Sốt phát ban ở trẻ em: Dấu hiệu cần đi khám

Sốt phát ban ở trẻ nhỏ do virus Herpes 6 hoặc 7 gây ra, được biểu hiện qua hiện tượng sốt và phát ban. Sốt là đáp ứng của cơ thể trước tác nhân nhiễm khuẩn, khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao. Vậy khi trẻ bị sốt phát ban khi nào cần đi khám?

1. Dấu hiệu sốt phát ban ở trẻ em

Sốt phát ban ở trẻ em là tình trạng thân nhiệt của trẻ cao hơn bình thường (sốt) và xuất hiện những đốm nhỏ (phát ban). Nếu được nghỉ ngơi và chăm sóc đúng cách, trẻ bị sốt phát ban sẽ khỏi sau 7 - 10 ngày và không để lại biến chứng. Các dấu hiệu sốt phát ban ở trẻ nhỏ bao gồm:

Trẻ sốt cao, có thể trên 39 độ C kèm các triệu chứng như: đau họng, ho, chảy nước mũi. Sốt thường biểu hiện sau 1 - 2 tuần kể từ khi trẻ mắc bệnh và kéo dài từ 3 - 5 ngày.

Sau khi trẻ bị sốt, các nốt ban xuất hiện giống như những đốm nhỏ hoặc sưng lên. Thông thường các vết ban có màu hồng hoặc đốm, một số đốm ban có vòng màu trắng bao quanh. Các nốt ban lan rộng từ vùng ngực, lưng, bụng tới cổ, cánh tay. Chúng có thể biến mất sau vài ngày và không gây ngứa cho trẻ.

Sốt phát ban ở trẻ
Sau khi trẻ bị sốt, các nốt ban xuất hiện giống như những đốm nhỏ hoặc sưng lên

Các triệu chứng khác: Ngoài hai dấu hiệu cơ bản là sốt và phát ban đặc trưng, Sốt phát ban ở trẻ nhỏ có thể gây ra một số triệu chứng khác như: sưng mắt, tiêu chảy, mệt mỏi, biếng ăn, sổ mũi....

2. Khi nào trẻ bị sốt phát ban cần đi khám?

Sốt phát ban do virus gây nên, do đó bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị kháng sinh. Hiện tượng sốt là dấu hiệu hệ miễn dịch của cơ thể đang chống lại tác nhân nhiễm khuẩn, do đó trong đa số trường hợp, trẻ bị sốt có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên cha mẹ cần chú ý đến hành vi và nhiệt độ cơ thể của trẻ để cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi cần thiết. Trẻ được coi là sốt khi đo nhiệt kế hiển thị:

  • Nhiệt độ ở trực tràng > 100.4oF (38oC)
  • Nhiệt độ miệng > 99.5oF (37.5oC)
  • Nhiệt độ nách > 99oF (37.2oC)
  • Nhiệt độ tai > 100.4o (38oC)

Trường hợp cha mẹ cần đưa trẻ đi khám khi có những dấu hiệu dưới đây:

  • Sốt phát ban kéo dài hơn 7 ngày.
  • Phát ban không chuyển biến tốt sau 3 ngày.
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt trên 38oC, ngay cả khi trẻ không quấy khóc, vẻ ngoài vẫn có vẻ tốt.
Sốt siêu vi phát ban ở trẻ em
Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám khi trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt trên 38oC

  • Trẻ trên 3 tháng tuổi sốt trên 38oC trong hơn 3 ngày. Hoặc vẻ ngoài của trẻ không tốt: Quấy khóc, bỏ bú, bứt rứt, mệt mỏi.
  • Trẻ từ 3 - 36 tháng sốt trên 38,9oC hoặc trẻ nhỏ sốt trên 40oC.
  • Trẻ bị sốt cao co giật. Không đáp ứng thuốc hạ sốt.
  • Trẻ có bệnh nền: tim mạch, ung thư, lupus, hồng cầu liềm ...
  • Trẻ sốt kèm mất nước do nôn, tiêu chảy, Đau đầu, thở nhanh....
  • Tình trạng không cải thiện dù đã được thăm khám hoặc xuất hiện những triệu chứng mới.

Khi trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám và có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

3. Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị sốt phát ban tại nhà

  • Hạ sốt cho trẻ:

Khi trẻ bị sốt phát ban, cha mẹ cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ, hạ nhiệt khi cần thiết để trẻ dễ chịu. Thuốc hạ sốt chỉ được sử dụng khi trẻ sốt 38.5 độ C trở lên và sẽ ngưng khi các triệu chứng không còn. Thuốc hạ sốt hiệu quả cho trẻ em là Acetaminophen hay Ibuprofen. Acetaminophen có thể dùng mỗi liều cách nhau 4 – 6 giờ, liều lượng 10 – 15 mg/kg/lần. Nếu thân nhiệt vẫn tiếp tục cao và trẻ trên 6 tháng tuổi, Ibuprofen có thể để thay thế hoặc kết hợp với Acetaminophen và sử dụng cách nhau 6 giờ, với liều 5–10 mg/kg uống mỗi 6 – 8 giờ. Liều lượng của Acetaminophen hay Ibuprofen nên được tính theo cân nặng của trẻ, không nên theo tuổi.

Trường hợp trẻ sốt dưới 38.5 độ C, cha mẹ có thể hạ sốt cho bé bằng cách chườm mát: Nới lỏng quần áo của trẻ. Dùng khăn mềm nhúng nước ấm để chườm cho bé, mỗi lần chườm không quá 10p/giờ.

  • Bù nước cho trẻ bị sốt phát ban

Trẻ bị sốt dẫn đến nguy cơ mất nước. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước. Với trẻ đang bú mẹ, cần tăng thời gian cho bé bú. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể bổ sung thêm sữa, nước trái cây, nước lọc, súp, bột...Trẻ bị sốt có thể biếng ăn, cha mẹ có thể chia giờ ăn thành nhiều bữa nhỏ và không cần thiết ép trẻ.

Sốt phát ban ở trẻ
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước

  • Tăng cường nghỉ ngơi cho trẻ

Sốt phát ban là nguyên nhân khiến trẻ bị đau nhức, mệt mỏi, khó chịu. Trong thời gian này, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi. Không ép trẻ ăn/ngủ theo quy định. Chỉ cho trẻ đi học hoặc tham gia các hoạt động khác khi trẻ đã hạ sốt và sức khỏe ổn định sau 24h.

Trẻ nhỏ lứa tuổi 6 - 15 tháng là đối tượng thường gặp của sốt phát ban do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Virus dễ dàng lây lan từ trẻ này sang trẻ khác. Do đó trong thời gian điều trị sốt phát ban ở trẻ nhỏ, cha mẹ nên theo tăng cường sức đề kháng cho trẻ, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, theo dõi các biểu hiện cơ thể để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám nếu cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

54.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan