của một số căn bệnh, chẳng hạn như nhiễm vi rút, dị ứng hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn.

Đôi khi, cơn ho không nhất thiết liên quan đến các vấn đề về phổi, nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ho.

Bạn có thể điều trị ho do dị ứng, cảm lạnh và viêm xoang bằng một số loại thuốc không kê đơn (OTC). Đối với trường hợp ho do nhiễm trùng bởi vi khuẩn, bệnh nhân có thể cần sử dụng đến thuốc kháng sinh để điều trị bệnh.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các phương pháp trị ho đơn giản theo cách dân gian, ví dụ như chữa ho bằng mật ong.

2. Chữa ho bằng mật ong có thực sự hiệu quả?

Từ xa xưa, người ta đã truyền tai nhau về cách chữa ho bằng mật ong. Thực tế, mật ong không thể giúp cơn ho của bạn biến mất hoàn toàn, nhưng nó được xem là một phương thuốc làm dịu và giảm cơn ho hiệu quả. Điều này là do mật ong hoạt động như một loại thuốc làm dịu các màng nhầy ở cổ họng, kích thích cơn ho. Ngoài ra, mật ong cũng chứa các chất chống oxy hoá và một số đặc tính kháng khuẩn khác, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình điều trị ho.

Mặc dù có nhiều bằng chứng ủng hộ việc sử dụng mật ong chữa ho, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiêu thụ một thìa mật ong có thể giúp làm giảm các triệu chứng liên quan đến ho ở người lớn và trẻ em trên 1 tuổi.

Khi so sánh tính hiệu quả của phương pháp chữa ho bằng mật ong với việc sử dụng các loại thuốc ho (dextromethorphan) hoặc thuốc kháng histamine (diphenhydramine) cho tình trạng ho hàng đêm do nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ em đã cho thấy kết quả đáng kinh ngạc. Cụ thể, việc sử dụng mật ong chữa ho có thể làm giảm hoặc dịu cơn ho tốt hơn nhiều so với các loại thuốc trên.

Một cuộc nghiên cứu gần đây đã thử nghiệm trên 3 loại mật ong khác nhau, bao gồm mật ong hoa bạch đàn, mật ong hoa quýt và mật ong labiatae đã cho thấy, khi sử dụng để chữa ho do nhiễm trùng đường hô hấp trên đều giúp giảm tần suất và mức độ ho tốt hơn so với việc dùng giả dược.

Ngoài ra, khi trẻ em và người lớn chữa ho bằng mật ong cũng giúp chất lượng giấc ngủ vào ban đêm được cải thiện đáng kể, ít bị các cơn ho làm gián đoạn. 

chữa ho bằng mật ong
Chữa ho bằng mật ong cũng giúp chất lượng giấc ngủ vào ban đêm.

3. Những đối tượng có thể sử dụng mật ong chữa ho?

Các phương pháp chữa ho bằng phương pháp này thường bao gồm sự kết hợp mật ong với các cách điều trị khác hoặc đơn giản chỉ sử dụng mật ong là đủ.

Thực tế, mật ong khá dễ kiếm và có giá thành tương đối phù hợp với “túi tiền” của người dân. Hơn nữa, đây là một phương thuốc điều trị ho không gây ra bất kỳ nguy cơ tương tác thuốc nào.

Ngoài nguy cơ bị dị ứng với mật ong, hầu như bất kỳ người trưởng thành nào cũng có thể sử dụng mật ong chữa ho hoặc giúp làm dịu các cơn ho khó chịu của mình. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không nên cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi uống mật ong, vì nó có thể gây ra tình trạng ngộ độc Botulism (một loại ngộ độc hiếm gặp do chất độc tấn công vào các dây thần kinh của cơ thể).

Trong mật ong có thể chứa Clostridium botulinum, đây là một loại vi khuẩn có ở đất. Thông thường, hệ tiêu hoá của hầu hết những người trưởng thành đều có thể xử lý các bào tử này, nhưng hệ thống tiêu hoá của trẻ sơ sinh còn quá non nớt, điều này có thể khiến cho vi khuẩn phát triển và tạo ra độc tố trong đường ruột. Tình trạng ngộ độc Botulisim có thể gây yếu cơ và các vấn đề về hô hấp, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Ngoài ra, các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ cũng khuyến cáo rằng, trẻ em dưới 6 tuổi không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị ho hay cảm lạnh nào khi chúng chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả khi sử dụng, thậm chí có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Đối với trẻ em trên 12 tháng tuổi, bạn hoàn toàn có thể cho bé sử dụng mật ong chữa ho mà không cần lo lắng đến ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe trẻ.

4. Cách sử dụng mật ong chữa ho

Để chữa ho bằng mật ong, bạn có thể tự tạo phương pháp khắc phục và làm dịu cơn ho ngay tại nhà bằng cách ngâm mật ong (khoảng 2 thìa cà phê) cùng với trà thảo mộc, chanh hoặc pha với nước ấm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng mật ong chữa ho bằng cách phết chúng lên bánh mì hoặc thay thế đường cho một số loại đồ uống. Tuy nhiên, mật ong có thể cung cấp lượng calo đáng kể vào chế độ ăn uống, do đó bạn nên cố gắng duy trì tiêu thụ không quá 6 thìa cà phê mật ong vào mỗi ngày.

chữa ho bằng mật ong
Để chữa ho bằng mật ong, bạn có thể ngâm mật ong cùng với chanh hoặc nước ấm.

5. Các biện pháp tự nhiên khác giúp chữa ho hiệu quả

Ngoài cách chữa ho bằng mật ong, bạn cũng có thể làm dịu các triệu chứng của tình trạng ho thông qua các biện pháp tự nhiên khác sau đây:

  • Bổ sung men vi sinh (Probiotics): Đây là những vi sinh vật giúp cung cấp nhiều lợi ích ấn tượng đối với sức khỏe. Mặc dù chúng không có khả năng giảm ho trực tiếp nhưng lại giúp cân bằng được hệ vi sinh vật đường tiêu hoá một cách hiệu quả. Nhờ vào sự cân bằng này có thể hỗ trợ cho chức năng của hệ miễn dịch trong toàn bộ cơ thể bạn. Hiện nay, bạn có thể bổ sung thêm men vi sinh vào chế độ ăn uống của mình nhằm giúp hỗ trợ điều trị ho thông qua các loại thực phẩm như sữa chua, súp miso, kim chi, dưa cải bắp, bột chua hoặc rượu kêfia.
  • Lá bạc hà: Bên cạnh việc sử dụng phương pháp chữa ho bằng mật ong, bạn cũng có thể dùng lá bạc hà để làm dịu cổ họng cũng như giúp thông mũi và loại bỏ các dịch nhầy. Các cơn ho và triệu chứng của nó có thể thuyên giảm đáng kể khi bạn uống trà bạc hà hoặc xông hơi với tinh dầu bạc hà.
  • Cỏ xạ hương: Loại thực vật có hoa này thường được nhiều người sử dụng để chữa bệnh đường hô hấp. Một số bằng chứng cho thấy, tinh chất chiết xuất từ lá cỏ xạ hương kết hợp với cây thường xuân có thể giúp làm giảm ho cũng như tình trạng viêm phế quản trong một thời gian ngắn. Thực chất, trong lá cỏ xạ hương chứa hợp chất flavonoid, có tác dụng giãn các cơ ở cổ họng, từ đó giúp giảm ho và tình trạng viêm. Bạn có thể pha trà cỏ xạ hương ngay tại nhà bằng cách sử dụng 2 thìa cà phê bột cỏ xạ hương được nghiền nát cùng với 1 cốc nước sôi. Sau khi ngâm cỏ xạ hương trong nước sôi khoảng 10 phút, bạn có thể lọc bã và thưởng thức phần nước trà.
  • Súc miệng bằng nước muối: Đây là một biện pháp đơn giản, giúp bạn làm dịu tình trạng ngứa cổ họng gây kích thích cơn ho. Bạn có thể pha 1⁄4 - 1⁄2 thìa cà phê muối cùng với khoảng 235 ml nước ấm.

6. Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng ho?

Ngoài việc tìm hiểu các cách điều trị ho, bạn cũng nên trang bị cho mình một số biện pháp giúp phòng ngừa tình trạng này ngay từ ban đầu, bao gồm:

  • Tiêm phòng cúm hàng năm.
  • Tránh tiếp xúc với những người bị ho hoặc cảm cúm.
  • Che mũi và miệng bất cứ khi nào hắt hơi hoặc ho.
  • Uống nhiều nước nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng chất lỏng cần thiết cho cơ thể.
  • Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh các khu vực chung trong nhà, trường học hoặc nơi làm việc. Cần vệ sinh sạch sẽ các nơi bạn thường xuyên tiếp xúc như mặt bàn, điện thoại, sách vở.
  • Chú ý rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi ho, đi vệ sinh, ăn uống hoặc chăm sóc người bệnh.

Nếu bạn bị ho do dị ứng, bạn có thể làm giảm thiểu các đợt bùng phát bằng cách xác định rõ các chất gây ảnh hưởng đến mình và tránh tiếp xúc với chúng. Các chất gây dị ứng phổ biến thường bao gồm phấn hoa, mạt bụi, cây cối, lông động vật, côn trùng hoặc nấm mốc. Ngoài ra, những người có nguy cơ cao bị dị ứng cũng nên đi chích ngừa nhằm làm giảm sự nhạy cảm của cơ thể đối với các chất gây kích ứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Verywellhealth.com, Healthline.com, Mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

101.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • cedex
    Công dụng thuốc Cedex

    Cedex là thuốc điều trị ho có đờm, ho do dị ứng, kích thích đường hô hấp. Thuốc Cedex chứa 3 hoạt chất chính là Guaifenesin 100mg; Cetirizin hydroclorid 5mg; Dextromethorphan hydrobromid 15mg. Cùng tìm hiểu cách dùng thuốc Cedex ...

    Đọc thêm
  • Toprevin
    Công dụng thuốc Toprevin

    Toprevin là một loại thuốc kết hợp nhiều thành phần, được sử dụng trong điều trị các trường hợp ho do kích ứng hay dị ứng. Để hiểu hơn về công dụng của thuốc bạn hãy tham khảo thông qua ...

    Đọc thêm
  • Nacantuss
    Công dụng thuốc Nacantuss

    Nacantuss thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp, được dùng để điều trị các bệnh như ho khan, ho do cảm cúm, ho do dị ứng. Thuốc Nacantuss được sử dụng dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.

    Đọc thêm
  • thuốc Acough
    Công dụng thuốc Acough

    Thuốc Acough có thành phần chính chứa hoạt chất Dextromethorphan HBr với hàm lượng 15mg. Thuốc thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp. Vậy Acough có công dụng gì và được sử dụng như thế nào?

    Đọc thêm
  • toptussan
    Công dụng thuốc Toptussan

    Toptussan là thuốc được sản xuất từ nhiều hoạt chất khác nhau có hiệu quả trong điều trị các triệu chứng ho khan, đặc biệt là ho nhiều về đêm, ho do dị ứng và ho do kích thích.

    Đọc thêm