Ai cần bổ sung vitamin B12?

Vitamin B12 là một yếu tố vi lượng rất quan trọng đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Vitamin B12 tham gia vào rất nhiều cấu trúc và quá trình chuyển hóa của tế bào. Tuy nhiên, có đến 15% người bị thiếu vitamin B12 và gần 40% đang ở ngưỡng thiếu hụt vitamin này. Vậy những đối tượng nào cần bổ sung vitamin b12?

1. Vai trò của vitamin B12 trong cơ thể?

Vitamin B12 còn được gọi với tên khác là cobalamin, đây là một loại vitamin tan trong nước quan trọng trong cơ thể. Vai trò của vitamin B12 trong cơ thể con người bao gồm:

  • Vitamin B12 giúp giữ cho các tế bào thần kinh và tế bào máu của cơ thể khỏe mạnh.
  • Vitamin B12 giúp ngăn ngừa một loại thiếu máu được gọi là thiếu máu megaloblastic (thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ), tình trạng này khiến cơ thể mệt mỏi và yếu.

Vitamin B12 được tìm thấy trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, bao gồm thịt, cá, thịt gia cầm, trứng và sữa. Tuy nhiên, nó cũng có thể được tìm thấy trong các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như một số loại bánh mì và sữa thực vật.

Tất cả các loài động vật và thực vật đều không thể tự tổng hợp được B12, mà cần có vi khuẩn tổng hợp. Trong thực phẩm, vitamin B12 đều ở dạng phức hợp với protein.

Cần hai bước để cơ thể hấp thụ được vitamin B12 từ thực phẩm. Trước tiên axit hydrochloric trong dạ dày sẽ tách vitamin B12 khỏi protein mà nó gắn vào, tiếp theo loại vitamin này kết hợp với một loại protein khác được tạo ra bởi dạ dày gọi là yếu tố nội tại và được cơ thể hấp thụ.

Một số người bị bệnh thiếu máu ác tính không thể tạo ra yếu tố nội tại sẽ gặp khó khăn trong việc hấp thu vitamin B12 từ tất cả các loại thực phẩm.

2. Những ai có nguy cơ thiếu vitamin B12?

Hầu hết mọi người đều nhận đủ lượng vitamin B12 từ thực phẩm hàng ngày. Nhưng vẫn có một số người gặp khó khăn trong việc hấp thụ vitamin này từ thực phẩm. Những trường hợp có nguy cơ thiếu vitamin B12 gồm:

  • Những người có tiền sử cắt một phần dạ dày hoặc đã và đang dùng thuốc giảm tiết dịch dạ dày kéo dài. Cơ thể của họ giảm khả năng tiết đủ axit hydrochloric trong dạ dày để có thể hấp thụ vitamin B12 có trong thực phẩm.
  • Những người bị thiếu máu ác tính: cơ thể của những bệnh nhân này không tạo ra yếu tố nội tại cần thiết để hấp thụ vitamin B12. Các bác sĩ điều trị có bổ sung vitamin B12 bằng đường tiêm, mặc dù liều vitamin B12 đường uống rất cao cũng có thể có hiệu quả.
  • Những người đã từng phẫu thuật đường tiêu hóa như phẫu thuật cắt dạ dày, hoặc bị các tình trạng rối loạn tiêu hóa như bệnh Crohn hoặc bệnh celiac thường được đánh giá là có thể làm giảm khả năng hấp thụ.
  • Những người ăn ít hoặc những người ăn chay. Vitamin B12 tự nhiên, hầu như chỉ có trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Khi phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú thực hiện chế độ ăn chay nghiêm ngặt thì trẻ cũng có thể không nhận đủ vitamin B12.

Để phòng chống tình trạng thiếu hụt vitamin B12, bạn nên thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin B12 như sữa, gan, trứng, thịt bò, cá ngừ, cá hồi, hàu, sò, cua, đậu nành, bông cải xanh...

Ăn chay
Người ăn chay có nguy cơ thiếu vitamin B12

3. Thiếu vitamin B12 gây ra những hậu quả gì?

Tình trạng thiếu vitamin B12 có thể diễn ra một cách âm thầm, có thể mất nhiều năm sau kể từ khi cơ thể thiếu hụt vitamin này, mới xuất hiện các triệu chứng. Chính vì vậy việc chẩn đoán thiếu vitamin B12 cũng tương đối phức tạp. Đồng thời tình trạng thiếu hụt vitamin B12 đôi khi có thể bị nhầm lẫn với tình trạng thiếu hụt folate.

Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu vitamin B12 thực sự bao gồm:

  • Da trở nên nhợt nhạt hoặc vàng: nhợt nhạt, da vàng và vàng mắt là những dấu hiệu điển hình của người thiếu vitamin B12. Bởi vì việc thiếu vitamin B12 sẽ gây ra vấn đề trong việc sản xuất tế bào hồng cầu của cơ thể. Vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất DNA cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu bình thường. Do đó, khi thiếu vitamin B12 sẽ khiến cho cơ thể sản xuất ra những tế bào hồng cầu bất thường. Việc này sẽ gây ra một loại thiếu máu gọi là thiếu máu megaloblastic (thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ), trong đó các tế bào hồng cầu sản xuất ra có kích thước rất lớn và dễ vỡ. Đồng thời các tế bào này dễ vỡ, khi vỡ chúng sẽ gây ra sự dư thừa của bilirubin khiến cho da và mắt của bạn có thể có màu vàng.
  • Yếu và mệt mỏi: đây là triệu chứng phổ biến của tình trạng thiếu vitamin B12, do cơ thể bạn không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khiến cho các tế bào không nhận đủ oxy, gây cảm giác mệt mỏi và yếu.

Ở người cao tuổi, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ thường xuất phát từ một tình trạng tự miễn được gọi là thiếu máu ác tính. Những người bị thiếu máu ác tính này không sản xuất đủ một loại protein quan trọng gọi là yếu tố nội tại để kết hợp với vitamin B12 trong ruột, làm giảm khả năng hấp thu vitamin này.

  • Cảm giác như kim châm ở da: một trong những tác hại nghiêm trọng hơn của tình trạng thiếu vitamin B12 trong một thời gian dài đó là tổn thương thần kinh. Một triệu chứng phổ biến của tổn thương thần kinh khi thiếu vitamin B12 đó là cảm giác như kim châm ở tay và chân. Các triệu chứng thần kinh do thiếu vitamin B12 thường xảy ra cùng với thiếu máu. Vì vậy, nếu triệu chứng này xuất hiện đơn thuần thường không phải là dấu hiệu của thiếu vitamin B12. Nếu tình trạng này không được điều trị, sự ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh do thiếu vitamin B12 khiến cho bạn khó làm chủ bước đi của mình. Thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến sự cân bằng và phối hợp của cơ thể, khiến cho bạn dễ bị té ngã.
  • Có thể viêm lưỡi, loét miệng: Lúc này lưỡi thường bị sưng và viêm, có vết thương thẳng dài trên lưỡi. Ngoài ra, một số người bị thiếu vitamin B12 có thể gặp các triệu chứng ở miệng khác như loét miệng, cảm giác như kim châm ở lưỡi hoặc cảm giác nóng rát và ngứa trong miệng.
  • Khó thở và chóng mặt: khó thở và chóng mặt cũng là những dấu hiệu điển hình của thiếu vitamin B12. Điều này xảy ra khi cơ thể bạn không thể vận chuyển đủ oxy đến tất cả các tế bào.
  • Mờ mắt: trong những trường hợp hiếm gặp, tổn thương hệ thần kinh do thiếu vitamin B12 có thể gây ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác, dẫn đến mờ mắt hoặc nhiễu loạn.
  • Thay đổi tâm trạng: một số người thiếu vitamin B12 có thể có biểu hiện tâm trạng chán nản bởi nó gây ảnh hưởng đến việc sản xuất dopamine và serotonin - các chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng. Hoặc có các biểu hiện đặc trưng bởi sự suy giảm chức năng não như chứng mất trí.
Đau đầu nhức mắt
Thiếu vitamin B12 có thể gây triệu chứng mờ mắt

4. Ảnh hưởng vitamin B12 với bệnh nhân ung thư

Vitamin B12 có tác dụng khá tốt với nhiều bệnh nhân, khi giúp cho sự phân chia và tái tạo của các tổ chức, giúp tổng hợp protein và chuyển hoá lipid, do đó giúp cho sự trưởng thành của cơ thể. Vitamin B12 tham gia phản ứng tổng hợp thymidylate - đây là một thành phần trong phân tử ADN, cung cấp nguyên liệu để tổng hợp ADN, góp phần vào quá trình phân chia và trưởng thành của các tế bào trong cơ thể. Nhưng với bệnh nhân ung thư thì khối u ác tính có những biểu hiện sinh hóa của một tổ chức đang phát triển mạnh như:

  • Tăng những chất protein có trọng lượng nhỏ.
  • Tăng loại acid amin đồng phân D.
  • Ngoài ra nó còn tăng các acid béo không bão hoà, tăng phospholipid, lecithin và cholesterol.
  • Tăng giáng hóa glucid theo con đường yếm khí

Chính vì vậy mà các bác sĩ khuyên không nên dùng vitamin B12 cho bệnh nhân ung thư, vì có thể làm tăng tốc độ phát triển của tế bào ác tính làm cho ung thư phát triển nhanh.

Ngoài ra, B12 còn không được dùng cho người mắc bệnh trứng cá, người có tiền sử dị ứng thuốc, bệnh nhân bị thiếu máu chưa rõ nguyên nhân.

5. Thiếu vitamin B12 và dị tật ở thai nhi

Nhiều người đã biết nếu người phụ nữ đang mang thai bị thiếu acid folic (vitamin B9) có nguy cơ sinh ra con hay bị dị tật nứt đốt sống thần kinh. Nhưng nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Y khoa Nijmegen, Hà Lan được công bố năm 2004 cho biết thêm nếu chỉ bổ sung riêng acid folic thôi thì chưa đủ, phụ nữ đang mang thai còn cần bổ sung thêm cả vitamin B12.

Nghiên cứu này được tiến hành trên 45 bà mẹ có con bị nứt đốt sống và 83 bà mẹ khác có con không bị dị tật này. Kết quả đã phản ánh cho thấy, các bà mẹ có con bị dị tật nứt đốt sống, có hàm lượng vitamin B12 trong máu thấp hơn 21% so với các bà mẹ kia. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, nếu thiếu vitamin B12 trầm trọng, tỷ lệ mắc dị tật nứt đốt sống ở trẻ sơ sinh có thể tăng lên gấp 3 lần.

Nứt đốt sống
Thiếu vitamin B12 và dị tật ở thai nhi có nguy cơ sinh ra con hay bị dị tật nứt đốt sống thần kinh

6. Vitamin B12 và não của người cao tuổi

Kết quả nghiên cứu từ Trường đại học Oxford Anh đã thông báo về ảnh hưởng của vitamin B12 đến não của người cao tuổi.

Các nhà nghiên cứu đã định lượng vitamin B12 trong máu của 1.000 người có độ tuổi từ 61 - 87, đồng thời tiến hành chụp cắt lớp não và kiểm tra trí nhớ của họ. Những người này được theo dõi trong 5 năm liên tiếp. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng những người được bổ sung vitamin B12, hoặc có hàm lượng vitamin B12 trong máu cao thì khối lượng não bị teo mất chỉ bằng 1/6 những người già có hàm lượng vitamin B12 trong máu thấp hơn.

Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng của não mà các nhà nghiên cứu không thể kiểm soát được. Chính vì vậy, họ khuyến cáo mọi người chỉ cần thay đổi chế độ ăn bao gồm việc tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin B12 có thể giúp hạn chế teo não ở người cao tuổi và cải thiện trí nhớ một cách đáng kể.

7. Thừa Vitamin B12 có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Bổ sung vitamin B12 từ thực phẩm là cách bổ sung an toàn và hiệu quả nhất. Vì vitamin B12 tan trong nước nên nếu trong trường hợp bổ sung quá nhiều từ thực phẩm, cơ thể có thể đào thải lượng dư thừa qua nước tiểu. Nhưng nếu bổ sung quá nhiều vitamin B12 qua đường thuốc liều cao và kéo dài có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Rối loạn tiêu hóa: Chán ăn, mất cảm giác ngon miệng. Buồn nôn. Tiêu chảy,...
  • Đau đầu, mệt mỏi
  • Phát ban, ngứa ngáy.
  • Tay, chân và cơ mặt thường bị tê, yếu.
  • Có thể dẫn đến các biến chứng về tim mạch như: đau ngực, nhịp tim nhanh, khó thở, cao huyết áp, thậm chí có thể gây suy tim,...
  • Thừa vitamin B12 còn có thể gây tăng cường hoạt hóa các chất đông máu làm tăng đông máu, có nguy cơ gây tắc mạch.
  • Tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt
  • Tổn thương thần kinh thị giác cho người mắc bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc bẩm sinh, gây mù ở trẻ em.
  • Thậm chí có thể gây sốc phản vệ do dị ứng với vitamin B12, điều này có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không xử trí kịp thời. Tuy nhiên phản ứng này rất hiếm gặp ở người bình thường, chỉ có thể gặp ở những người có cơ địa mẫn cảm.

Chính vì vậy việc sử dụng các thuốc bổ sung vitamin B12 nên có sự tư vấn của bác sĩ. Để đưa ra hàm lượng vitamin B12 cần bổ sung thích hợp cho mỗi người, qua đó bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm đo nồng độ vitamin B12 trong máu để xác định tình trạng nhằm có những lời khuyên tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan